Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

HÀ NỘI BẤT AN: CÔNG NGHỆ TÀU ĐẦU ĐỘC ĐẦU NGUỒN SÔNG ĐÀ

Công nghệ Trung Quốc làm cá chết
ở đầu nguồn sông Đà (4 bài)


TTXVN

Bài 1: Dân bất lực nhìn cá chết trắng
dọc đầu nguồn suối Màn

Sơn Bách – Võ Phương
7-7-2016

Cá chết bất thường tại ao cá của anh Bùi Văn Thủy (xã Yên Lập, huyện Cao Phong, Hòa Bình). 
Ảnh: Võ Phương/Vietnam+

Mời xem lại: Công nghệ công ty làm cá chết ở đầu nguồn sông Đà nhập từ Trung Quốc

Chỉ sau một đêm, hàng nghìn con cá, tôm… đã ngửa bụng, chết trắng dọc theo đầu nguồn suối Màn, dòng suối chính đổ ra sông Đà của xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Xác cá “chảy” từ cao xuống thấp, nối đuôi nhau vài ba kilômét và bốc mùi vô cùng khó chịu.

Hiện tượng trên được người dân xóm Quà, xã Yên Lập, huyện Cao Phong phát hiện từ sáng sớm ngày 4/7 vừa qua và vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Dẫn chúng tôi ra đoạn suối Màn chảy qua nhà, anh Bùi Văn Thủy (sinh năm 1969), một người dân địa phương kể lại: “Vào sáng sớm 4/7, tôi xuống suối thì thấy xác cá chết trắng nổi la liệt. Nước cũng nổi váng và bọt như xà phòng, có mùi rất hôi, khó chịu.”

Hoảng hồn, anh Thủy vội vã đi ngược lên đầu nguồn suối Màn thì phát hiện: toàn bộ số cá, tôm thương phẩm do anh nuôi trong ao đều đã chết.

“Đàn cá tôi nuôi đều chết trắng bụng, lúc tôi đến chỉ còn một vài con đang thoi thóp, ngay sau đó cũng không sống nổi, cả ao cá không còn một mống…” anh Thủy chua xót mô tả.

Theo chủ ao cá này, anh không phải là nạn nhân duy nhất, cách không xa ao cá của anh, xuôi theo dòng chảy con suối Màn, còn có ao cá của anh Lê Văn Biên cũng chịu chung số phận.

H1 
Vớt cá chết tại ao của anh Lê Văn Biên. Ảnh: Võ Phương/Vietnam+

Sáng ngày 4/7, như thường lệ, anh Biên ra thăm ao, vừa ra đến nơi, anh đã tá hỏa khi thấy đàn cá trong ao nhà mình con thì thì trắng bụng, con thì bơi ngang, thoi thóp, kèm theo nhiều dấu hiệu lạ như nước và đá xung quanh chuyển mầu cùng một thứ mùi khó chịu bao trùm bầu không khí quanh đó.

“Tôi sinh ra và lớn lên tại đây, nuôi cá nuôi tôm cũng mười mấy năm trời, trước nay chưa từng xảy ra hiện tượng như thế này” – Anh Thủy khẳng định.

Ngay sau vụ việc, anh Thủy và anh Biên vội vàng báo với lãnh đạo xã Yên Lập. Các cơ quan chức năng của xã Yên Lập và huyện Cao Phong đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận cũng như lập biên bản vụ việc.

Theo biên bản, thiệt hại tại ao cá của anh Bùi Văn Biên là 16kg cá và ao cá của anh Bùi Văn Bảy (em trai anh Thủy, cùng quản lý ao cá) là 8kg cá. Tuy nhiên, theo anh Thủy và anh Biên, thiệt hại trên chỉ tính tại thời điểm lập biên bản, thiệt hại thực tế đối với ao cá của 2 người này lớn hơn rất nhiều so với con số ghi trong biên bản do tổ công tác của huyện và xã đã lập. Chỉ tính riêng ao cá của anh Thủy, từ đầu tháng Ba, anh cùng em trai đã thả tới 6 tạ cá thương phẩm. Hiện, gần như toàn bộ số cá này đã bị chết.

Ngày 6/7, sau cơn mưa lớn, nhóm phóng viên VietnamPlus đã trực tiếp có mặt tại ao cá của anh Thủy. Tới thời điểm này, một lượng cá chết không nhỏ vẫn nổi lập lờ trên mặt nước.

Đoạn suối kéo dài khoảng 5km kéo dài từ xóm Quà xã Tân Lập xuống tận xã Dũng Phong vẫn nồng lên mùi hôi của xác động vật phân hủy. Cá, lươn… nhỏ vẫn rải rác dạt vào hai bên bờ.

Người nuôi cá, sau một đêm bỗng trở thành tay trắng. Họ bất lực nhìn một phần tài sản của mình trôi nổi theo bọt nước. Câu hỏi đặt ra là: Nguyên nhân nào? Ai là thủ phạm gây ra cái chết hàng loạt cho cá, tôm của cả một vùng sơn cước ven Sông Đà? Có hay không hành vi có ý “tàn sát” hệ sinh vật cảnh nơi đây? Và những hệ lụy nào mà hàng trăm người dân các xã sống xuôi theo suối Màn phải gánh chịu?

Câu trả lời sẽ được VietnamPlus giải đáp trong những bài viết tiếp theo.
____

TTXVN

Bài 2: Ai đã “đầu độc” tôm cá 
ở đầu nguồn dòng suối chảy vào sông Đà?

Sơn Bách – Võ Phương
8-7-2016

H1 
Lộ diện thủ phạm bức tử tôm cá tại suối Màn, suối thượng nguồn đổ về sông Đà. 
Ảnh: Võ Phương/Vietnam+

Sáng 4/7, người dân xóm Quà, xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình tá hỏa khi phát hiện suối Màn chạy dọc qua khu dân cư nổi trắng xác cá tôm. Cá lớn, cá bé từ thượng nguồn nổ bụng, trôi ngược theo dòng nước lũ, tấp vào ven bờ bốc mùi hôi nồng nặc.

Hai ao gần đó của các hộ dân cũng chịu chung số phận khi toàn bộ cá thương phẩm đều chết ngửa bụng, trắng mặt nước.

Anh Bùi Văn Thủy ngậm ngùi nhìn làn nước đục ngầu cay đắng bảo, sở dĩ cá chết hàng loạt là do công ty Cổ phần khoáng sản Đồng An Phú để tràn hóa chất, ngấm vào thượng nguồn suối.

“Hóa chất chảy vào nước, đến người còn khó sống, huống hồ là cá,” anh Thủy rưng rưng.

Ao, suối trắng cá chết

Anh Bùi Văn Bảy, chủ ao cá rộng hơn trăm mét vuông ở xóm Quà, xã Yên Lập, huyện Cao Phong, Hòa Bình mấy ngày nay cứ ngẩn ngơ chưa tin vào chuyện đã xảy ra. Bần thần một lúc trong căn nhà trống huếch hoác, anh nhớ lại. Vào sáng 4/7, anh cùng anh trai là Bùi Văn Thủy xuống suối Màn ngay sát lộ chính chạy dọc xóm.

H1 
Ông Bùi Văn Bảy, chủ ao cá rộng hơn trăm mét vuông ở xóm Quà, xã Yên Lập, 
huyện Cao Phong, Hòa Bình. Ảnh: Võ Phương/Vietnam+

“Vừa bước chân xuống, chúng tôi đã ngửi thấy mùi rất nồng, xộc thẳng vào mũi. Mặt suối thì nổi bọt như ai vừa đổ xà phòng xuống,” anh Bảy kể.

Thấy lạ, hai người tới gần hơn thì phát hiện có nhiều cá chết nổi trắng mặt suối, thậm chí còn dạt vào hai bờ. Tôm tép cũng lờ đờ dưới đáy cát.

Phát hiện điểm bất thường, hai anh vội vã lội ngược lên phía thượng nguồn về phía ao cá nhà mình để kiểm tra. Càng đi lên, xác cá, tôm càng nhiều. Mùi hôi của nước càng trở nên đậm đặc.

“Đến ao cá, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi hàng chục con cá đang lờ đờ, ngửa bụng trên mặt nước,” anh Thủy kể. 

Cùng chung cảnh ngộ là ao cá của anh Bùi Văn Liên khi chi sau một đêm, cả ao cá thả 4 tháng bỗng dưng mất trắng. Đến ngày 6/7, ba ngày sau sự cố, anh vẫn mải miết vớt từng xác cá chết trương nổi trên mặt nước đã đổi màu xanh ngắt lạ thường.

