Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

14h HÔM NAY: GẶP GỠ TS NGUYỄN XUÂN DIỆN VỀ CHỦ ĐỀ LỄ HỘI



THƯ MỜI
CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI

Anh chị và các bạn thân mến!

Vào 14h30 chiều thứ bảy 26/03//2016, tại SALON VĂN HÓA 
quán CÀ PHÊ THỨ BẢY, Số 3A, phố Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

sẽ diễn ra buổi CÀ PHÊ GẶP GỠ & ĐỐI THOẠI “Cà phê” 
với TS.NGUYỄN XUÂN DIỆN

Chủ đề: “Ý NGHĨA VĂN HÓA CỦA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG”

Chủ trì: GS. CHU HẢO 


Vào cửa tự do
Rất mong các bạn đến tham dự. Hân hạnh được đón tiếp
Giám đốc: Nhạc sĩ Dương Thụ
LỜI DẪN

Việt Nam là đất nước của các lễ hội. Mỗi ngày bình quân ở Việt Nam có hai mươi lễ hội, một năm cả nước có tới 8.000 lễ hội. Mấy năm gần đây sự nở rộ của lễ hội ở trên khắp các miền của đất nước, đã bộc lộ ra tất cả những mặt tiêu cực của văn hóa Việt Nam.

Từ trong truyền thống, lễ hội chính là một phần của văn hóa và đạo đức xã hội. Lễ hội là thời điểm mạnh, hội tụ sức mạnh của cộng đồng Việt, ngưng kết nhiều ý nghĩa và biểu tượng văn hóa đã được trao chuyển từ đời này qua đời khác. Chúng ta tìm thấy trong lễ hội cả những hào quang chiến thắng của những cuộc chiến tranh vệ quốc trong quá khứ, những tầng sâu của nền văn minh lúa nước, những ứng xử của con người đối với tự nhiên. Nay, những điều đó chúng ta có còn tìm thấy trong những lễ hội?

Buổi “cà phê” là sự chia sẻ của diễn giả về ý nghĩa văn hóa của lễ hội truyền thống, với mong mỏi cùng nhau hiểu đúng và thực hành lễ hội đúng với truyền thống và gửi gắm thông điệp của tổ tiên qua các lễ hội.


VÀI NÉT VỀ DIỄN GIẢ

.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện sinh năm 1970 tại Làng cổ Đường Lâm, xứ Đoài, quê hương của hai vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, và hai nhà khoa bảng nổi tiếng Thám hoa Giang Văn Minh (1573 - 1638) và Phó bảng Kiều Oánh Mậu (1854 - 1911). Nguyễn Xuân Diện hiện là Phó trưởng phòng văn bản Văn học của Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Là hội viên của Hội Văn Nghệ Dân gian VN, hội của những người nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến, truyền dạy văn hóa nghệ thuật dân gian.

Nguyễn Xuân Diện tốt nghiệp chuyên ngành Hán Nôm, ĐH Tổng hợp năm 1992. Bảo vệ luận án Tiên sĩ năm 2007 về đề tài Ca trù. Đây cũng là luận án Tiến sĩ đầu tiên về Ca trù tại Việt Nam và đã được in thành sách ngay sau khi bảo vệ luận án. Ông cũng là một trong 8 người chuẩn bị hồ sơ khoa học để trình UNESCO vinh danh Ca trù là Di sản văn hóa nhân loại. Lĩnh vực mà ông quan tâm là văn hóa tín ngưỡng, âm nhạc cổ truyền văn hóa làng xã.

Mới đây, ông đã tự ra ứng cử ĐBQH với mong muốn đem trí tuệ và tâm huyết để thực thi “quyền lực” của một đại biểu Quốc hội trước các vấn đề lớn của đất nước hôm nay. 



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét