Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: CUỘC CHƠI PHẨM GIÁ CỦA TRUNG QUỐC


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh (phải) 
và Ủy viên Quốc vụ TQ Dương Khiết Trì. Ảnh: Tiền Phong.

CUỘC CHƠI PHẨM GIÁ CỦA TRUNG QUỐC

Nhà văn Hoàng Quốc Hải 
Hà nội ngày 27 tháng 6 năm 2016.

Trung Quốc tự xưng mình là nước lớn và họ trỗi dậy trong hòa bình. Hiển nhiên Trung Quốc là nước lớn. Về dân số đứng đầu thế giới với hơn 1,3 tỉ dân, về diện tích hơn 9 triệu km2 chỉ sau Liên bang Nga và Canada.


Còn việc họ trỗi dậy trong hòa bình thì không phải vậy. Trước hết, các nước có chung biên giới với họ, không một nước nào được yên ổn với Trung Quốc, nếu không gây ra chiến tranh cũng là xung đột hoặc tranh chấp, chủ yếu là đất đai. Nửa cuối thế kỷ 20, họ đã từng có xung đột biên giới với Liên Xô, chiến tranh biên giới với Ấn Độ, chiến tranh xâm lược với Việt Nam. Và hiện nay, họ đang khuấy đảo Biển Đông. Năm 1974 cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, năm 1988 lại dùng lực lượng quân sự áp đảo cưỡng chiếm các đảo Gạc Ma, Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Ga Ren, Đá Tư Nghĩa, Đá Su Bi… Thực chất đây là một cuộc xâm lược đúng nghĩa.

Và bây giờ họ đã biến các đảo và các bãi đá ngầm chiếm được của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, thành 7 thực thể như đường băng cho tầu bay, bến bãi cho tầu chiến, tầu ngầm và kho chứa xăng dầu. Tức là họ đang gấp rút quân sự hóa Biển Đông từng giờ.

Bãi cạn Scarborough do họ cưỡng chiếm của Philippines năm 2012, nằm trong âm mưu biến nó thành một căn cứ quân sự lớn- một hàng không mẫu hạm khổng lồ không thể đánh chìm ngay cửa ngõ Philippines, và cách các căn cứ quân sự Mỹ đang sử dụng không xa.

Truyền thống chiếm đất của Trung Quốc, là vượt biên giới đánh chiếm một phần lãnh thổ của láng giềng, ở nơi mà họ thấy có lợi thế. Khi bị phản kích, bị đẩy lùi, họ cố đóng chốt tại một khu vực, rồi đề nghị đàm phán. Đó là họ biến vùng đất không có tranh chấp thành đất tranh chấp. Và tiến hành thương lượng trên vùng đất vừa chiếm được. Cuộc chiến tranh biên giới Trung - Ấn năm 1962, hiện Trung Quốc còn đang chiếm giữ của Ấn Độ một dải đất khoảng 50.000 km2.

Thủ đoạn đó đối với Việt Nam là xâm canh, xâm cư và xâm táng.

Xâm canh, là họ cho người sang cấy trồng trên đất của ta, tại những vùng hẻo lánh. Nếu ta phát hiện kịp thời và xua đuổi, thì họ rút về. Nếu êm êm qua vài vụ, là họ đưa người sang làm nhà và sinh sống trên đất ta, tức là xâm cư. Việc xâm cư này nếu phát hiện kịp vẫn có thể đuổi được, trường hợp như ở Cao Bằng vào các năm 1970- 1973. Nhưng nếu họ ở lâu, có người chết và mồ mả an táng kiểu như vùng đất bên kia sông Qui Sơn, thác Bản Giốc huyện Trùng Khánh Cao Bằng, thì rất khó đuổi. Thậm chí không thể đuổi được và mất đất luôn. Mất nửa thác Bản Giốc là như vậy đó. 



Trên bộ, đất đai tiếp giáp liền kề, Trung Quốc dùng mọi thủ đoạn để lấn chiếm còn đi một nhẽ. Nhưng trên biển, trùng khơi cách trở, các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei hoàn toàn không có gì liên đới tới Trung Quốc. Vùng đặc quyền kinh tế như của nước ta, tính từ đường cơ sở còn cách Trung Quốc tới cả ngàn km; không có một xăng ti mét nào có thể gọi là chồng lấn.

Các đảo trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ 1956 trở về cả mấy ngàn năm trước, chưa hề có yếu tố Trung Hoa. Còn quần đảo Trường Sa trước 1988, tức là trước khi quân Trung Quốc xâm lược chiếm đảo Gạc Ma và các đảo khác từ sự kiểm soát của Việt Nam, thì người Trung Quốc chưa hề biết đến Trường Sa.

Như vậy không chỉ Việt Nam, mà dường như tất cả các nước ven Biển Đông không có gì để đàm phán với Trung Quốc. Bởi vùng biển này từ xưa không có tranh chấp, không có yếu tố Trung Hoa. Bởi Trung Hoa là một quốc gia lục địa. Nay Trung Quốc nhảy vào cưỡng chiếm với đầy đủ yếu tố của một kẻ xâm lược. Do đó, quân xâm lược phải rút đi, đó là chân lý và cũng là đạo lý, chẳng có gì để thương lượng.

Vậy Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì đến Việt Nam trước thềm Tòa Trọng tài Quốc tế Thường trực LHQ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough, và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này để làm gì?

Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam nói riêng và các nước ven Biển Đông nói chung, không có bất kỳ vùng chồng lấn nào với Trung Quốc. Không có cái gọi là “quyền lịch sử”.

Theo Công ước Quốc tế về Luật Biển Unclos 1982, do 160 nước thảo luận và xây dựng công phu suốt mấy chục năm mới hoàn thành, trong đó có cả Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia. Nguyên tắc thứ nhất của Luật Biển Unclos về chủ quyền và quyền tài phán đối với quốc gia ven biển phải là: “Chiếm hữu thực tế và thực hành quyền tài phán liên tục không bị gián đoạn- không phải là chinh phục”.

Theo qui định này thì các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng, thực sự là do xâm lược mà có. Vậy nó là bất hợp pháp. Trung Quốc phải rút đi để trả lại Hoàng Sa - Trường Sa cho Việt Nam. Bởi nó không có một ly nào là chồng lấn cả, vì vậy không có gì để đàm phán, thương lượng.

Vậy ông Dương Khiết Trì đến Hà Nội để làm gì? Chắc chắn là thuyết phục Việt Nam hợp tác, kiên trì đàm phán để thu hẹp bất đồng. Và nếu có thể được trong chừng mực nào đó, không tẩy chay Tòa Trọng tài Quốc tế Thường trực LHQ sắp tuyên bố kết quả vụ kiện của Philippines, thì chí ít cũng không tuyên bố công khai ủng hộ Philippines.

Giả định thôi, nếu Việt Nam thỏa hiệp với Trung Quốc về điều này, có nghĩa chúng ta đã từ bỏ chủ quyền và đồng nghĩa với việc đầu hàng Trung Quốc. Cho nên cơ sở của đàm phán là quân Trung Quốc cưỡng chiếm biển, đảo của Việt Nam, thì quân Trung Quốc xâm lược phải rút đi, trả lại biển đảo cho Việt Nam. Đó là mệnh lệnh của Tổ quốc! Nếu Trung Quôc không rút đi thì Việt Nam khởi kiện.

Nhưng có lẽ Trung Quốc cáo già, sẽ dụ dỗ Việt Nam bằng các chiêu thức kinh tế, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp như mơ. Và hai Đảng, hai Nhà nước cố gắng hợp tác bảo đảm an ninh khu vực, còn Biển Đông cứ giữ nguyên hiện trạng không làm cho tình hình phức tạp thêm…

Vấn đề là, chỉ cần Việt Nam im hơi lặng tiếng để Trung Quốc qua cơn sóng gió này.

Ta nên biết, Trung Quốc đã bao lần nuốt lời hứa. Và cứ mỗi lần họ qua ta dụ dỗ, là mỗi lần ta lại ăn thêm quả lừa to hơn. Nhớ tháng 6 năm 2014 khi ông Dương Khiết Trì tới Hà Nội giữa lúc tình hình ngoài Biển Đông rất căng thẳng. Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc neo đậu sâu trong thềm lục địa của ta. Đường dây nóng trở nên nguội lạnh, bởi đầu kia không hề có tín hiệu. Dương Khiết Trì sang trấn an, nhưng HD 981 vẫn lì lợm thăm dò trong thềm lục địa của Việt Nam.