Chỉ tay lên phía thượng nguồn, những người dân khốn khổ của xóm Quà ấm ức: “Ngay khi phát hiện cá chết đồng loạt, một mặt chúng tôi gọi báo cho cơ quan tỉnh, huyện; một mặt lần theo nguồn suối và phát hiện ra phía ngọn của con nước là Công ty Cổ phần khoáng sản Đồng An Phú. Chính hóa chất từ công ty này đã chảy theo suối ngầm khiến mọi sinh vật phía dưới không thể sống được.”

Hé lộ nguồn “đầu độc” suối Màn

Ngay sau khi nhận được tin báo từ cơ sở, các cơ quan chức năng của huyện Cao Phong và tỉnh Hòa Bình đã có mặt tại khu vực hiện trường. Theo ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch huyện Cao Phong, bước đầu, nhà chức trách xác định khoảng 5km suối Màn đã bị ảnh hưởng bởi hóa chất rò rỉ. “Ngay trong ngày 4/7, chúng tôi đã theo nguồn nước và xác định nguồn rò rỉ hóa chất là từ công ty Cổ phần Khoáng sản Đồng An Phú tại xã Yên Thượng,” ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin từ vị lãnh đạo này, Đồng An Phú được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chấp thuận phương án đầu tư xây dựng với tổng số vốn hơn 110 tỷ đồng. Công ty này cũng mới chỉ đi vào hoạt động từ ngày 4/3/2016, đúng 4 tháng trước khi sự cố xảy ra.

Ông Dũng lý giải, sau khi làm việc với đoàn kiểm tra, phía công ty cũng đã thừa nhận nguyên nhân gây chết cá hàng loạt là do sự cố tràn dung dịch phun tẩm quặng.

Cụ thể, theo báo cáo của Công ty Đồng An Phú gửi Sở Tài nguyên và môi trường Hòa Bình, ông Trần Trung Chính, Giám đốc của doanh nghiệp này cũng thừa nhận: “Tối 2/7 xảy ra trận mưa lớn dẫn đến cống nước mưa chảy tràn bị tắc và nước dâng lên vào bãi phun tẩm quặng. Dung dịch phun tẩm bị trào ra ngoài hệ thống thoát nước.”

H1 
Ông Trần Trung Chính, giám đốc Công ty TNHH Đồng An Phú. Ảnh: Võ Phương/Vietnam+

Ông Chính cho biết thêm rằng phía Sở Tài nguyên môi trường đã trực tiếp lấy mẫu nước, kiểm tra thực tế tại nhà máy, bước đầu ghi nhận nguyên nhân có thể do chảy tràn từ bãi chứa quặng trào ngược ra. Cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu công ty tạm ngừng phun dung dịch vào bãi quặng. 

Sáng 7/7, trao đổi với phóng viên, ông Chính tiếp tục “nhận lỗi” về phía mình. 

“Hàm lượng axit trong chất thải khoảng 0,3 gr/lít, tuy nhiên khi mưa xuống thì không tới mức đấy,” ông Chính cho hay. 

Theo vị giám đốc này, sở dĩ cá chết là do axít và một số hóa chất làm quặng đã theo mưa chảy xuống suối. Sau khi sự cố xảy ra, tiến hành kiểm tra, nồng độ PH trong ao là 4,5, đủ chết cá. 

Ngoài ra, hàm lượng đồng sunfat kết tủa dưới đáy nước do hệ quả của quá trình tràn hóa chất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cá chết hàng loạt.

Ông Chính cho hay: Hiện phía công ty đang tiến hành đàm phán với hai hộ dân bị ảnh hưởng nhằm đưa ra mức bồi thường hợp lý cũng như đợi kết quả xét nghiệm mẫu nước của cơ quan chức năng để có phương hướng xử lý triệt để sự cố.

VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về sự việc tới bạn đọc.
______

TTXVN

Bài 3: Gặp sự cố rò rỉ hóa chất ra suối
chỉ sau 4 tháng… chạy thử

Sơn Bách – Võ Phương
8-7-2016

H1 
Toàn cảnh khu bãi quặng, vị trí gây rò rỉ hóa chất xuống suối Màn ngày 4/7 vừa qua.
Ảnh: PV/Vietnam+

Mặc dù luôn tự đánh giá là có công nghệ hiện đại, quy trình khép kín đảm bảo an toàn cho môi trường, nhưng thực tế, chỉ sau 4 tháng đi vào hoạt động, Công ty cổ phần khoáng sản đồng An Phát đã để xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Thực tế kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng khẳng định: Đơn vị này còn nhiều thiếu sót trong vấn đề đảm bảo an toàn môi trường.

Gặp sự cố rò rỉ hóa chất chỉ sau 4 tháng

Trước đó, như VietnamPlus đã đưa tin, ngày 4/7, một sự cố rò rỉ hóa chất bãi khai thác quặng đã xảy ra tại đầu nguồn suối Màn, xã Yên Lập, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Sự cố đã khiến cho tôm, cá trên dọc 5km suối, ao, hồ phía hạ lưu bị “hạ sát” hàng loạt. Công ty cổ phần khoáng sản đồng An Phú sau đó cũng đứng ra trực tiếp nhận trách nhiệm khi để vụ việc xảy ra.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhà máy của An Phú được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chứng nhận và chấp thuận vào tháng 5/2014, và được khởi công vào tháng Bảy cùng năm với tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng.

Đến ngày 4/3/2016, nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Đáng chú ý, theo báo cáo của công ty này gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình sau khi sự cố rò rỉ hóa chất xảy ra, giám đốc công ty, ông Trần Trung Chính cho biết: Hiện, nhà máy vẫn đang trong giai đoạn vận hành chạy thử, công suất chỉ đạt 40% so với mức trong thiết kế là 20 tấn đồng/tháng.

Như vậy, mặc dù chỉ đang trong giai đoạn chạy thử, sau đúng 4 tháng ngắn ngủi, công ty này đã để xảy ra sự cố rò rỉ hóa chất từ bãi quặng vào suối Màn, con suối thượng nguồn chảy xuyên suốt qua một loạt xã của huyện Cao Phong như Yên Lập, Dũng Phong, Tây Phong… và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Điều đáng nói hơn, công nghệ được sử dụng để khai thác quặng đồng là phương pháp thủy luyện. Đây là phương pháp ngâm tẩm quặng đồng cacbonat với axit sunfuric hàm lượng 3gr/lít để thu được dung dịch chứa đồng hòa tan. Để thực hiện được công nghệ này, khu vực chứa quặng thô được xếp ở vị trí cao nhất để dung dịch chứa đồng hòa tan có thể chảy xuống vào các rãnh chứa thấp hơn phía dưới.

H1 
Theo sơ đồ thiết kế thì phần bãi quặng của An Phát không hề có mái che nên nguy cơ tràn hóa chất rất cao. Ảnh: PV/Vietnam+

Thực tế, theo quan sát của phóng viên tại nhà máy của An Phú, phần bãi chứa được đắp rất cao, đánh luống theo dạng ruộng bậc thang. Trên mặt mỗi “thang” quặng là hệ thống ống dẫn để tẩm axit trực tiếp. Tuy nhiên, khu vực bãi này lại hoàn toàn nằm lộ thiên và không hề có mái che mưa.

Ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong cũng tỏ ra bất bình với vấn đề này. Bản thân ông Dũng cũng đã 2 lần trực tiếp xuống kiểm tra cùng đoàn công tác. Theo đánh giá của vị lãnh đạo này, Nhà máy khai thác của An Phú còn rất nhiều điều đáng băn khoăn trong việc đảm bảo an toàn với môi trường. Điển hình là khu vực tuyển quặng là không có mái che, dẫn đến việc khi có mưa lớn, lượng nước lớn mà không thoát kịp dễ dẫn đến chảy ra ngoài môi trường.

“Trong buổi làm việc ngày 4/3, chúng tôi cũng đã kiến nghị nhà máy và các ngành chức năng phải xem xét các yếu tố này để đảm bảo an toàn cao nhất cho vấn đề môi trường,” ông Dũng nhấn mạnh.

Bản thân ông giám đốc Trần Trung Chính cũng thừa nhận với phóng viên, trong thiết kế ban đầu của công ty không hề có hạng mục mái che bãi quặng.

“Bây giờ thấy nguy hiểm rồi, bên mình đang mua bạt để chăng bãi quặng, khi mưa thì kéo ra. Ban đầu thiết kế mình tính toán lượng nước và bể thì không có cái bạt che”- Ông Chính nói.

Tạm đình chỉ công ty “bức tử” cá tôm

Ngay sau sự cố rò rỉ hóa chất gây ảnh hưởng tới đoạn suối dài tới 5km kéo dài qua nhiều xã của huyện Cao Phong hôm 4/7, phía An Phú đã đứng ra thừa nhận trách nhiệm. Sau khi tiến hành kiểm tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng đã tạm thời đình chỉ hoạt động của công ty này.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong cho biết: Sau khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng đã quyết định yêu cầu phía An Phú tạm dừng hoạt động để phối hợp giải quyết sự cố ngày 4/7 vừa qua.

Thực tế, theo ghi nhận của nhóm phóng viên ngày 7/7, hoạt động sản xuất khai thác của Công ty đã tạm dừng.

H1 
Công ty khoáng sản đồng An Phú bị tạm đình chỉ hoạt động vì để xảy ra sự cố cá chết hàng loạt. Ảnh: Võ Phương/Vietnam+

Khung cảnh đìu hiu bao trùm công ty An Phú, các bãi quặng lác đác vài công nhân làm việc lặt vặt, dọn vệ sinh. Theo ông Trần Trung Chính, giám đốc công ty, từ ngày gây ra sự cố xả thải, công ty đã bị đình chỉ tạm thời, tất cả hoạt động khai thác sản xuất đều phải ngưng, toàn bộ nhân công khai thác được cho nghỉ.

“Các hoạt động khai thác sản xuất chúng tôi đã tạm dừng, chỉ có vài mày hoạt động làm nhiệm vụ san gạt để tránh sự cố như vừa rồi, do mấy ngày nay mưa nhiều. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây kè quanh rãnh thoát nước và bắc cầu cho ô tô đi qua tránh tình trạng như vừa rồi”.

Hiện nay phía Công ty An Phú đang kết hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục giải quyết vụ việc, đồng thời thỏa thuận với các hộ dân về mức đền bù.

Chia sẻ thêm về sự việc, ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong thành thật: “Cao phong là vùng đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu, đến nay mới có một nhà máy đồng, chúng tôi và người dân rất kỳ vọng nhà máy này sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa bàn, tuy nhiên rất đáng tiếc là mới vận hành thì công ty đã để xảy ra sự cố này.” 

Tuy nhiên, Phó chủ tịch huyện cũng khẳng định: huyện Cao Phong kiên quyết can thiệp bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, không thiên vị công ty. Dù không có thẩm quyền xử phạt, nhưng trên quan điểm cá nhân, ông Dũng cho rằng, cơ quan chức năng sau khi hoàn tất hồ sơ sẽ đưa ra mức phạt hành chính nhằm răn đe và yêu cầu doanh nghiệp có những điều chỉnh phù hợp để không ảnh hưởng đến môi trường, đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Câu hỏi dư luận đặt ra là tại sao một công trình với tổng mức đầu tư lên tới 110 tỷ đồng lại để xảy ra sự cố sau chỉ 4 tháng, nhất là trong giai đoạn vận hành thử 40% công suất? Cơ quan nào chịu trách nhiệm đánh giá, phê duyệt dự án để tồn tại những thiếu sót nghiêm trọng như không có mái che bãi quặng như trên thực tế?
_____

TTXVN

Bài 4: Hệ lụy kép từ vụ để rò rỉ hóa chất
ra suối thượng nguồn


Sơn Bách – Võ Phương
9-7-2016

H1 
Hệ lụy nào sau vụ rò rỉ hóa chất xuống suối Màn? Ảnh: Võ Phương/Vietnam+

Ngày 4/7, trên địa bàn các xã Yên Thượng, Yên Lập thuộc huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt dọc theo suối Màn, con suối thượng nguồn chảy vào sông Đà. Nguyên nhân của vụ việc là do Công ty Cổ phần khoáng sản đồng An Phú trong quá trình tuyển quặng đồng đã để tràn dung dịch quặng ra môi trường. 

Mặc dù phía doanh nghiệp đã tự nhận trách nhiệm, nhưng những hệ ụy của sự cố vẫn còn dai dẳng và hết sức đáng lo ngại.

Cá chết, người trắng vốn

Đã nhiều ngày từ khi cá, tôm dọc suối Màn bỗng dưng nổ bụng nổi trắng, anh Bùi Văn Thủy (xóm Quà, xã Yên Lập, huyện Cao Phong) vẫn chưa thể tin vào chuyện đã xảy ra. Từ hai năm nay, anh em anh Thủy đã tận dụng nguồn nước sạch của dòng suối thượng nguồn này dẫn vào ao rộng chừng 100m2 trên đỉnh đồi để nuôi thả cá thương phẩm, đem lại nguồn lợi kinh tế khá ổn định.

Đầu tháng Ba, như thông lệ, anh Thủy tiếp tục thả 6 tạ cá tạp, dự định đến cuối tháng Bảy sẽ thu hoạch. Nhưng chỉ trong một đêm, toàn bộ số cá ấy đã nổi trắng mặt ao.

“Sáng 4/7, tôi như rụng rời vì phát hiện cá đã ngửa bụng chết hết. Có những con to bằng bắp chân cũng lập lờ, thoi thóp. Đến chiều thì hầu như không còn con nào nữa,” anh Thủy cay đắng nói.

Cách ao nhà anh Thủy chỉ chừng 10 mét, ao cá của anh Bùi Văn Biên cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong suốt 3, 4 ngày sau sự cố tràn dung dịch quặng xuống suối, hôm nào người đàn ông khắc khổ cũng phải mang cây sào dài cả mét ra vớt xác cá rồi ngẩn ngơ nhìn nước ao xanh ngăn ngắt vì nhiễm hóa chất chứa đồng.

Anh Biên cho biết: Mặc dù nhà còn mấy sào ruộng, nhưng kinh tế gia đình chủ yếu trông chờ vào việc nuôi cá thương phẩm. Nay chỉ sau một đêm, tất cả hy vọng đã mất hết. “Bảo sao không xót cho được anh ơi.”

H1 
Điều khiến người dân lo lắng nhất là nguy cơ ao nuôi cá bị nhiễm độc kim loại nặng vì lượng đồng kết tủa từ bãi quặng từ công ty An Phú trôi xuống. Ảnh: Võ Phương/Vietnam+

Điều khiến người dân lo lắng nhất là nguy cơ ao nuôi cá bị nhiễm độc kim loại nặng vì lượng đồng kết tủa từ bãi quặng từ công ty An Phú trôi xuống.

“Không biết các năm sau, cá có còn sống được ở đây nữa không,” anh Biên thắc mắc.

Theo thống kê nhanh của huyện Cao Phong, chỉ trong ngày 4/7, cơ quan chức năng đã vớt được 24kg gồm các loại cá trắm, chép tại hai ao của các anh Thủy và Biên. Những ngày sau đó, hiện tượng cá chết vẫn không dừng lại. Thậm chí, đến chiều 6/7, trải qua trận mưa rất lớn, hiện tượng cá chết tại hai ao trên vẫn tiếp diễn. Các loại khỏe như cá rô phi, cá trê, ốc… cũng phải ngửa trắng bụng.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cao Phong thừa nhận: 24kg chỉ là con số thống kê vào ngày đầu xảy ra sự cố. Cơ quan chức năng của huyện, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát để đánh giá chính xác mức độ thiệt hại của các hộ dân.

Ông Dũng cho biết thêm, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình đã lấy mẫu nước tại khu vực bị ảnh hưởng để xét nghiệm và sẽ sớm đưa ra kết quả.

Dân hạ nguồn hoang mang 

Ngoài hậu quả nhãn tiền, vụ hóa chất bãi quặng tràn xuống sông Màn còn kéo theo nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác.

Có mặt tại các xã Yên Thượng, Yên Lập, Dũng Phong…, đi tới đâu, chúng tôi đều nhận ra sự lo lắng hiện lên trên nét mặt những người dân nơi đây.

Dẫn chúng tôi đi ngượi suối Màn, anh Trịnh Xuân Thành, người dân xóm Quà, xã Yên Lập chia sẻ: “Bao nhiêu năm nay, chúng tôi vẫn phải sử dụng nước suối Màn để tưới tiêu cho ruộng đồng. Sau sự cố, chúng tôi lo ngại hóa chất vẫn ở trong nước nên không dám dùng nữa. Ruộng đồng cũng phải bỏ đấy.”

