Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

MỘT TIẾNG NÓI TRUNG THỰC, CHÍNH XÁC, MẠNH MẼ NHẤT VỀ MÔN SỬ

PGS. TS Phạm Quốc Sử - Trưởng khoa Sử, ĐH Thủ đô Hà Nội.Ảnh: Báo GDVN

Lời bình của Nhà báo Nguyễn Thông:

Theo tôi, đây là tiếng nói trung thực, chính xác, thẳng thắn, mạnh mẽ nhất về môn lịch sử trong những dư luận ồn ào đang diễn ra. Nhà sử học này đã chỉ ra đích danh sự tồn tại vô lý của lịch sử quốc doanh, lịch sử một chiều theo bị nắn theo quan điểm chính trị, và yêu cầu phải trả ngay lịch sử về vai trò, vị trí vốn có của nó. Rất tuyệt.

PGS-TS Phạm Quốc Sử:
'Tích hợp môn lịch sử sẽ là một thảm họa khôn lường!'

 
14:03 23-11-2015

“Đừng bao giờ nghĩ bảo vệ môn lịch sử là bảo vệ “miếng cơm, manh áo” cho người dạy sử, mà đó còn là bảo vệ sợi dây kết nối tốt nhất của dân tộc hôm nay với nguồn sinh khí truyền thống và thời đại”, PGS-TS Phạm Quốc Sử - Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Thủ đô Hà Nội khẳng định.

Xoay quanh việc tích hợp môn lịch sử được Bộ Giáo dục - Đào tạo nêu ra, cùng với những ý kiến đa chiều từ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu sử học, các giáo viên lịch sử, PGS-TS Phạm Quốc Sử đã có những chia sẻ, những quan điểm hết sức thẳng thắn về vấn đề này. 


Tìm hiểu, dạy và học lịch sử là vấn đề sống còn của dân tộc

Thưa thầy, lịch sử và môn lịch sử có vai trò như thế nào trong đời sống hiện nay?

PGS-TS Phạm Quốc Sử: Lịch sử là thầy dạy của cuộc sống. Hầu hết những gì diễn ra hôm nay đều có nguồn cội, căn nguyên từ quá khứ, hay nói cách khác đó là sự tiếp nối của quá khứ. Bởi thế, muốn hiểu hiện tại, muốn hành xử cho đúng, không lệch lạc trong tương lai thì phải soi chiếu vào lịch sử.

Còn môn lịch sử, nó sẽ giúp chúng ta tìm hiểu quá khứ một cách có hệ thống. Tuy nhiên, có nhận thức đúng về quá khứ hay không còn phụ thuộc vào quan điểm và phương pháp nhận thức, quan điểm và phương pháp nghiên cứu lịch sử, dạy và học sử của mỗi người.

Đất nước, cộng đồng hay cá nhân nào cũng cần đến vai trò của lịch sử. Với dân tộc Việt Nam, việc tìm hiểu lịch sử còn quan trọng hơn nhiều, bởi lẽ đất nước ta luôn bị đe dọa, xâm lăng, ngay cả lúc này. Vì vậy, việc tìm hiểu, dạy và học lịch sử là một trong những vấn đề sống còn của mỗi người trong cộng đồng dân tộc. Hơn nữa, Việt Nam đang ở trong thời kỳ hội nhập, học sử là để hiểu mình, hiểu người, giúp chúng ta biết mình đang ở tầm vóc nào, hiểu rõ bạn bè và kẻ thù của mình, từ đó sẽ hội nhập tốt hơn.

Theo thầy, việc tích hợp môn lịch sử cùng 2 môn giáo dục công dân và giáo dục quốc phòng thành môn công dân với Tổ quốc thì có hợp lý không và tại sao?

PGS-TS Phạm Quốc Sử: Bản thân tôi nhận thấy không hợp lý chút nào, thậm chí là phản khoa học, phản chính trị. Chính trị ở đây là muốn nói đến nhận thức non kém, mất cảnh giác khi việc tích hợp có thể làm nhạt nhòa, biến mất môn lịch sử, môn học mà ở bất cứ quốc gia nào cũng được giao một nhiệm vụ tối thượng là trang bị cho người học kiến thức để nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc và nhận diện mọi kẻ thù.

Môn lịch sử không phải chỉ của người dạy lịch sử mà là của nền giáo dục đất nước. Với vai trò quan trọng của nó, đặc biệt là môn quốc sử cùng với môn quốc văn đã được khẳng định rằng không thể nào thiếu và trộn lẫn với các môn khác.


Nếu như môn quốc văn giữ cho dân tộc hồn cốt thiêng liêng để người Việt không quên tiếng Việt và văn hóa Việt thì môn quốc sử giữ cho dân tộc nguồn sinh khí và sức mạnh, giúp cho dân tộc không quỳ gối trước bất kỳ thế lực cường quyền nào. Bởi thế kẻ nào “đánh vào môn lịch sử”, thủ tiêu hay làm biến dạng và tan rã bộ môn này tức là đã chặt đứt động mạch chính kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối nguồn sinh khí với cơ thể sống của dân tộc hôm nay.

Quan trọng là lựa chọn cái gì và dạy như thế nào

-Về chuyện tại sao lại có việc gộp môn lịch sử vào môn công dân với Tổ quốc, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Thứ nhất là theo tinh thần chủ trương tích hợp. Thứ hai, Luật Giáo dục quốc phòng an ninh được Quốc hội thông qua có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Chúng tôi dự kiến đưa lịch sử vào đó để tránh trùng lặp”. Thầy có ý kiến như thế nào?

- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Theo tôi, đây là cách giải thích hoàn toàn không hợp lý. Giải trình thế là sai, bởi mấy lẽ:

Thứ nhất
, “tích hợp” là một chủ trương, thậm chí là một chủ trương “sáng giá” của Bộ GD-ĐT, nhưng không có nghĩa là cho phép Bộ lôi tuột tất cả các môn vào đó mà không có cân nhắc. Lịch sử là môn học có thiên chức đặc biệt, cần hết sức thận trọng nếu như định đụng đến nó. Đã trót để cho nó “nhếch nhác” rồi thì giờ là lúc giúp cho nó “phục sinh” chứ không phải làm cho nó bị “hòa tan”! Tiếc là Bộ không có chuyên gia lịch sử, hoặc đã không hỏi các chuyên gia lịch sử về vấn đề này.

Thứ hai, sao lại sợ trùng lặp kiến thức lịch sử giữ nước với giáo dục an ninh quốc phòng mà bỏ cả môn lịch sử? Vậy lịch sử đất nước trên các bình diện khác (như kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa), lịch sử nhân loại không học nữa sao? Các môn khác có thể sử dụng ít nhiều kiến thức lịch sử, nhưng là để phục vụ cho nhiệm vụ của chúng, không thể thay thế cho hệ thống kiến thức toàn diện và sâu sắc của môn lịch sử được.


Thứ ba, chủ trương tích hợp như vậy là quá đơn giản, thuần túy từ góc độ kỹ thuật mà thiếu nhãn quan khoa học, không có triết lý và tư tưởng trong việc giáo dục học sinh.

-Thầy có cho rằng vì kiến thức lịch sử của ta quá nặng mà chưa có sự đổi mới trong cách dạy, tạo sự thích thú cho người học nên dẫn đến có dự án tích hợp này không?

- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đã có gì mà nặng. Liệu người ta còn muốn cuốn sách giáo khoa lịch sử mỏng thế nào nữa, còn muốn kiến thức lịch sử được dạy trong nhà trường bị lược bớt, giản đơn đến mức nào nữa? Tôi đã cầm hai cuốn lịch sử phổ thông trung học nước Mỹ, mới xuất bản, nó to gần bằng khổ giấy A4 và dày gấp 3-4 lần cuốn lịch sử phổ thông trung học của ta, dày đặc chữ, tranh ảnh và tư liệu. Không thấy dư luận nước Mỹ kêu ca vì sách dày, kiến thức nặng nề. Hãy nói với học sinh bằng thứ ngôn ngữ uyên bác, có văn hóa của chốn học đường thì mới mong có được những học trò thông thái. Còn nếu cứ cố nói với các em thứ ngôn ngữ thật đơn giản, nôm na cho dễ hiểu, dễ nhớ đến mức cả các bậc phụ huynh vốn thiệt thòi do không được đi học cũng hiểu được, thì e rằng “hậu sinh” không thể “khả úy” được đâu. Kiến thức nặng đến đâu cũng không quan trọng. Quan trọng là lựa chọn cái gì và dạy thế nào.

Cũng không phải không có đổi mới trong cách dạy, cách học. Nói không đổi mới thì quả là phụ công ngành giáo dục, phụ công các thầy cô giáo dạy lịch sử ở trường phổ thông. Công việc này đã thực hiện từ nhiều năm nay rồi, song hiệu quả không đáng là bao. Nhưng nghiêm túc mà nói, với nội dung sách giáo khoa được biên soạn theo hướng chính trị hóa như vậy, lại thêm chỉ đạo môn học có tính pháp lệnh về cách dạy, cách học, cách kiểm tra, thi cử như hiện nay thì có tài thánh cũng không thể đổi mới để dạy hay, học hay lịch sử được.


Đã làm hỏng môn lịch sử, biến nó từ môn học đầy tính hấp dẫn và bác học, thành một môn học buồn tẻ, khiến cho học sinh chán học, giờ đây thay vì đầu tư làm cho nó hồi sinh, trở về đúng với giá trị chân chính và vinh quang của nó, thì lại nhân đó “tích hợp” để bóp chết nó, liệu có phải là việc làm có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc không?

Xóa môn lịch sử, không thảm họa thì là gì?

- GS-TS Đinh Quang Báo, Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia nói: “Không nên đặt vấn đề tích hợp là xóa môn học mà chỉ là tạo ra giá trị mới cho môn học. Tôi không nghĩ, môn sử cứng nhắc đến mức chỉ khi đứng độc lập thì mới giáo dục được”. Thầy nghĩ sao về ý kiến này?

- PGS-TS Phạm Quốc Sử:
Phát biểu thế nào là quyền của mỗi người, song ý kiến ấy nếu đúng như vậy thì rất nông cạn và mâu thuẫn.


Tích hợp rõ ràng là xóa một số môn học cũ để tạo ra môn học mới, còn biện hộ gì nữa. Đã tích hợp rồi thì làm gì còn môn lịch sử nữa, mà là môn khoa học xã hội, hay “công dân với Tổ quốc”, trong đó có kiến thức lịch sử được sử dụng một cách vụn vặt, chắp vá, trộn lẫn với kiến thức khác. Đề án đã xác định rõ thế rồi. Mà đã xóa rồi thì làm gì còn giá trị mới nữa. Đã xóa rồi thì làm gì còn có thể phát huy tính giáo dục được với tư cách môn lịch sử nữa. Môn lịch sử nếu không “cứng nhắc” đứng độc lập, mà bị hòa tan, bị thủ tiêu rồi thì làm sao còn giáo dục được. Một vài mảnh thân xác vụn rời của nó trong một cơ thể khác, nếu có phát huy được tính giáo dục, cũng là rất hạn chế, nếu không nói là chẳng đáng kể gì.

-Là người làm công tác giảng dạy lịch sử lâu năm, thầy nghĩ sao nếu việc tích hợp môn lịch sử được tiến hành?

- PGS-TS Phạm Quốc Sử
: Nếu việc tích hợp môn lịch sử vào các môn học khác được tiến hành, tôi cho rằng đó sẽ là một hình thái hỗn loạn, sẽ tạo ra những trò cười mới, như lâu nay ta đã chứng kiến. Sách giáo khoa sẽ thay đổi, biên soạn mới, vứt sách cũ, tài liệu cũ đi; việc đào tạo giáo viên lịch sử từ các bậc cao đẳng đến đại học… sẽ phải làm lại toàn bộ, kinh phí tốn kém cho xã hội sẽ không phải là con số 70.000 tỉ đồng mà Bộ đã lộ ra rồi lấp đi như trước đây, mà là vài trăm lần như thế. Nhưng điều quan trọng là sẽ làm hỏng hẳn một nền giáo dục dân tộc. Đến đây thì sẽ là một kịch bản “vỡ nát” và khôi hài từ người dạy đến người học, từ nhà trường đến xã hội về nhận thức lịch sử mà chính những người hôm nay thiết kế và vỗ tay cho “tích hợp” môn lịch sử sẽ phải “im bặt”. Bộ Giáo dục - Đào tạo lúc đó sẽ im bặt. Ngài bộ trưởng hôm nay khi đó đã nghỉ hưu, “hạ cánh an toàn”, còn ngài mới lên sau đó có thể sẽ “nghiêm túc” xin lỗi trước Quốc hội và thanh minh “khi đó tôi chưa phụ trách chính việc này” hoặc “khi đó tôi đang công tác ở nước ngoài”.

-Nếu tích hợp thì các giáo viên, các em học sinh sẽ phải dạy và học như thế nào, thưa thầy?

- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Câu hỏi này nên dành cho các tác giả đề án tích hợp môn lịch sử, là Bộ GD-ĐT, và những người bênh vực nó (đề án), bởi tôi là người phản đối thì tôi không hình dung kịch bản việc dạy và học sẽ thế nào.

Theo một người bênh Bộ GD-ĐT, ông nói ý thế này: Việc tích hợp giống như chế biến một “món ăn tổng hợp”! Ông nói, ví như đáng lẽ ta ăn rời từng món: thịt bò, cần tây, tỏi tây, nước mắm…, thì giờ ta cho cả vào xào, được ăn cùng lúc tất cả, mà có khi lại ngon. Cái “khéo” của vị chuyên gia biện hộ lừng danh này là lấy ví dụ từ món xào thịt bò - cần - tỏi vốn đã thông dụng, nhiều người thích. Nhưng cái đáng tiếc là ông lại ví việc tích hợp môn lịch sử, một môn có chức năng giáo dục đặc biệt, đòi hỏi cả tính khách quan khoa học lẫn lý trí và ý thức dân tộc, với việc chế biến món ăn nghiêng về khía cạnh hưởng thụ và tiêu khiển, khoái khẩu thì “xơi”, không khoái thì nhè ra, gọi nhà hàng đến mắng.


Không chỉ khôi hài, mà sẽ là thảm họa khi món lẩu tổng hợp của ông ấy có thể là thịt gà với mắm tôm và bỗng rượu, thịt chó với cá điêu hồng và đường phèn, trứng gà với dấm thanh và tỏi…, và theo ông ấy, liệu đó có thể là những món khám phá mới, hấp dẫn? Ông nói nhiều nước đã làm thế mà và Việt Nam cũng nên làm theo. Theo tôi, vị chuyên gia này sẽ là người thích hợp nhất để trả lời câu hỏi: Nên dạy và nên học môn tích hợp lịch sử như thế nào?

-Thầy nghĩ sao nếu môn lịch sử bị xóa bỏ?

- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đó sẽ là thảm họa cho dân tộc. Bên ngoài thì Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, một số đảo Trường Sa, bên trong thì xóa môn lịch sử, chặt đứt mối liên hệ giữa lớp trẻ hiện tại với truyền thống cha ông. Trong ngoài như thế không thảm họa thì là gì?

Thực ra, những gì diễn ra hôm nay đối với môn lịch sử cũng đã là thảm họa rồi. Những ngày hân hoan mới giành được độc lập, hay đang vượt qua thử thách thù trong giặc ngoài 1945-1946, chắc không ai tưởng tượng sẽ có ngày học sinh tung hê tài liệu môn lịch sử vì “thoát nạn”, không phải thi môn học buồn tẻ khó nhớ này.

Đấy là thảm họa, nhưng không phải chỉ cho mấy cô giáo dạy môn lịch sử trong trường phổ thông, mà cho tương lai của toàn dân tộc. Một thảm họa khôn lường.
 

Có người nói: Người không hiểu lịch sử thì không khác gì con trâu. Con trâu thì ruộng nào cũng cày, bởi nó không tự biết mình, nguồn cội mình! Thế mà người ta lại định xóa môn lịch sử, thử hỏi có nguy không? 

- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Không xóa, nhưng phải làm lại, đổi mới căn bản môn sử

-Vậy khi việc “tích hợp” bị phản đối, môn lịch sử nên được giảng dạy trên ghế nhà trường theo cách nào, để không lâm vào cảnh bi đát như những gì từng được nhắc đến trong vài năm qua, thưa thầy?

- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Đó là một câu chuyện nghiêm túc.

Thứ nhất, đấu tranh cho môn lịch sử tiếp tục có vị trí độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông không có nghĩa là duy trì thực trạng môn học đã bị chính trị hóa đến tê liệt trong nhiều chục năm qua, khiến người dạy loay hoay mãi không thể dạy hay được, người học thì chán ngán. Đã đến lúc phải thay đổi căn bản đối với môn học này, từ nội dung đến phương pháp, chứ không chỉ sửa chữa.

Thứ hai,
rất cần thiết phải công bố một cách ngắn ngọn, hàm súc cho xã hội hiểu và phân biệt rõ ba khai niệm: Lịch sử, sử học và dạy - học lịch sử, cũng như mối quan hệ giữa ba điều ấy. Việc này không thừa, bởi ngay trong ngành sử không phải ai cũng đã tỏ, còn trong xã hội thì số người hiểu cực ít. Khi giới lãnh đạo chính trị không hiểu thì sẽ xem nhẹ môn lịch sử và khó có thể giải thích, thuyết phục được.

Thứ ba,
lịch sử thì khách quan, nhưng sử học và dạy học lịch sử thì không phải như vậy. Trong sử học, nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm. Khi sử học bị chính trị hóa thì nguyên tắc trên sẽ bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho mục đích của chính trị mà có trường hợp dẫn đến xuyên tạc sự thật.

Thứ tư, sử học vinh quang thật, nhưng lại rất dễ phạm phải những căn bệnh nặng, những lỗi không nhỏ. Tiếc thay, sử học nước ta đã không tránh được. Một thứ “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh” (phân biệt với sử học chân chính) đang ngự trị.

Một nhà sử học nổi tiếng nước ta mới mất cách đây vài năm, nói: Sử học ta chẳng có tư tưởng gì. Sợ thật!

Bị biến thành công cụ tuyên truyền, đến mức bị chính học sinh chối bỏ, người dân nghi ngờ, rồi lại chính cơ quan giáo dục quyền lực nhất xóa bỏ. Phải chăng, đó là số phận của một thứ sử học “phải đạo”?. 


- PGS-TS Phạm Quốc Sử: Bởi thế, ngành sử cần phải làm lại từ đầu.

Thứ năm, sử học thế nào thì dạy học lịch sử cũng gần như thế, bởi dạy học phải sử dụng thành tựu nghiên cứu của sử học, đồng thời cả hai cùng có chung một “bầu trời”, một thể chế. Tư tưởng chỉ đạo cho sử học, đương nhiên cũng được áp dụng cho dạy học lịch sử. Từ rất sớm, sử học và dạy học lịch sử nước ta đã được tiêm những liều “vắc xin” để ngừa những tư tưởng trái chiều. Nhưng liều tiêm khá nặng, khiến cho đối tượng bị tê cứng, hết sinh khí. Để học sinh chán học sử, để giáo viên không thể giảng hay được tức là môn sử hết sinh khí rồi.

Có người bảo ngành sử các ông toàn chạy theo chính trị, chủ yếu là ca ngợi và lặp đi lặp lại, nên rất nhàm. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng bởi là lẽ sách vở nhiều, tiến sĩ nhiều nhưng chất lượng sử học rất thấp. Song, thử hỏi, nếu anh bị buộc phải tiêm “vắc xin” anh có chống lại được không? Vả lại, những thành quả “nhàm chán” thì anh mới được đọc, còn những thứ “không nhàm chán” thì không dễ xuất bản, và nếu có thì anh liệu có biết đọc không?

Có người nói học sinh chán sử là tại sách giáo khoa của môn này viết khô khan và một chiều. Điều này đúng. Cả giáo trình đại học nữa chứ, đâu phải chỉ sách giáo khoa đâu. Mà sách giáo khoa là “rút gọn”, là “hạ cấp” của giáo trình. Người viết sách đã quen tư duy thế rồi. Không khô khan, một chiều sao được khi bị chỉ đạo, bị cạo gọt từ chương trình chung đến từng bài học, hoặc do sợ quá mà tác giả tự cắt gọt cho an toàn.

Có người nói, các thầy cô dạy sử không chịu thay đổi phương pháp nên việc dạy học nhàm chán, học sinh chán học, chất lượng môn sử rơi đến thảm hại. Điều này cũng đúng. Nhưng sự thực, đã có thay đổi bộ phận rồi, nhưng chủ yếu là chuyển từ “đọc chép” sang “nhìn chép” và một vài thứ khác. Song, tài thánh cũng không hấp dẫn được, bởi phải đi theo rãnh chỉ đạo của cấp trên, từ nội dung sách giáo khoa đến các bước lên lớp, giáo án. Có nhiều phương pháp được vận dụng, nhưng chạy đi đâu khỏi khối tài liệu từ đọc thêm đến tranh ảnh, hiện vật, bản đồ, sơ đồ, băng đĩa đều được biên soạn theo cùng một hướng, với vai trò minh họa cho sách giáo khoa. Mọi thứ đều minh họa thêm cho sách giáo khoa, còn sách giáo khoa minh họa cho đường lối chỉ đạo, vậy sáng tạo sao được.

Đã có ý kiến khá hay về phương pháp dạy học thực chứng, dùng tài liệu gốc để khuyến khích học sinh khám phá, tự đưa đến nhận thức bài học lịch sử. Hay, nhưng dùng tài liệu gốc nào đây? Tư liệu gốc có giá trị nhưng “cấm kỵ”, “nhạy cảm” thì không được sử dụng, còn tư liệu không giá trị, không đáng tin cậy, vô thưởng vô phạt thì không dùng còn tốt hơn là dùng. Dẫn học sinh đi thăm bảo tàng ư? Bảo tàng, nhà truyền thống cũng được sắp đặt, được uốn nắn giống như công trình sử học, giống giáo trình, sách giáo khoa và hằng hà sa số tài liệu đọc thêm môn lịch sử. Cứ quyển nọ chép lẫn, xào xáo của cuốn kia thôi, anh chạy đằng trời! Vả lại, tôi bảo anh sáng tạo nhưng anh cứ biết vậy, sáng tạo vừa vừa thôi, anh sáng tạo quá, tôi không kiểm soát được, anh “chệch rãnh” thì sao...

Nhưng xin cảnh báo, ngữ văn và triết học cũng thế. Văn, triết mà chẳng có văn có triết, chẳng có sinh lực gì. Nguyên nhân, thực trạng cũng gần cũng giống như môn lịch sử. Chỉ có điều không bị động đến. Không bị động đến, nhưng không có nghĩa là vô can!

Cụ Hồ nói “dân ta phải biết sử ta” là để “cho tường gốc tích nước nhà", chứ không phải để càng học càng tối, càng biết càng hoài nghi. Cũng giống như “văn học phải đạo” với công thức dạy văn: Yêu-căm-chiến-lạc (yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu, lạc quan tin tưởng), sử học “quốc doanh” không thể làm “cho tường gốc tích”, không làm rạng danh nước nhà được.


Tóm lại, câu chuyện dạy dỗ thế nào, phương pháp này, nọ vẫn chỉ là phần ngọn của vấn đề. Nếu cứ bàn mãi về phương pháp, cứ trách thầy cô giáo dạy sử thì chỉ là né tránh, luẩn quẩn, thiếu hiểu biết và giỏi “bắt nạt người yếu”. Gốc rễ vẫn là ở tính khoa học độc lập của môn sử, ngành sử. Độc lập ở đây là không bị chính trị hóa, chứ không phải chỉ là môn lịch sử tồn tại độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông. Có độc lập thì sẽ có khách quan, khoa học, có cống hiến thực sự cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho lẽ sống, sẽ được đời kính trọng, nhà nước nể vì. Có độc lập thì có sáng tạo trong dạy học lịch sử, sẽ có muôn vàn phương pháp tìm hiểu, khám phá lý thú được áp dụng, và học sinh sẽ lại say mê, yêu thích môn học này.

-Xin chân thành cảm ơn thầy!

Thu Anh (thực hiện)


30 nhận xét :

  1. Rất hay, đúng là nhà sử học nhưng dễ gặp hoạ lắm. Ngày xưa, có nhà sử học vì viết đúng sự thật mà bị chém cũng không tiếc vì đó là nhà sử học chân chính. Nếu vì những phát biểu này mà mất dạy cũng sướng thầy hi. Chúc thầy may mắn và khoẻ mạnh. Cảm ơn thầy.

    Trả lờiXóa
  2. Nhất trí với TS Phạm Quốc Sử

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Tiến sỹ Phạm Quốc Sử - tên ông sẽ được nhiều nhiều người ghi nhớ. Ông đã nói đúng, khoa học và khách quan về Lịch sử.
      Đọc xong bài trả lời phỏng vấn này, tôi thấy: Cấu trúc dạy và học của các môn Quốc Sử, Quốc Ngữ (ngữ văn) và sự vận dụng (Quốc pháp) của Việt Nam mấy chục năm qua đã rạn nứt, mục ruỗng và đang sụp đổ khó tránh khỏi.
      Thêm một lần cảm ơn Tiến sỹ Phạm Quốc Sử.

      Xóa
    2. Cái gốc là do ai mục đích chỉ đạo dạy và biên sử chứ không phải là do sử. Vạy xử lý cái gốc (cũng là cái gốc của mọi tai họa của dân tộc ta) trước hãy nói chuyện sử hay văn học triết học...

      Xóa
  3. Ý kiến công dânlúc 20:14 23 tháng 11, 2015

    Có thể nhà cầm quyền thân tàu muốn xóa môn lịch sử của VN để con cháu quên đi cội nguồn dân tộc, để dễ bề đồng hóa với tàu cộng. Có thể trong sử quốc doanh cố tình không chép lại những vết nhơ đẫm máu của cuộc nội chiến. Nhưng, ND không bao giờ quên cuộc cải cách ruộng đất đã giết hại hàng trăm ngàn người vô tội. NDVN không bao giờ quên cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn đã cướp đi hàng triệu người con ưu tú. Không bao giờ quên Hoàng Sa, Trường Sa, thác Bản Giốc, Ải Nam Quan ( thập nhân đáo, nhất nhân hồi) v.v... là của VN. ND không bao giờ quên 75 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hi sinh khi chiến đấu chống lại quân xâm lược Trung Quốc trong trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến tại đảo Gạc Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988. NDVN không bao giờ quên ngày 17/2/1979 ngày giặc tàu xâm lược và giết hại hàng vạn đồng bào và chiến sỹ 6 tỉnh biên giới phía bắc v.v...Đừng tưởng xóa môn lịch sử là xóa đi tội lỗi. Lịch sử sẽ phán xét, kẻ nào có tội, người nào có công một cách khách quan. Kẻ nào cố tình bóp méo sự thật là có tội với lịch sử dân tộc.

    Trả lờiXóa
  4. càng đọc càng thấy Bộ trưởng Bộ Giáo Dục vô giáo dục. Cám ơn tác giả bài viết này.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết thể hiện thái độ rõ ràng,dứt khoát của TS phạm Quốc Sử.Cái mà chúng tôi quý anh hơn đó là sự dũng cảm ,vì không thiếu gì người thấy sai mà không dám nói.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi sinh ra ở miền nam dưới chính thể VNCH ! 60 năm qua nhửng bài giảng về môn sử gần như in hằn trong tâm trí tôi không thể nào quên ! KHÔNG PHẢI MÔN SỬ LÀ MÔN HỌC KHÔ KHAN NHƯ TOÁN ,MÀ CỨ BẮT CÁC CHÁU PHẢI HỌC THUỘC LÒNG NHƯ CON KÉT ,LỐI HỌC TỪ CHƯƠNG THÌ QUẢ LÀ NUỐT KHÔNG TRÔI ! BẤT KỂ LÀ NHÀ GIÁO DẠY MÔN GÌ ,PHẢI CÓ CÁI TÂM VÀ THẬT SỰ GẮN BÓ VỚI MÔN HỌC ĐÓ THÌ MỚI CÓ PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TỐT ! THẦY TÔI KHI DẠY MÔN NẦY ÔNG THƯỜNG RA OAI DIỂU VỎ ,GIỌNG ĐIỆU HÙNG DỦNG OANH LIỆT KHI KẺ VỀ NHỬNG CHIẾN THẮNG ĐỐNG ĐA NGỌC HỒI HAY CỜ ĐÀO ÁO VẢI ! NHỬNG CỌC BẠCH ĐẰNG XUYÊN THỦNG TAÙ QUÂN XÂM LƯỢC ,HAY HƯNG ĐẠO VƯƠNG ĐÁNH ĐUỔI QUÂN NGUYÊN MÔNG PHẢI THÁO CHẠY RA KHỎI NƯỚC NAM ,ĐÔI KHI THẦY PHẢI THÊM THẮC ,TƯỢNG THANH TƯỢNG HÌNH ĐỂ MÔ TẢ VÓ NGỰA TUNG BAY RA SAO KHI ĐOÀN QUÂN CHIẾN THẮNG TRỞ VỀ ! NẾU NHƯ GIẢNG SỬ MÀ CỨ ĐƯA CẢ QUYỂN SÁCH VỀ CHO HỌC SINH ĐỌC THÌ TÔI NGHỈ nên dẹp đi còn hơn !nhửng gì diển ra hôm nay là cả một quá trình dài ! để con cháu mai sau không còn nhớ đến lịch sử dân tộc là có tội với tiền nhân ! không thể che giấu được bia miệng thế gian ! dù có muốn viết sai ,thì củng không thể đảo ngược sự thật ! chính nhửng cái giả dối ngụy tạo ,mập mờ gỉa dối đả đưa đến mất chủ quyền một số biển đảo như hiện nay ! TRÁCH NHIỆM NẦY THUỘC VỀ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯÓC VN

    Trả lờiXóa
  7. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của TS Phạm Quốc Sử.

    Trả lờiXóa
  8. Bỏ môn sử là có tội với tổ tiên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghiêm túc mà nói như có bọn "diễn biến hòa bình" đã xâm nhập vào phá hoại nền giáo dục nước nhà ?

      Xóa
    2. Nghiêm túc mà nói như có bọn "diễn biến hòa bình" đã xâm nhập vào phá hoại nền giáo dục nước nhà ?

      Xóa
  9. Sau khi ông bộ trưởng bóp chết môn lịch sử. Vài thế hệ sau, các tên phố Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lý Thường Kiệt...mất dần đi. Rồi xuất hiện phố Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình...Ông BT này đang đi theo đúng hướng chỉ đạo đây ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không có gia phả /sử gia đình/ thì đến tên bố nó, quê hương nó cũng chẳng biết nữa là hỏi Trần Hưng Đạo ông là ai ? Xót xa như sát muối trong lòng !

      Xóa
  10. Ối trời ơi! thật là thấu tỏ. Thế thì là Vũ Luận hay là vũ luấn đây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng tình với thái đọ cương trực của tiến sỹ Phạm quốc sử, nhưng vẫn không khởi có mấy thắc mắc. Viết ra đây hy vọng có người trả lời giúp.
      Khi lịch sử còn là môn học riêng như hiện nay, mọi người có ai nhìn thấy trong sách giáo khoa lớp nào ghi về chiến tranh biên giới Việt trung năm 1979? Ngay cả sự thật hiển nhiên như vậy mà còn không được dạy thì dù có tích hợp hay bỏ hẳn môn lịch sử thì còn có gì phải tranh cãi

      Xóa
    2. TRẢ LỜI BẠN MÔNG PHỤ !
      Vì thế các chuyên gia chính trực yêu cầu phải viết lại môn sử trên tinh thần khoa học ! Lịch sử không phải là chính trị, hay chính trị không lợi dung môn lịch sử nũa và trả lại môn lịch sử đúng nghĩa?đó là tính trung thực-tính chính xác-tính khách quan !
      Không chỉ có đưa vào chiến tranh 1979, mà những hiện tượng phá bỏ bia căm thù giặc Tàu gây chiến tranh 1979 cũng phải được ghi lại trung thực trong môn học . Nếu ai đó muốn xuyên tạc lịch sử thì người đó làm việc ngây dại là lấy bàn tay mình hòng che lấp mặt trời?

      Xóa
  11. Rất cảm ơn PGS-TS Phạm Quốc Sử vì tính trung thực và thẳng thắn, lòng dũng cảm. Nhân dân sẽ không bao giờ quên tiếng nói dõng dạc bảo vệ lịch sử dân tộc.

    Trả lờiXóa
  12. Bây giờ thử làm một việc đơn giản là: Hãy tự tay mình dạy môn sử cho các em phổ thông, sau đó đánh giá lại cũng không muộn.

    Trả lờiXóa
  13. Nhiều người đã đặt câu hỏi : tại sao không tích hợp môn học khác và môn Lịch Sử mà lại đem môn Lịch Sử tích hợp vào môn học khác ? Để GDCD phải lấy Lịch sử nước mình làm gốc Ngay như TQ cũng đâu dám xoá môn học Lịch Sử mà trái lại họ khai thác tối đa lịch sử . Những bô phim dài và hay nhất của TQ hiện nay là dựa trên những câu chuyện lịch sử . Không những thế , Văn Học TQ cũng dựa trên lịch sử . Lịch sử VN rất phong phú, các nhà làm phim ảnh VN , những người viết kịch bản cho phim chưa đủ vốn kiến thức lịch sử để viết ra những kịch bản hay và có giá trị . Điều này cũng không hoàn toàn do các nhà làm phim VN , nhưng do Văn Học của ta và do những nghiên cứu lịch sử của ta không đa chiều và còn nghèo nàn . Những sách về lịch sử VN làm như cạn kiệt tư liệu vì người ta bó hẹp vào định hướng một chiều như kinh tế thị trường định hướng XHCN ! Rút cục định hướng XHCN cũng chỉ là tính Đảng là bảo vệ sự tồn tại của ĐcsVN mà thôi !

    Trả lờiXóa
  14. chính trị thủ tiêu môn lịch sử

    Trả lờiXóa
  15. Mở đầu nhiều cuốn Tộc(gia) phả đều ghi: "Phù quốc chi hữu sử, gia chi hữu phả, vật bản hồ thiên, nhân bản hồ tổ,...". Vậy mà người ta định xóa bỏ môn học Lịch sử thì thật nguy hại cho dân tộc. Phải chăng những lời đồn đại về mật nghị Thành đô là có thật?

    Trả lờiXóa
  16. Sử học nước nhà rất cần những người thầy không bị CHÍNH TRỊ hóa như thầy Phạm Quốc Sử.

    Trả lờiXóa
  17. Phạm Vũ Luận và mấy kẻ chủ trương "tích hợp" môn sử với các môn khác về cơ bản không hiểu thế nào là "tích hợp". Với họ, "tích hợp" có nghĩa là gộp một số môn học nào đó với nhau vì "cảm" thấy chúng có cái gì đó "chung" với nhau. Nhưng điều đáng nói là cái gì đó ở đằng sau "xui khiến" bọn họ làm tích hợp: sự ngu dốt, phản bội hay muốn làm cho môn học này hay lên? Tôi không đồng tình với ai đó biện minh rằng, dường như họ muốn làm cho môn học này hay hơn!

    Trả lờiXóa
  18. Tôi chưa bao giờ được nghe nói về tầm quan trọng của sử học, tình trạng viết sử, dạy sử, học sử lâu nay và phản biện về việc xóa bỏ môn sử, rõ ràng, chính xác và sâu sắc như bài trả lời phỏng vấn này.Cũng qua đây chúng ta thấy rõ một nhân cách đáng kính trọng, một nhà sử học uyên bác. Xin cảm ơn PGS - TS Phạm Quốc Sử.

    Trả lờiXóa
  19. Những điều TS Phạm Quốc Sử nói rất đúng và nhiều người dạy Sử, học Sử bao năm nay cũng đã biết nhưng ít khi dám nêu chính kiến của mình vì nhiều lí do. Vấn đề ở đây là liệu có thay đổi được gì không hay vẫn chỉ là "rượu cũ bình mới" thôi!

    Trả lờiXóa
  20. Lịch sử là một nghành Khoa học nhân văn,với định nghĩa nhỏ vậy Tôi cho rằng từ khi lập nước tới nay xứ ta chưa có Sử minh bạch chính thống,nhất việc giảng dạy môn Lịch sử hiện nay cho người học-Áp đặt một chiều,vô lối,phiến diện....dẫn tới tâm lý chán nản thậm chí phản đối phẫn nộ của Hs,Sv.Tôi đã cảnh báo các đồng nghiệp dạy môn Sử nói riêng và các Thầy Cô dạy các môn Xã hội nói chung rằng:Con trẻ thơ như giấy trắng,đừng dối trá,bịp bợm mà tội nghiệp-Vẫn vậy,song xin cũng đừng trách sự thảm hại đau lòng này,dù biết bài giảng trên lớp thường trái thực tế ngoài đời Họ tiếp đang phấn đấu trí trá mưu ngụ tồn dạng sinh vật(Biết cả đấy nhưng theo họ nhiều sự lừa dối,độc ác táng tận khác còn trứ danh đa bội...khiến chuyện nhỏ....).Việc Tích hợp,lồng ghép,liên môn..Sử học với các phân môn ba chi khươn khác phục vụ nhà cầm cố làm loãng,lu mờ dẫn triệt sản Sử(Chiến thuật tằm ăn dâu),còn hậu họa khôn lường Thầy PQS đã minh Tôi nhất trí,xin bổ sung thêm trước bối cảnh nước nhà cùng sự cách biệt giữa các thế hệ,áp lực các cam kết trước đây nhà cầm côn đang muốn chạy tội,chuẩn bị cho cuộc đào tẩu xuống hố....Hơi khó,chỉ giả thiết như Tôi dạy Sử(Không phải cuốc hay bìm bịp...),người học tiếp thu mọi luồng tri thức với tư duy phản biện Xemine vài vấn đề-Bh là ai?,vai trò lịch sử công tội?,CCRĐ có phải thảm sát diệt chủng?,việc hy sinh 5 tr nhân mạng cho "Độc lập Dân tộc" có cần thiết(Đắt,rẻ,ngu,muội,thông thái,cuồng ngông mù....)?.Các Thi sinh tranh luận trực tiếp ngày rỡ,thư ký thống kê phiếu nhất trí với các luận điểm,Ba rem bài chấm Tôi dựa trên kết quả bình thuận người học.....Để thấy mít đang bịt lối chết,thưa các Quý vị,Vô vàn,bé vậy,mong tỏ thiểu vàn mừng !....

    Trả lờiXóa
  21. Người Việt Nam có nhiều đức tính tốt, song tính xấu không phải ít. Khi đã chủ định làm việc gì thì cố cãi cho bằng được, những người cải cách GD muốn xóa môn Lịch sử (gọi văn hoa là tích hợp vào môn khác) cố cãi chầy cái cối ngụy biện bằng nhiều giọng điệu khác nhau nghe có vẻ hợp lý như các cụ nhà ta thường nói: Lưỡi không xương nhiều đường lắt néo. Nhưng có một điều quan trọng là làm lịch sử là phải khách quan ai đời lại bịa ra câu chuyện: EM BÉ ĐUÓC SỐNG - LÊ VĂN TÁM rồi cho vào sách sử dạy về tinh thần yêu nước là không ổn.

    Trả lờiXóa
  22. Không thể thêm gì ngoài hai chữ TUYỆT VỜI. Tên sao, kiến thức vậy. Đúng là QUỐC SỬ. Du học sinh UQ Australia

    Trả lờiXóa
  23. Chuẩn nhất là để các môn khoa học đứng độc lập như từ xưa đến nay. Riêng môn Sử đã bị chính trị hóa, nay phải trả lại là môn khoa học đúng nghĩa (đây là gốc của vấn đề), thì phải thay đổi nội dung, mang tính khách quan, không méo mó. Còn khi dạy thì chọn hình thức "tích hợp", dùng các kiến thức của môn khác phụ họa thêm, để hay, sinh động. Đào tạo giáo viên dạy sử theo hướng dạy có mở rộng, vậy là đã "tích hợp" rồi. Không riêng gì Sử, các môn khác cũng làm y như vậy.
    Cũng bởi tại "Đảng ta lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, tuyệt đối" nên cả xã hội mới rối loạn, luẩn quẩn, như gà mắc tóc, chớ không riêng gì môn Sử.

    Trả lờiXóa