Thứ Năm, 7 tháng 7, 2016

Hoàng Quốc Hải: PHÉP NƯỚC VIỆT NAM KHÔNG THỂ MUA BẰNG TIỀN

Bài của Nhà văn Hoàng Quốc Hải đăng trong mục Tiếng nói Nhà văn, trên báo Văn Nghệ,
số 28 ra ngày Thứ Bảy 09-07-2016, trang nhất.

PHÉP NƯỚC VIỆT NAM KHÔNG THỂ MUA BẰNG TIỀN

Hoàng Quốc Hải 
Nhà văn 
01.07.2016

Qua diễn biến cuộc họp báo của Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ 17 giờ ngày 30 tháng 6 năm 2016, tôi thấy: 

Các Bộ ,Ngành có liên đới làm việc cật lực trong  gần 3 tháng, đã cho ra kết quả như ông Bộ trưởng Mai Tiến Dũng báo cáo tóm tắt. 

Riêng thông tin này được công bố đã khiến dân chúng cả nước tạm yên lòng. 

Nhưng theo tôi, các Bộ, Ngành chưa chấp hành nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, rằng đây là sự việc nghiêm trọng, phải tìm đầy đủ nguyên nhân và xử lý nghiêm theo pháp luật của Nhà nước. 

Ở đây có nhiều vấn đề mà các ngành chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng,tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa triệt để. Trước hết  là Bộ tài nguyên môi trường. Tôi chưa hề thấy có đánh giá một cách tương đối chi tiết về các tác hại trước mắt, tác hại lâu dài, tác hại tiềm ẩn do việc hủy diệt môi trường từ Formosa gây ra. Cũng như cảnh báo các chất độc do nó gây ra tác hại đến môi sinh ra sao, và cách phòng tránh khi nó nhiễm vào nguồn nước, vào các sinh vật biển cũng như vào các nguồn thực phẩm có xuất xứ từ vùng biển bị nhiễm độc. (Tất nhiên việc này phải phối hợp với Bộ Y tế ). Và nữa việc tẩy rửa môi trường. Việc thu lượm các trầm tích như kim loại nặng độc hại kết tụ ở tầng đáy. Việc phục hồi các loài rong, tảo, san hô v. v… và cho cả môi trường sinh thái biển miền Trung sẽ theo lộ trình nào, và thời gian bao lâu.Bộ trưởng TNMT nói: “ Chúng tôi dựa trên nhiều yếu tố như thiệt hại trực tiếp của người dân, thiệt hại về môi trường, về du lịch…”. Vậy những thiệt hại mà ông Bộ trưởng dựa vào đó, chắc chắn đã có phân tích và thống kê. Xin ông công bố. Nếu chưa thống kê, phân tích mà ông phát ngôn như vậy, thì chưa thuyết phục. 

Về hệ sinh thái, ông Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà nói: “ Về hệ sinh thái của biển và rừng ngập mặn không có vấn đề gì, tuy nhiên san hô bị ảnh hưởng 400 ha”. 

Tôi nghi ngờ kết luận này. Những gì phơi ra trên mặt nước và tầng đáy của vùng biển Vũng Áng Hà Tĩnh và kéo dài tới Thừa Thiên- Huế hơn 200km, mọi sinh vật đều bị hủy diệt. Cho tới nay trên các bãi biển bị nhiễm độc, khó tìm được một con còng gió, con dã tràng.Vậy mà lại nói hệ sinh thái của biển…không có vấn đề gì.  

Nước ta có tới 3260 km bờ biển, chứ không phải chỉ có hơn 200km bờ biển thuộc 4 tỉnh miền Trung . Và biển cùng thềm lục địa có diện tích gấp gần 4 lần diện tích đất liền, nó mới chính là không gian sinh tồn cho cả dân tộc từ nay về sau. Biển không chỉ có tôm cá, mà còn nhiều loài sinh vật quí hiếm khác,nhất là tài nguyên khoáng sản đã làm mờ mắt kẻ xâm lược biển, đảo của ta. 

Môi trường là sự sống của con người.Hủy hoại môi trường là hủy hoại sự sống.Bảo vệ môi trường sống là trách nhiệm của mỗi công dân.Nhân sự cố Formosa,Nhà nước nên có kế hoạch giáo dục toàn dân về ý thức bảo vệ môi trường,đồng thời kiện toàn cho chặt chẽ Luật môi trường.Bởi chỉ có Luật mới có khả năng chế tài, và Luật mới là công cụ giám sát có hiệu lực các cơ sở sản xuất trên lãnh thổ nước ta.

Về số tiền 500 triệu USD do Formosa đề nghị, ông Bộ trưởng TNMT nói: “ Con số đáp ứng được phần lớn mục đích yêu cầu chúng ta đặt ra”.  

Kết luận này có vẻ chung chung quá.Những mục tiêu đề ra là những mục tiêu nào? Có phải 500 triệu USD này là tiền Chính phủ phạt Formosa vi phạm nghiêm trọng Luật môi trường của VN. Hoặc đó là tiền bồi thường thiệt hại trước mắt cho ngư dân và các ngành có liên quan, nhờ Chính phủ chi trả thì cũng có lý. Còn nói là tiền bồi thường để phục hồi sinh thái biển miền Trung ,và khắc phục những hệ lụy lâu dài và toàn diện do Formosa gây ra, thì đó là sự nhạo báng cả dân tộc này. 

Còn ông Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung sáng 28.6.2016 tuyên bố tại Quảng Trị là: “Sẽ gấp rút xây dựng và trình Thủ tướng một đề án tổng thể vấn đề dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động ở 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp về thảm họa môi trường tháng 4 vừa qua.” 

Tôi không hiểu ông Bộ trưởng nói đến đào tạo nghề cho hơn 1 triệu lao động là nghề gì. Tôi hy vọng vẫn là nghề cá.Vì chỉ có nghề cá mới phù hợp với ngư dân.Và như vậy thì sắp tới sẽ trang bị tầu vỏ thép, công suất lớn cho ngư dân miền Trung đánh bắt xa bờ, tạm nghỉ khai thác ngư trường gần bờ vì nhiễm độc.Thật vậy, muốn đánh bắt xa bờ phải có tầu vỏ thép công suất lớn, trang thiết bị hiện đại.Vì vậy Bộ LĐTBXH nói đào tạo nghề cho hơn 1 triệu lao động 4 tỉnh miền Trung là có lý. Ngư dân ngoài đánh bắt cá,còn giữ ngư trường. Giữ ngư trường cũng tức là giữ biển,đảo;góp phần giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ,lãnh hải cho Tổ quốc. 

Tôi hy vọng qua việc đào tạo nghề cho cả triệu ngư dân miền Trung của Bộ LĐTBXH, sắp tới sẽ có hàng ngàn tầu vỏ thép lưới rê như chiếc tầu vừa hạ thủy của ngư dân Lưu Văn Truyền xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Và đây cũng là chiếc tầu vỏ thép đầu tiên của ngành cá Hà Tĩnh, tổng chi phí cho việc đóng tầu và ngư cụ chỉ có 13 tỉ Việt Nam đồng. Như vậy vừa tăng cường sản lượng cá cho 4 tỉnh miền Trung, vừa đảm bảo trên mặt biển của nước ta, luôn có người của ta canh giữ. 

Còn như đào tạo cho hơn 1 triệu lao động đó chuyển nghề và bỏ biển, thì đây lại là một thảm họa khôn lường. Nó tựa như việc ta tự dâng biển đảo của ta cho giặc vậy. 

Với Bộ Công an, tôi nghĩ Bộ ta đang vào cuộc, đang hoàn thiện hồ sơ khởi tố hình sự vụ án nghiêm trọng này, về tội ác hủy diệt môi trường gây nên thảm họa cho các sinh vật biển kéo dài hơn 200km và ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc sống và tinh thần của hàng triệu người dân khắp 4 tỉnh miền Trung. 

