Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

CÙNG ĐỌC CHỮ TRONG TRANH TẾT DÂN GIAN ĐÔNG HỒ

Chữ trong tranh Đông Hồ 
Phùng Hồng Kổn

Theo lý thuyết, ngôn ngữ của hội hoạ là đường nét và màu sắc, tuy nhiên, hội hoạ hiện đại - nhất là tranh trừu tượng, nhiều khi không có đường nét nào, không có hình thù gì, thậm trí màu sắc cũng chỉ là tối thiểu. Ây là chưa kể tới nghệ thuật sắp đặt (installation), nghệ thuật trình diến (performance) đang thịnh hành ngày nay.

Hội hoạ cổ phương đông thì trái lại, ngoài đường nét, màu sắc, còn có cả chữ - hơn thế nữa còn có loại “tranh” chỉ có chữ, gọi là “tự hoạ”, lối vẽ tranh này gọi là “thư pháp”. Chữ giúp người xem hiểu ý đồ của tác giả hơn, chữ bổ sung thêm thông tin cho bức tranh, chữ là những lời bình luận về bức tranh, những lời chúc tụng cho chủ nhân bức tranh v.v... Chữ trong tranh có thể là thơ, là câu đối, tục ngữ, phương ngôn, hay có thể chỉ là một câu nói thường ngày - nhưng ý nghĩa lại rất rộng, rất sâu.

Làng Đông Hồ (xưa còn gọi là làng Mái) thuộc xã Song Hồ huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh có nghề làm tranh từ lâu đời. Khác hẳn với tranh dân gian ở nơi khác, tranh cổ Đông Hồ được in trên giấy Dó đã quét điệp. Đầu tiên các nghệ nhân “ra mẫu” tức là sáng tác mẫu. Tiếp đó mẫu được dán vào tấm gỗ thị rồi “cắt ván”( khắc ván). Một ván nét (contour) và bốn, năm ván màu tùy từng tranh. Sau đó là công việc của cả nhà: Quét điệp lên giấy Dó, phơi khô, in lần lượt các màu, cuối cùng là in ván nét màu đen. Tất cả các màu đều được chế từ chất liệu dân dã như lá tre, lá chàm, hoa hòe…(Đến thời kì nước ta bị thực dân Pháp đô hộ thì ở Đông Hồ xuất hiện loại tranh in nét rồi tô màu bằng phẩm ngoại). “Ra mẫu” là khâu then chốt trong việc làm tranh. Mỗi thời cả làng chỉ có vài nghệ nhân có thể ra mẫu. Những nghệ nhân này không chỉ có khả năng vẽ mà còn là những nhà nho có học hành cẩn thận. Chính vì vậy trên tranh Đông Hồ thường có thơ, câu đối, chữ. Và bản thân tranh cũng thường có đôi gọi là “đôi tranh” (như kiểu đôi câu đối).

Thưởng ngoạn tranh Đông Hồ với phần họa, bạn đã thấy hồn mình được trở về với cây đa giếng nước, với mái tranh tỏa khói lam khi chiều buông… Phần chữ trong tranh sẽ giúp bạn thức dây những cảm xúc mới thú vị.

Chữ trong tranh Đông Hồ chủ yếu là chữ Hán và chữ Nôm.Từ những năm đầu của thế kỉ XX một số nghệ nhân mới đưa chữ quốc ngữ vào tranh. Chữ Nôm là thứ chữ khó đọc. Những bản khắc truyền từ đời này sang đời khác, phần dễ bị tổn thương nhất (bị mòn, bị sứt mẻ) là phần chữ. Đọc được hết chữ trên tranh Đông Hồ là việc không dễ dàng. Nhờ được hầu chuyện các lão nghệ nhân, tôi xin chia sẻ cùng các bạn yêu tranh Đông Hồ những điều lí thú từ những dòng chữ trên tranh và cả những bài thơ xung quanh các bức tranh. Tranh Đông Hồ thì hầu như đều có chữ, vì khuôn khổ của bài báo nên tôi chỉ xin trích ra một số bức tranh tiêu biểu. Để tiện cho bạn đọc theo dõi tôi tạm phân thành hai mảng: Tranh về tín ngưỡng (Có một số tác giả gọi loại tranh này là “Tranh chúc phúc”) và Tranh về cuộc sống đời thường. Sự phân loại ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối, bởi tranh mô tả cuộc sống đời thường nhưng nhiều khi cũng được tác giả gửi gắm nhiều ý nghĩa. 

Tranh về tín ngưỡng: 

Tranh tiến tài, tiến lộc: Trên mỗi tranh là một vị thần, một tay nâng bức quấn thư - tưọng trưng cho việc học hành, tay kia nâng biểu tượng thần quyền. tranh tiến tài có chữ “tài hằng nguyên chí” (của như nước nguồn), tranh tiến lộc có chữ “lộc vị cao thăng” (lộc ngày càng tăng). Đó chính là mong ước của người nông dân thuở trước, họ dán hai bức tranh này ở hai cửa buồng (kiểu nhà năm gian hoặc ba gian hai trái thời xưa) với hy vọng thần tài phù trợ. 

Tranh thổ công, táo quân: Phía trên, một bên là hai ông bà thổ công với chữ: “thổ công vị, thổ công hằng trợ, trạch chủ bình an”, bên kia là ba ông bà táo quân với chữ “táo quân vị, nhật hưởng vinh hoa, niên tăng phú quý”. Phía dưới là cảnh thanh bình, no ấm của nhà nông. 

Tranh ông tơ, bà nguyệt : Các cụ kể lại, ngày xưa nhà nào có con 10 tuổi mà chưa dựng vợ, gả chồng thì tết đến chơi đôi tranh này. Trên tranh có ông tơ cưỡi rồng, bà nguyệt cưỡi phượng đang xe tơ kết tóc cho đôi trai gái. Bên cạnh có đôi câu đối: “ông tơ xe chỉ thắm; bà nguyệt kết giải đào”. 

Tranh về cuộc sống đời thường: 

Gà đại cát nghinh xuân (1) (đón xuân tốt lành): hai con gà đối xứng nhau, hình thể, lông cánh, lông đuôi mang tính ước lệ hơn là tả thực. Chữ đại cát được tác giả đưa vào tranh đã đúc kết mong ước từ ngàn năm và cũng là mong ước hàng ngày của mọi người nông dân. người nông dân trồng lúa nước chỉ mong mưa thuận gió hoà; chăn nuôi thì chỉ mong các con vật hay ăn chóng lớn, cuộc đời chỉ mong khoẻ mạnh, con đàn cháu đống v.v... tất cả đều là những ước mơ giản dị - điều lành lớn. Đôi tranh này có bố cục khác hẳn tất cả các tranh còn lại. trong những tranh khác, chữ - tuy cũng là một phần trong bố cục của tranh, những chỉ chiếm một phần nhỏ, còn ở đây chữ và các hoa văn trang trí chiếm nửa bức tranh - tác giả đã nhấn mạnh ước vọng của người nông dân - đồng thời đó cũng là lời chúc tụng trong dịp xuân mới. 

Gà dạ xướng, nhật minh : một chú gà trống đứng co một chân (kim kê độc lập - tư thế giống gà đại cát), mào, cánh, đuôi, lông mã được cách điệu rất đẹp. Trên tranh có chữ “dạ xướng ngũ canh hoà” (đêm gáy năm canh đều đặn). Vế kia của tranh, vẫn chú gà đó quay trở lại, và dòng chữ “nhật minh tam tác thuỵ” (ngày mang tới ba điều lành). Theo quan niệm xưa, tiếng gà gáy xua tan tà ma, quỷ quái, mang tới may mắn. (tranh này cùng với tranh gà Đại cát thường được sử dụng làm “vi nhét” của sách báo). 

Kê cúc (gà trống bên cây cúc): chú gà trống hùng dũng, một chân gân guốc xoạc ra, chân kia bám vào tảng đá, vươn mình lên như sắp gáy- mà cũng như sắp bước vào một trận quyết chiến. nói theo cách của hội hoạ hiện đại, bức tranh này sử dụng bảng màu “tương túc” (tương phản và bổ túc). hai màu tương phản: đỏ - xanh (tuy đỏ đã ngả nâu) và màu trung gian: vàng. những chiếc lông cánh, lông đuôi của con gà: xanh - vàng - đỏ, rồi xanh - đỏ - vàng, có chỗ lại: xanh - đỏ - xanh cùng những mảng vàng lớn - khiến cho thị giác người xem bị cuốn hút mạnh mẽ, chỉ có ba màu mà ta cảm thấy màu sắc như trùng trùng điệp - ấn tượng rất mạnh. Theo các nghệ nhân cao tuổi, hình ảnh gà trống oai phong, hùng dũng tượng trưng năm đức tính của người đàn ông: văn, võ, dũng nhân, tín.

- Cái mào đỏ tựa như chiếc mũ cánh chuồn - tượng trưng cho văn.
- Chân gà có cựa sắc nhọn như kiếm, dùng để chọi - tượng trưng cho vũ.
- Thấy địch thủ, gà trống dũng cảm xông vào, chiến đấu đến cùng - biểu thị của dũng.
- Kiếm được mồi cùng gọi nhau ăn - biểu thị của nhân.
- Hàng ngày gà gáy sang canh không bao giờ sai, nó đánh thức mọi người dạy đúng giờ - biểu thị của tín.

Trên tranh không có chữ gì nhưng một bài thơ vịnh chú gà này của nghệ nhân Hiền Năng (1912-1993, người sáng tác nhiều mẫu tranh về lịch sử) lại được truyền tụng. Bài thơ có tám câu mà đã sử dụng tới bốn câu phương ngôn về gà: 

Gà trống 

Xưa vốn cùng chung một mẹ mà
Khôn ngoan đối đáp với người ta
Gáy lên bạn hỡi xem trời sáng
Báo để người nghe tỉnh giấc ra
Rõ vẻ giống tông đầu mỏ thế
Lẽ đâu ăn quẩn cối xay nhà
Mặc ai vờ vịt trông ra quốc
Thực giống Hồ đây chẳng phải pha. 

Gà thư hùng : Các cụ kể lại, năm ấy (khoảng 1915) cụ chánh Hoàn gả con gái cho anh phán Vinh, cụ Đám Giác (tên thật là Nguyễn Thể Thức 1880-1943) đã mừng đám cưới bằng một mẫu tranh mới, gà thư hùng: một gia đình gà gồm gà trống, gà mái và đàn con. trên tranh có dòng chữ nôm “lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông”- một lời chúc thật sâu sắc! (con nhà tông không giống lông cũng giống cánh). Gà mái có bố cục theo đường xoắn ốc - tạo nên sự nũng nịu. gà trống được đặt trong một hình thang, đáy lớn nằm trên - tạo nên tư thế chủ gia đình, che trở cho gà mái và đàn con. Bức tranh gợi không khí hạnh phúc , đầm ấm trong một gia đình.

Con trâu - “là đầu cơ nghiệp của nhà nông”, cũng được các nghệ nhân Đông Hồ dành nhiều tâm huyết. Tranh cưỡi trâu thổi sáo có chữ: “Hà diệp cái thanh thanh” (lọng lá sen xanh xanh). Một tầu lá sen dựng đứng như chiếc ô - ý tưởng thật thú vị. Xưa có câu “đàn gẩy tai trâu” - rõ ràng là không đúng với trường hợp này. Con trâu nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế, dáng vẻ của nó khiến ta cũng nghe thấy tiếng sáo réo rắt, thấy bầu trời trong xanh lồng lộng, thấy cuộc sống thanh bình... Tranh cưỡi trâu thả diều có chữ: “Vũ thu phong nhất tướng” (một hình ảnh gió thu múa). Một cậu bé nằm trên lưng trâu thả diều ... rất thi vị. Nhưng,... sao có thể nằm ngửa trên lưng trâu? và diều là một chiếc nón?

