RSF tố cáo việc bắt giữ ba blogger
và nhà đấu tranh nhân quyền Việt Nam
Thụy My
25-1-2017
Phóng viên Không biên giới (RSF) phẫn nộ trước làn sóng bắt bớ « dự phòng » của chính quyền Việt Nam đối với ba blogger và nhà báo công dân, xảy ra vài ngày trước Tết cổ truyền. RSF đòi hỏi trả tự do ngay lập tức cho ba blogger và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với họ.
Blogger Trần Thị Nga (còn được biết với tên Thúy Nga) đã bị bắt hôm 21/01/2017 tại nhà ở tỉnh Hà Nam (miền bắc). Bị cáo buộc đã công bố các nội dung chống Nhà nước trên internet, Trần Thị Nga bị khởi tố theo điều 88 Luật hình sự Việt Nam, có khung hình phạt từ 3 đến 20 năm tù cho các hành động « tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ». Là mẹ của hai đứa con, bà Trần Thị Nga được biết tiếng vì bảo vệ những người lao động nhập cư, và nạn nhân các vụ cưỡng chế đất của chính quyền.
Nhà báo công dân Nguyễn Văn Oai bị bắt hai ngày trước đó tại tỉnh Nghệ An (miền trung) vì bị cho là chống người thi hành công vụ, và rời khỏi địa phương không xin phép khi đang còn trong thời gian thử thách. Nguyễn Văn Oai bị bắt năm 2011 và bị kết án bốn năm tù giam kèm theo ba năm quản chế, theo điều 79 Luật hình sự – một điều luật cùng với điều 88 thường được chính quyền sử dụng để làm im tiếng các blogger và nhà đấu tranh trên mạng. Ông Oai được trả tự do tháng 8/2015 sau khi đã thụ án.
Ông Nguyễn Văn Hóa, bị bắt hôm 11/1 và bị biệt giam hơn một tuần lễ. Gia đình ông chỉ được thông báo về vụ bắt giữ hôm 23/1. Nhà báo công dân này bị cáo buộc theo điều 258 Luật hình sự, quy định các bản án tù vì « lợi dụng tự do dân chủ xâm hại lợi ích Nhà nước ». Nguyễn Văn Hóa gần đây đã đưa tin về các vụ biểu tình của người dân chống lại nhà máy thép Formosa Ha Tinh Steel Corporation của Đài Loan, là thủ phạm gây ra nạn ô nhiễm công nghiệp làm chết hàng ngàn tấn cá hồi tháng 4/2016.
Ông Benjamin Ismaïl, phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Phóng viên Không biên giới tuyên bố : « Làn sóng bắt bớ trước dịp Tết Việt Nam chứng tỏ sức ép của chính quyền, mỗi khi xã hội dân sự có dịp bày tỏ một cách tự do về việc vi phạm các quyền của mình và nhân quyền nói chung. Các blogger và nhà báo công dân trên chỉ làm công việc đưa tin về các cuộc biểu tình của người dân, và phát biểu ý kiến về tình trạng vi phạm quyền của đồng bào mình. Tóm lại, các hoạt động của họ nhấn mạnh đến lợi ích công cộng, và thật đáng buồn khi nhận thấy ở Việt Nam, lợi ích chung và nhân quyền lại bị coi là tuyên truyền chống Nhà nước. Chúng tôi yêu cầu cộng đồng quốc tế gây sức ép để họ được trả tự do trong thời hạn sớm nhất ».
Các vụ bắt bớ dự phòng trước khi diễn ra các sự kiện tầm cỡ quốc gia, thường là dưới dạng ép buộc phải mất tích, và quấy nhiễu, đe dọa, tấn công các blogger cũng như người thân của họ, là cách thức mà đảng Cộng sản Việt Nam không ngần ngại sử dụng để dập tắt những tiếng nói độc lập, phê phán. Tháng 10/2016, RSF đã tố cáo chiến lược cô lập các nhà báo công dân và blogger của chính quyền, dẫn đến việc những ai dám tiếp xúc với người ngoại quốc đều có thể bị trả thù.
Việt Nam đứng thứ 175/180 nước trong bảng xếp hạng tự do báo chí thế giới năm 2016.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét