Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

XIN CÁC VỊ CHỚ MUA THUỐC ĐỘC LÀM "QUÀ CHO CON"

Bìa cuốn "Qùa cho con".
“QUÀ CHO CON” TẬP SÁCH TREO ĐẦU DÊ BÁN THỊT CHÓ, LÀM HỎNG TIẾNG VIỆT, DẠY KỸ NĂNG PHI ĐẠO ĐỨC
Trần Mạnh Hảo
10.06.2016



“QUÀ CHO CON” của Nguyễn Huy Hoàng do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, phát hành quý 2 – 2016 gây xôn xao trên mạng xã hội vì cuốn sách ghi trên bìa 1 : 100 bài thơ – 100 kỹ năng sống, được bán với giá hơn nửa tỷ đồng VN.

A – “QUÀ CHO CON” TREO ĐẦU THƠ BÁN VÈ TẤU VÀ HỘI CHỨNG TUNG HÔ VÔ TRÁCH NHIỆM.

Đọc hết 100 bài mạo danh thơ trong “Qùa cho con” của Nguyễn Huy Hoàng tịnh không thấy một câu thơ. Nếu nói 100 bài này là tấu là vè thì có thể làm xấu cả hai thể loại vè tấu. 

Việc tác giả và các nhân vật nổi tiếng xúm vào tung hô gọi “Qùa cho con” là thơ là một sự đánh tráo khái niệm, là treo đầu dê bán thịt chó, thực chất là một trò lừa đảo. Giống với việc tập đoàn triệt phá mấy nghìn cây cổ thụ xanh tươi của Hà Nội Phạm Quang Nghị - Nguyễn Thế Thảo, rồi trồng cây mỡ lừa dân gọi mỡ là vàng tâm vậy ! Như vậy, “Qùa cho con” là một sản phẩm dỏm, sản phẩm lừa, là hàng nhái có thể phạm luật !

Đáng kinh ngạc là các ông tai to mặt lớn như : Thứ trưởng Bộ Văn Hóa và thể thao du lịch Vương Duy Biên, Thượng tọa tiến sĩ Thích Đức Thiện – tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, GS. Văn Như Cương - Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều –Phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam-Phó tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á Phi, nhà thơ đại tá Nguyễn Hữu Qúy, danh hài nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc …đã hết lời ca ngợi cuốn thơ lừa này mới là lạ. 

 GS. Văn Như Cương và những lời vô trách nhiệm quảng cáo láo cho tập sách "Qùa cho con"

Chẳng lẽ trình độ các vị trên kém cỏi đến mức không biết thơ và vè tấu khác nhau ra sao chăng; hay họ không đọc qua bản thảo tập thơ dỏm này sau khi cầm phong bì đút túi ? Việc làm của mấy vị trên quả là vô trách nhiệm, nếu không muốn nói là chính họ đã bịp dân, lừa dân, lừa lớp trẻ để cho sản phẩm có hại cho tiếng Việt, có hại cho đạo đức lối sống này ra mắt với sự tung hô vô tội vạ của họ. Thứ trưởng, giáo sư, tiến sĩ, nhà thơ mà viết bài lăng nhăng, láo lếu, quảng cáo lên mây cho một tập không phải thơ, chưa thể thành vè tấu thế này là sao ?

B - “ QUÀ CHO CON” MỘT CUỐN SÁCH DẠY KỸ NĂNG PHI ĐẠO ĐỨC :

“Qùa cho con” ghi trên bìa là 100 bài thơ – 100 kỹ năng sống; nhưng thực chất nhiều câu, nhiều bài dạy trẻ em kỹ năng mất đạo đức. Xin dẫn chứng:

Trong bài : “Đừng vội tin người” tác giả viết : “Thật giả giống hệt như in / Chớ vội nhẹ dạ cả tin người đời” ( tr. 107). Dạy như trên là triệt phá niềm tin của con trẻ vào lời dạy của cha mẹ, của thầy cô, khác nào gieo rắc hoài nghi lên tất cả mọi người trong mắt con trẻ ? Đành rằng dạy con trẻ cần cảnh giác trước mọi lọc lừa là đúng, nhưng bảo trẻ không được tin vào bất cứ ai là một thứ dạy sai, là phá hoại niềm tin đầu đời của trẻ vào chân thiện mỹ và con người. Dạy như thế là giết trẻ con về mặt tinh thần đó ?

