Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

TƯ LIỆU HÁN NÔM VỀ BANG GIAO VIỆT - HÀN TRONG LỊCH SỬ

BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU QUAN HỆ BANG GIAO VIỆT - HÀN TRONG LỊCH SỬ QUA CÁC THƯ TỊCH HÁN VĂN
 

Lý Xuân Chung*
Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Cao Ly - Triều Tiên - Hàn Quốc là những tên gọi của một xứ sở mà phong tục, tập quán, ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử có nhiều nét tương đồng với Việt Nam chúng ta. Song, sự hiểu biết và nghiên cứu của chúng ta về đất nước và con người ở bán đảo này còn rất đại lược.

.
Một trang trong tập thơ đi sứ
Điều đó có nguyên nhân địa lý, lịch sử sâu xa: quan hệ trực tiếp Việt Nam - Hàn Quốc trong lịch sử ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa dường như không lưu lại dấu ấn gì. Những năm gần đây, khi Hàn Quốc hóa rồng, trở thành một trong bốn con rồng ở châu Á và thiếp lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam thì sự tìm hiểu, nghiên cứu về xử sở này mới thực sự bắt đầu.

Để tìm hiểu đất nước, con người của mỗi quốc gia, ngôn ngữ luôn là chiếc cầu nối, là phương tiện cần thiết cho các nhà nghiên cứu đi sâu khảo cứu. Dẫu rằng hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc đều có chữ riêng, nhưng trong lịch sử, họ cùng chung một thứ chữ, đó là chữ Hán. Qua chữ Hán, họ hiểu biết lẫn nhau, trân trọng lẫn nhau. Những thư tịch bằng chữ Hán còn lưu lại ở hai nước đã nêu lên điều đó và là những tư liệu đáng quý để tìm hiểu mối quan hệ Việt - Hàn trong lịch sử.

Ngay trong thời phong kiến, nước Việt ta đã có quan hệ bang giao với nhiều nước láng giềng, song, chủ yếu vẫn là Trung Quốc rộng lớn và hùng mạnh. Các đoàn sứ giả ta theo định kì tuế cống hoặc những dịp đại hiếu, đại hỉ lại lên đường sang Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay) để làm một trọng trách mà triều đình cũng như dân tộc giao phó là giao hảo, hòa hiếu với Trung Quốc. Cũng vào những dịp đó, không chỉ Việt Nam ta mà sứ giả những nước nhỏ xung quanh Trung Quốc cũng đều có mặt. Đó cũng là dịp sứ thần các nước gặp gỡ, làm thơ xướng họa, tặng đáp và hiểu biết nhau hơn. Sứ thần thời xưa, ở Việt Nam ta cũng như các nước chắc đều thế, thường là những người tài cao học rộng, làu thông kinh sử, uyên thâm Hán học, ứng đối linh hoạt và đặc biệt là những nhân sĩ giàu lòng yêu nước, có dũng khí, nêu cao tinh thần tự cường dân tộc và có tài tứ ngoại giao uyển chuyển hài hòa.


Trong những dịp đi sứ như thế, sứ thần Việt Nam đã gặp gỡ sứ thần các nước và tự giao thiếp, tìm hiểu đất nước, con người các nước lân bang chủ yếu thông qua “bút đàm” bằng chữ Hán.

Cuộc gặp gỡ giữa sứ thần Việt Nam và Hàn Quốc chắc là nhiều song những cuộc gặp gỡ, xướng họa, giao tiếp bằng Hán văn thì bước đầu mới được các nhà nghiên cứu khảo cứu. Đó là các vần thơ xướng họa giữa:
.
Việt Nam
Hàn Quốc
1- Phùng Khắc Khoan
Lý Chi Phong
2- Nguyễn Công Hãng
Du Tập Nhất, Lý Thế Cận
3- Nguyễn Tông Quai
Sứ bộ Hàn Quốc
4- Lê Quý Đôn
Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Tiến, Lý Huy Trung
5- Hồ Sĩ Đống
Sứ bộ Hàn Quốc
6- Phan Huy Ích
Sứ bộ Hàn Quốc
7- Đoàn Nguyễn Tuấn
Sứ bộ Hàn Quốc
8- Nguyễn Đề
Sứ bộ Hàn Quốc
9- Nguyễn Tư Giản
Nam Đình Thuận, Triệu Bỉnh Cao(*)

Trong các bộ sách lớn của Hàn Quốc viết bằng chữ Hán như:

Triều Kinh thi thiếp, Chi Phong tập, Triều Tiên vương triều thực lục, Triều Tiên Thái Tông thực lục, Trung Tông Đại vương thực lục, Chính Tổ Đại vương thực lục, Thuận Tông Đại vương thực lục... đều có viết về Việt Nam ta. “Chi Phong tập” kể lại rằng, sứ thần hai nước nhân chuyến đi sứ nhà Minh đã gặp nhau ở Yên Kinh (Trung Quốc), Phùng Khắc Khoan và Lý Chi Phong qua giao tiếp bằng “bút đàm” đã hiểu nhau, trân trọng nhau và đã thông tin cho nhau biết về chế độ, phong tục tập quán, khí hậu, nông sản... của quê hương đất nước mình. Chi phong tập cũng cho biết rằng, ông Triệu Hoàn Bích là người Hàn Quốc đầu tiên đến Việt Nam. Khi ông ta còn là thanh niên, Nhật chiếm Triều Tiên rồi bắt ông đưa sang Nhật, ở Nhật, ông được một thương nhân Nhật Bản đưa sang Việt Nam trong 3 năm. Triều Tiên Thái Tông thực lục có những đoạn ghi chép về việc Hồ Quý Ly thoán đoạt vương quyền nhà Trần. Trung tông Đại vương thực lục ghi chép khá tường tận về việc Mạc Đăng Dung đoạt quyền nhà Hậu Lê. Chính tổ Đại Vương thực lục ghi chép về Lê Chiêu Thống theo Tôn Sĩ Nghị chạy sang Nam Ninh, Quảng Tây và vua nhà Thanh phong Quang Trung làm vương rồi giáng chỉ triệu vua tôi nhà Lê về Yên Kinh.Thuận Tông Đại Vương thực lục ghi chép về việc Nguyễn Ánh lập vương triều nhà Nguyễn ra sao và việc cấm đạo của vua Thánh Tổ nhà Nguyễn ở Việt Nam.

Thư tịch Hán Văn ở Việt Nam ghi chép về Triều Tiên hoặc những cuộc gặp gỡ, xướng họa giữa sứ thần hai nước trong lịch sử cũng đã bước đầu được khảo cứu.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu cho rằng cuộc gặp gỡ giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan với chánh sứ Triều Tiên Lý Chi Phong vào năm Đinh Dậu (1597) được ghi trong Mai Lĩnh sứ hoa thi tập hiện có trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng như được ghi trong Chi phong tập là cuộc gặp gỡ có ý nghĩa mở đầu trong lịch sử bang giao Việt - Nam.

Phùng Khắc Khoan là người tài cao, học rộng, chín chắn, trung hậu và có chí khí... (xem: Phùng Khắc Khoan, cuộc đời và thơ văn: Tác giả Trần Lê Sáng), người sống cùng thời và rất tài giỏi là Đỗ Uông(1) đã viết nhiều về ông. Ở đây chỉ xin trích dẫn đôi lời: “Phùng Công tinh anh uẩn súc vốn đã bao hàm vẻ đẹp, cứng cỏi, cho nên lời nói trung hậu, ôn hòa, trong khi đi sứ đã làm cho mệnh vua được toàn, uy phong của nước nhà được giữ...”.

Phùng Khắc Khoan vốn là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tâm đắc với Đào Tiều, khi gặp Chi Phong đạo nhân ở nước ngoài, qua đàm đạo rồi thành tri kỷ. Những buổi đàm đạo chắc là nhiều, nay chỉ thấy Lý Chi Phong ghi lại đôi điều vấn đáp:

Hỏi: Việt Thường, Giao Chỉ xưa là đất đai của quí quốc chăng?

Đáp: Thưa phải.

Hỏi: Nghài làm quan gì?

Đáp: Ngu lão ở trong nước làm chức Thị lang.

Hỏi: Phong tục, quan chế của quí quốc như thế nào?

Đáp: Chúng tôi học tập thi, thư, lễ, nhạc Khổng Mạnh; văn thì mở khoa cử chọn Tiến sĩ như Đường, Tống.

Hỏi: Chọn người bằng thơ phú và văn sách phải không? Có thi võ không?

Đáp: Thi cử chọn người, có thi Hương, thi Hội; thi Hương, trường một thi Ngũ Kinh Tứ Thư, hai đề; trường hai thi chiếu, chế, biểu, ba đề; trường ba thi phú, một đề; trường bốn thi văn sách, hỏi cách trị nước xưa nay, một đề. Thi Hội cũng có bốn trường như thi Hương, nhưng thêm thi Đình, vua hỏi. Thi võ thì thử tài cưỡi ngựa, cưỡi voi, cưỡi ngựa bắn cung, 5 năm mở một khoa.

Hỏi: Nghe nói trước đây, vua của quí quốc họ Mạc. Nay họ Lê là vua sáng nghiệp chăng? Có loạn lạc gì mà cách mạng như vậy?

Đáp: Trước kia, vua nước tôi vẫn là vua Lê, sau họ Mạc cướp ngôi. Nay họ Lê lấy lại cơ nghiệp cũ, lại phải xin phong.

Hỏi: Vua Lê mất nước, mấy năm mới lấy lại được?

Đáp: hơn 50 năm.

Hỏi: Quí quốc có Đô Thống là chức quan gì?

Đáp: Nước chúng tôi từ cổ lập nước đến nay, không hề có chức Đô Thống sứ ty. Sau khi họ Mạc tiếm nghịch, thiên triều cho cái chức vớ vẩn Đô thống sứ ty, thuộc hàng nhị phẩm. Chức đó chỉ để cho bọn phản nghịch thôi. Ngày nay, chúng tôi muốn được công nhận là vua.

Hỏi: Họ Mạc là Mạc Hậu Hợp phải không?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Vua Lê dẹp loạn lập quốc hay được dân suy tôn?

Đáp: Vua Lê thay họ Trần trị nước, do dân trong nước suy tôn.

Hỏi: Ở triều Mạc, ngài làm quan gì?

Đáp: Ngu lão là quan nhà Lê, chưa từng làm quan nhà Mạc.

Hỏi: Quí quốc mùa đông ấm như mùa xuân, không có băng tuyết phải không?

Đáp: Trời Nam xuân nhiều đông ít.

Hỏi: Quí quốc có lúa hai vụ, tằm tám lứa một năm phải không?

Đáp: Nước tôi hàng năm có hai vụ lúa, có tám lứa tằm tơ và gai.

Hỏi: Quí quốc đất vuông bao nhiêu?

Đáp: Đất nước tôi rất rộng.

Hỏi: Quí quốc cách Vân Nam mấy dặm?

Đáp: Nước tôi, biên giới tiếp giáp với Vân Nam nhưng núi non trùng điệp.

Hỏi: Cách Lưu Cầu, Nhật Bản mấy dặm?

Đáp: Cách biển đường xa không thông thương được...

Lý Toái Quang (1563-1628) tiếng Hàn Quốc đọc là Yi-Xu-Quang, tự là Nhuận Khanh hiệu là Chi Phong, tài cao, học rộng, đỗ Tiến sĩ năm 1582 khi mới 20 tuổi, làm quan trải mấy triều vua, có nhiều công lao đối với đất nước và để lại nhiều trước tác nổi tiếng. Ông là người nổi tiếng trong việc khởi xướng phong trào Sikhao (đọc theo âm Hán Việt là Thực học), phong trào này là phong trào Thực học, tức là phong trào có tư tưởng khai sáng, hướng tới học vấn, kiến thức thực tế, ủng hộ khoa học thực tiễn, phê phán nho học giáo điều. Ông đi sứ Trung Quốc đến ba lần, lần đầu tiên vào năm Canh Dần 1590, năm ông 28 tuổi và lần thứ hai vào năm Đinh Dậu 1597, năm ông 35 tuổi. Năm đó ông đã được thăng tới chức Lễ bộ Tham tán, làm Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ Triều Tiên sang Trung Quốc. Theo ghi chép của Lý Chi Phong.

“Tới Yên Kinh đúng vào ngày đông chí, có tiệc mừng, người nước ngoài đến đông, nhà cửa chật chội, nên khác với lệ xưa, nay được cùng ở một nơi với sứ bộ An Nam, thời gian đến hơn 50 ngày, nên được đi lại quen thuộc, hỏi han nhau tường tận lắm”(2).

Hai đoàn sứ bộ gặp nhau giao tiếp, hiểu nhau, trân trọng nhau, vì thế, sau khi Phùng Khắc Khoan viết tập thơVạn thọ thánh tiết đã mời Lý Chi Phong viết bài tựa. Hiện nay, bài Tựa viết bằng chữ Hán này vẫn lưu lại trong Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập ở Thư viện Viện Hán Nôm và trong Chi phong tập tại Hàn Quốc. Chúng ta hãy xem ông viết đôi điều về đất nước của chúng ta và tình cảm chân tình của ông đối với dân tộc ta.

“Tôi nghe nói Giao Châu ở phía cực nam. Nơi đây có nhiều vật quí như châu báu, vàng ngọc, trân châu, đồi mồi, ngà voi. Đó là cái khí tinh anh thành thực chung đúc mà có; giữa cái đó tất sinh ra người khác thường, há chỉ sinh ra vật khác thường đâu?

....

Tôi không có cái may được sinh ở phương nam, song nghe lời của ông, đọc thơ ông, vẫn lâng lâng thấy như ngồi trên xe mây dong duổi, thần thái được chu du nơi xứ nóng, đặt được bước chân đến biên cảnh xa xôi. Điều may này thật lớn lao thay. Bởi vậy, tôi đâu dám không lấy vài lời viết bài Tựa này”.

Về tình cảm cá nhân của ông đối với Phùng Khắc Khoan, ông cũng viết rất đỗi chân tình.

“Nay tôi thấy sứ thần Phùng Khắc Khoan mái tóc bạc phơ, người gầy. Tuổi bảy mươi mà sắc mặt hồng hảo, đi bộ ba trạm đường không nghỉ, ung dung làm sứ giả ở chốn cung đình nhà Minh. Những bài thơ chúc mừng lễ vạn thọ do ông làm, thuật hoài du dương, từ ý đôn hậu, đủ để nhả ngọc phun châu mà thanh điệu như tiếng vàng tiếng ngọc, há chẳng phải là người khác thường đó sao!”.

Mai Lĩnh sứ Hoa thi tập cũng như Chi Phong tập còn ghi lại những vần thơ xướng họa giữa Phùng Khắc Khoan với Lý Chi Phong và một sứ bộ Triều Tiên nữa là Kim Tiêu dật sĩ. Dưới đây xin trích dẫn một bài thơ Lý Chi Phong gửi Phùng Khắc Khoan.

“Ngã cư Đông quốc tử Nam hương.
Văn quĩ do lai cộng bách vương.
Phụng sứ hỉ quan Chu lễ nhạc
Xa ban vinh xí Hán quan thường.

(Đông - Nam hai nước cách xa
Bách Vương đạo học vốn là cùng chung.
Thành Chu lễ nhạc mừng trông
Mũ xiêm triều Hán vinh phong đứng chầu”(3).

Cùng một bài Phùng Khắc Khoan gửi Lý Chi Phong:

“Nghĩa an hà địa bất an cư.
Lễ tiếp thành giao lạc hữu dư
Bỉ thử tuy thù sơn hải vực,
Uyên nguyên đồng nhất thánh hiền thư.
Giao lân tiện thị tín vì bản,
Tiến đức thâm duy kính tác dư.
Ký thử sứ thiều hồi quốc nhật,
Đông Nam ngũ sắc vọng vân xa”.

