Tạ Trí
Hải – Nghệ sĩ của đường phố
Bút kí của Trần Vũ Long
Ông là một người con của Hà
Nội, một nghệ sĩ đường phố, không gia đình, không nhà cửa, sống cuộc đời nay
đây mai đó cùng với những cây đàn. Cuộc đời ông đã phải trả nhiều giá đắt khi
cố sống là một người trung thực, đấu tranh với cái xấu và cái ác. Thật cay
đắng, nhưng suốt đời ông không tự đánh mất mình. Ông chính là một sứ giả của âm
nhạc bởi đã đem lại niềm tin yêu vào cuộc sống vào con người cho tất cả những
ai đã từng nghe ông chơi đàn theo cách giản dị và chân thật nhất. Ông đã làm
nên một nét văn hoá của Hà Nội.
Có nhiều khi tự hỏi, mình có yêu thành
phố này không. Đầy hoài nghi. Tại sao lại thế. Tôi đã sinh ra và lớn lên ở
thành phố này, lẽ ra phải luôn yêu thương và gắn bó với nó chứ nhỉ. Nơi đó là tuổi
thơ. Nơi đó là kỉ niệm buồn vui, là thăng trầm của cuộc đời mình. Ấy vậy mà
nhiều lúc tôi muốn chạy trốn khỏi nó. Hà Nội ơi, thật có lỗi lắm thay nhưng đó là
sự thật. Tôi muốn chạy trốn khỏi những ồn ào, xô bồ. Tôi muốn chạy trốn khỏi khói
bụi. Tôi muốn chạy trốn khỏi sự nhếch nhác của phố phường. Tôi muốn chạy trốn
khỏi những đổi thay kệch cỡm. Tôi muốn chạy trốn khỏi những khuôn mặt vô cảm, những
ngôn từ hợm hĩnh, những thói đạo đức giả… Đó là những điều mà mỗi ngày tôi lại
càng phải chứng kiến nhiều hơn trong thành phố của mình. Người ta đã đặt lên vai
Hà Nội của tôi quá nhiều trọng trách, và làm biến đổi nó bằng mọi cách. Hà Nội
của tôi mấy chục năm về trước đâu có thế. Tôi nhớ. Nhớ lắm… Những lúc như thế,
tôi lại tìm đến một con người. Ông là một người con của Hà Nội. Một người không
gia đình, không nhà cửa. Lâu nay rất nhiều người dân Hà Nội đã quá quen thuộc
với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ, đội chiếc mũ kiểu cao bồi, ngồi kéo
đàn violon bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Người ta gọi ông bằng cái tên dân giã và đầy trìu
mến Nghệ sĩ đường phố.
Không biết đã bao lần tôi ngồi nghe
ông kéo đàn, những bản nhạc viết về Hà Nội trong đêm mùa đông lạnh giá, đêm mùa
hè oi bức hay những ngày thu Hà Nội trong xanh và lộng gió. Có thể tiếng đàn của
ông chưa thực sự điêu luyện nhưng nó đã làm lay động trái tim tôi trong giây phút
mệt mỏi giữa chốn đô thị phồn hoa này. Bộ râu đó, mái tóc đó, chiếc mũ cao bồi
đó, cây đàn đó, phong thái lãng tử đó, gương mặt đẹp lão rất điện ảnh đó, những
bản nhạc đó…đã giúp tôi tìm thấy một cõi bình yên, giúp tôi tìm lại được Hà Nội
đích thực của mình. Những bài hát mà ông chơi, tôi đã được nghe hàng trăm lần
rồi, thật khó mà tạo ra một cảm xúc mới. Nhưng khi đối diện với ông, lắng nghe
tiếng đàn của ông, tôi thực sự cảm thấy rưng rưng. Lúc đó tôi thấy yêu Hà Nội
của tôi và thương cho Hà Nội của tôi biết nhường nào. Tiếng đàn đó sao mà thân
thương gần gũi, sao da diết đến buốt lòng. Đó là khi tuổi thơ của tôi đang hiện
về, Hà Nội của tôi đang hiện về. Đó là hình ảnh đứa bé háo hức theo mẹ đi làm
tại một cơ quan nằm ngay cạnh Bờ Hồ để được ăn kem Tràng Tiền. Đó là hình ảnh của
những chuyến xe điện leng keng chạy quanh Bờ Hồ. Đó là hình ảnh các bà các chị
gánh hàng hoa, hàng cốm, hàng rau cặm cụi và lam lũ nhưng sao gương mặt họ vẫn
tươi tắn nụ cười. Đó là hình ảnh đứa bé cứ ôm chặt lấy mẹ mỗi khi tiếng còi tầm
hú lên vào đúng 12 giờ trưa được phát ra từ nhà hát lớn. Đó là hình ảnh những chiếc
nón lá màu trắng ngà của các bà các chị đang khoan thai đạp xe trên phố. Đó là
hình ảnh một ông già khắc bút ngồi đối diện với Đền Ngọc Sơn đang cặm cụi khắc hình
ảnh tháp rùa và dòng chữ Kỉ niệm Bờ Hồ lên những chiếc vỏ bút máy của
các cô cậu học trò. Và còn biết bao kỉ niệm gắn liền với Bờ Hồ này với các con
phố khác của Hà Nội cứ ùa về trong khoảnh khắc. Những lúc đó tôi thầm biết ơn
ông, người bạn già, người nghệ sĩ đường phố đáng kính.
Ông sinh ra trong một gia đình
tiểu thương ở phố Hàng Đường, Hà Nội, và bắt đầu học kéo đàn violon khi mới là
một cậu học sinh tiểu học. Khi đó ông có người bạn đang học violon từ một ông
thầy người Pháp, vì đam mê cây đàn ông đã học ké của bạn và tự học qua sách vở.
Không những thế, sau này ông còn tự học thêm nhiều loại nhạc cụ khác, bây giờ
ông có thể chơi violon, mandolin, ghita, piano… Tuổi thơ và thời trai trẻ của
ông gắn liền với Bờ Hồ với 36 phố phường của Hà Nội và gắn liền với niềm đam mê
chơi đàn. Sau những năm tháng quân ngũ, rồi tốt nghiệp Khoa Cơ khí, Đại học
Bách Khoa Hà Nội ông vào làm cho một nhà máy. Công việc của người kĩ sư cơ khí
xem ra thật trái ngược với niềm đam mê chơi đàn. Một bên cần sự khoẻ mạnh của
đôi bàn tay để cầm búa tạ, một bên cần sự mềm mại của những ngón tay để chơi
đàn. Khi đó ông chỉ chơi đàn ghita, mandolin, thỉnh thoảng mượn cây violon của
bạn. Mãi đến gần 30 tuổi, ông mới gom góp đủ tiền mua một cây đàn violon đã cũ.
Vậy là niềm mơ ước từ nhỏ đã thành hiện thực, khi ông được sở hữu một cây vĩ
cầm. Kể từ đó, cây vĩ cầm trở thành người bạn tri kỉ, đi đâu ông cũng mang
theo. Ông chơi đàn quên cả việc ngày mai không có gì để ăn, quên cả tiếng máy
bay Mỹ đang gầm rú trên bầu trời Hà Nội. Sau khi thống nhất đất nước, ông xách
ba lô vào Sài Gòn và làm việc cho Tổng công ty cao su. Khi đó cây cao su được
xem như là kinh tế mũi nhọn là vàng trắng của đất nước. Với phong thái lãng tử
và thẳng thắn hay đấu tranh cho lẽ phải, chàng kĩ sư mang trong mình bầu máu
nóng đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Năm 1990, do đấu tranh chống tham nhũng
trong ngành, ông đã bị cho nghỉ việc một cách vô cớ khi mới ở độ tuổi 50, cái
tuổi sung sức để có thể cống hiến cho tổ quốc. Kể từ đó đến nay, ông không có
bất kì một chế độ nào. Không gia đình, không người thân, ông bươn trải kiếm
sống giữa đất Sài Gòn hoa lệ và chui ra chui vào trong một căn phòng áp mái
chật hẹp, tối tăm, ọp ẹp, do cơ quan phân cho trước đó. Ông cũng đã cho tôi xem
những bức ảnh chụp căn gác đó, cột kèo, ván sàn mục nát, mái ngói thủng lỗ chỗ,
trời mưa thì dột, trời nắng lại nóng bức. Trong căn gác đó không có bất cứ một
đồ dùng gì ngoài ba cây đàn: vĩ cầm, ghi ta và mandolin. Ông bảo cả cuộc đời
ông chỉ có những cây đàn là tài sản quý giá nhất. Hàng ngày ông lăn lộn kiếm
sống bằng đủ nghề , tối lại trở về căn gác lụp xụp. Trong nỗi cô đơn, trong nỗi
chán chường vì những bất công mà người đời đã gây ra, ông lại cầm đàn để vợi
nỗi lòng mình. Người dân ở phố Ngô Đức Kế, Sài Gòn đã quá quen thuộc với tiếng
đàn được phát ra từ căn gác nhỏ có ánh đèn điện leo lét vào mỗi tối. Tiếng đàn
mang nỗi lòng của một kẻ tha hương nghèo khó, chịu nhiều cay đắng cuộc đời. Rồi
những tối mùa hè nóng nực, không thể ở được trong căn phòng áp mái đó, ông đã ôm
đàn ra công viên Nhà thờ Đức Bà để chơi đàn. Chính tại đây ông có những người bạn,
họ yêu quý con người ông, yêu quý tiếng đàn của ông. Như thành thói quen, mỗi
tối họ lại chờ đợi để được nghe ông chơi đàn. Đến một ngày cây vĩ cầm đã theo
ông mấy chục năm trời bị hỏng. Ông thực sự đau khổ và thương tiếc người bạn tri
kỉ của mình. Khi biết chuyện các bạn trẻ của Sài Gòn, những người hay nghe ông chơi
đàn đã cùng nhau quyên góp tiền để mua cho ông một cây vĩ cầm khác. Là một người
cô đơn, không gia đình nhưng bù lại ông có rất nhiều bạn bè với đủ mọi lứa tuổi
và mọi quốc tịch. Ông có thể giao tiếp với người nước ngoài bằng ba thứ tiếng:
Anh, Nga, Pháp.
Có người bạn là một nghệ sĩ nhiếp
ảnh trẻ tuổi đã đi theo suốt hai năm để chụp những khoảnh khắc chơi đàn của
ông. Năm ông tròn 70 tuổi, anh ta tổ chức cuộc triển lãm những bức ảnh đó để
mừng thọ ông. Cũng trong buổi tối hôm đó, hàng trăm bạn trẻ kéo đến khu Nhà thờ
Đức Bà chúc mừng sinh nhật ông. Trong không khí ấm cúng của các bạn trẻ của
rượu vang và hoa, ông chơi đàn hết mình để đáp lại tấm lòng của mọi người. Ông
bảo trong đời ông chưa khi nào lại chơi đàn hăng như hôm ấy. Ông cũng bảo đó là
lần đầu tiên trong đời ông được tổ chức sinh nhật.
Nhiều người yêu quý ông, đã mời
ông đi chơi đàn ở khắp nơi, đó là trại dưỡng lão, trại mồ côi, trung tâm điều
dưỡng thương binh, những miền quê nghèo khó,… nơi mà cả đời họ chưa bao giờ
được nhìn được nghe tiếng đàn vĩ cầm. Người ta đi làm từ thiện bằng của cải vật
chất, còn ông thì mang tiếng đàn làm niềm vui cho mọi người. Thi thoảng cũng có
người lại mời ông ra Hà Nội để giao lưu, mỗi lần như thế ông ở lại với Hà Nội
rất lâu. Lần gần đây nhất là năm 2010, có một kênh truyền hình đã mời ông ra Hà
Nội để làm phim. Ông đã được họ chọn là một trong số 100 nhân vật của Hà Nội để
làm phim nhân dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bởi ông chính là một người con
Hà Nội. Kể từ đó đến nay ông vẫn lưu lại Hà Nội, mảnh đất quê hương của mình.
Không nhà cửa, ông tá túc nhờ người quen, đa phần họ đều là những người mới
biết ông. Mỗi tối, ông lại ôm đàn ra Bờ Hồ, ngồi vào đúng chiếc ghế đó để chơi.
Ông không để một chiếc mũ hay một cái gì đó tương tự cho mọi người có thể nhận
biết ngay mà bỏ tiền vào. Ông để đó một chiếc túi gồm những cuốn sổ lưu bút. Đã
có lần tôi hỏi, ông bảo chẳng quan trọng gì, mình là kiếp du ca, mang tiếng hát
tiếng đàn làm vui cho mọi người là chính. Có thêm những người bạn đó là niềm
vui lớn nhất của ông. Tôi cũng đã từng cầm bút ghi vào quyển sổ lưu bút thứ 18
của ông: “…Ông là một nghệ sĩ đường phố đã làm nên một nét văn hoá
cho Hà Nội”. Ông bảo, ông đã dặn các bạn trẻ yêu quý mình rằng, nếu sau này
ông chết nhớ bỏ vào quan tài ba cây đàn và những cuốn sổ lưu bút để ông mang
sang thế giới bên kia vì chúng là những tài sản quý giá nhất cuộc đời ông.