Kết thúc bài này, tác giả tiếp tục dạy kỹ năng hoài nghi tuyệt đối lên con trẻ : “Thế gian lắm kẻ dối lừa / Cái gì không rõ thì chưa tin dùng”. Câu này cũng dạy con trẻ không được tin vào cái “chưa rõ” là tương lai tốt đẹp hơn thì làm sao trẻ vươn lên làm người được ? Câu này có thể chỉ đúng với cái tương lai là thiên đường cộng sản sẽ không bao giờ đến mà thôi! Đừng tin vào bọn “dối lừa” bịa đặt ra thứ bánh vẽ không có thật !

“Qùa cho con” còn dạy trẻ kỹ năng vị kỷ : “hãy tự tôn vinh” , “ yêu mình trước tiên” như sau: 

“Đừng bao giờ mong đợi 
Người khác yêu thương mình 
Mà hãy tự tôn vinh 
Trân trọng mình trước đã"
(Yêu thương bản thân mình- tr. 78)

Tác giả quá mất đạo đức khi dạy con trẻ thói vị kỷ chỉ biết yêu mình. Quyền của trẻ con là quyền mong đợi sự yêu thương của gia đình và xã hội cho mình, tác giả lại dạy rất sai: 

“Đừng bao giờ mong đợi / Kẻ khác yêu thương mình”; hóa ra tác giả đẩy trẻ con vào sa mạc tự tôn, tự kỷ, tự kiêu không thấy ai ngoài mình ư ? Câu kết bài còn dạy sống bất cần ai khác : “và yêu mình trước tiên”, không biết yêu người sao biết yêu mình ? Trang 50, trong bài “Tự giới thiệu bản thân, tác giả còn dạy trẻ con tự tôn vinh mình hết cỡ như sau : “Trước hết là tự tôn vinh / Những gì tốt đẹp của mình lâu nay”. 

Tác giả Nguyễn Huy Hoàng.

Tác giả dạy trẻ “Cần phải biết xấu hổ / Mỗi khi làm gì sai” thì đúng nhưng khi dạy tiếp trẻ cần phải biết xấu hổ vì cái kém cỏi của mình thì sai : “Hoặc thấy mình kém cỏi” (bài “Biết xấu hổ” tr. 30). Ví dụ trẻ có chiều cao khiêm tốn, thậm chí bị khuyết tật thì cứ phải xấu hổ cả đơi ư ? Trẻ con này có thể không thông minh bằng các con trẻ khác, vậy “Qùa cho con” dạy trẻ nên xấu hổ suốt đời vì mình không thông minh bằng người sao ? Dạy láo thế này mà cũng đòi “dạy trẻ kỹ năng sống” à ?

Trang 62, bài “Lời ăn tiếng nói” tác giả dạy trẻ rất sai như sau : “Nói hay làm đẹp con người / Nói dở luôn bị kẻ cười người chê”. Nói, hay nói trước đám đông là một nghệ thuật, có người có năng khiếu nói hay, có người có năng khiếu nói chưa hay gọi là nói dở, thiết tưởng là chuyện bình thường. Nói dở không phạm đạo đức sao lại bị “kẻ cười, người chê”. Dạy trẻ rất sai như thế mà cũng đòi dạy dỗ kỹ năng sống à ông ?

Nguyễn Huy Hoàng còn dạy trẻ “kỹ năng sống viển vông” như sau: “Yêu nước là để ước mơ / Chinh phục thế giới không chờ thời gian” ? Chao ôi, dạy trẻ kiểu tào lao chi khươn rằng hãy mơ ước chinh phục thế giới, dạy thế này thì sang Tàu cộng mà dạy nhé, vì cha ông chúng vẫn dạy chúng “ bình thiên hạ - chinh phục thế giới” nên chúng mới cướp biển đông của ta, chuẩn bị cướp nước ta ? Yêu nước là đi chinh phục thế giới để biển đảo cho Tàu cộng nó chiếm là kiểu yêu nước lừa à các ông thứ trưởng, các ông nhà thơ của cường quốc thơ tân con cóc, ông giáo sư tên kêu như chuông mà trình độ thì bết bát ?

Nguyễn Huy Hoàng hầu như có tài dạy trẻ toàn kỹ năng sống sai đạo đức, nhấn mạnh lòng yêu tiền bạc của trẻ như sau : “Thứ tám đẹp bởi tiền tiêu đủ đầy” (Yêu cái đẹp, tr. 79). Dạy trẻ yêu tiền bạc rồi hô lên đó là kỹ năng sống đẹp thì ta chào mi, vì mi toàn dạy trẻ hư hỏng mất đạo đức không thôi, mi ơi !

Trong bài “ Vui tết đón xuân” Nguyễn Huy Hoàng, “nhà kỹ năng sống học” còn dạy trẻ một thói xấu cần bỏ là ham mê tiền lì xì ( mừng tuổi ) quá mức như sau : “Hân hoan đón đợi tiền mừng” thì than ôi, kỹ năng sống vị tiền này sẽ dẫn con trẻ về đâu ?

Còn khá nhiều “kỹ năng sống” bá láp khác trong cuốn “Qùa cho con” mà Nguyễn Huy Hoàng tung ra làm ô nhiễm nền giáo dục cần phải lên tiếng tiếp, tuy vì bài viết có hạn, hẹn một dịp khác vậy …

C – QUÀ CHO CON – MỘT TẬP SÁCH VỚ VẨN, ẤM Ớ CỐT TUNG RA LÀM HỎNG TIẾNG VIỆT, LÀM Ô UẾ THƠ CA VÈ TẤU…

Mở vào bìa lót, có hai câu nói diễn nôm theo thể lục bát nhưng sai luật âm vận : “Vần thơ mộc mạc nôm na / Gom kỹ năng sống làm quà cho con”…Thông thường, trong thể lục bát, âm của chữ thứ hai câu lục và chữ thứ hai của câu bát là thanh không hay thanh bằng. Trong tập sách toàn vè, tấu mạo thơ này, tác giả hàng trăm lần sai kỹ năng thể lục bát : viết câu lục, câu bát hàng trăm lần sai kỹ năng thơ như trường hợp trên. Trong truyện Kiều, hầu như chỉ một lần Nguyễn Du cho chữ thứ hai của câu lục có thanh trắc vì nó là hai vế đối : “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”.

Muốn truyền đạt kỹ năng sống cho mọi người, thiết tưởng tác giả “Qùa cho con” cần phải biết chút ít kỹ năng thơ khi nôm na vè tấu làm cho âm vận lục bát ngang phè phè, hàng trăm lần dùng sai luật âm vận là cho chữ thứ hai của câu lục và chữ thứ hai của câu lục và chữ thứ hai của câu bát mang thanh trắc.

Trong thể lục bát, Nguyễn Huy Hoàng tác giả “ Qùa cho con” chưa từng được giáo dục về cách làm loại vè này, nên anh hay lặp vần như sau :

“Tham là mầm mống bạo tàn
Gây nên những cảnh cơ hàn lầm than 
Tham là mẹ đẻ dối gian
Là thủ phạm chính nát tan cửa nhà” 
(Kiềm chế lòng tham- tr. 100)

Hai cặp lục bát trên lặp lại vần “an” là việc tối kị khi mầm “lục bát”. Vả, khái quát như bốn câu nôm na bảo tham đẻ ra bạo tàn, cơ hàn lầm than, nát tan cửa nhà là không chính xác. Tục ngữ có câu “ tham công tiếc việc” thì người tham ở đây là người tốt, sao lại “giáo dục kỹ năng sống” tầm bậy thế này ? Trong tập sách, có hơn chục lần tác giả lặp vần.

Dẫu làm theo thể lục bát hay thể vè tấu, khi đem sản phẩm ra để giáo dục con trẻ, nhất thiết phải tôn trọng sự trong sáng của tiếng Việt. Tác giả nhiều lần đưa tiếng Anh vào lục bát rất khó nghe, khó chịu như bài mở đầu như sau : “Cái miệng xinh xắn ngọt ngào / Sinh ra là để xin chào hê lô ( hello).

Trang 10, bài “ Làm tốt việc nhỏ” tác giả dùng từ “ cứ bỏ qua” là làm hỏng, làm xấu tiếng Việt như sau : “Việc nhỏ nếu cứ bỏ qua”. Trang 23, bài “ Biết ơn” tác giả làm xấu tiếng Việt bằng cách cố tình đảo ngữ cho từ “hiền tài” thành “tài hiền” như sau: “Biết ơn các bậc tài hiền”. Trang 33, trong bài “ Biết im lặng” tác giả làm xấu tiếng Việt bằng cách lấy câu ngạn ngữ phương Tây “ im lặng là vàng” để cho nó thành “thơ’ ngữ ngôn nên thêm vào một chữ “ sẽ” như sau : “ Im lặng sẽ là vàng” lặp lại tới ba lần lỗi này.

Tiếng Việt có từ ngơ ngác, tác giả làm xấu tiếng nói ông cha bằng cách đảo ngữ thành “ngác ngơ” : “Ngác ngơ là bởi bệnh lười” ( bài “chỉn chu chịu khó, tr. 40). Làm cho tiếng Việt tối nghĩa là biệt tài của Nguyễn Huy Hoàng như khi anh viết : “ Ơn người làm đổ mồ hôi” . Ai ơn người, người làm tự đổ mồ hôi hay người làm mình đổ mồ hôi ? Chịu ! Đây là cách tác giả dạy kỹ năng sống hũ nút chăng ?

Nguyễn Huy Hoàng, còn dùng bút pháp Bút Tre : “Hoan hô đại tướng Võ Nguyên / Giáp ta thắng trận Điện Biên lẩy lừng” ra dạy kỹ năng thơ cho trẻ em, như sau : “ Người thân mà rất lâu sau / Gặp lại thì phải chào nhau kỹ càng” ( tr. 57)… Chính ra phải viết cho đúng tiếng Việt : “Người thân mà rất lâu sau gặp lại thì phải chào nhau kỹ càng” ; nhưng tác giả muốn bắt câu này thành lục bát, đành mượn bút pháp : Võ Nguyên / Giáp ta…ra mà lạm dụng lục bát cho trẻ con có kỹ năng cười chơi chăng ? Còn “ chào nhau kỹ càng” là chào kiểu nào vậy các ông, những kẻ bôi bẩn tiếng Việt !

Ngay sau đó, ở trang 58, cơn say Bút Tre của Nguyễn Huy Hoàng vẫn còn “phê”, được đà, anh chơi tiếp: “Trong cuộc sống mỗi chúng ta / Cũng nên học cách để mà bắt tay” (bài “Bắt tay đúng cách”). Chao ôi “ để mà bắt tay” muốn bôi bẩn tiếng Việt, không gì hơn dùng từ kiểu này !

Có lẽ Nguyễn Huy Hoàng từng có chân trong hội kín “phàm là” nên khi dạy kỹ năng sống cho trẻ con rất hay lắp bắp : “thì là mà” làm hỏng tiếng Việt như sau: “Giao thông gắn với đời ta / Tham gia thì phải rất là tập trung” (bài “An toàn giao thông, tr. 86). Hứng bút, bắt chước phong cách “phàm là” của Nguyễn Huy Hoàng, Trần Mạnh hảo xin xuất chiêu thơ thẩn như sau : 