Trước ngày 18 tháng 6 năm 2014, là ngày ông Dương Khiết Trì sang Việt Nam, Tân Hoa Xã có bài đe dọa Việt Nam qui về 4 điểm:

1/ Không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền cua Trung Quốc đối với các đảo trên Nam Hải ( Biển Đông ).

2/ Không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận ở Việt Nam về chủ quyền Trung Quốc ở Tây Sa, Nam Sa ( Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ).

3/ Không được lôi kéo các nước khác vào Nam Hải ( Biển Đông ).

4/ Không được phá bỏ mối quan hệ Việt - Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.

Qua đó mới thấy Trung Quốc luôn dọa nạt, nhưng vì bất minh nên luôn run sợ trước dư luận quốc tế. Họ rất sợ ta công khai chỉ trích và đưa ra các chứng cứ lịch sử về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Và họ trói ta vào cái vòng kim cô 16 chữ vàng và 4 tốt trong mối quan hệ vô nghĩa ,mà ông nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gọi là “hữu nghị viển vông” .

Trung Quốc nằm mơ cũng không kiếm được một dòng một chữ nào, làm bằng chứng lịch sử về hai quần đảo này.

Do vậy, họ mới nói bừa rằng “Chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông từ thời cổ đại”. Trước đó họ nói Trung Quốc đã làm chủ Biển Đông từ thời Hán, Đường nhưng tìm mãi chẳng có bằng chứng gì, nên nói đại là “chủ quyền lịch sử”. Gần đây họ làm rùm beng có cuốn sách cổ 600 năm làm bằng chứng cho việc Trung Quốc đã làm chủ Hoàng Sa, Trường Sa, do một gia đình ngư dân ở Quảng Đông sở hữu. Phóng viên BBC tại Trung Quốc đã về tới tận nơi bóc mẽ. Vị ngư dân kia nói “Sách cũ quá, nát quá chẳng đọc được chữ gì, vứt đi rồi”.

Vậy là sự dối trá đã và đang ngự trị một cách nhất quán trong các chính sách của Trung Quốc về Biển Đông.

Lại nói, mỗi lần họ khuyên ta giữ “nguyên trạng” và “không làm phức tạp tình hình Biển Đông” cốt để kìm hãm ta phát ngôn, bó tay ta bảo vệ chủ quyền biển đảo, thì họ lại tăng tốc bồi lấp đảo. Cho tới nay dường như họ đã quân sự hóa xong về cơ bản hai quần đảo mà họ chiếm giữ trái phép.

Và từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm đào, Tập Cận Bình đến Lý Khắc Cường, mỗi người đều đã hơn một lần bội tín với ta về trật tự Biển Đông, sau khi họ đã gặp gỡ lãnh đạo ta hứa và cam kết.

Nhưng sao lần này ông Dương Khiết Trì sang Hà Nội lại có vẻ thỏ non thế nhỉ?

Thái độ bớt hung hăng, ảnh chụp lại thấy cái miệng hơi hé cười. Cho nên tôi đón đợi ở ông ta một lời tự thú, kiểu ông Trương Chí Quân, thứ trưởng bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói về Nhật Bản. Xin trích nguyên văn, chỉ thay hai chữ “Nhật Bản” của ông Trương Chí Quân bằng hai chữ “Trung Quốc”:

“Nếu Trung Quốc không đối diện lịch sử, không tự vấn lương tâm của mình và không thành thật sửa chữa lỗi lầm thì dù nền kinh tế của họ có phát triển thế nào đi nữa thì quốc gia này cũng không thể đứng thẳng được về mặt đạo lý”.

Thật ra, nếu khôn ngoan, nhân cơ hội này Trung Quốc nên tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế Thường trực Liên hiệp quốc. Bởi cuộc chơi Toàn cầu, phải chấp hành luật Toàn cầu, chứ không thể theo riêng luật rừng được. Đó chính là con đường rút lui trong danh dự. Thế giới sẽ nhìn nhận Trung Quốc đang trỗi dậy trong hòa bình. Biển Đông lập tức lặng sóng, các tàu chiến Mỹ, Nhật, Úc, Ấn chẳng lượn lờ ở đó làm gì nữa.

Và nữa, đây cũng là một thử thách trong cuộc chơi phẩm giá của Trung Quốc. Nếu làm ngược lại, Trung Quốc sẽ tự cô lập mình trong vòng vây của cả thế giới.

