Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

XÓA BỎ BỆNH SÍNH BẰNG CẤP, VỰC DẬY TINH THẦN THỰC HỌC


XÓA BỎ BỆNH SÍNH BẰNG CẤP, VỰC DẬY TINH THẦN THỰC HỌC

Phỏng vấn PGS-TS Đoàn Lê Giang
Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM.

(Bài viết đã bị/ được BBT thay đổi nhan đề)

Người thực hiện: PV Phiên An

* Thầy đánh giá như thế nào về vấn đề thực học của giáo dục Việt Nam hiện nay?

- Thực học, theo nghĩa rộng, là cái học xuất phát từ việc tìm hiểu tự nhiên, xã hội và con người, rồi từ đó ứng dụng vào đời sống, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người. Với hàm nghĩa này, thực học là một phong trào rộng lớn, chống lại hư học, là cái học viển vông, lỗi thời không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Phong trào này bắt đầu từ thế kỷ XIX ở các nước Đông Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam. Ở nước ta phong trào Duy tân và trường Đông Kinh Nghĩa Thục vào đầu TK XX chính là phong trào đấu tranh cho thực học. Tinh thần thực học của các phong trào ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay, chuyện thực học lại có thêm những vấn đề mới. Khái niệm “thực học” hôm nay được hiểu theo nghĩa mới là học thật, trình độ thật, không phải bằng cấp giả, hay học giả bằng thật. Tình hình hiện nay còn tồi tệ hơn tình hình giáo dục trước kia. Trước kia, người nho sĩ giỏi về tứ thư ngũ kinh, thi đậu các kỳ thi nho học, thì dù là hư học, nhưng anh ta vẫn có học, vẫn có trình độ nhất định. Còn bây giờ, ngay cái người xưa gọi là hư học, thì nhiều người có bằng cấp vẫn không đạt được. Vấn nạn bằng cấp giả của hôm nay còn tệ hơn sự hư học ngày trước. Anh không có trình độ thật nhưng lại chạy theo các danh hiệu giả, bằng cấp giả - học giả bằng thật. Từ đó dẫn đến tình trạng buôn bán bằng cấp, mua danh vọng để mà trục lợi, khoe khoang với đời.

* Nhìn về lịch sử giáo dục nước nhà, theo thầy, tinh thần thực học có bao giờ trở thành một “thực tế lịch sử” của chúng ta?

- Tôi vẫn nghĩ trường Đông Kinh Nghĩa Thục cho đến nay vẫn là ngôi trường có tư tưởng giáo dục hay nhất. Những người sáng lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã áp dụng một chương trình giáo dục vào loại tiến tiến nhất bấy giờ. Về khoa học tự nhiên, các cụ chủ trương dùng chương trình của các trường Pháp Việt, mà nền giáo dục Pháp lúc bấy giờ đang là nền giáo dục phát triển cao nhất thế giới. Các cụ mình chống Pháp nhưng vẫn dạy chương trình của họ. Ngôn ngữ trong nhà trường là tiếng Việt với chữ Quốc ngữ. Về ngoại ngữ, các cụ chủ trương phải học tiếng Pháp và Hán văn, vừa giúp học sinh hiện đại hóa kiến thức có thể tương thông được với thế giới bên ngoài, lại vừa giúp cho học sinh hiểu sâu sắc văn hóa của nước mình. Trong sinh hoạt học tập, Nhà trường chủ trương tự do học thuật, cho học sinh thường xuyên thảo luận về các vấn đề học thuật, xã hội đương thời mà không né tránh bất cứ điều gì. Tinh thần giáo dục ấy, đến nay vẫn chưa ai theo được. 

Sau 1945 tinh thần thực học bị chi phối bởi thực tế chiến tranh, và được thực hiện ở 2 miền Nam Bắc khác nhau. Ngay ở miền Bắc, ngày trước vẫn chú trọng trình độ học vấn thực sự. Hồi ấy quy định, người có tốt nghiệp đại học tại chức thì không thể học cao hơn. Phải học chính quy, và phải là sinh viên khá giỏi mới được Nhà nước cử đi sang Liên Xô, Đông Âu để lấy bằng phó tiến sĩ. Hay người có bằng tại chức một số ngành có thể bị cấm đảm trách một số công việc. Ví dụ có bằng đại học tại chức xây dựng thì dẫu có thể làm quản lý, nhưng không được thiết kế công trình.

* Vậy những cơ chế nào đã khiến cho giáo dục hiện nay không thể thực hiện được môi trường học thuật như trước?

- Giáo dục hôm nay trở nên tụt hậu, giả dối và xuống cấp như vậy trước hết là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo về giáo dục. Hệ tại chức ra đời từ thực tế giải quyết hậu quả chiến tranh. Đất nước ta đi ra từ chiến tranh, rất nhiều người không có điều kiện học hành nghiêm túc, nhiều người tham gia hệ thống lãnh đạo rồi nhưng không có trình độ, nên Nhà nước phải sinh ra các hình thức bổ túc, hàm thụ, tại chức… để giúp họ có được bằng cấp trong thời gian ngắn nhất. Những bằng cấp này lại được Nhà nước thừa nhận tương đương với các bằng chính quy, nên người ta có thể học lên cao. Đáng lí ra hệ tại chức đã hoàn thành sự mệnh của nó, nhưng đến bây giờ, nó vẫn còn tồn tại với hình thức vừa học vừa làm. Việc duy trì chế độ bổ túc, tại chức hiện nay lại thiếu vắng những chế tài cần thiết (ví dụ như: không được học tiếp sau đại học để lấy bằng thạc sĩ hay tiến sĩ). Vì thế có những hiện tượng không hiểu nổi: có người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ rồi mà hỏi ra lại không có bằng tốt nghiệp phổ thông! 

Tình hình học giả bằng thật hiện nay càng ngày càng tràn lan. Hiện nay đại học bùng nổ gần như không thể kiểm soát được. Tỉnh nào cũng có trường đại học, thậm chí có đến hai, ba trường. Và đại học tỉnh nào cũng được cấp bằng cử nhân, sắp tới đây sẽ mở thêm cả hệ thạc sĩ, tiến sĩ nữa. Trong khi ở các nước không phải trường đại học nào cũng có thể cấp bằng cử nhân, hay được phép đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Nước mình hiện nay đào tạo đại học, sau đại học rất dễ: thiếu cơ sở vật chất thì đi thuê, thiếu bằng cấp thì cũng thuê giáo sư về hưu ở nơi khác đến. Tất cả đều đối phó hết, tất cả đều được cho qua. Bây giờ các trường chỉ lo thiếu người học chứ không lo không xin được giấy phép đào tạo. Chất lượng bằng cấp yếu kém là do vậy.

Đất nước ta tham nhũng có hạng trên thế giới, điều ấy đã được các cấp lãnh đạo và báo chí nói đến nhiều lần. Ngành giáo dục cũng nằm trong tình trạng chung đó. Khi đồng tiền chi phối bằng cấp thì tình trạng lạm phát bằng cấp, học giả bằng thật tràn lan là điều dễ hiểu. 

* Tình trạng chạy theo bằng cấp hiện nay, cho thấy dường như xã hội chúng ta đang có những ngộ nhận nào đó về vấn đề bằng cấp?

- Đúng vậy. Thứ nhất, người ta ngộ nhận bằng cấp cao là có trình độ cao. Cứ tưởng anh có bằng tiến sĩ thì anh giỏi hơn thạc sĩ, anh có bằng thạc sĩ lại tưởng giỏi hơn anh cử nhân. Thực ra thì không hẳn như vậy. 

Thứ hai, ngộ nhận giữa bằng cấp lý thuyết với công việc thực tiễn. Tiến sĩ là bằng cấp có tính lý thuyết, đề tài tiến sĩ là loại đề tài dành cho việc nghiên cứu các vấn đề lý thuyết của chuyên ngành, chứ bản thân đề tài tiến sĩ không giải quyết một vấn đề thực tế, cụ thể nào đó. Các công việc đòi hỏi tính lý thuyết như thế là việc ở các viện nghiên cứu, các trường đại học. Bây giờ nếu Nhà nước yêu cầu ai có bằng tiến sĩ thì phải về các trường đại học và các viện nghiên cứu, thì hẳn sẽ có rất nhiều người vứt hay giấu hết bằng cấp đi. Vì người ta nghĩ rằng có thể trục lợi được từ tấm bằng ấy thì họ mới đi học, mới giữ tấm bằng đó để khoe khoang. Nếu bắt họ về làm nghiên cứu, giảng dạy đại học, trong khi các trường không thèm nhận vì trình độ họ quá kém, hẳn họ phải giấu hết bằng. Có thể nói lúc đó số 24.000 tiến sĩ như hiện nay có khi giảm xuống vài nghìn mà thôi.

Thứ ba, ngộ nhận giữa bằng cấp cao và trí thức. Cứ tưởng có bằng tiến sĩ là trí thức nên anh phải là những người tử tế. 

Sự ngộ nhận về bằng cấp không chỉ đào tạo ra những người bất tài mà còn góp phần làm băng hoại đạo đức. Anh học tắt, đi tắt, làm tiến sĩ tắt thì lấy đâu ra nhân cách? Nhân cách hình thành từ chỗ anh là người có năng lực thực sự và anh tin rằng trí tuệ, tri thức có giá trị và có ý nghĩa đối với việc giải quyết những vấn đề của đời sống. 

* Chúng ta cần có giải pháp nào để khắc phục căn bệnh chạy theo bằng cấp đồng thời vực dậy tinh thần thực học trong học đường và ngoài xã hội?

- Vấn đề này rất khó. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Muốn vực dậy được tinh thần thực học, muốn xóa bỏ bệnh sính bằng cấp, học giả bằng thật trong giáo dục ta phải làm thế nào? Chúng ta đã nói đến nguyên nhân ở trên, vậy thì giải pháp sẽ xuất phát từ các nguyên nhân ấy. 

Trước hết muốn giải quyết cho hết nạn học giả dối, thì cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, phải tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh tế, để cho quan chức nhà nước không tìm thấy lợi ích kinh tế nào khi ở các chức vụ quản lý. Tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình ở các cơ sở công lập. Vì chỉ có hệ thống nhà nước mới sử dụng, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cho những người có bằng cấp cao mà kém cỏi. 

Thứ hai cần phải dứt khoát không bổ nhiệm những người có bằng cấp nhưng không có trình độ thật hay chuyên môn của họ xa với lĩnh vực quản lý. 

Thứ ba phải đẩy mạnh việc phân tầng đại học, xếp hạng đại học. Chỉ có những trường đại học định hướng nghiên cứu, những trường có thứ hạng cao, cơ sở nghiên cứu đầy đủ, tiên tiến, có đội ngũ giáo sư, tiến sĩ hùng hậu mới cho đào tạo sau đại học. Chấm dứt nạn thuê mướn bằng cấp giáo sư, tiến sĩ ở nơi khác đến để mở hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. 

Những vấn đề của nước ta đều đã có câu trả lời ở các nền giáo dục tiên tiến, như Mỹ, Anh, Nhật Bản... Vấn đề chỉ ở chỗ chúng ta có quyết tâm làm hay không mà thôi. 

(Tập san Đại học Quốc gia TP.HCM, số 174 (tháng 6.2016)

11 nhận xét :

  1. Chắc chắn pgs.ts Giang biết rõ nhưng không thể nói toạc ra,vấn nạn sính bằng cấp là do "quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối" đẻ ra.
    Ngày nào cái quyền đó còn tồn tại thì cái vấn nạn kia không có cách gì dẹp được.

    Trả lờiXóa
  2. Thầy thông cảm. Không bằng cấp ai cho chunge em làm lãnh đạo ạ

    Trả lờiXóa
  3. Vấn nạn sính bằng cấp của ta.
    Tôi thấy thật nực cười, năm 1999 gì đó, ông Phan Văn Khải làm TT, có văn bản quy định, công chức, VC, lãnh đạo phải có bằng này, bằng nọ ...mịa trong kí bộ máy, ăn tàn - phá nát, lãnh đạo các ngành, các cấp hầu như là bọn vô học và lũ thất học ngự trị, và trong cuộc họp CB, tôi nói ngay; nền hành chính của ta, đang hành Dân là chính, tiêu cực đang "vùng lên" quốc nạn tham nhũng đang hoành hành, giờ thêm cái chủ trương này nữa thì tương lai, chế độ. . .đất nước sẽ thế nào ? trong xã hội, những thói hư tật xấu đang bùng phát,chủ trương này là thêm một tội ác nữa . . .quy định thế này, khá cgi2 khuyến khích tội phạm .v.vv. và chuyện tiêu cực trong giáo dục, sẽ là một cái họa khó lường cho chế độ ! nhìn chung mọi người suy nghĩ, duy nhất có một đ/c (văn hóa: đọc báo chưa rành mặt chữ) phê phán tôi la nói qúa.
    Hiện này, đang là GĐ sở. tôi và hắn cùng tuổi cùng ấp, cùng học tiểu học với nhau một lớp, hắn học lên lớp 4 thì bỏ học vì học ngu qúa ! khi tôi lên THPT,từ Huyên lị về xã cũng xa, nên mỗi tháng, có tuần về nhà, tuần ko, khi tôi vào ĐH, lên SG năm sau, hè về quê, những ngày nghỉ, tôi có mấy lần ghé thăm hắn, anh thật sự là một lão nông, đầu óc đờ đẫn, nhưng ... thật sững sờ, sau ba tháng thực tập, tôi đang bận với cái luận văn chuẩn cho kỳ thi tốt nghiệp đại học, trong tâm trạng, đầu óc một mỏi, tôi ghé nhà người bà con chơi chút cho đầu óc đỡ đi phần nào căng thẳng, gặp hắn ta, hắn bảo mình đang thực tập. . . tôi tưởng mình nghe nhầm, hỏi hắn, lúc này, đồng ruộng, mùa màng thế nào ? hắn cười tươi, nói lại, mình đang thực tập ở thành phố này, và người bà con nói, anh. . . học trường . . . đang thực tập với thằng con anh Tư Bánh, con ông Bảy ngàn, ở ấp I. . ngã ba Cà Nổ í. . . tôi ngớ người ra, sau ít phút, tôi phải thôt lên, bạn giỏi qúa ! hơn chục năm sau, khi nghe tin hắn lên trưởng phòng, tôi vẫn không tin, mà như là một giấc mơ vậy ? Khi hắn lên PGĐ và GĐ...
    Nhìn những phi lý, nghịch lý ... trong các chính sách vi mô - vĩ mô ... và các sếp của mình, thấy hiện tượng "hắn ta" là phổ biến !
    Chuyện ông Trịnh Xuân Thanh là chuyện nhỏ, không bằng 1/1000 cái lông con thỏ ! việc Phạm Công Danh, mặc cả với tòa án, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho ông ta, thì ông ta sẽ lại qủa cho ... 4.700 tỷ đồng. .. là Bình Thường. . . trong công đường thui !!!

    Trả lờiXóa
  4. Chỉ có thay đổi cơ chế, chuyển sang dân chủ mới làm chuyển biến được tình trạng sính bằng cấp hiện nay.

    Trả lờiXóa
  5. May cho ông Trần Đại Nghĩa là đã sinh ra sớm 7 chục năm. Thời nay thì ông không thể vào làm cơ quan nhà nước được vì hồ sơ kỹ sư của ông sẽ phải xếp sau hồ sơ của hàng trăm nghìn thạc sĩ thất nghiệp.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đến tỷ phú Bil Gates nếu sang Việt Nam xin làm chân gác cổng của các cơ quan hành chính của Hà Nội cũng không được,vì sắp tới 100% nhân viên cũng phải là TS theo quy hoạch rồi

      Xóa
  6. Ông này xúi dại, em không nghe. Vậy làm sao em lên chức được

    Trả lờiXóa
  7. Dân thì phải HỌC THẬT
    Chỉ có quan mới cần và có điều kiện HỌC GIẢ!

    Trả lờiXóa
  8. Không được đâu ông gs ạ. Vì nhu cầu cần có của xã hội hôm nay. Mọi cái đều gian dối hết

    Trả lờiXóa
  9. Đảng hãy đọc bài viết về giáo dục của PGS TS ĐOÀN LÊ GIANG , sau đó Đảng suy nghĩ và cho biết có tìm ra nguyên nhân tụt hậu trong các bộ ngành của Chính Phủ hay không ? Nếu không tìm ra và cũng không khắc phục kịp thời thì Đảng nên dũng cảm từ bỏ quyền lãnh đạo toàn diện đất nước một cách hiển nhiên như hiến pháp đã ghi , từ bỏ cũng phải kịp thời . Có như vậy đát nước mới đi lên .

    Trả lờiXóa
  10. Cách xóa bỏ bằng giả rất dễ :
    Bất cứ học viên nào khi nộp hồ sơ thi lên cao đều phải sao y bản chính bằng hiện nay ( Bây giờ có photocopy , thì càng dễ dàng thấy rõ nội dung đã tốt nghiệp ) không cần bằng cấp thấp hơn bằng hiện nay .. Nơi nhận hồ sơ hãy tóm tắc TÊN , NGÀY THÁNG NĂM SINH , QUÊ QUÁN , HỘI ĐÔNG THI Ở ĐÂU , TỐT NGHIỆP NGÀNH HAY KHOA NÀO , TỐT NGHIỆP LOẠI GÌ ( NẾU ĐÒI HỎI TÊN CHA , MẸ THÌ CÀNG TỐT),.tất cả gởi về Nha Khảo Thí hay Bộ Giáo Dục ( Nơi lưu trữ tất cả các danh sách thi ) để xác nhận học viên này có tên trong danh sách tốt nghiệp theo bằng cấp hiện đã nộp . Đương nhiên việc xác nhận đòi hỏi gười ký phải chịu trách nhiệm hình sự nếu sai , cho dù người xác nhận có gần đất xa trời cũng phải thi hành án hình sự . Sau khi được xác nhận là đúng thì học viên được chấp nhận cho học tiếp lên cao ( Thường thì bộ phận tuyển sinh hay phòng giáo vụ làm việc này ) . Nếu không được xác nhận là đúng thì truy tố hình sự ngay học viên này . Đây chỉ nói về việc chống bằng giả ,

    Trả lờiXóa