Bài dịch thơ của Hoàng Việt thi văn tuyển:

“Trọn nghĩa nơi nao chẳng ở yên
Lễ thành tiếp đãi mới vui bền
Non sông dù cách miền Nam - Bắc
Đạo học cùng chung sách thánh hiền.
Bền vững bang giao tri ấy gốc
Trau dồi đức tiến kính là trên.
Nhớ ngày sứ bọ quay về nước.
Trông bóng xe mây rẽ mỗi bên”.

Về cuộc gặp gỡ giữa hai đoàn sứ bộ Việt - Hàn lần đầu tiên này được lưu lại bằng các văn bản chữ Hán ở hai nước tuy không phải là nhiều lắm nhưng là những tư liệu lịch sử đáng quí nói lên sự giao hảo đầu tiên giữa hai đoàn sứ giả nói riêng và giữa hai dân tộc nói chung.

Vào cuối thế kỷ XVI, với phương tiện thông tin còn quá thiếu thốn mà sự nhận biết của sứ thần Triều Tiên đối với phong tục tập quán, tính cách dân tộc, địa lý, lịch sử của đất nước, con người Việt Nam ta như vậy quả đã là nhiều và rõ ràng, tường tận. Điều đáng quý hơn là tình cảm chân thành, hiểu nhau, trân trọng nhau, tin nhau và tôn kính lẫn nhau giữa hai bên.

Cuộc gặp gỡ thứ hai giữa hai đoàn sứ bộ Việt - Hàn ở Trung Quốc hiện còn lưu lại một số văn bản bằng chữ Hán mà chúng tôi được biết là cuộc gặp gỡ giữa Lê Quí Đôn với Hồng Khải Hy, Lý Huy Trung và Triệu Vĩnh Tiến.

Lê Quý Đôn (1726-1784), tự là Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, là người có khối óc và trí tuệ siêu phàm, lại ham học, ham hiểu biết, không những làu thông kinh sử mà còn hiểu biết nhiều điều mới lạ, kể cả những tiến bộ về khoa học của phương Tây bấy giờ. Học giả Việt Nam ta ai ai cũng khâm phục tài năng, trí tuệ của nhà bác học Lê Quý Đôn. Trong thời kỳ làm quan, trong chuyến đi sứ Trung Quốc từ 28 tháng giêng năm Canh Thìn (1760) đến giữa mùa xuân năm Nhâm Ngọc (1762), ông đã gặp gỡ sứ thần nhiều nước, cùng họ trao đổi thơ văn và bàn luận về các vấn đề địa lý, lịch sử, triết học... Song, có điều cần suy nghĩ là tác phẩm Quần thư khảo biện của ông, một tác phẩm có thể nói là sự kết tinh của sự hiểu sâu biết rộng, khỏa cứu khoa học công phu của ông về các nhân vật, sự kiện lịch sử của Trung Quốc từ Hạ Thương Chu cho đến Đường Tống lại do Trạng nguyen Hồng Khải Hy, chánh sứ Triều Tiên đề tựa(4). Phải chăng đó là điều tất nhiên? Điều tất nhiên đó chỉ có thể nói tới hai bài Tựa trước đó của hai vị quan chức đồng thời là nhà nho uyên thâm người Trung Quốc là Chu Bội Liên và Tần Triều Vu. Đối với sứ bộ Triều Tiên mà nói, đó là sự kính trọng nhau về tài năng, sở học, hiểu nhau, tin nhau về những lời góp ý chân thành trước một tác phẩm khảo cứu, luận bàn về cổ sử Trung Quốc.