Trong những cuốn sổ lưu bút đó tôi đã đọc được những dòng chữ rất chân thành
của biết bao con người từng được nghe ông chơi đàn. Tiếng đàn của ông giúp họ
quên đi phiền muộn, những đau thương mất mát mà họ phải trải qua, quên đi những
vất vả đời thường mà họ đang phải đối diện. Tiếng đàn của ông đã kết nối những
trái tim lại gần với nhau, để rồi cảm thấy yêu thương con người, yêu cuộc đời
này hơn. Ngồi bên ông, được nghe ông chơi đàn, được hoà chung tiếng hát cùng
với ông ta cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng cho ngày hôm sau của cuộc
đời. Có thể tiếng đàn và tiếng hát của ông chưa hay, nhưng với niềm say mê âm
nhạc, với một tâm hồn nghệ sĩ ông thực sự là một thiên thần, là một sứ giả của
âm nhạc mang đến nguồn vui sống cho cuộc đời này. Và dường như ý nghĩa của âm
nhạc chỉ giản dị vậy thôi nhưng đôi khi cũng bị người ta lãng quên. Rất nhiều
ca sĩ nhạc sĩ có thể kiếm được bộn tiền nhưng họ không hề biết rằng mình đã
thực sự đem lại điều gì cho tâm hồn người nghe, thậm chí chỉ đem lại sự mệt mỏi
cho công chúng bởi những thứ họ đang diễn trên sân khấu và trong cuộc đời.
Mùa hè năm 2011, ông đã tham gia biểu
tình cùng với những người yêu nước để phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc
ngoài Biển Đông. Một ông già ôm cây vĩ cầm đi trong đoàn biểu tình đã trở thành
hình ảnh đẹp và ấn tượng của mùa hè năm ấy. Tiếng đàn của ông như tiếp thêm sức
mạnh cho những trái tim yêu nước đang trào sôi. Khi người ta hỏi tại sao lại đi
biểu tình, ông đã không ngần ngại mà nói rằng: Đoàn người biểu tình chống Trung
Quốc là một hình ảnh đẹp hiếm có của Hà Nội, ông tự hào khi tham gia vào đoàn người
đó. Ấy vậy mà ông cũng phải chịu nhiều hệ luỵ sau những lần biểu tình đó. Đã
hơn một lần ông khăn gói ra đi khỏi nơi ông thuê trọ hay ở nhờ giữa đêm hôm khuya
khuắt, vì chủ nhà không dám cho ông tiếp tục sống ở đó. Ông nói với họ cho ở
đến sáng mai rồi sẽ đi nhưng chủ nhà nói tuy không muốn một tí nào nhưng nếu họ
cho ông ở lại thêm nữa thì họ sẽ phải chịu những phiền phức. Vậy là hai bên đều
ở vào thế đường cùng rồi. Giữa đêm, ông lại ôm những cây đàn của mình lang
thang khắp các con phố Hà Nội. Và rồi những bước chân phiêu du già nua lại đưa
ông trở lại đúng chiếc ghế đá bên Bờ Hồ. Trong đêm đó, người dân sống quanh Bờ
Hồ đã được nghe văng vẳng như từ cõi xa xăm vọng lại một tiếng đàn du dương, da
diết, mà đâu biết rằng có những giọt nước mắt đang rơi trên phím đàn. Còn nhiều
những chuyện không hay khác mà ông phải gánh chịu vì đã tham gia biểu tình chống
Trung Quốc. Ông không muốn nhăc đến những chuyện vặt vãnh ấy mà người ta đã gây
ra cho ông. Thỉnh thoảng ông vẫn hát vang bài hát phản đối Trung Quốc xâm chiếm
biển đảo của nước ta, dựa trên nền nhạc bài “Dậy mà đi” của nhạc
sĩ Lưu Hữu Phước. Ông bảo nếu có biểu tình chống Trung Quốc ông vẫn tham gia và
không sợ gì cả. Cả cuộc đời ông chịu nhiều oan trái do chống tham nhũng nay
phải chịu thêm nữa chỉ vì đi biểu tình để thể hiện lòng yêu nước thì đâu có xá
gì. Rồi ông lại bảo, tại sao người Trung Quốc xuống đường biểu tình phản đối
Nhật Bản cũng vì chuyện biển đảo thì báo chí của ta đưa tin còn những người
Việt yêu nước biểu tình chống Trung quốc lại bị xem như hành động xấu. Đôi khi
chỉ vì nỗi sợ bóng sợ gió nào đó mà người ta đã cố tình biến những điều tốt đẹp
trở thành “xấu xa”. Thật cay đắng!
Đã có những đêm khuya vắng vẻ chỉ
mình tôi ngồi nghe ông chơi những bản nhạc buồn da diết. Tiếng đàn như tan biến
vào màn đêm nhưng lại mang nặng nỗi lòng của một người con xa xứ nay trở về với
bao nỗi cơ cực, cô đơn trĩu nặng đang muốn được giãi bày cùng với hàng cây, ghế
đá, mặt hồ lung linh trên mảnh đất quê hương này. Trời đã về khuya nhưng ông
vẫn muốn giữ tôi lại bằng tiếng đàn và những câu chuyện của mình. Rồi ông bảo
trời mùa hè nóng bức, căn phòng mà ông ở nhờ cũng rất nóng không ngủ được, ông
muốn ngồi thêm chút nữa, khi trời đã ngả về sáng thì sẽ đỡ nóng hơn, dễ ngủ
hơn. Tôi cũng đã được cùng ông lang thang khắp 36 phố phường Hà Nội, được nghe
ông kể những kỉ niệm tuổi thơ của mình gắn với từng con phố. Ai đó đã từng nói
thứ nặng nhất trên đời đó là kí ức còn đối với ông kí ức không phải là hành
trang trĩu nặng mà nó chỉ giúp ông thư thá lòng mình mỗi khi nhớ về nó, nhớ về
một Hà Nội thanh bình, một Hà Nội nên thơ trong sáng của ông. Những nỗi cơ cực
dường như ông đã gạt sang một bên, nếu không thì ông đâu có thể ngồi chơi đàn
mỗi tối thật hồn nhiên và đầy chất lãng tử như thế.
Cách đây không lâu, kẻ trộm đã
lấy mất của ông chiếc xe đạp, đó là chiếc xe của một người chỉ mới quen sau vài
lần nghe ông chơi đàn đem tặng. Nhưng một tuần sau những người bạn, những khán
giả của ông đã quyên góp được số tiền kha khá để gửi vào tiết kiệm cho ông và
lại có người đem đến biếu ông chiếc xe đạp khác. Tôi cũng đã từng gặp nhiều
người đến thăm hỏi, nghe ông chơi đàn, rồi họ lặng lẽ bỏ phong bì vào chiếc túi
của ông. Ngày nay hình ảnh chiếc phong bì thường làm ta mất cảm tình khi nghĩ
đến mặt trái gắn liền với nhiệm vụ của nó. Nhưng những chiếc phong bì người ta
bỏ vào túi ông đã làm tôi rơi nước mắt. Tôi thầm cảm ơn tấm lòng của những con
người Hà Nội. Họ đã yêu thương nhau đùm bọc nhau khi khó khăn. Tôi lại thấy yêu
Hà Nội hơn bởi Hà Nội của tôi vẫn còn nhiều điều ấm áp lắm.
Khi ông nói chuẩn bị quay về Sài Gòn
và không biết bao giờ mới được trở lại Hà Nội, tôi chợt thấy lòng mình trống vắng.
Hà Nội sẽ nhớ ông. Người dân Hà Nội sẽ nhớ ông. Bạn bè Hà Nội sẽ nhớ ông. Và
mỗi khi mệt mỏi với cuộc sống đô thị tôi sẽ tìm đến đúng chiếc ghế bên Bờ Hồ như
được mặc định với cái tên Nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải như để lắng
nghe một giai điệu buồn từ xa vắng.
T.V.L
*Tác giả gửi trực tiếp cho Tễu Blog.
đăng lần đầu 20/09/2012.
Cái dễ thương, dễ mến , lãng mạn và nghệ sĩ của Hà Nội thể hiện ở những con người nghệ sĩ đường phố như cụ Tạ Trí Hải . Ở chậu Âu những người nghệ sĩ gốc Balkans gọi là bô hê miêng vẫn mua vui cho đời trên các nẻo đường ở Paris, Brussels, Berlin, London , Lourdes, Lyon . Họ có thể là một cặp nam nữ. Họ có thể là một ban nhạc nhiều người . Họ di chuyển bằng đường bộ, bằng TGV, bằng metro, bằng xe tải chở cả gia đình và gia tài như mobile home . Ban đem có khi họ ngủ ngay trên hè phố . Họ nhậu, họ ca hát . Họ sống bằng lòng từ tâm của bá tánh . Họ là nét văn hóa không thể thiếu của châu Âu . Từ bao tk qua họ vẫn tồn tại và họ vẫn là dân du ca trên đường phố !
