Thứ Hai, 4 tháng 7, 2016

DƯ LUẬN VỀ CUỘC HỌP BÁO "SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG" HÔM 30.6

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam cách nay 2 tháng, ảnh chụp chiều 30/6/2016 tại Hà Nội.

Dư luận về cuộc họp báo sự cố môi trường của Chính phủ?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
RFA
2016-07-03

Đánh giá về kết quả cuộc họp báo của Chính phủ công bố nguyên nhân sự cố môi trường ở miền Trung với đánh giá khác nhau và chưa thuyết phục được dư luận xã hội. Dư luận nói gì về vấn đề này? 

Chưa thuyết phục?

Kết thúc buổi họp báo công bố nguyên nhân về thảm họa ô nhiễm biển ở 4 tỉnh Miền Trung của Chính phủ Việt Nam, dư luận xã hội đã đặt nhiều câu hỏi về kết quả của cuộc họp báo và nhận xét rằng đó là sự thỏa thuận thiếu tính thuyết phục của cả 2 bên Việt Nam và Formosa Hà tĩnh.

Nhận xét về kết quả của cuộc họp báo Chính phủ ngày 30/6/2016, TS. Nguyễn Xuân Diện đánh giá:
“Theo các nhà quan sát họ cho rằng, một vụ việc lớn như thế này thì không thể công nhận chỉ bằng một cuộc họp báo như vậy. Việc đền bù thế nào thì cần phải dựa trên cơ sở pháp lý và vào các báo cáo đánh giá khoa học về những thiệt hại, bằng các con số cụ thể chứ không thể dựa vào sự cảm tính. Và người dân cũng không thể chấp nhận số tiền đề bù 500 triệu USD, đó chỉ là muối bỏ bể. Chính phủ Việt Nam cũng như các quan chức các bộ ngành đang hả hê và cho rằng đây là một thắng lợi lớn của Chính phủ. Song tôi nghĩ rằng thật ra đây không phải là một thắng lợi lớn, mà đây chỉ là một sự thỏa hiệp trên tinh thần sự cảm tính.”

Từ Sài gòn, Nhà báo Nguyễn An Dân thấy rằng, trong phát biểu của đại diện của Formosa có nói "Chúng tôi tôn trọng cuộc điều tra của nhà chức trách Việt Nam", theo ông đây là một sự nhận lỗi hoàn toàn miễn cưỡng, khó có thể nói là một sự đồng thuận. Ông giải thích:

“Điều đó cho thấy họ đã phải miễn cưỡng nhận tội, chứ không phải họ thấy sai mà họ nhận tội, có nghĩa là vì phía chúng ta kết luận như thế nên họ phải chịu như vậy. Cái đó nó hoàn toàn khác với sự tự nguyện nhận lỗi, chừng nào họ nói rằng: Bất kể góc nhìn của pháp luật Việt Nam như thế nào, nhưng Formosa cũng tự thấy mình có trách nhiệm trong vấn đề này, thì cái đó mới là thật tâm. Kể cả việc, cho dù lỗi thuộc về nhà thầu phụ nhưng anh là chủ đầu tư thì anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật của nước sở tại.”

Từ Hà nội, Nhà văn Phạm Viết Đào giải thích về lý do dư luận xã hội và người dân không tin. Ông nhận định:

" Tôi nghĩ rằng việc dư luận trong nước cho rằng các nhà đầu tư Đài Loan tuy cúi đầu nhận lỗi nhưng không tâm phục, khẩu phục là vì việc xử lý vấn đề này không theo luật và cơ sở luật pháp. Tôi không hiểu Chính phủ căn cứ vào đâu để bắt họ bồi thường khoản tiền ấy, dù nó không nhỏ? Chính vì họ không sử dụng luật pháp một cách minh bạch nên Formosa họ không chịu do bị bắt buộc, vì thế nên mới có dư luận này kia”.

Đánh giá về phát biểu của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khi cho rằng, hy vọng nhân dân Việt Nam sẽ có thái độ khoan hồng, độ lượng, thể hiện sự cao thượng đối với Formosa.


TS. Nguyễn Xuân Diện nói:

“Việc ông Bộ trưởng Chủ nhiệm VP Chính phủ Mai Tiến Dũng nói rằng cần phải khoan hồng cho Formosa, thì tôi nghĩ rằng, ở đây không có chuyện khoan hồng, vì làm ăn kinh tế thì chỉ có luật thôi. Và các tổn thất rất lớn của các ngư dân không thể nào mà nói xuê xoa bằng mấy câu mang tính chất ma mị như thế được. Vì thế tôi nghĩ rằng, nhân dân VN sẽ không đồng ý với sự khoan hồng này!”. 

Nhà văn Phạm Viết Đào bình luận: 

"Tôi nghĩ đây là Việt Nam đang mở cửa, kêu gọi đầu tư thì cũng phải  có luật pháp, chứ không phải anh cứ dựa vào quan hệ rồi các anh ấn định bắt họ trả, không trả không được. Người ta cho rằng phát biểu này là không đúng, mà phải căn cứ vào luật pháp. Có như thế thì thủ phạm mới tâm phục khẩu phục, đồng thời mới yên dân được.” 

Không kết thúc đơn giản? 

Tuy vậy, Nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng đây là một kết luận khôn khéo của Chính phủ Việt Nam. Ông theo ông vụ việc bê bối này của Formosa sẽ không kết thúc đơn giản như nhiều người nghĩ. Ông giải thích:
“Chính phủ Việt Nam vì để giữ quan hệ ngoại giao, nên họ không thể tuyên bố là tôi tha bổng hay kết tội anh được, vì trên nguyên tắc nêu không phải là Tòa án thì anh không được phép nói điều đó. Có nghĩa là phía Việt Nam đã chừa đường lùi cho Formosa, để cho họ tỏ thiện chí hơn nữa trong vấn đề khắc phục sai phạm mà không đẩy các bên đi đến căng thẳng. Cũng như Chính phủ Việt Nam để bỏ ngỏ điều Chính phủ không hoàn toàn loại trừ việc khởi tố để trấn an dân chúng. Ở đây vấn đề dư địa vấn đề xử lý hậu Formosa hoàn toàn còn có đường lùi cho các bên. Do vậy đây là vấn đề khởi đầu, chứ chưa phải là kết thúc cho Formosa, mà 2 bên vẫn còn đất diễn.”

Nhà văn Phạm Viết Đào cho rằng cần phải xử lý thật nghiêm tất cả các đối tượng có liên quan đến sự cố môi trường này, kể các các quan chức có các phát biểu vô trách nhiệm đối với dân chúng. Ông khẳng định:

"Trong vụ này cần phải xử nghiêm, theo tôi lãnh đạo Bộ trưởng Bộ TN&MT phải chịu trách nhiệm, vì họ là tác giả của luật thì tại sao họ không hiểu luật và đưa luật vào? Kể cả các việc các ông ấy kêu gọi dân đi tắm biển, ăn cá như thế là vô luật pháp, một sự quá quắt như thế có nghĩa là sao?”

Nói về các hành động cần thiết của các giới trong xã hội, cũng như người dân 4 ở tỉnh miền Trung, nếu như nhà nước không chịu đáp ứng cũng như giải quyết sự cố môi trường lần này cụ thể, hiệu quả và minh bạch. TS. Nguyễn Xuân Diện bày tỏ:

“Nếu chỉ đề bù có 500 triệu USD thì là quá nhỏ bé, thứ 2 đó chưa phải là cơ sở pháp lý. Vì thế tôi và một số nhân sĩ trí thức đã kêu gọi các luật sư cùng với các nhà quan sát, các nhà phản biện yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải khởi tố hình sự vụ án Formosa này. Thứ 2 là phải tìm cách giúp đỡ cho trên dưới một triệu ngư dân và những người chịu ảnh hưởng trực tiếp thuộc 4 tỉnh miền Trung khởi kiện ra Tòa Án Quốc tế, vì chúng tôi không còn tin các Tòa Án ở Việt Nam nữa. Thứ 3 là, vì đây là vấn đề lớn nên tôi yêu cầu phải quốc tế hóa vấn đề thảm họa môi trường này để tranh thủ dư luận quốc tế.”

Trong bài viết "Quê hương này không để bán", NS Tuấn Khanh đã viết rằng "Cuộc họp báo công bố nguyên nhân thảm họa biển Việt Nam, giới thiệu rõ một màn trình diễn thô vụng. Formosa Hà Tĩnh đột nhiên trở thành trẻ nhỏ, được chính phủ Việt Nam dắt tay ra trước mọi người, quẹt nước mũi, khóc và nói thuộc lòng lời xin lỗi. Ngay sau đó mức bồi thường 500 triệu USD được công bố như tiếng búa tòa. Thật bất ngờ, không phải là Formosa Hà Tĩnh xin người Việt Nam tha thứ, mà chính phủ Việt Nam lại là phía cất tiếng kêu gọi nhân dân hãy độ lượng và tha thứ…” và tác giả đã đặt câu hỏi “… những nhà lãnh đạo Việt Nam hài lòng với số tiền ấy, hay nhân dân Việt Nam đồng ý với số tiền 500 triệu USD ấy?”


2 nhận xét :

  1. Dù thế nào, thì Người dân (những người bị ảnh hưởng từ Formosa) có thể phát kiện Formosa Hà Tĩnh về : Tác hại hiện tại, tác hại từ di chứng, ...

    Trả lờiXóa
  2. chúng ta phải đòi chính phủ phải truy tố hình sự vụ án hủy diệt môi trường biển này .dân biểu tình thì quy tội còn kẻ phá hoaithifvô tội là không được.

    Trả lờiXóa