Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2016

CÁC HÃNG BẢO HIỂM ĐANG KIẾM CHÁC KHI NGƯ DÂN GẶP NẠN


Ông Nguyễn Ngọc Hải với hành trình khó khăn đòi tiền đền bù bảo hiểm.

Ngư dân khổ vì cá chết, 
đắng vì “cá mập” bảo hiểm
 
Minh Phong
Dân Việt
Thứ Ba, ngày 05/07/2016 06:00 AM (GMT+7)

Các hãng bảo hiểm đang tự biến mình thành “cá mập” xâu xé sự thiệt hại của những cuộc đời bám biển gặp lúc chẳng may.

Ngư dân mong được hỗ trợ vốn đóng tàu xa bờ
Vụ cá chết ở miền Trung: Sẽ có thêm chính sách hỗ trợ ngư dân
Vụ cá chết: “Sớm trả lại ngư trường sạch để ngư dân làm ăn”

Trong thiệt hại vô cùng của cá biển chết, ngư dân vẫn kiên cường bám biển với đội tàu hơn 144 chiếc và tìm ra rồi cứu vớt phi công sống sót. Ngư dân cũng là người tìm ra thi thể phi công Trần Quang Khải. Ngư dân bao giờ cũng mộc mạc và giản dị, ngay cả khi lên mặt báo, họ không bao giờ kể công lao.


Nghe đài nói về những đồng nghiệp của mình khi tìm được những nạn nhân của chiếc máy bay Su 30, lão ngư Nguyễn Văn Ty ở Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình) nói với tôi: "Bất luận thiệt hại thế nào, nhưng khi cần ra khơi tìm kiếm cứu nạn, không ngư dân nào lại khước từ, họ đi mà không hề đòi hỏi thù lao hay đền bù tổn thất, đó là chất trượng nghĩa của dân miền biển ăn to nói lớn".

Họ thành thạo biển, họ gắn với biển như cá với nước, tạo thành thế trận ngư dân trên biển dày đặc. Thế nhưng, cuộc đời ngư dân khó khăn mưu sinh trên biển không chỉ bị vùi dập bởi cá chết, thiên tai, tàu nước khác đâm chìm, cướp bóc mà cay đắng hơn. Ở trên bờ, các hãng bảo hiểm đang tự biến mình thành “cá mập” xâu xé vào sự thiệt hại của những cuộc đời bám biển gặp lúc chẳng may.

Tháng 5. 2016, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin với báo giới, rằng trong hai năm qua có hơn 4.000 tàu cá với 2.300 ngư dân bị gặp nạn trên biển từ lý do tàu lạ va đâm, đến thiên tai nhấn chìm... Về lý thuyết, các tàu cá như thế đều được đền bảo hiểm với sự hỗ trợ đóng tiền mua bảo hiểm thân tàu theo hỗ trợ của Quyết định 48 và Nghị định 67 của Chính phủ. Mỗi tàu lớn đi biển, mỗi năm ngư dân chỉ còn đóng 70 triệu đồng tiền bảo hiểm. Nói "chỉ còn" để đủ thấy sự quan tâm đến thế trận ngư dân góp sức to lớn bảo vệ biển đảo là cực kỳ quan trọng.

Nhưng trong vài lần tiếp cận các hồ sơ bị chìm tàu ngoài ngư trường xa, tôi không biết trong hơn 4.000 tàu cá đó được mấy tàu có chi trả bảo hiểm để có cơ hội làm lại tàu mới mà bám biển trở lại. Nghiên cứu các hồ sơ ngư dân chìm tàu ở ngoài khơi với những con tàu đóng mới lên 5 đến 10 tỷ, thậm chí hơn nữa đều thấy họ đang bị vây bởi "cá mập". Họ đi biển thông thái như nhà hảng hải, rõ đáy biển như nhà hải dương học nhưng lên bờ, họ giản dị, chất phác, ăn nói oang oang và hoàn toàn rất ít hiểu biết về bảo hiểm tàu cá.

Cuộc đời ngư dân, đóng được một chiếc tàu là phải cầm cố biết bao nhiêu tài sản sổ đỏ, thế chấp nhà cửa của anh em, họ hàng. Đến khâu mua bảo hiểm, được nói bùi tai rằng sẽ chia ra 3 kỳ nộp cho nhẹ gánh mỗi năm. Nhưng thật sự không ngờ, câu chốt trong các hợp đồng là: "hiệu lực bảo hiểm có giá trị sau khi nộp xong tiền". Chính bởi câu này mà khi có tàu cá nào chìm, nhân viên bảo hiểm sẽ tìm cách lý giải theo cách có lợi cho họ, thiệt hại thuộc về ngư dân và thường họ không đền. Quá lắm, báo chí có can thiệp mới miễn cưỡng xách tiền tìm đến như động tác đền bù.

Gần cuối sông Gianh, đoạn bờ Nam qua xã Thanh Trạch, Bố Trạch, gia đình ông Nguyễn Ngọc Hải vừa nhận đền bù số tiền 2 tỷ đồng từ bảo hiểm Bảo Việt sau khi báo chí lên tiếng giúp ông, chứ trước đó ông hoàn toàn bất lực vì các lý do “trời ơi”. Tàu cá của ông Hải với số hiệu QB 9267-TS, công suất 487CV bị chìm trên Vịnh Bắc Bộ vào ngày 15.2, 3 thuyền viên mất tích, trong đó có con trai của ông. Về nhà, làm đám tang cho con trong cảnh không tìm được xác, giữa lúc tang gia bối rối, nhân viên bảo hiểm đến thắp hương và họ thông báo không thể đền bù bởi chưa nộp hết tiền.

Thực chất ông Hải đã nộp đủ 2 kỳ bảo biểm, kỳ thứ 3 được thông báo nhầm địa chỉ xã Đức Trạch cách đó hàng chục cây số. Đến khi biết được thì đã quá muộn. Phải nhờ cậy báo chí, luật sư thì Bảo Việt mới đến đưa cho ông Hải 2 tỷ đồng vào giữa tháng 6-2016.

Ở phường Quảng Phúc thị xã Ba Đồn, ngư dân Trần Xuân Tiến, có chiếc tàu trị giá hơn 2 tỷ đồng bị chìm vào sáng 1.2 trên ngư trường Hoàng Sa. Nhân viên bảo hiểm Bảo Minh bán bảo hiểm cho anh tuy nhiên, chỉ đưa một giấy chứng nhận bảo hiểm, không có hợp đồng. Tàu chìm, đến nay ngư dân này không có được đồng đền bù nào để xây ước mơ hy vọng trở thành cột mốc chủ quyền trên biển.

Khi ngư dân gặp nạn, không ít hãng bảo hiểm lấy lý do chỉ hỗ trợ nhân đạo chứ không bồi thường trong lúc tang gia để rồi sau đó nại cớ gia đình đã đồng ý ký đơn tự nguyện. Bảo hiểm lúc đó thật sự biến mình thành “cá mập” để trục lợi ngư dân.

Ngư dân ra khơi bám biển, nhiệm vụ ngoài làm ăn kinh tế còn có trọng trách làm nên những cột mốc đi động để khẳng định chủ quyền đất nước, bất cứ ai trên biển gặp nạn họ đều cứu giúp. Mạng lưới ngư dân trên biển là chằng chịt, nhưng trước những con “cá mập” bảo hiểm, họ không biết xoay trở như thế nào, họ bị trục lợi với biết bao nhiêu thiệt thòi cay đắng. Không lẽ cứ mang phận ngư dân là phải nhiều chịu tai ương? Và chính sách tốt giành cho ngư dân đang bị “cá mập” bủa vây?

Ai sẽ trả lời giúp cho ngư nhân những câu hỏi này?

1 nhận xét :

  1. bọn bảo hiểm nào mà chẳng thế, toàn bọn lừa đảo

    Trả lờiXóa