Hãy cảnh giác với Trung Quốc!

Hà nội ngày 27 tháng 6 năm 2016.
H.Q.H

10 nhận xét :

  1. Người ta lớn bởi vì ta quì xuống! Tôi không nhớ tác giả câu nói này, nhưng đó là thực tế!
    CCB đánh Tàu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. “Nhà hùng biện Marat nhân vật lãnh đạo của cuộc cách mạng dân chủ dân quyền Pháp cuối thế kỷ 18 đã nói:
      Người ta lớn bởi vì người cúi xuống
      Hỡi nhân dân! hãy đứng cả lên!”
      (On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux
      Citoyens! Levez-vous droitement! - Marat)

      Xóa
  2. Nhìn cái bản đồ Việt Nam tràn ngập người tàu, nhưng ta hãy nói với ta rằng, chính chúng ta_ không phải ai khác_ đã cho chúng vào! Như vậy ta nên sợ ta hơn là ta sợ tàu!

    Trả lờiXóa
  3. Tâm trạng bất an thì hay gây hấn. Sau 1975, Viêt Nam theo Liên Xô, tàu thấy bất an nên đánh Việt nam. Bây giờ nước tàu rõ ràng thấy rằng vùng đông nam Á, vùng đông Á đa số theo Mỹ, tàu thấy bất an nên quậy! Thật tình mà nói, nó lấy Hoàng sa cũng chưa khai thác được gì, và cung chưa làm lệch cán cân an ninh nên Mỹ cũng còn lơ là. nếu tàu lấn sân thêm nữa thì Mỹ và Nhật cũng chẳng để yên.
    Việc mất đảo của mình thì mình đau đớn đó là lẽ đương nhiên, mình phải lấy lại thôi. Nhưng mặt khác cũng phải thấy rằng tàu đang trên đường diệt vong. Trước khi nó chết thì nó phải quẫy đạp lung tung là điều dễ hiểu.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc những bài viết của bác Hoàng quốc Hải lần nào cũng thấy tiếc cho đất nước VN có những người tài giỏi sáng suốt thế này mà không có cơ hội ra giúp nước, toàn ngô ngọng đâu không à.
    Cảm ơn nhà văn, kính chúc ông mạnh khoẻ.

    Trả lờiXóa
  5. Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống chống Trung Hoa. Không dễ gì mất nước đâu. Nên TC đang lúng túng, dù thực hiện kiểu xâm lược mềm. Nhưng kiểu này cũng dở dở ương ương.
    TC không dám chơi bài ngửa.

    Trả lờiXóa
  6. Ai rước tàu vào nhà ta? Ai cũng đã biết. Vậy giờ ta phải làm gì? HÃY CÙNG NHAU TRẢ LỜI VÌ VẬN MỆNH DÂN TỘC!

    Trả lờiXóa
  7. PTT Phạm Bình Minh có đủ tư duy, đạo đức, tầm nhìn và kinh nghiệm cha ông để lại để phán quyết và hành động ra sao với Dương Khiết Trì cùng tập đoàn lãnh đạo Trung Cộng!
    Tôi cho rằng ông là một trong những người xứng đáng nhất và có trách nhiệm nhất để kết lại lời cảnh báo của thân phụ ông - Cố UVBCT, BT Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch "một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu" bằng câu "Một thời kỳ bất thuộc Tàu đã bắt đầu"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Nguyễn Cơ Thạch được biết đến như một Nhà Ngoại giao tuyệt vời nhưng không có nghĩa con trai ông (Phạm Bình Minh).... giống cha!? nếu nghĩ như thế thì con cán bộ lên làm quan là "phước lớn" của dân tộc?!

      Xóa
  8. Ông Phạm Bình Minh, cũng như thân phụ của ông, là một đảng viên cộng sản. Vì thế ông Minh cũng chỉ là một con ốc vít trong bộ máy đó mà thôi. Không nên kỳ vọng ông Minh có thể làm được gì nhiều trong bối cảnh ưu tiên bảo vệ đảng của ông. Đảng của ông và đảng cộng sản Trung Quốc kết tình anh em. Người tàu có câu " môi hở răng lạnh", hai đảng ấy giờ đây ở thế môi răng nương tựa vào nhau. Ông Minh là một đảng viên cộng sản cao cấp thì ông hiểu điều này rất rõ. thế thôi!

    Trả lờiXóa