“Muốn dạy kỹ năng sống à
phải rành tiếng Việt thì là dễ nghe” , 

hay

“Đừng làm xấu tiếng Việt ta
Nếu không cả nước sẽ là thì chê”…

Nguyễn Huy Hoàng viết tiếng Việt buồn cười lắm cơ : “Mặt tốt mạng có lắm điều / Nhưng mà mặt xấu cũng nhiều lắm cơ “ (bài Đừng nghiện internet, tr. 93)…Trần Mạnh Hảo chỉ xin bình lối viết “lắm cơ” này bằng câu xuất thần thiên cổ :

“ Lục bát lục nồi lục niêu 
Lủng cà lủng củng xuất chiêu chọc cười”

Nguyễn Huy Hoàng mộng dạy kỹ năng sống cho trẻ em bằng cách viết rất ẩu như sau: 

Nếu cuộc sống thiếu nhạc phim hội họa 
Không văn thơ, ca múa với văn chương” 
(bài “Thưởng thức nghệ thuật”, tr. 134). 

Muốn dạy kỹ năng sống hay chết cho trẻ em, trước hết tác giả phải có kỹ năng viết. Xin hỏi “văn thơ” không phải “văn chương” thì còn là gì ?

Thế mà, trong một câu gọi là thơ, tác giả kể ra ba thứ khác nhau : văn thơ, ca múa, văn chương là sao ? Hay là Nguyễn Huy Hoàng chưa phân biệt được khái niệm “văn thơ” với “văn chương”? Cũng như tác giả chưa có thể phân biệt “THƠ “ khác “VÈ” khác “Tấu” ra sao đó thôi ! Đúng là chưa vỡ bọng bã đã đòi bay bổng ! Rằng kẻ dốt ưa nói chữ, kẻ ngọng đòi dạy luyện âm, luyện nói cho người khác ! Thê thảm thay !

Có thể còn kể ra hàng trăm dẫn chứng về “tài” làm xấu tiếng Việt của Nguyễn Huy Hoàng. Trong 145 trang sách, tác giả đã cho trẻ em một món quà toàn sạn, một kỹ năng viết ẩu, nói ẩu, ngô nghê, ấm ớ, vụng về, thô thiển, dạy đạo đức mà phá đạo đức, làm hỏng hình ảnh đẹp duyên dáng, uyển chuyển của thể lục bát.

Nguyễn Huy Hoàng nhờ sự quảng cáo láo của mấy ông tai to mặt lớn bốc thơm cuốn sách in trên những trang đầu để tung ra một món hàng lừa đảo, xấu xí có tên là “Qùa cho con”, làm hại cho sự giáo dục con trẻ lắm thay ! 

Xin mượn lời của nhà thơ Vương Trọng (dưới bút danh Thảo Dân) để kết thúc bài viết này:

ĐỌC "QUÀ CHO CON"

Thà rằng bố mẹ đánh đòn
Còn hơn mua tặng cho con quà này
Thơ nào dính dáng ở đây
Đem lời nhạt nhẽo nối dây, kết dòng
Kỹ năng sống, tuyệt nhiên không
Còn như đạo đức đừng mong đợi gì
Mấy nhà tên tuổi uy nghi
Hùa nhau tâng bốc là vì...thôi, thôi
Nói ra xấu hổ cho đời
Đành lòng ngửa mặt lên trời mà than!

THẢO DÂN (Vương Trọng)

Sài Gòn ngày 10-6-2016
T.M.H.


13 nhận xét :

  1. Tôi chưa một lần đọc tập thơ này nhưng chỉ biết tên thông qua một tờ báo quảng báo. hôm nay được tác giả giới thiệu. tôi hơi ngạc nhiên:“Thật giả giống hệt như in / Chớ vội nhẹ dạ cả tin người đời” ( tr. 107)"đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều và tò mò muốn biết suy nghĩ của những nhà giáo đích thực về vấn đề này, đáng tiếc cho những vần thơ như thế lại được cổ súy trong môi trường gd .... cách đây không lâu, báo PL TPHCM có đăng 4 kỳ do N.Tý tổng hợp giới thiệu đến độc giả của tờ bào những vần thơ 'cũ rích' từ thế kỉ trước với tựa đề "Những trang sách 'vỡ lòng' không thể nào quên" rất hay, rất có giá trị, phù hợp với mọi lứa tuổi tuy nhiên, có một số it bài mặc dù vẫn rất hay nhưng không còn phù hợp trong giảng dạy ở thời @ nữa.tất cả những bài đã được tổng hợp đó đều mang đúng tính chất của gd, giản dị, phù hợp với mọi lứa tuổi, trẻ học mà tưởng mình chơi,nếu những vần thơ đó được diễn tả bằng những phim hoạt họa vài phút sống động,hoặc dùng để đối thoại với nhau ở mọi lứa tuổi sẽ lôi cuốn không biết bao nhiêu sinh linh tình yêu sách... các bé được nghe những vần thơ ca giá trị ngay từ lúc lọt lòng mẹ, thì tình cảm, dạo dức....... vốn từ sẽ có nhiều khả năng là 'bản năng' tự nhiên. Trân Trọng cám ơn Tác Giả Trần Ngọc Hảo cho những chia xẻ về đề tài tôi quan tâm.

    Trả lờiXóa
  2. Nói chung toàn bài thì nhà thơ TMH.phê phán rất chính xác
    với nhiều dẫn chứng cụ thể nhưng một ít chi tiết,tôi không đồng ý vì tác giả lập luận hơi qúa đà !
    -Lặp lại CHỮ "an" là tối kỵ thì đúng nhưng lặp lại vần"an"
    thì được như "tàn,hàn,than,gian,tan".
    -Thật ra,NHH.coi thơ như phương tiện để ông "dạy dổ",dù
    hơi láo,chứ không phải là nghệ thuật,thưa nhà thơ thân mến của tôi.

    Trả lờiXóa
  3. Mới đó, Hoàng Quang Thuận
    Giờ lại Nguyễn Huy Hoàng
    Trong cái làng "thơ thẩn"
    Nhất hai ông, khỏi bàn!

    Trả lờiXóa
  4. Mượn diễn đàn này nịnh Trần Mạnh Hão một câu. Thời buổi nay mà còn có người quan tâm tới cách sử dụng tiếng Việt một cách trong sáng và bỏ thời giờ, công sức để chỉ ra những cái ngô nghê của những tiến sĩ văn hóa thời hiện đại này thí quả thật đáng trân trọng

    Trả lờiXóa
  5. Nguyễn huy Hoàng là ai thì mình đếch biết? nhưng Văn Như Cương là nhà toán học, ông sành gì về văn chương? Còn Nguyễn Quang Thiều là nhà văn cơ mà?!Thứ trưởng ư? Là kẻ đáng khinh hay đáng trọng đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Văn Như Cương chỉ là ông giáo dậy toán mà thôi chứ không phải là nhà toán học. Hai khái niệm khác nhau đấy bạn à!

      Xóa
  6. Tôi đã từng quá ngạc nhiên về tập thơ "Quà cho con" sao lại được ca ngợi và tiền bản quyền như vậy?? thơ gì mà ngây ngô hơn cả thơ Bút tre xưa !

    Trả lờiXóa
  7. Tôi tin Trần Mạnh Hảo!

    Trả lờiXóa
  8. Trẻ con "mới", ngộ làm sao
    Không chào tiếng Việt, chỉ chào hê lô
    Đầu đời bập bẹ bi bô
    Gọi tên bác Xít Liên Xô thôi à
    Thơ gì kỳ vậy, "hai cha"
    Trẻ con, dạy thế, đúng là... trẻ con!
    Người Quan Họ

    Trả lờiXóa
  9. Khỏi ăn, khỏi mặc, khỏi chơi
    "Quà cho con" đó, xin mời... mại dzô!
    Buồn ông Cương quá!

    Trả lờiXóa
  10. "Quà cho ông bà nội ngoại" mới đúng!
    Gớm, ở đâu ra cái thằng dở người Nguyễn Huy Hoàng?

    Trả lờiXóa
  11. Chẳng hay, cha mẹ cô thày
    "Kỹ năng sống", phải nhờ tay Huy Hoàng?

    Trả lờiXóa