Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2016

TRANH CÃI "NẢY LỬA" VỀ CÁI GỌI LÀ ẤN "SẮC MỆNH CHI BẢO" - Bài 8

Hai mặt ấn “Sắc mệnh chi bảo”.
Ấn “Sắc mệnh chi bảo”: 
Hiếm, quý và gây tranh luận
Thứ Bảy, 27/02/2016, 14:05:41

NDĐT - Cuộc tọa đàm khoa học “Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện trong đợt khai quật tại Hoàng thành Thăng Long 2012 - 2014” diễn ra chiều 26-2, tại Hà Nội, do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức là cuộc đối thoại khoa học sôi động và thú vị. Có lẽ, tại Trung tâm Hoàng thành, chưa có cuộc tọa đàm khoa học thu hút nhiều sự quan tâm của các học giả và báo giới đến như vậy.

Sau khi được nghiên cứu chỉnh lý sơ bộ, được trưng bày nhưng nằm im lìm cùng với hơn 150 hiện vật khác tại nhà N26 thuộc khu Trung tâm Thành cổ Thăng Long từ tháng 10-2014 đến tháng 12-2015, đột nhiên, hiện vật mang bốn chữ ““Sắc mệnh chi bảo”” được nhắc đến nhiều từ lễ dâng hương tưởng niệm các bậc tiên liệt, tiên hiền và khai Xuân Bính Thân (16-2-2016).

Một hiện vật quý…
.

Mặt ấn được trưng bày.

Được phát hiện ngày 3-12-2013 trong đợt khai quật khảo cổ học và xử lý di dời di tích, di vật tại khu vực xây dựng đường hầm và bãi xe ngầm của công trình Nhà Quốc hội (khu vực Vườn Hồng). Đó (chỉ) là một di vật bằng gỗ có kích thước khá nhỏ, hình vuông (dài 11,5cm, rộng 11,5cm, dày 0,5cm) và bị vỡ làm đôi rất cân đối. Trên mặt di vật có khắc nổi bốn chữ Hán “Sắc mệnh chi bảo” theo kiểu Triện. Hai chữ “Sắc mệnh” khắc theo hàng dọc ở bên trái, hai chữ “Chi bảo” khắc theo hàng dọc ở bên phải. Mặt lưng di vật có màu sơn đỏ đã bị bong tróc gần hết nhưng còn lại dấu vết hình tròn (đường kính trung bình 9,0 cm, rộng nhất 9,8 cm) của vật liệu kết dính. Đây có thể đoán định là dấu vết gắn kết giữa phần thân và núm di vật (đã bị mất). Di vật được ghi rõ tọa độ và cao độ, chụp ảnh, vẽ ghi, tư liệu hóa tại nơi phát hiện sau đó được lấy lên ngay và đưa vào bảo quản cấp thiết để tránh bị hủy hoại vì các yếu tố môi trường.

Lớp văn hóa thời Trần nơi phát hiện di vật hoàn toàn không bị xáo trộn, có cấu trúc vật chất giống như địa tầng thời Trần đã phát hiện ở khu 18 Hoàng Diệu và khu vực Chính điện Kính Thiên. Chung quanh di vật gỗ này là các di vật khác có niên đại thời Trần là loại ngói mũi lá màu đỏ - loại di vật được phát hiện ở hầu khắp các di tích thời Trần ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa...

Những điều đó càng khẳng định chắc chắn hơn về niên đại Trần của di vật.

Các chuyên gia sau khi tiếp cận với di vật đều thống nhất nhận định: Đây là một chiếc ấn gỗ thời Trần. Điều đặc biệt là chiếc ấn gỗ này được tìm thấy trong khu vực Cấm thành Thăng Long, trung tâm của Hoàng thành Thăng Long xưa, là của Hoàng đế và triều đình nhà Trần.