Thực tế khó có thể nằm trên lưng trâu mà dong cái diều bằng nón mê như vậy. Thế mà ngắm tranh ta vẫn thấy khoái? Em-ma-nu-en-căng (1724-1804) nhà triết học lỗi lạc người đức cho rằng: “chỉ nên coi cái đẹp chân chính những gì mang lại cho ta khoái cảm, làm cho ta thích thú, tình cảm khi đó là tình cảm thẩm mỹ. sự thoả mãn vì cái đẹp nảy sinh không hề có sự tham gia của lý tính và bởi vậy không thể luận chứng nó về mặt lô gíc được”. Và ta hãy đọc một câu phương ngôn về trẻ chăn trâu: 

“Đầu đội nón mê như lọng che,
tay cầm cành tre như roi ngựa.” 

Con trâu ở đây lại có cách chia sẻ niềm vui với chủ nhân của nó một cách khác - nó “múa”! Các hoạ sỹ hiện đại, những người không thích tuân thủ các quy tắc của hội hoạ cổ điển, những người không vẽ “cái nhìn thấy bằng mắt”, kể cả những hoạ sỹ “sắp đặt” (instalation) - có lẽ trong giấc mơ cũng chẳng thấy mình nằm trên lưng trâu, chiếc nón biến thành chiếc diều bồng bềnh trong không gian! trí tưởng tượng của ông cha mình thật kỳ diệu. Đôi tranh này đã thể hiện “ba trong một”: thơ - nhạc - hoạ. Bức tranh thả diều còn có hai dị bản khác, một bức có chữ “vũ thu phong nhất dực” (gió thu múa, một cánh) bức kia có chữ “nhất tương phúc lộc điền” (một hạnh phúc của nhà nông) - cũng thú vị không kém. Cũng về con trâu, còn có bức em bé chăn trâu với chữ “như quải giác” (gác lên sừng), bức tranh ca ngợi tính hiếu học của tẻ em nông thôn.

Có tác giả còn đưa được ước vọng lớn của cả nhân loại lên tranh, đó là bức vẽ hai con công đang múa , một bên có chữ “thiên hạ thái bình”, bên kia là “quốc gia thịnh trị”. 

Đề tài em bé và các con vật có rất nhiều tranh. Đôi tranh em bé ôm gà, ôm ngan : nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, rạng rỡ của các em bé và con gà, con ngan béo mập - người xem đã hình dung ra cảnh đươc mùa, thóc đầy bồ, gà đầy sân của nhà nông. mong tăng thêm hạnh phúc cho họ, tác giả đề chữ: vinh hoa, phú quý. bé trai ôm con gà, bên cạnh là những bông cúc (kê - cúc) - ước nguyện một tương lai vinh hiển sẽ đến; bé gái ôm vịt, bên những bông hoa sen (liên - áp) - tượng trưng sự trong trắng, thanh cao. Tranh em bé cầm quả phật thủ, quả đào có chữ “chiêu tài tấn bảo, tích ngọc đôi kim”; em bé ôm cóc, ôm rùa , có chữ “nhân nghĩa, lễ trí ”. Cũng về các em bé, đôi tranh sau đây có lẽ còn ít bạn đọc biết tới: Một bé gái không mặc quần áo, ôm quả bưởi, ngồi trong chiếc thúng - rất kín đáo!. Một bé trai mặc yếm, ngồi trên tàu lá - hở hang quá. Còn đây là đôi câu đối trên tranh: “chị cả vẫn vốn giầu - anh chiêu dòng thế đại”. Bạn hãy đọc kiểu trạng quỳnh đi! ... Đôi tranh này có dị bản khác, ghi dòng chữ: “trai tài ôm cóc tía, gái sắc bế cầu xanh”. (Tranh này in nét rồi tô màu phẩm , ra đời vào thời kì nước ta thuộc Pháp).