Tội ác hủy diệt môi trường do Formosa gây ra, với những nguy hiểm tiềm ẩn lâu dài không chỉ về kinh tế, mà còn cả cho giống nòi, lớn tới mức ta chưa hình dung nổi. Rất mong các nhà khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn có lương tâm, và có trình độ hãy bĩnh tĩnh hợp tác nghiên cứu sâu hơn,toần diện hơn để khi đưa ra các giải pháp khắc phục thảm họa môi trường này có hiệu quả. Bởi đây không chỉ là mà là người. 

Tôi không nghĩ 500 triệu USD mà mua được nền pháp trị Việt Nam. Bởi tất cả các thực thể tồn tại trên lãnh thổ VN đều bị điều chỉnh bởi pháp luật VN.

Lại một lần nữa Formosa ngạo mạn ,và họ đang báng bổ dân tộc ta một cách hoàn chỉnh, nếu như họ mua được pháp luật Việt Nam bằng tiền! 

Thật ra ngành công nghiệp luyện thép và bô xít thuộc về loại công nhiệp bẩn, khó có thể len chân được vào các nước phát triển.Ngay các nước nghèo ở Châu Phi họ cũng không chứa chấp.Và mới đây Thủ tướng cũng chỉ đạo,chúng ta cần đầu tư nước ngoài nhưng không phải bằng mọi giá.Và cần đầu tư nước ngoài,nhưng không vì thế mà từ bỏ môi trường.

Cho nên hành động của Formosa phải xem là tội phạm môi trường, cần phải truy tố để giữ nghiêm pháp luật của một nước có chủ quyền. 

Hà Nội 1.7.2016 
H.Q.H
-----------------

Nhà văn Hoàng Quốc Hải ở đồn BP. Sa Vỹ
Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, nhà văn nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.  

Ông là tác giả của nhiều tác phẩm được độc giả quan tâm:

Tiểu thuyết: Chiến lũy đá, Sau mùa lá rụng, Chờ đến ngày mai, Đêm qua làng,.
Tám triều vua Lý, Bão táp triều Trần (trọn bộ 6 tập, xuất bản lần đầu năm 2003, tái bản nhiều lần)... 

Ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu về văn hóa phong tục Việt Nam, phê bình tiểu luận, tạp văn. 

Là một nhà tiểu thuyết lịch sử và phong tục, suy ngẫm sâu sắc về quá khứ lịch sử, chiêm nghiệm thấu đáo về thời cuộc hiện tiền, Hoàng Quốc Hải lúc nào cũng trăn trở với thời cuộc, và sẵn sàng lên tiếng trước các vấn nạn của đời sống. Với tinh thần tự nhiệm của một nhà văn, một kẻ sĩ Thăng Long, ông đã lên tiếng vviệc xây dựng tràn lan các sân gofl ở khắp các tỉnh thành, về trùng tu di tích, về phim lịch sử và v hiện trang xuống cấp của văn hóa và đạo đức hôm nay. 


14 nhận xét :

  1. Không cần phải bàn bạc gì thêm nữa ! Chỉ cần "tống cổ" Formosa ra khỏi Việt nam thì mới yên được !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác tuy già mà rất sáng suốt với ý kiến trên.
      Xin nhiệt liệt hoan nghênh bác.
      Dân Kampuchia còn đuổi được Formosa,chẳng lẽ dân
      ta thua cả dân Miên thì rất nhục,nhục qúa !