... nhưng vẫn tranh luận “nảy lửa”

Do không thể mang một phần di vật đi xét nghiệm bằng phương pháp C14 (vì muốn bảo tồn toàn vẹn di vật có kích thước khá nhỏ này) nên vẫn còn đồn thổi tồn nghi về tuổi của nó. Chất liệu gỗ qua mấy trăm năm có tồn tại được hay không? Nhiều nhà nghiên cứu có kinh nghiệm đã khẳng định sự tồn tại của các cấu kiện gỗ trong những điều kiện cụ thể riêng biệt có thể tới hàng nghìn năm. Có thể, nhiều người vẫn cho rằng, các vật liệu gỗ bị vùi dưới lòng đất sẽ bị mục, không thể tồn tại, nhưng ngay trong Hoàng thành Thăng Long, có nhiều hiện vật gỗ có niên đại cao hơn vẫn tồn tại. Không thể có việc ngụy tạo và đủ cơ sở khoa học để kết luận di vật khảo cổ học này phát hiện trong tầng văn hóa thời Trần.

Chuyện xôn xao giật gân về “ấn khắc ngược” hóa ra chỉ là do bản ảnh đã bị xoay lại bằng phần mềm chỉnh sửa (!). Khi đã “tận mục sở thị” hiện vật được Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long mang tới thì mọi ngược - xuôi thị phi cũng đồng thời biến mất.

Các ý kiến trái chiều, thậm chí mâu thuẫn đến gay gắt: “nét chữ quá xấu, chỉ như một bản sao vụng về của ấn thời Lê sơ” (Nhà nghiên cứu thư pháp Lê Quốc Việt) - “nét chữ của ấn rất quan phương, cân đối hài hòa” (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, PGS-TS Nguyễn Công Việt) cũng là chuyện bình thường xảy ra trong một cuộc tranh luận khoa học tôn trọng và dung chứa những quan điểm khác biệt. Các thắc mắc không chỉ dừng ở đó: Tại sao chiếc ấn không có núm? Liệu có thể có ấn “Sắc mệnh” chi bảo” đời Trần hay không trong khi đến thời Minh bên Trung Quốc mới có ấn loại đó? Ấn này có phải là chiếc ấn được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư về việc vua nhà Trần kháng chiến chống quân Nguyên, không mang được ấn đi mà phải làm ấn gỗ để dùng tạm… Chiếc ấn “Sắc mệnh chi bảo” quý hiếm này vẫn còn (cần) được tiếp tục nghiên cứu với tư cách một hiện vật khảo cổ học có giá trị cao. Việc phát huy giá trị của chiếc ấn cũng cần nghiên cứu kỹ trước khi tiến hành.

Không nên “phát” ấn...

Có lẽ, vì vẫn còn mang ám ảnh khá nặng nề về sự hỗn loạn quanh việc khai ấn ở đền Trần Nam Định nên “tin đồn” Hoàng thành Thăng long cũng khai ấn (?!) đã gây nhiều bức xúc.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và cả Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tỏ ra khá thận trọng với vấn đề nhạy cảm này. Những gì đã làm mới chỉ là thử nghiệm, còn chờ những kiến đóng góp của các nhà khoa học và công luận.

Điều được các nhà khoa học khẳng định trước tiên là không nên và không thể tổ chức khai ấn, phát ấn như Đền Trần (Nam Định) do hai lẽ: Ấn phát ở Đền Trần chỉ là ấn thờ. Còn “Sắc mệnh chi bảo” là ấn của vương triều, không thể làm giống như thế, và Trung tâm Kinh thànhThăng Long là nơi linh thiêng, lắng hồn núi sông ngàn năm, là Di sản thế giới, không thể diễn ra cảnh hỗn loạn nhếch nhác vì cầu cúng, càng không phải chỗ “bán ấn” để “làm kinh tế”. Nếu có thực hiện nghi lễ khai ấn, đóng ấn chỉ là một nghi thức chứ không phải một lễ hội, và chỉ nên thực hiện có tính chất tượng trưng, trong phạm vi nhất định.

Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể có nhiều cách quảng bá hình ảnh và phát huy giá trị của chiếc ấn: Xây dựng góc trưng bày riêng, in poster, làm mô hình phiên bản như quà lưu niệm cho du khách...
Bài và ảnh: NGÔ VƯƠNG ANH

3 nhận xét :

  1. Không phát ấn thì lấy gì cho những chiếc mồm cá ngáo tớp?

    Trả lờiXóa
  2. Xác định niên đại của chiếc ấn bằng pp C14 không làm ảnh hưởng đến chất liệu cũng như đọ bền của nó. Mặt khác dùng khoa học hiện đại xác đinh niên đại cho các di vật là cần thiết, tuổi của di vật không thể cứ đoán mò được?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không ai dại gì lại làm như vậy.

      Xóa