Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

CỨU MÔN SỬ, CÁC BÔ LÃO ĐƯA RA TỔNG KẾT 5 ĐIỂM


Các bô lão trong giới sử học nước nhà: Bùi Đình Thanh, Lê Mậu Hãn, Vũ Dương Ninh...

Cứu môn sử, các nhà sử học hàng đầu 
Việt Nam đưa ra tổng kết 5 điểm
Xuân Trung lược ghi

Giáo dục VN
16/11/15 07:32

(GDVN) - “Công dân và Tổ quốc” là một môn tích hợp tùy tiện, không có cơ sở khoa học. Đó là chưa nói về tên gọi môn học “Công dân với Tổ quốc” cũng không khoa học.

Có Lịch sử để tạo niềm tin cho học sinh qua những bằng chứng xác thực

Ngày 15/11, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông” tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Sau khi trao đổi, thảo luận trong không khí học thuật sôi nổi, dân chủ và đầy tinh thần trách nhiệm, thái độ xây dựng, Hội thảo thông qua bản Tổng kết do GS. Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trình bày với 5 điểm nhấn quan trọng.

Thứ nhất, trong thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sa sút nhiều, gây nỗi lo âu trong xã hội. Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện.

Nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử. Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng không nhớ hay nhớ sai.

Tình trạng xuống cấp của môn Lịch sử có nhiều nguyên nhân, trước hết là do sách giáo khoa quá nặng nề, lối học và thi cử nặng về truyền thụ và đo kiến thức. Truy nguyên lên cao hơn là do chương trình và nhận thức không đúng về vị thế và yêu cầu giáo dục môn Lịch sử, không tôn trọng và nêu cao tính khoa học của môn học. 

GS. Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh Xuân Trung

Ngoài ra còn những nhân tố gia đình và xã hội như coi môn lịch sử nặng về trí nhớ, ít sáng tạo, không muốn cho con học lịch sử, học sử không có tiền đồ, khó tìm việc làm. Nhưng cũng cần nhấn mạnh, học sinh phần lớn quay lưng lại cách dạy và học môn Lịch sử, chứ không phải quay lưng lại môn Lịch sử.

Một số cuộc thi tìm hiểu lịch sử với đề tài mở rộng cho sự tìm tòi, khám phá, thế hệ trẻ hăng hái tham gia với nhiều bài làm đạt chất lượng tốt.

Muốn khôi phục chất lượng giáo dục môn Lịch sử, cần đổi mới căn bản và toàn diện cả hệ thống giáo dục môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông từ nhận thức vị thế, yêu cầu giáo dục đến việc xây dựng lại chương trình, biên soạn lại sách giáo khoa và nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, thay đổi cách dạy, cách học và cách thi.

Thứ hai, tích hợp là một xu hướng khoa học của nền giáo dục hiện đại trên thế giới. Nói chung nên tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên.

Cấp Tiểu học, tích hợp môn lịch sử trong môn “Cuộc sống quanh ta” ở lớp 1, 2, 3 và trong môn “Tìm hiểu xã hội” ở lớp 4, 5, là có cơ sở khoa học và cần nghiên cứu để tùy theo lứa tuổi, chọn một số kiến thức lịch sử dễ hiểu, thiên về kể chuyện đưa vào nội dung các môn tích hợp. Hội nghị ủng hộ phương án tích hợp này của Bộ GD&ĐT.

Thứ ba,
theo Chương trình mới của Bộ Giáo dục, lên cấp Trung học cơ sở, môn Lịch sử lại tiếp tục tích hợp trong môn “Khoa học xã hội” rồi môn “Công dân với Tổ quốc” ở cấp Trung học phổ thông là không thỏa đáng và thiếu cơ sở khoa học.

Cho đến nay, Bộ Giáo dục chưa công bố thiết kế cụ thể của môn tích hợp “Khoa học xã hội” nên hội thảo chưa bình luận và góp ý kiến. Môn “Công dân với tổ quốc” tích hợp từ ba môn học: Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng- an ninh và Giáo dục lịch sử là hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học.

Tích hợp không có nghĩa là cắt xén nội dung của một số môn học rồi gán ghép lại một cách cơ học, tùy tiện. Tích hợp khoa học phải dựa trên cơ sở những môn học gần gũi về nội dung, có quan hệ về lý thuyết và phương pháp luận, tức là có cơ sở kết hợp liên ngành.

Môn quốc phòng- an ninh được quy định rõ trong Luật Giáo dục quốc phòng- an ninh, trong đó có vận dụng một số nội dung lịch sử như truyền thống chống giặc ngoại xâm, nghệ thuật quân sự...Giáo dục quốc phòng- an ninh và giáo dục công dân là những môn học mang tính chính trị của thời hiện đại, hoàn toàn khác với môn lịch sử là khoa học về quá trình từ cội nguồn xa xưa đến thời hiện nay với nền tảng lý thuyết và phương pháp luận hoàn toàn khác.

Hội thảo khoa học đón nhận sự quan tâm của nhiều giáo sư trong giới sử học. 
Ảnh Xuân Trung

“Công dân và Tổ quốc” là một môn tích hợp tùy tiện, không có cơ sở khoa học. Đó là chưa nói về tên gọi môn học “Công dân với Tổ quốc” cũng không khoa học, thiếu sức thuyết phục. Hội nghị đã phân tích và nhất trí đề nghị Bộ GD&ĐT cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học và dư luận xã hội để tổ chức nghiên cứu lại một cách nghiêm túc môn học tích hợp Công dân với Tổ quốc.

Thứ tư
, từ hai môn tích hợp “Khoa học xã hội” ở cấp Trung học cơ sở và môn “Công dân với tổ quốc” ở cấp Trung học phổ thông, môn Lịch sử đã bị xé nhỏ, tích hợp tùy tiện một ít nội dung vào hai môn kia.

Mặc dù một ít nội dung lịch sử trở thành phân môn, nhưng trên thực tế môn Lịch sử đã bị xóa sổ với vị thế và yêu cầu của một môn học trong tính hệ thống và toàn diện của nó. Môn Lịch sử đặt thành môn tự chọn ở cấp Trung học phổ thông thì tình hình thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua cho thấy rất ít học sinh lựa chọn.

Hội nghị đã phân tích và cảnh báo những hậu quả khó lường khi xóa bỏ môn Lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc, trong nền giáo dục phổ thông.

Lịch sử là môn nền tảng của khoa học xã hội và nhân văn, là cơ sở quan trọng bậc nhất để trang bị một hệ thống kiến thức về cội nguồn dân tộc, về các thành quả xây dựng và bảo vệ đất nước, về các giá trị tiêu biểu của lịch sử, văn hóa dân tộc và nhân loại; để bồi dưỡng các giá trị của truyền thống dân tộc, nhất là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập tự cường, tinh thần nhân ái..; từ đó xây dựng phẩm chất và bản lĩnh con người Việt Nam.

Chương trình giáo dục của hầu hết các nước trên thế giới đều coi môn lịch sử, nhất là Quốc sử, là một trong những môn học cơ bản và bắt buộc như môn Quốc ngữ, Quốc văn và Toán học.

Xóa bỏ một môn học như vậy là tạo nên những lổ hổng, những khoảng trống rất nguy hiểm trong nền giáo dục phổ thông, ảnh hưởng rất lớn đến nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt, những nguồn nhân lực chủ chốt xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Giới sử học đã tổng kết và nêu lên một quy luật phát triển của lịch sử Việt Nam là dựng nước luôn luôn đi đôi với giữ nước. Do vị trí địa-chiến lược, trong xây dựng đất nước luôn luôn phải có chiến lược giữ nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Trên cơ sở Hội thảo này Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông.

Tất nhiên bảo vệ môn Lịch sử cần gắn liền với yêu cầu đổi mới một cách căn bản và toàn diện hệ thống môn học để phát huy hết hiệu quả giáo dục của môn học.

Thứ năm
, trước đây, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội thảo của các thầy/cô giáo giảng dạy và nghiên cứu lịch sử năm 2012 tổ chức tại Đà Nẵng, đã kiến nghị Bộ GD&ĐT cần sớm đưa nội dung về Biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào nội dung giáo dục phổ thông.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã hứa sẽ nghiên cứu thực hiện kiến nghị này. Trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam ngày 30/12/2013, Hội lại nêu kiến nghị này lên người đứng đầu Chính phủ và được Thủ tướng kết luận cần đưa nội dung này vào sách giáo khoa và giao GD&ĐT nghiên cứu thực hiện.

Gần đây một số đại biểu Quốc hội cũng chất vấn Bộ Giáo dục và đào tạo. Lãnh đạo của Bộ trả lời bằng văn bản rằng trong sách giáo khoa đang lưu hành đã có đủ nội dung này trong một số bài về lịch sử và địa lý.

Nhưng kết quả kiểm tra cho thấy, trong sách giáo khoa Lịch sử lớp 7, 9, 10 và 12, chỉ có một số bản đồ hành chính hay chiến sự có ghi tên đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong sách giáo khoa Địa lý lớp 8, 9 và 12 có bài về Biển Đông trong đó có bản đồ ghi tên đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trong sách giáo khoa Lịch sử, Địa lý đang lưu hành hoàn toàn chưa đề cập đến lịch sử xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Hội nghị một mặt hoan nghênh một số tỉnh, thành phố ven biển như Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên -Huế, Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh đã kịp thời bổ sung tư liệu dạy về chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa trong chương trình giảng dạy địa phương.

Hoan nghênh một số trường phổ thông đã tự tổ chức những buổi học tập giao lưu hay trải nghiệm sáng tạo về Biển Đông và chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Mặt khác Hội nghị nhất trí khẩn thiết kiến nghị Bộ GD&ĐT không thể chậm trễ hơn nữa, bổ sung ngay nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không thể chờ đợi đến khi biên soạn lại sách giáo khoa phải vài ba năm sau mới hoàn thành.

Trong lúc cả nước thường xuyên theo dõi tình hình Biển Đông và tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, các thế hệ học sinh lớn lên trong nền giáo dục phổ thông không thể không được trang bị những hiểu biết cần thiết về chủ quyền quốc gia trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Xuân Trung (lược ghi)

8 nhận xét :

  1. CẦN XEM LẠI BỘ GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO:
    Trích : " Trong sách giáo khoa Lịch sử, Địa lý đang lưu hành hoàn toàn chưa đề cập đến lịch sử xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa."

    Trả lờiXóa
  2. Cần xem lại cho kỹ, có phải việc "tích hợp" môn lịch sử là nằm trong âm mưu...
    Vì lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm. Trong đó tổ tiên ta từ xưa và cả hôm nay chống giặc phương bắc là nhiều, là cơ bản, và họa xâm lăng hôm nay cũng đang hiển hiện. Không phải "nâng quan điểm" nhưng người làm giáo dục sử phải biết rõ việc nảy.

    Trả lờiXóa
  3. Bây giờ nói đến KHOA HỌC LỊCH SỬ học sinh ngạc nhiên vì không thấy tính khoa học của nó ở chỗ nào? Cho nên kêu chán, lúc nào cũng bảo đó là môn học thuộc lòng? Thật sai một ly đi một dặm !