      Xóa
  2. Thêm một tiếng nói phản đối Formosa với cái giá 500 triệu đô cho tương lai của một dân tộc trong cái nghéo tay của nhà nước. Cám ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải. Tôi theo dõi sau cuộc họp báo để công bố và xác nhận việc Formosa xả thải ra biển, ý kiến của các nhà văn, nhà báo, người trí thức, người nông dân, ngư dân, thường dân, tất cả đều bất mãn với cách dàn xếp của nhà nước và Formosa. Có một điều khác biệt rất rõ ràng giữa dân và đảng là toàn dân không hề quan tâm đến số tiền bồi thường mà chỉ mong làm sao cho biển sạch trở lại như trước; trong khi các lãnh đạo đảng thì không hề quan tâm đến việc làm sao tẩy độc biển mà chỉ vui mừng vồ vập Formosa và coi như với 500 triệu đó đảng và Formosa có thể phủi tay cái rột.
    Rất nhiều người ngay từ phút đầu tiên nghe nhà nước nói sẽ chuyển nghề cho hàng triệu ngư dân là đã toát mồ hôi lạnh, không hiểu sao nhà nước này có thể toan tính cái điều như là bứng dân ra khỏi biển như vậy, để giao lại biển cho Formosa? nếu thật sự nhà nước tính vậy, chẳng khác gì một cuộc bán nước ngay giữa ban ngày, nhà nước bắt tay với Formosa và bán đứng ngư dân thêm một lần nữa, mà lần này là vĩnh viễn trốc gốc, mất quê hương, biển chết, nhà không còn, quê hương mất!
    Là một người dân Việt Nam, tôi yêu cầu đảng cs và thủ tướng Việt Nam làm rõ làm minh bạch vấn đề nhà nước đòi 'chuyển nghề" cho hàng triệu ngư dân này. Tại sao các ông đặt ra vấn đề chuyển nghề? Có phải các ông biết rằng biển đã chết mà tẩy rửa thì quá mắc Formosa không chịu, nên tìm cách để tống ngư dân đi và lờ đi việc tẩy rửa môi trường biển? Hiện nay Mỹ đã thu hồi cá nhập cảng từ Việt Nam, và đã có thỉnh nguyện thư yêu câu vấn đề cá nhập cảng từ VN phải được kiểm soát. Trong tương lai, nếu biển không được tẩy độc, VN sẽ chết trong việc xuất cảng hải sản, chưa nói đến những ngành khác cũng chết. Do đó, vấn đề tẩy độc biển phải là ưu tiên một, và ngư dân phải được chăm sóc để họ có thể vực dậy nền xuất khẩu hải sản. Một lần nữa cám ơn bài viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi rất đồng tình nhận xét của Nặc danh 19:29 ngày 1-7. Nhận xét này nên mở rộng chút cho thành một bài viết, nếu có cả tên tuổi thì càng tốt. Bây giờ chúng ta cần rất nhiều ý kiến để tạo ra luồn dư luận rộng lớn khiến nhà cầm quyền không thể lờ đi được. Cảm ơn.

      Xóa
  3. Câu này hình như có vẻ đúng: "Cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng nhiều tiền!"

    Trả lờiXóa
  4. Biển 4 tỉnh miền trung, cuộc mưu sinh của hàng triệu ngư dân và các nghành nghề liên quan, sinh mệnh chính trị, trách nhiệm và đạo đức của các lãnh đạo Việt Nam chỉ được Formosa trả với giá 0,5 tỷ thôi ư? Đề nghị các quan hãy truy tố ngay Formosa, còn nếu không làm được thì các vị nghỉ đi cho dân được nhờ.

    Trả lờiXóa
  5. Một thảm họa lớn như vậy, một tội ác môi trường lớn như vậy, ảnh hưởng tới hàng triệu người mà các người giải quyết úm ba la như trò trẻ con. Trước mắt tôi đề nghị BT Trần Hồng Hà từ chức để người khác làm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Hồng Hòalúc 03:26 2 tháng 7, 2016

      Đã đến lúc người dân VN tuyên bố bất tín nhiệm đối với những cán bộ vô tài - vô trách nhiệm - thất đức trong guồng máy cầm quyền, và liên tục buộc họ chấm dứt chức vụ đã nhận.
      Người dân không nên "đề nghị" - "kiến nghị" với nhà cầm quyền nữa. Đã có bao giờ họ biết lắng nghe thực lòng chưa?