Một đôi tranh thuộc dạng kinh điển của đông hồ có đề tài về cuộc sống thường nhật, đó là tranh Hứng dừa Đánh ghen. Chàng ở trên cây, đưa xuống hai trái dừa; nàng đứng dưới, nâng váy lên hứng (thử hình dung hai quả dừa thật mà rơi vào cái váy kia thì điều gì sẽ xảy ra?). Trên tranh có câu thơ nôm: 

Khen ai khéo dựng nên dừa
Đấy trèo ,đây hứng cho vừa một đôi. 

Đây hẳn là lời người vợ, “đấy trèo”, “đây hứng” – một gia đình thật hạnh phúc. Theo triết lý âm dương, trong âm có dương, trong dương có âm, trong may có rủi, trong rủi có may, trong hoạ có phúc, trong phúc có hoạ ...Ta hãy xem vế kia. Tranh hứng dừa êm đềm bao nhiêu thì tranh đánh ghen sôi động bấy nhiêu. Bà vợ cả đã nóng máu, “lành làm gáo, vỡ làm môi”, quyết định cắt tóc dì hai. Bà hai thật trơ chẽn, trong tình trạng trần trụi, nép vào chồng nhưng lại dơ nắm tóc ra thách thức. Ông chồng can ngăn: 

Thôi thôi vuốt giận làm lành
Chi điều sinh sự nhục mình, nhục ta. 

Miệng nói thế nhưng ông này tay vẫn đang nắn “oản bụt”. (trạng quỳnh cũng xin thua các nghệ nhân Đông Hồ!) tuy nhiên, lời can ngăn của ông chồng cũng khéo, ta có thể hy vọng ngày mai, bà cả, bà hai cùng nâng váy hứng dừa.

Về sau, vẫn đề tài này, cụ Đám Giác vẽ đôi tranh mới: Tranh hứng dừa có tới hai đôi vợ chồng! dòng chữ “trong như ngọc, trắng như ngà” có lẽ ám chỉ ... dừa? Trong tranh đánh ghen mới, ông chồng để râu ria nom hơi già nhưng lại có vẻ rất “phong độ”. Trên tranh có dòng chữ “nhân lão như tâm bất lão” (người già nhưng lòng không già) – bên Nôm bên Tự, thật hóm hỉnh. Các cụ kể lại, lúc xem cụ Đám Giác vẽ bức tranh này mấy cụ khoái lắm, có cụ bảo “Cụ cho cái váy nó cao cao lên tí nữa”!

Ngày xưa hai đôi tranh này được chơi nhiều nhất, bên dưới tờ tranh có người còn viết thêm những câu thơ: Lời người vợ hai: 

Măng non nấu với gà đồng
Thử chơi một trận xem chồng về ai 

Lời đứa con vợ cả: 

Mẹ về tắm mát nghỉ ngơi
Ham thanh chuộng lạ mặc thầy tôi với dì.

Theo lời các cụ, những lúc “trà dư tửu hậu”, ngắm tranh Hứng dừa, Đánh ghen, các cụ thường đọc ca dao, thơ về đề tài này, những buổi như thế tiếng cười luôn oà đầy nhà. Xin chép lại vài bài, bạn đọc đồng cảm thì ta cùng “nhâm nhi” 

Thân em làm lẽ chẳng hề
Có như chính thức mà lê giữa giường
Tối tối chị giữ mất buồng
Cho em manh chiếu nằm xuông chuồng bò 
Mong chồng chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống gà o-o gáy dồn
Cha mẹ con gà kia sao mày vội gáy dồn
Mày làm cho tao mất vía kinh hồn về nỗi chồng con. 

hay: 

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Năm thì mười hoạ chăng hay chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Ví biết sự tình ra thế thế
Thì trước âu đành ở vậy xong. 
Hồ Xuân Hương.

Một điều thú vị, không như trong ca dao hay trong thơ hồ xuân hương, người vợ lẽ luôn bị lép vế, trong tranh đông hồ người vợ lẽ đang chiếm thế “thượng phong”!
.


Bức tranh Đám cưới chuột rất nổi tiếng, trên tranh không có thơ nhưng bài thơ sau của Nghệ nhân Nguyễn Thể Thức lại được truyền tụng: 

Khôn khổn khồn khôn đã có đuôi
Đỗ cao cưới vợ tiếng rầm trời
Chú mèo vừa mớ nghiêng đầu ngó 
Lễ cá sai quân đệ tới nơi. 

Nghệ nhân Nguyễn Thể Thức còn có đôi tranh, bức thứ nhất đề: “cử chỉ hữu cương thường”, một ông lão nói với chàng trai: 

Tre già dẻo đã có thì
Còn phần tràng trực để tuỳ người sau
.



bức kia là “kim ngân hoá luật lệ” và câu thơ: 

Lệ luật thì giáp là trên
Kim ngân hoá ất vượt lên ai bì 
(Hai bức này được in nét rồi tô màu bằng phẩm)

Ngày nay trẻ em được biết chuyện trê cóc qua phim hoạt hình, còn ngày xưa bọn trẻ được nghe ông bà kể lại, đồng thời được chơi Tranh trê cóc. Ở một bức, cóc đệ đơn lên thái phủ (cá chép), xung quanh trê (lý dịch) có một bầy cá, tôm, cua, ốc - xem ra có vẻ ủng hộ trê, chống lại cóc. Cóc không nản chí, tuyên bố (chữ trên tranh):
.



Giỏ ai quai nấy giành giành 
Giương vây thích ngạnh tranh hành chẳng xong. 

Trên bức kia, trạng sư, thông ngôn, hội đồng (chữ trên tranh) đều họ nhà ếch nhái cả. Trạng sư phán quyết: 

Đánh thầy gửi trả hội đồng
Đứt đuôi nòng nọc thời công viên thành. 

Bầy cá, tôm trong tranh rất sinh động là nguồn cảm hứng cho nghệ nhân Niền Năng sáng tác bài thơ sau, mỗi câu có vài loài cá: 

Vượt vũ môn 
Tôm tép xem ra cũng hội đồng
Xôn xao cân cấn với đòng đong
Trôi chày đỏ mắt nằm trông nước
Trê sộp đen lưng núp dưới dòng
Rô nọ chờ mưa lên đỉnh núi
Mè kia đợi nước vượt ra sông
Bể khơi những muốn vươn mình trắm
Cửa vũ vùng lên chép hoá rồng. 

Cùng thời với nghệ nhân Nguyễn Thể Thức còn có nghệ nhân Vương Ngọc Long (1887-1944). Cụ dạy chữ nho nên thường được gọi là cụ đồ Long. Cách làng Đông Hồ chừng 1 km có một đồn Tây (hiện nay mấy cái lô cốt vẫn còn). Lính Tây thường từ đây đi lùng sục vào các làng nhũng nhiễu dân chúng. Thế nhưng những dịp tết Tây chúng lại tổ chức hội hè có cả các trò chơi cổ truyền của ta như Múa lân, Rước rồng, và cả những trò chơi mới như Leo cột mỡ, Liếm chảo...Cụ đồ Long đã sáng tác các bức: “Cóc Tây múa kì lân”, “Chuột Tầu rước rồng vàng”. Cụ đồ Long là một trong những tác giả đầu tiên đưa chữ quốc ngữ lên tranh Đông Hồ. Cóc và chuột là những con vật trong tranh cổ Thầy đồ cóc và Đám cưới chuột nay được gán cho Tây, Tầu! (đôi tranh này cũng được in nét, tô màu).
.



Cũng thời kì này, cụ Long còn sáng tác hai bức “Văn minh tiến bộ toa tăng xương- phong tục cải lương moa tăng phú” nghĩa là: Thời đại văn minh tiến bộ anh hãy cẩn thận; Phong tục thay đổi, tôi cóc cần”. Tiếng tây bồi, viết bằng chữ nôm - thật thú vị.

Vẽ tranh chưa bày tỏ hết được cảm xúc của mình thì làm thơ. Xem tranh, cảm xúc dâng tràn - cũng làm thơ. Nhà thơ Hoàng Cầm (quê ở làng Lạc Thổ, cùng xã với làng Đông Hồ) viết 

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy Điệp” 

Còn những người nông dân quê mùa thì truyền khẩu: 

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh”.

PHK
(1) Hiện nay ở làng Đông Hồ không có bức tranh “Nghinh xuân”. Căn cứ vào các tư liệu sưu tầm được tôi phục chế lại bức tranh này và bức “Nhật minh tam tác thụy” (PHK)

*Bài viết do tác giả gửi riêng NXD-BLog. Xin chân thành cảm ơn tác giả!

8 nhận xét :

  1. Ngày xưa ở quê tôi, Bờ Nam Sông Bến Hải, có tranh vẽ tay của ông Thầy Thí, thường thường đủ một bức tranh là 4 tấm, khổ giấy bồi khoảng 25cmX 80cm, tranh thường có tên tranh NGƯ TIỀU CANH MỤC, MAI LAN CÚC TRÚC, LONG LÂN QUY PHỤNG, Sĩ NÔNG CÔNG THƯƠNG, TỨ HỶ TỀ LAI, Ngoài ra có loại tranh 2 tấm như tranh TIÊN LÃO, tranh LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ, tranh MẸ GHẺ CON CHỒNG...vvv. Ông Thầy Thí là một thầy Nho, nhưng đúng là một họa sĩ cổ điển, Ông lấy mực xạ và son để vẽ 2 màu đen trắng, còn các màu khác ông tự chế lấy, những tấm tranh cũ khoảng 10 năm nhưng màu vẫn không phai, nét vẽ của ông rất có hồn, bức vẽ nào cũng có một màu sắc riêng, nên trong làng có câu
    Vẽ Tranh thầy Thí,trồng Bí Ông Lào, giếng đào ông Trọng....

    Trả lờiXóa
  2. Phài chi ở phần "Tranh về tín ngưỡng" và "Tranh về cuộc sống đời thường" có đính kèm tranh minh họa thì người đọc sẽ lĩnh hội tốt hơn.
    Cám ơn tác giả

    TH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác HaiSG đã "phải chi".

      Khí tác giả Phùng Hồng Kổn gửi bài, mỗi phần đều có hình ảnh. Rất nhiều. Đáng tiếc là việc xử lý nó mất quá nhiều thời gian! Để ra giêng lúc nào rảnh tôi sẽ đưa thêm, bác nhé!

      Kính thư
      Lâm Khang

      Xóa
  3. Rất hay! Đặc biệt cám ơn sự dí dỏm của bác Phùng Hồng Kổn, tôi đọc mà cứ phải tủm tỉm cười hoài!

    Hình như học hỏi nghiên cứu văn hóa cổ của cha ông mình, mình cũng được lây cái tính cách hồn nhiên vui vẻ - kỳ lạ và kỳ diệu - của tổ tiên, các bác nhỉ? Tôi đặc biệt thích đoạn nói về tranh Hứng Dừa, và còn thích hơn nữa, cái vụ ghen tuông vợ cả vợ lẽ:

    "... Theo lời các cụ, những lúc 'trà dư tửu hậu', ngắm tranh Hứng dừa, Đánh ghen, các cụ thường đọc ca dao, thơ về đề tài này, những buổi như thế tiếng cười luôn oà đầy nhà..."

    Những thông tin này giúp tôi hiểu hơn cái "thần" hài hước trong bài thơ Làm Lẽ của Hồ Xuân Hương. Bấy nay tôi cứ thắc mắc một nữ sĩ rất khoáng đạt như Hồ Xuân Hương thì làm sao ta có thể giải thích bài thơ đó như một lời than thở tiêu cực của "thân phận phụ nữ dưới ách phong kiến", hay thậm chí "mang tinh thần đấu tranh giai cấp" được? Hóa ra thơ Hồ Xuân Hương đâu có xa cách gì với cái "hồn hóm hỉnh" lạ thường nơi văn hóa Việt! Xét về mặt tâm lý thì đây là một nét son rất độc đáo của người Việt xưa, trước cái ám ảnh căng thẳng vốn đè nặng lên tâm thừc nhiều dân tộc: tính dục!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Ha Le nói đúng thế!
      Tôi cũng nghe thấy tiếng bác cười khúc khích.

      Xóa
  4. Nhân xem bài tranh đông hồ, xin hỏi ts Diện chữ nôm và chữ hán giáng và khác nhau thế nào? Tôi không phân biệt được, chỉ biết một khái niệm là chữ nho thôi, trong khi tôi rất thích "chữ".
    Cám ơn tiến sỹ.
    Dũng_Ninh Thuận.

    Trả lờiXóa
  5. Một Ông Bạn hỏi TS DIỆN chữ Nôm Và chữ Hán có khác "giáng" hay dạng của nhau không? Đây là việc của TS Diện trả lời, nhưng câu hỏi trùng với ý cháu tôi nó hỏi tôi năm kia cùng tương tự như thế? cũng là một câu hỏi khó trả lời, cuối cùng tôi phải trả lời là "đồng dạng", về mặt chữ thì đồng dạng nhưng cách đọc chữ Nôm thì đọc âm Việt Nam, và Chữ Hán thì tùy theo cách đọc của mỗi nước, còn chữ Hán thì dùng chung cho toàn lãnh thổ Trung Hoa là một thứ chữ, thành ra ông cháu cãi nhau, tôi cũng phân tích chữ Nôm với cách tượng hình, hóa âm, hay hội ý, cũng biến thể mượn chữ Hán để hóa âm để đọc chữ Việt, ngày xưa chưa có chữ Quốc Ngữ theo vần ABC, người ta biết vịn vào đâu để thực hiện viết chữ Việt, nhờ thế ta có những tác phẩm văn chương tuyệt tác như Chinh Phụ Ngâm, Truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc vv... Nó cũng đồng ý Ông Nội nói đúng, nhưng chỉ đúng một phần, tôi cũng thừa nhận cháu tôi nó có nhận thức đúng, nhưng tôi cũng không trả lời thêm được nữa. tiện đây xin chào ông bạn Dũng - Ninh Thuận và cũng xin được biết thêm ý kiến của TS Nguyễn Xuân Diện và nhiều vị uyên thâm. kính chúc Xuân Nhâm Thìn hạnh phúc

    Trả lờiXóa
  6. NGUYỄN BÍNH : ông VUA TRỮ TÌNH THỜI HIỆN ĐẠI


    XUÂN VỀ

    Đã thấy xuân về với gió đông
    Với trên màu má gái chưa chồng
    Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
    Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong

    Từng đàn con trẻ chạy xum xoe
    Mưa tạnh trời quang nắng mới hoe
    Lá nõn nhành non ai tráng bạc
    Gió về từng trận gió bay đi

    Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
    Lúa thì con gái mượt như nhung
    Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
    Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng

    Trên đường cát mịn một đôi cô
    Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
    Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
    Tay lần tràng hạt miệng nam mô.

    Trả lờiXóa