    Trả lờiXóa
  4. Nhà Nước, cụ thể là Bộ Giáo Dục, có vẻ như muốn "đảo lộn lịch sử", hoặc cho người dân có cảm tưởng như nước Việt chưa hề có sử học. Thật ngỡ ngàng khi các nhà sử học lại phải "liều mình" đứng ra bảo vệ môn sử. Nếu bãi bỏ môn sử thì chẳng có ai học để làm "sử gia", làm nhà sử học cả. Nhà Nước sẽ tự đào tạo ra các "xử da" theo đúng bài bản. Các loại "xử"này người dân cũng đã từng nghe họ phét lác ít nhiều rồi. Thật đáng sợ,nếu ngày nay chặt cây "sử" để trồng cây "xử" thì còn gì là nòi giống Lạc Hồng!!!!

    Trả lờiXóa
  5. Phim lịch sử Trung Quốc thì chiếu trên các kênh của Truyền hình VN với thời lượng phủ sóng khá lớn, lấn át phim sử VN ( phim sử VN coi như ko có). Như vậy: Giáo dục tuyên truyền lịch sử VN trên thông tin đại là yếu kém. Bộ giáo dục đào tạo không coi trọng môn lịch sử, để môn sử bị lu mờ, phải chăng thế lực: Hại nước, hại dân nằm trong Bộ giáo dục.

    Trả lờiXóa
  6. "Sử" là sự thật của sự kiện. Người viết "Sử" phải là người khẳng khái - trung thực. Người dạy "Sử" gợi mở cho Người học "Sử" suy tư đánh giá sự kiện lịch sử...Làm người mà không biết "Sử" thì cũng như không biết cha mẹ, ông bà, tổ tiên của mình là ai. Khỏi nói dài dòng, đề nghị đem Bộ trưởng Bộ GĐ đánh 100 hèo; thứ trưởng 50 hèo, các vụ trưởng, vụ phó lần lượt là 40 - 30 hèo. Ban tuyên giáo TW cũng như vây để từ nay chừa thói quan liêu

    Trả lờiXóa
  7. Thưa các bác: Con người ta đều có gốc, có nguồn, có quê hương và mẹ. Lịch sử chính là cho chúng ta hiểu rõ về cội nguồn, về quá trình hình thành, phát triển đất nước, dân tộc. Đã là lịch sự thì có thăng, có trầm, có vui, có buồn và đó là sự thật mà chúng ta dù muốn hay không đều phải chấp nhận và nhìn nhận một cách nghiêm túc. Tại sao đa số người Việt đều hiểu rõ và thuộc sử Tàu. Đơn giản thôi thưa các bác: Tàu biết truyền bá, quảng bá và dạy sử thông qua nghệ thuật và họ không bóp méo lịch sử, không chính trị hóa lịch sử.
    Còn ta: Chúng ta chính trị hóa, định hướng hóa và bóp méo lịch sử. Bao nhiêu thế hệ bị lừa dối, bị ngu muội do hệ thống tuyên truyền và định hướng lịch sử. Nay thời thế đã khác, truyền thông, CNTT bùng nổ, ta không thể nói dối, ta không thể đóng cửa nhà và mãi ngồi ở dưới cái giếng. Thê hệ hôm nay họ biết, họ đang học một cái môn gọi là "lịch sử" nhưng trên thực tế thì là một mớ hổ đốn khác với thực tế, chính vì vậy họ (chúng; những đứa trẻ) chán ngán lịch sử vì chúng không muốn trở thành những đứa khờ và chúng đã nhảy lên khỏi miệng giếng.
    Chúng ta nên thấy xấu hổ và đau khi dân ta chán sử ta. Hãy tự nhìn nhận về mình, đừng suốt ngày chiến thắng, đánh thắng, giải phóng.... Rốt cuộc thì ta thắng ai hay ta bị lệ thuộc, phụ thuộc và tụt hậu cả trăm năm với thế giới. Ta đống góp được gì cho nhân loại, cho nền văn minh nhân loại hay luôn tự hào là "chém, giết, đánh nhau" giỏi.

    Trả lờiXóa
  8. Với cách lập luận của bô trưởng Phạm Vũ Luận v/v tích hợp môn lịch sử hẳn đậy đích thị là tên Hán giang ....

    Trả lờiXóa