Trả lờiXóaCụ Tạ Trí Hải giống như một người du ca trên đường phố, mua vui cho đời ! Cụ đâu có làm hại ai ? Rồi cụ cũng trở về cát bụi . Có lẽ bụi trần đường phố làm ngứa mắt bọn côn đồ ? Tiếng đàn của cụ làm ngứa tai bọn vô văn hoá ?
Đ̣ọc bài viết này của ông Trần Vũ Long mà trái tim tôi cứ rung lên với những xúc cảm ̣ến gai người. Xin cám ơn tác giả bài viết. Xin cám ơn người Nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải. Cũng là một người con của Hà Nội, đọc bài viết này, tôi bỗng ao ước một lần, dù chỉ một lần thôi được gặp mặt ông, được cúi xuống ngả mũ trước ông. Xin nhờ bác Tễu gửi tấm chân tình của tôi qua bài thơ này để tỏ lòng kính trọng người nghệ sĩ đường phố tài hoa và can đảm. Xin chúc cho ông luôn mạnh khỏe và vững bước trong những chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn của dân tộc này. Một lần nữa, xin trân trọng cám ơn ông và tác giả bài viết. Bởi bài thơ là cám tác của tôi ngay khi đọc bài viết này, nên có thể còn sạn, xong nó tự trái tim tôi. Xin bác nhận cho.
Trả lờiXóaKính tặng Người nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải
Chòm râu bạc với chiếc mũ cao bồi
Cây Vĩ cầm réo rắt tự lòng trôi
Ông đã khiến bao người rưng rưng lệ
Người nghệ sĩ nối tấm lòng nhân thế
Chẳng hề hại ai, âm nhạc để tặng đời
Luôn góp mặt rong ruổi khắp muôn nơi
Trong mỗi bước đi bao người cùng khao khát
Bản nhạc của ông thay muôn lời hát
Hàng triệu con tim không hèn mạt, chống thù
Khơi dậy truyền thống ghi sử ngàn thu
Của cha ông rung lên từ tâm khảm.
Có những khi nhạc dịu dàng lãng mạn
Ca ngợi tình yêu, nghe chẳng chán bao giờ
Khúc nhạc lan tỏa dắt người vào mơ
Về cuộc sống ngợp ý thơ trong sáng
Gieo hy vọng về chân trời tươi rạng
Một tương lai mang hạnh phúc dân mình.
Đôi khi bi tráng, viếng người hy sinh
Vì Tổ Quốc, vì an bình mong ước
Đàn ngợi ca mọi tấm lòng vì nước
Thương xót dân lành chẳng được hưởng niềm vui
Đành nức nở ai oán khúc ngậm ngùi
Thương Đất Mẹ đang vùi trong đau đớn
Có giây phút nhạc trào lên sóng gợn
Thúc giục lòng người dẹp hung tợn bạo tàn
Mạnh dạn điểm mặt những kè tham, gian
Nịnh Tầu khựa, nên làm toàn chuyện ác
Cung nhạc trầm hùng sôi lên như thác
Phản đối tay sai rước giậc vào nhà
Chống lại Trung quốc chiếm Hoàng, Trường Sa
Đánh thức lòng dân bằng khúc ca truyền thống
Âm nhạc cho ông niềm tin, sức sống
Mang tình người gieo hạt giống ngày mai
Giữ gìn văn hóa dân tộc chẳng phai
Chàng nghệ sĩ râu dài bạc như cước
Nguyện hiến dâng cả cuộc đời vì nước
Chẳng vợ, con để được rảnh cho dân.
Tiếng Sóng Biển
Mong bác Hải sớm bình phục.
Trả lờiXóaAnh Hai ơi. Chúng nó đánh anh vì cái gì? Chắc ai cũng hiểu vì anh chơi đàn, chúng đánh anh cũng giống như chúng đánh 2 luật sư. Người dân kính trọng, yêu quý anh. Hỏi có ông lãnh đạo đảng, nhà nước đường thời nào được dẫn quý mến, kính trọng như thế không? Chắc chắn không! Anh hãy nhận tất cả tình thương của mọi nguời, anh nhé!
Trả lờiXóacuộc trấn áp toàn diện của CẢ từ cụ già đến trẻ em đền cả luật sư đúng như cơn dãy chết
Trả lờiXóac
" Trẻ không tha già không thương ! " // mất cả tính người rồi !
Trả lờiXóa