Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

TIỄN VONG CHO CÁ, BIỂN NGỘ THẾ NÀY CÓ BUỒN KHÔNG?

Tiễn vong cho cá, biển ngộ thế này có buồn không?
29/04/2016 - 17:05

Sáng ngày 29/4, một nhóm nghệ sỹ trên đường phố Huế khiến người dân kinh ngạc với màn trình diễn ngẫu hứng, không phép nhưng đúng vào thời điểm đã có 5 tỉnh miền Trung đối mặt với thảm họa cá chết.

Nhóm nghệ sĩ Viet Art Space gồm Lê Nguyên Mạnh, Maxime Lacino (Pháp), Lý Trực Sơn, 
Nguyễn Văn Hè, Phạm Chí Líp, Trần Nhật, Philip Pham trình diễn trên cầu Tràng Tiền

Thừa Thiên - Huế với những bãi biển dài xinh đẹp dù cách xa Vũng Áng hơn 400km, tuy nhiên chỉ sau 1 tuần, tỉnh cũng không thoát khỏi dòng nước độc mang đến cái chết của các loài cá lớn tầng đáy. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, hiện tượng này chỉ mới chấm dứt vào ngày 24/4.


Dẫu tình hình nước sôi lửa bỏng trong hơn 21 ngày, nhưng cũng phải đến tận ngày 27/4, các bộ ngành mới ngồi lại với nhau để đối chứng số liệu và hẳn là các con số mang lại kết quả phức tạp đến mức giới báo chí không được tiếp cận và chỉ nhận được thông tin duy nhất từ Thứ trưởng Bộ TNMT. Không những vậy, nguồn thông tin hữu hạn chỉ có trong 2 trang giấy, tổng kết ra 2 nhóm nguyên nhân độc tố và tảo đỏ tiếp tục khiến dư luận dấy lên các dự đoán khác nhau. Thậm chí dù Formosa, công ty nằm trong tâm điểm hoài nghi của dư luận được minh oan trong cuộc họp báo này, song các bằng chứng minh oan lại không được công khai rộng rãi.

Phải đến ngày 28/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới gửi một công điện muộn mằn yêu cầu khẩn trương xử lý số cá chết mà trước đó đã bị thu mua và phát tán rất nhiều ra toàn quốc. Thậm chí người dân đã mong chờ chỉ đạo của chính Thủ tướng chính phủ nhằm xác minh tình trạng trong 3 tuần qua có được xếp vào thảm họa không? Ngoài việc ngăn dòng cá chết không được tiêu hủy đúng cách thì người dân sẽ được hỗ trợ gì? Trong những ngày qua, cơ quan an ninh môi trường đã truy tìm thủ phạm đến đâu mà để 2 nhóm nguyên nhân dù được công bố vẫn khiến người dân hoài nghi, sợ hãi thậm chí mất niềm tin trong tuyệt vọng?

Chưa bao giờ Việt Nam phải đối diện với các thảm họa môi trường diễn ra trên diện rộng với nhiều nguy cơ đến vậy.

Sự hiện diện của những nghệ sỹ trong và ngoài nước tại thành phố Huế không ngoài một thông điểm: hãy cảm nhận nỗi đau của cá. Hãy tiễn đưa những linh hồn vô tội trôi dạt ngoài biển khơi. Sinh mạng của cá, sức sống của biển chính là cội nguồn giúp cho hàng triệu ngư dân miền Trung ra khơi, bám biển để trở thành cột mốc chủ quyền cho đất nước. Nay, khi những loài cá lớn mang lợi ích kinh tế bị triệt hạ. Có thể do tảo đỏ, có thể do độc tố bí ẩn, nhưng chúng đều mang đến một hậu quả tang thương. Rồi đến khi nào chúng ta mới biết thủ phạm, độc tố từ đâu, liệu trong đó có các kim loại nặng chìm lắng xuống đáy sâu đại dương để tồn trữ các nguy cơ lâu dài đe dọa nền kinh tế biển vốn có giá trị quan trọng, thậm chí còn mang các giá trị bền vững hơn ngành công nghiệp luyện kim có giá môi trường đắt đỏ.


Chưa bao giờ miền Trung phải đối mặt với mối đe dọa lớn đến vậy. Chưa bao giờ Việt Nam đồng loạt bị tấn công từ Bắc tới Nam với không khí nhiễm độc, nước biển nhiễm độc, nước ngọt nhiễm mặn. Tất cả các nguyên nhân trên đều mang đến một tương lai u ám nếu Việt Nam không dừng lại suy ngẫm thay vì cuộc đua tăng trưởng kinh tế bất chấp nguy cơ môi trường.

Nguyễn Minh

1 nhận xét :

  1. Khi làm việc với lãnh đạo Công ty Formosa, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Đối với pháp luật VN, hệ thống xả thải mà lắp đặt ngầm là không cho phép. Chúng tôi đề nghị phải có biện pháp để giám sát, tiếp cận và quan sát hệ thống này”.
    Họ vi phạm pháp luật mà sao Bộ trưởng chỉ có biện pháp là giám "sát" và quan "sát" - đúng luật là phải "sát"
    Bộ trưởng mà hành pháp như vậy thì người dân đã đánh giá được trình độ quản lý của Tân Chính phủ rồi

    Trả lờiXóa