Ông Bùi Ngọc Hòa, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Lập cho biết: Suối Màn bắt nguồn từ xã Yên Thượng, chảy dọc qua nhiều xã khác. Bà con nông dân thường dẫn nước vào ruộng trồng hai vụ lúa và để phục vụ canh tác như để tưới tiêu mía, cam…

Tiếp lời ông Hòa, ông Bùi Huy Du – Trưởng công an xã Yên Lập lo lắng: “Dòng nước này chảy qua xóm Quà nơi có hơn 20ha lúa, rồi tiếp tục đến xóm Đẩy cũng có 20ha nữa. Ngoài ra dưới hạ nguồn bà con xóm Ngái tiếp tục dẫn và trữ nước để tưới cho cây cối. Nên sự cố này rất nguy hiểm cho bà con xã Yên Lập nói chung và các xã phía dưới hạ nguồn nói riêng.”

H1 
Ông Bùi Huy Du – Trưởng công an xã Yên Lập. Ảnh: Võ Phương/Vietnam+

Một người dân xóm Đẩy yêu cầu giấu tên cũng không kìm nén được sự bức xúc khi dẫn chúng tôi ra khoảng ruộng ngay sát bờ suối. Chị này chia sẻ: Từ khi có thông tin nước bị nhiễm hóa chất, chị và gia đình không dám canh tác tiếp.

“Chúng tôi rất lo sợ vì không biết nước, chất đất có bị ảnh hưởng ra sao nên đang có ý định san ruộng trồng cây ngô trong vụ tới,” chị chia sẻ.

Cách xã Yên Lập chừng 3km về phía hạ nguồn, xã Dũng Phong vốn là vùng chuyên canh cây cam Cao Phong đặc sản cũng phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Theo lãnh đạo xã này, ngay sau sự cố, toàn bộ xã đã phải họp khẩn. Trong thời gian đợi kết luận cuối cùng về mức độ ảnh hưởng, xã Dũng Phong thống nhất và yêu cầu bà con nông dân ngừng việc dẫn nước suối Màn để tưới tiêu cho cây cam.

“Điều này gây khó khăn cho người nông dân rất lớn. Dự kiến, khoảng 50% diện tích cây cam thương phẩm sẽ bị tác động trực tiếp,” vị lãnh đạo buồn rầu.

Ông Hồ Xuân Dũng, Phó chủ tịch huyện Cao Phong xác nhận: Sự cố từ nhà máy tuyển đồng An Phú đã khiến một dải suối dài tới 5km phía hạ nguồn bị ảnh hưởng. Các vùng đất ven suối cũng khó tránh khỏi hệ lụy.

Phía Ủy ban nhân dân huyện cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu các xã ven suối Màn khuyến cáo người dân không sử dụng nước từ đây để tưới tiêu, phục vụ sinh hoạt; không vớt và đánh bắt cá cho tới khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Về nguy cơ hàng chục héc ta đất ven suối Màn có thể bị ảnh hưởng bởi hóa chất và kim loại đồng. ông Dũng cho biết: Hiện, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Hòa Bình cũng đã lấy mẫu để tiến hành xét nghiệm. Riêng với huyện Cao Phong, các phòng, ban cũng sẽ đánh giá khẩn trương và khách quan, nhằm đưa ra kết luận sớm để bà con nông dân có phương án sản xuất hiệu quả.

Trong thời gian đợi kết luận cuối cùng, người dân vẫn phải sống trong “hệ lụy kép” từ sự cố tràn, ngấm hóa chất từ bãi quặng vào suối thượng nguồn.



2 nhận xét :

  1. Không những cá tôm chết, không những dân thường vô tội chết mà cả quan chức to nhỏ đều phải chết (không chết cấp tính thì chết từ từ) vì đều uống chung nước dòng sông Hồng đã bị đầu độc. Không biết vì thế mà quan chức có tỉnh ngộ hay không?

    Trả lờiXóa
  2. mới vận hành 4 tháng với 40% công suất mà cá tôm trong phạm vi 5km đã chết sạch...nếu vận hành đủ chắc cả dòng sông cá và con người không còn con nào...hãy đóng cửa nhà máy khio còn có thể...

    Trả lờiXóa