Tay hãy xem Hồng Khải Hy viết đôi lời Tựa cho cuốn Quần thư khảo biện của Lê Quí Đôn:

“Bộ sách đã khảo cứu và bàn luận về sử sách các đời giống như sách Chí lâm của Pha Ông, sách Hướng ngôn của Mông Tẩu. Trên dưới mấy ngàn năm (lịch sử), cái này được, cái kia mất; ai giỏi ai kém, như thế này thì yên, như thế kia thì nguy, không chỗ nào là ông không xem xét suy tính đến. Có chỗ [ông] lật ngược lại những án kiện cũ, có chỗ [ông] vạch ra những lời bàn sai lầm đã qua nhiều đời. Kiến thức tinh tế, lý giải diệu kỳ [của ông] nổi bật trên các hàng chữ. Đoạn bình luận về các học thuyết của họ Chu, họ Lục mà ông đã nêu ra ở cuốn sách càng cho ta thấy học thuật của ông thuần chính, lời văn của ông nhẹ nhàng thuận lễ như gió lướt trên mặt nước, không chút sâu cay gò bó gì cả. Thực chỉ nếm một miếng cũng đủ thấy vị ngon của cả nồi [thức ăn] rồi”(5).

Quả là lời lẽ ngắn gọn mà xác đáng, chân tình.

Đợt gặp gỡ giữa hai đoàn sứ giả Việt - Hàn ở Trung Quốc lần này được các nhà nghiên cứu hiện nay đồng ý kiến cho rằng mang nhiều tính chất học thuật. Song, để đi tới những buổi “đàm đạo”, bàn luận với nhau về học thuật một cách chân tình như thế là cả một quá trình hiểu nhau, trân trọng nhau, kính tin nhau.

Như phần đầu bài viết đã nêu, những cuộc gặp gỡ giữa hai đoàn sứ bộ hai nước không chỉ là hai lần, nhưng vấn đề sưu tập, nhưng tư liệt Hán văn ở cả hai nước nay mới ở bước khởi đầu, công việc vẫn còn tiếp tục và chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu sau.

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn qua thư tịch Hán văn để nêu lên một điều rằng quan hệ giao hảo giữa hai nước Việt - Hàn đã có từ thời kỳ trung đại trong lịch sử. Mối quan hệ đó được nảy sinh trên một vùng đất tốt, một sự mở đầu đầy tình thân ái, chân thành và cũng chứng minh một điều là trong lịch sử, hai dân tộc đã sử dụng một thứ chữ để học sách thánh hiền và trước thuật, nói một cách khái quát hơn là hai nước “Đồng văn”. Nó mở rộng cánh cửa cho học giả hai nước muốn tìm hiểu các vấn đề trong lịch sử hai nước, vui đắp thêm cho quan hệ hữu hảo hai nước hiện nay và mai sau.
L.X.C
________

Chú thích:

(*) Dẫn theo GS.TS Chojae Hyon: Tương đồng văn hóa Việt - Hàn Nxb. Văn hóa, 1996, tr.21

1. Đỗ Uông: Người xã Đoàn Lâm, Gia Phúc, Hải Dương, đỗ Tiến sĩ đời Mạc (1556) sau làm quan với nhà Lê tới chức Hộ bộ Thượng thư. Bình sinh, Đỗ Uông không chịu kém ai.

2. Dẫn theo Bùi Duy Tân: “Lý Toái Quang - Phùng Khắc Khoan; quan hệ sứ giả - Nhà thơ mở đầu tình hữu nghị Hàn - Việt, tham luận Hội thảo quốc tế Hàn - Việt tại Hà Nội, ngày 21-12-1996.

3. Phần dịch thơ dẫn theo giáo sư Bùi Duy Tân, tài liệu đã dẫn.

4. Bài tựa của Hồng Khải Hy và hai lá thư ngắn, một của Hồng Khải Hy, một của Lý Huy Trung viết bằng chữ Hán hiện có trong 3 văn bản Quần thư khảo biện ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Ký hiệu: A.1872, A.252; VHv.90.

5. Xem Quần thư khảo biện, Nxb. KHXH, H. 1995, tr.57, Trần Văn Quyền, cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch và chú giải.

Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 1996 ( tr.57-69)
Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản. H, 1997.
.
* Tác giả Lý Xuân Chung, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Sau chuyển về làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (thuộc Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam). Nay đã nghỉ hưu.


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét