Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

NGHỊCH LÝ MANG GƯƠM ĐI MỞ CÕI!


NGHỊCH LÝ MANG GƯƠM ĐI MỞ CÕI!
 
Sáng nay, báo điện tử Tầm Nhìn chỉ còn trang… trắng, nghiêm túc thực hiện lệnh đình bản. Báo điện tử Tầm Nhìn thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật VN, hiện tại không có Tổng Biên tập, chỉ có ông Huỳnh Văn Nam làm Phó Tổng Biên tập phụ trách.

Trên diễn đàn Quốc hội gần đây có ý kiến: “Hễ thứ trưởng về hưu thì xin thành lập hội, để xin nhà, xin xe, xin biên chế”. Chính xác, Thứ trưởng Bộ Thủy Sản – Nguyễn Hồng Minh về hưu thì thành lập Hiệp hội Thủy sản VN, thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp – Hồ Xuân Hùng về hưu thì thành lập Tổng hội Nông nghiệp VN. 

Ngân sách gánh không xuể, mà còn nảy sinh hệ lụy: tạo ra một lớp người bám lấy hội để làm… lãnh đạo suốt đời. Ví dụ, ông Đào Nguyên Cát sinh năm 1927, vẫn giữ ghế Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam từ năm 1991 đến nay, vì tờ báo này thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

Ông Huỳnh Văn Nam muốn tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các bậc tiền bối chăng? Có thân phụ nức danh thi tướng Huỳnh Văn Nghệ “từ thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, con đường quan lộ của Huỳnh Văn Nam khá hanh thông. Ông Huỳnh Văn Nam đảm nhiệm cương vị Tổng Giám đốc Đài truyền hình TPHCM- HTV từ tháng 8-2002 đến tháng 3-2011. Noi gương bố, ông Huỳnh Văn Nam thời ngự trị ở HTV thích làm thơ, và đưa cho những nhạc sĩ dưới trướng như Kiều Tấn hoặc Hồng Sơn phổ nhạc thành những ca khúc từ dở ít đến dở nhiều.

Không ai phủ nhận phẩm chất thi sĩ của Huỳnh Văn Nam. Thế nhưng, nghịch lý thay, lúc đương chức để làm báo, thì ông lại đi làm thơ. Còn lúc về hưu để làm thơ, thì ông lại đi làm báo.
Bây giờ báo điện tử Tầm Nhìn do Huỳnh Văn Nam làm Phó Tổng Biên tập phụ trách, đã bị đình bản, càng nghĩ càng thấy thương phần số vất vả của ông Huỳnh Văn Nam.

Sao mà tay ôm tay níu chi cho khổ thế, ông Huỳnh Văn Nam ơi! Thơ của bố ông- thi tướng Huỳnh Văn Nghệ nhắc nhở rành rành rồi còn gì. 

Không tin ư, bài “Thú tội” viết năm 1939 ở quê nhà Tân Uyên – Bình Dương, Huỳnh Văn Nghệ đã ngậm ngùi:

"Phải mẹ để mặc cho con ngu dốt
Không hiểu đời và thế giới bao la
Con có thể tìm vui và hạnh phúc
Giữa gia đình đầm ấm tháng năm qua.

Mẹ lại nhịn trầu cau mua mực viết
Nhịn bánh quà để mua sách cho con.
Những lúc ấy, mẹ ơi có biết
Mẹ vô tình đã mua lấy đau buồn?

Giờ con lại vụng khờ hơn thiên hạ
Chịu thua tình và thất bại với tiền
Phải mẹ biết con muốn làm thi sĩ
Thì mẹ ơi, chỉ xiết nỗi ưu phiền!

Mẹ kể như một đứa con đã mất
Cây mẹ trồng sẽ không trái bao giờ
Công vun tưới bằng mồ hôi, nước mắt
Để không ngờ chỉ hái những hoa sâu".


Chưa hết, bài thơ “Lời chim” được Huỳnh Văn Nghệ viết tại Sài Gòn năm 1945, nếu liên hệ với thực tế làm báo hôm nay thì thấm thía khôn nguôi:

"Con cứ tưởng: phước trời riêng con hưởng
Khi mới bay chập chững dưới chân đồi.
Con cứ tưởng: khi tập tành hát xướng
Rằng đời chim chỉ để hát ca thôi.

Chịu sao nổi, nỗi tham tàn nhân loại
Cánh chim non, dễ bay thấu tận trời
Trí chim kém, dễ gì qua cung bẫy
Lời đau thương nào thấu được tai ai!"

Nhân chuyện báo điện tử Tầm Nhìn bị đình bản, nghĩ đến Huỳnh Văn Nam và đọc lại thơ Huỳnh Văn Nghệ, bỗng gợi lên bao nhiêu suy tư. Chao ôi, thơ bố lại vận vào đời con!


2 nhận xét :

  1. Ông Huỳnh Văn Nghệ nhìn xa
    Mà ông Nam vẫn sa vào lời thơ
    Té ra răn kẻ khù khờ
    Con còn chẳng hiểu, lơ mơ người đời?

    Trả lờiXóa
  2. cho thành lập các hội nhưng không ăn ngân sách nhà nước

    Trả lờiXóa