Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Cu Làng Cát: NGỦ BIỂN BÊN VÁCH LÀNG


Cu Làng Cát

Ngủ biển bên vách làng

Bất cứ ai lớn lên giữa cát bỏng chân trần cũng nếm qua những tháng ngày ngủ biển đầy ám ảnh mà rồi có đi ra khỏi biên giới làng, chỉ được nhìn lại một bức hình ngủ dài trên cát cũng thơm lừng ký ức bờ bãi bên vách quê.

Thằng Sơn nay là giáo viên cấp hai, mùa hè năm xưa nó nhỏ thó, trời nắng chang chang đôi chân của nó vẫn chạy hoài trên cát mà không thấy nóng. Nó chạy trên cát thành chai sạn gan chân, mu chân của nó dày đến mức cát nóng bưng khó làm cho nó áy náy đôi chân. Người làng dùng gỗ làm dép tránh nóng, nó để chân như thế chạy khắp làng mà chẳng sợ cát. Mỗi bận tôi có dịp về quê tít mãi làng biển vùng Quảng Trạch, thằng Sơn vẫn cù tôi ra ngủ biển bằng được. 

Một chiếc chiếu lác rách hai đầu, nó ôm thêm cái mền cũ nhàu của bất cứ nhà nào cạnh đó rồi trải lên cát làng. Nó bảo ngủ gần hàng dương thì nghe gió vi vu, ngủ gần mép biển thì nghe được tiếng còng gió chạy đuổi nhau bữa đêm rồi tiếng sóng ru êm dễ ngủ. Những bữa mùa xưa thơ dại, nghe nó, trải chiếu gần mép biển, đúng còng gió chạy lao xao cái chân, còng đực, còng cái chui lên từ cát, tán tỉnh nhau, chạy bên nhau, lấy cát tròn viên lại cùng đùa nhau, xây những cái tổ đẹp nhất để rồi sóng cuốn đi mà người khác gọi chúng là dã tràng. Bác Phú của tôi vẫn kể, chúng số phận như vậy, như ngư dân mình vậy thôi, chúng phải xe cát mới duy trì được cuộc sống, không làm dã tràng, không xe cát thì chúng làm gì tán tỉnh được nhau, làm gì duy trì được hậu thế chúng. Người làng biển cũng vầy, không đi biển thì không thể lao động, biển là nguồn lực làm ăn bền chặt từ ngày dựng làng...

Bác Phú cứ ngồi kể để mai này khỏi thất lạc nguồn gốc vì tôi vốn giồng giống ở đây, nhưng mạ lại sanh nở chốn khác, chỉ mỗi năm đến hè mới được gửi về quê cho biết tổ tông, còn thằng Sơn trải chiếu xong nó lặn đi đâu mất dạng. Chút sau về, nó kể, anh Thường chị Bình yêu nhau, hẹn ra bãi cát làng bao nhiêu đêm nay mà chỉ ngồi hai người hai bên, ngồi không sát nhau, con nít cả làng đi xem, mọi đêm họ vẫn cười nói, mà hôm nay chị Bình khóc hết nước mắt. Nghe vầy rồi thằng trẻ nhóc như tôi thiếp ngủ bên hơi thuốc rê của bác Phú cùng tiếng sóng vỗ như âm nhạc không lời thẳm sâu.


Mùa ngủ biển năm sau, được cho về quê, thằng Sơn trải chiếc chiếu, bác Phú lại kể cho tôi cốt tích những bậc khai canh làng biển nhỏ bé 350 năm này. Bác kể, trong các câu chuyện của người xứ này có được, nó nhiều như cát, công sức bằng máu và nước mắt, cả những chuyện tình vợ đợi chồng mãi không về của bao nhiêu mùa bão tố. Trong nghĩa địa làng biển ấy, nhiều lắm những ngôi mộ gió không có cốt, chỉ vun cát lại thành ngôi mà thờ vọng, vì biển vùi vào đáy bao trai tráng mưu sinh gặp lúc gió chướng đột ngột.

Thằng Sơn đi một vòng về rồi kể, anh Thường mất trên biển đoạn gió đông, năm trước chị Bình khóc là sắp tiễn anh lên đường làm lính hải quân, ra tết chừng hai tháng thì nhận giấy báo mất trong lúc làm nhiệm vụ. Chị buồn như con dã tràng cô đơn. Bác Phú nói thêm, con Bình mà đứa nào cưới được nó thật phúc đức, nó có nết lắm, thằng Thường là ngư phủ thứ thiệt, rứa mà ông trời không thương mối duyên hai đứa này...

Ngủ biển bên cát làng là lệ tục giản dị từ mấy trăm năm nay, mùa gió nam nóng bức, nhà của ngư dân úp lên cát, tối xuống không gian oi đặc khó chịu, già trẻ, gái trai cứ thế rời nhà, để lại những lặng im phía làng, ra mép biển, dưới ánh trăng, từng tốp, từng nhóm, từng khóm, từng ngõ tụ lại bàn chuyện nghề ngày mai. Đờn bà kể chuyện con cá hôm nay đổi được bao nhiêu gạo, đờn ông tính làm sao cái thuyền nan đưa được về thật nhiều cá để xóm làng có cái mà ăn.

Những lão ngư già nhất, uy tín nhất còn tính toán ngày mai, ngày kia làm sao có nhiều hơn để chia cho những người mù bẩm sinh, những người lính thương binh, những người khó khăn neo đơn, những người bệnh tật. Làng sống trên cát, mưu sinh với biển, người lành phải có nghĩa vụ với người rách phận, thế thì những hạt cát mới dính kết, mới vun thành xóm, xóm mới vun thành làng, làng mới vun thành rú cát bền dai.

Những tháng ngày làng biển chưa có điện, cuộc sống thật khó khăn, mái nhà xiêu vẹo, miếng ăn cũng từ con cá mặn mòi đổi gạo, làng biển chỉ rặt mỗi cát, xương rồng là cây sống được, lúa phải từ vùng ruộng thu hoạch mới đổi về. Bữa ấy con cá rẻ mạt người làng biển đổi gạo cũng chỉ dám ăn ngày hai bữa. Bữa sáng và bữa chiều, bữa trưa nhịn lại mà ra biển đánh bắt. Những đêm ngủ biển ở quê, bác Phú cứ ước ao làm sao sau này con cháu có ngày ba bữa cơm mà ăn, làm lụng trên cát mãi mà nghèo vẫn nghèo. 

Nay làng biển đã khá hơn, bữa cơm không túng bấn mà đã làm giàu từ biển, nhưng cái lệ ngủ biển vẫn không thể mờ xa. Về làng, bác Phú, thằng Sơn, mấy đứa con nít của làng, con trai, con gái vẫn hò nhau đi ngủ biển. Trời nắng, làng ngột ngạt bởi bê tông xây xa dày đặc, cát như nén đặc lại chất nóng cả ngày, ban đêm tỏa ra bừng bừng, ai cũng muốn ra biển hưởng cái mát rượi, chỉ cần trong xóm một tiếng ới: "Ra bể ngáy bà con ò" (Ra biển ngủ bà con nhé) là chút sau trên bờ cát đã từng nhóm tụ lại.

Ở quê bao năm trước mỗi lần ngủ biển, thằng Sơn, thằng Lam thường đi câu cá nóc về làm món cháo hoặc món nóc hấp. Tôi vẫn không thể nào hiểu được vì sao ở rảnh đất này món cá nóc trở thành đặc sản, mấy kỳ trước nó được mua đắt hơn cá loại ngon, cứ ai ra câu về ký nào bán hết ký đó. Không biết do mạch nước hay do bàn tay mà cá nóc làm ở đây ăn vào chả thấy độc dược gì. Thằng Lam mỗi mùa câu cá nóc, nó còn làm khô nóc gửi tặng ăn dần mùa đông, nó làm cũng vở mật ra, vậy mà khi ăn vào, cái miếng cá cứ ngon cuốn hút. Hắn kể, làng mình làm cá nóc ăn không sao, mà làng bên kia quốc lộ, không có biển, nhưng thấy thèm, mấy anh em đi câu cá nóc làng mình về làm ăn, chẳng biết thế nào ăn xong là chết mấy năm trước. Chắc do con nước trong làng rửa không sạch độc nóc.

Mùa năm nay, ngủ biển lại về làng, bọn con nít ùa theo, biển làng bãi ngang, sóng vẫn thì thầm ru vào cát quê, những con thuyền nan mệt mõi oằn xuống rảnh cát vì mấy tháng rồi phải gác mái. Bọn trẻ làng biển thường ùa xuống tắm rồi lên ngủ, nhưng năm nay chúng ái ngại. Bác Phú nói, con cá nóc độc thế vẫn không sợ, rứa mà độc dược Formosa làm cá biển chết để bây chừ làng mình, làng bên, làng dưới rồi cả vùng miền Trung, cả nước thật quá lo lắng. 

Bữa sáng dậy, người ngủ biển la liệt như cá mòi, manh chiếu chắn cát bay tứ tung, những thân người xoài ra trên cát, lấm cát cả mặt nhưng đứa nào cũng ngủ rất ngon. Mặt trời ló dạng, thường ngày còn nán lại đợi mấy ghe nặng bụng trở về, nay thuyền nằm bờ, mỗi hình người quay lưng đi về phía làng một cách lặng lẽ... Ngủ biển mùa này như dã tràng lìa xa.

5 nhận xét :

  1. Cái này có thể gọi là khốn nạn không các bác ? http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160812/bi-hai-anh-che-nguoi-di-tan-1975-tren-sach-anh-sai-gon/1153369.html

    Trả lờiXóa
  2. Đọc mà cay mắt quá Cu Làng Cát ơi!!!!!!!!

    Trả lờiXóa
  3. Thế là Cụ vẫn "sống mãi" thôi các bác ạ http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/pha-che-thanh-cong-dung-dich-dac-biet-gin-giu-thi-hai-bac-20160812142340262.htm

    Trả lờiXóa
  4. Người lao động ở đâu cũng vất vả, bà con ngư dân ngoài vất vả mưu sinh, còn phải đem mạng sống của mình ra đánh đổi miếng ăn. Tình hình biển ô nhiễm, không hiểu bà con sẽ sống bằng gì, nhà nước không có chính sách hiệu quả, bà con bỏ biển, bỏ làng quê tứ tán khắp nơi, khổ.

    Trả lờiXóa
  5. Ngày xưa có thể bác Cù
    Đêm ra nằm ngủ êm ru biển làng
    Bay giờ biển cả tan hoang
    Bác ra tôm cá nó mang xuống mồ

    Trả lờiXóa