      Xóa
  6. Nhà thầu phụ gây ô nhiễm môi trường, đầu độc biển, là nhà thầu nào. Phải chỉ đích danh nhà thầu đó cùng tội trang của nó để truy tố trước pháp luật Việt Nam. Nói mơ hồ như thế này khác nào đốt một hình nhân thế mạng vàng mã bằng giấy chịu tội ảo thay cho Fomosa.
    Nếu cứ áp dụng tiền lệ này thì hung thủ giết 6 người ở Bình Phước
    chỉ cần nói là đã có một thế lực siêu hình nào đó đã sai khiến hung thủ gây ra tội ác này, là đủ để hắn trắng án.

    Trả lờiXóa
  7. Truyền thuyết Mẹ Âu cơ mà người Việt nam ai cũng biết đó là trăm người con của Mẹ chia nhau 50 người theo cha xuống biển,, 50 người theo mẹ lên rừng để chúng ta có nước Việt nam hôm nay. Nhưng giờ thì rừng đã hết mà biển thì cũng chết vậy người Việt sẽ đi về đâu ? Nhà văn Hoàng Quốc Hải với linh cảm của một người cầm bút đã chỉ ra chính xác những nguy cơ của dân tộc hiện nay. Việc những người có trách nhiệm trong Chính phủ kêu gọi lòng khoan dung của người dân chấp nhận cho Formosa xin lỗi và bồi tthường tiền để tiếp tục hoạt động ở Hà tĩnh là một hành vi cố tình đẩy dân tộc đến chỗ diệt vong . Những ngư dân mới ngày nào được tôn vinh là các cột mốc chủ quyền giờ phải bỏ biển chuyển đổi sang nghành nghề khác để mưu sinh vậy phải chăng chủ quyền biển của chúng ta đã mất?. Trong khi hàng triệu lao động , hàng chục vạn cử nhân kỹ sư còn đang không có việc làm thì những ngư dân bao đời sống chết với biển kia sẽ được đào tạo gì hay cũng sẽ lại xuất khẩu ra nước ngoài bán sức lao động , bán thân xác để thu về ngoại tệ bù đắp cho những khoản bội chi ngân sách triền miên năm này qua năm khác của tầng lớp tư bản đỏ ! Những lễ khao thề tráng sĩ Hoàng sa rồi đây sẽ chỉ còn trong tâm tưởng của một đôi người còn nặng lòng với hai tiếng Việt nam.Chỉ để che giấu những tội lỗi của một nhóm người mà bắt cả dân tộc phải chấp nhận một cái giá bèo bọt cho lòng tự hào dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến thì phải khép vào tội gì mới xứng ? Cảm ơn nhà văn HQH đã truyền cho tôi cảm xúc để viết những dòng này và cảm ơn chú Tếu cho tôi nơi giải tỏa nỗi lòng.

    Trả lờiXóa
  8. Thảm họa môi trường biển miền trung chắc chắn sẽ còn xẩy ra nhiều lần nữa, bởi nước thải chứa nhiều độc tố, chất thải rắn và khói độc do Formosa thải ra là không thể giải quyết được. Hãy truy tố Formosa và đóng cửa Formosa, nếu muốn biển tồn tại.

    Trả lờiXóa
  9. Cảm ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải đã nhanh chóng đưa ra bài viết đanh thép và thấu tình đạt lý này.

    Trả lờiXóa
  10. Cảm ơn nhà văn, tuyệt vời quá, mong bác viết nhiều nữa để dân trí được mở mang. Kính chúc nhà văn dồi dào sức khoẻ.

    Trả lờiXóa
  11. Nhưng lại mua được bằng rất nhiều tiền!

    Trả lờiXóa