Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

BAN VIỆT NGỮ RFA CHIA TAY VỚI SẾP NGUYỄN NGỌC BÍCH

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích - GĐ đầu tiên của Ban Việt ngữ RFA.

Ban Việt ngữ chia tay với Sếp Nguyễn Ngọc Bích
 
RFA
2016-03-13

Cũng như toàn thể quý vị và quý anh chị, Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do chúng tôi có mặt tại đây để chia buồn cùng Chị Hợi và tang quyến. Anh Nguyễn Ngọc Bích ra đi là một mất mát rất lớn cho tất cả chúng ta, và riêng với Ban Việt Ngữ, chúng tôi mất một người anh, một người bạn, một người thày và một ông Sếp.

Hơn thế nữa, chúng tôi còn mất đi người 30 năm trước đây đã soạn thảo dự án lập Đài Á Châu Tự Do, nhận gánh vai trò điều hành Ban Việt Ngữ trong những năm đầu tiên, đặt nền móng thật vững chắc cho Đài và cho Ban trước khi anh Bích, thày Bich, Sếp Bích chia tay với chúng tôi để dành hết thì giờ cho những việc khác mà anh muốn làm.

Hình ảnh chúng tôi sẽ nhớ mãi là hình ảnh Sếp Bích mỗi sáng đến sở với nụ cười và buổi chiều khi tan sở cũng với nụ cười. Trong suốt thời gian gần 8 năm trời làm việc với anh, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông Sếp Bích bực bội, chỉ thấy ông Sếp Bích hòa mình với anh em, chẳng bao giờ ông nghĩ hay tự hào là người lãnh đạo, chỉ muốn sát cánh cùng mọi người để hoàn thành công việc.

Chúng tôi cũng không quên có những lúc ông rời văn phòng, bước ra gặp anh em chỉ để than câu “bù đầu, nhiều việc quá, làm không xuể”. Nói xong, ông lại quay trở lại văn phòng làm việc tiếp, nhiều khi mọi người đã rời sở, chỉ mình ông ở lại cắm cúi làm một việc gì đó cho xong.

Đó là tâm nguyện của ông, tâm nguyện của một người lúc nào cũng sẵn lòng nai lưng gánh vác việc cho những người khác, kể cả những công việc mà đáng lý ra, ông không cần phải gánh vác. Vì thế, bài học ông để lại cho anh em chúng tôi là bài học biết thương yêu, biết làm điều phải làm, bất kể những phê bình, chỉ trích đến từ nơi này hay nơi khác.

Tâm nguyện của ông tốt, nên không ai ngạc nhiên khi đọc những bài viết của ông ký tên Tâm Việt, và cũng chẳng ai ngạc nhiên khi biết pháp danh của ông là Tâm Thiện. Bài học chúng tôi không thể quên cũng là bài học đến từ tâm của ông, tâm của một người tất cả chúng ta đều yêu quý và kính trọng, tâm của người bạn đồng hành của biết bao nhiêu thế hệ, và cũng là tâm của một người Việt ở hải ngoại nhưng kiên trì, bền bỉ đấu tranh cho độc lập, tự do, dân chủ cho Việt Nam và cho những nơi chưa có tự do, dân chủ. Bằng chứng là ông khi viết dự thảo lập Đài Á Châu Tự Do, ông muốn mời mọi người cùng ông cất tiếng nói cho những người Á Châu không được quyền có tiếng nói, chứ không phải chỉ cho riêng Việt Nam.

Trong thời gian làm việc chung với ông, chúng tôi được ông kể cho nghe rất nhiều chuyện, từ chuyện gia đình, chuyện một anh sinh viên thích hát, lúc nào cũng cất cao tiếng hát, nhưng lạc lõng ở nước Mỹ, cho đến chuyện ông trở lại Việt Nam vào đúng những ngày cuối cùng trước khi biến cố 30 tháng Tư 1975 xảy ra. Mỗi câu chuyện là một trang sử cuộc đời của ông, nhưng chúng tôi chỉ xin được nhắc lại một trong những câu chuyện ông đã kể.

Đó là câu chuyện gia đình ông chỉ có một chiếc xe, chị Hợi đi đâu cũng có ông làm tài xế. Anh em thắc mắc, ông bảo vì ông bận nhiều việc lắm, thành ra lúc nào có thì giờ lái xe đưa chị Hợi đi đây đi đó là những giờ phút hạnh phúc nhất của đời ông. Và thưa Chị Hợi, hạnh phúc đó đến với anh Bích ngay ở những giây phút cuối đời.

Một lần nữa, Toàn Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do xin được nghiêng mình chia tay với Anh Bích, thày Bích, Sếp Bích, chia tay với người anh, người thày và người Sếp Tâm Việt và Tâm Thiện, chia tay với người anh, người bạn, người Thày và người Sếp lúc nào cũng nở nụ cười, và thưa với anh Bích, anh em trong Đài ai cũng ước mơ có cuộc đời hạnh phúc như anh.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét