Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

100 NĂM - NAM PHONG TẠP CHÍ VÀ CHỦ BÚT PHẠM QUỲNH (Bài 3)


Lời dẫn của Phạm Tôn: Tiến sĩ Sử học Nguyễn Văn Khoan về Huế, vừa gởi cho chúng tôi bài này. Bài đăng trên Việt Nam Tân báo số 33 ra ngày 2 tháng 5 năm 1945 tức là sau cuộc đảo chính Pháp của Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim đã thành lập. Chức vụ cuối cùng Phạm Quỳnh giữ trong triều đình Huế là Thượng Thư Bộ Lại, như chức thủ tướng chính phủ.

Bài này góp thêm một chứng cứ khách quan nữa bác bỏ các luận điệu bịa đặt, vu khống nói rằng Phạm Quỳnh “câu kết với Nhật” hoặc “nằm im chờ Pháp đến giải cứu” hòng phục hồi chức vụ và quyền lợi của các kẻ bán nước như một số người đương thời và hậu thế từng đưa ra để “kết tội ông cho xứng với bản án tử hình mà ông đã phải chịu tháng 9/1945”.


NỬA GIỜ VỚI CỰU THỦ TƯỚNG PHẠM QUỲNH   

Thanh Tịnh 

Một buổi chiều nắng nhạt trong biệt thự Hoa Đường gần bờ song An Cựu. Tôi đưa giấy nhờ người nhà đem vào để xin yết kiến. Hai phút sau Phạm Tướng công đã lộ hình trong khung cửa giữa. Mắt nhìn vào mảnh giấy, một lát ông nhìn tôi rồi cười hỏi: 

- Anh Thanh Tịnh đấy à? Thế mà tôi nhìn mãi chữ ký không nhận ra.

Tôi không bỏ dịp tốt:

- Cụ cho biết cảm tưởng của cụ đối với Nội các mới.

Với nụ cười vẫn giữ luôn trên môi ông nói:

- Cảm tưởng thì tốt lắm. Tôi rất hoan nghênh Nội các mới. Các vị Bộ trưởng mới, phần nhiều tôi đã biết người biết tiếng cả. Riêng cụ Trần Trọng Kim lại nhiều dây liên lạc đằm thắm hơn. Bạn làng báo cũ với nhau kia mà! 


- Thế bây giờ cụ nhất định về tĩnh dưỡng ở đây?

Một cái nhìn tươi mới tiếp theo sau cái vỗ vai thân mật, Phạm Tướng công nói:

- Vâng, về ở đây để tiện việc tra cứu những sách vở xưa. Mấy hôm về đây, tôi chỉ bận sắp lại những tài liệu cũ và mấy bộ sách chữ Hán.

Ông vừa nói vừa dẫn tôi đi xem cái thư viện đặc biệt của ông. Đặc biệt vì đó là một phòng làm việc có gần mười cái tủ sách vây quanh. Trong đó sách lớn có nhỏ có sắp đặt rất thứ tự và bìa thì đóng dấu bạc hay chạy chữ vàng đủ thứ.

Ông đưa cho tôi xem mấy quyển sách Ma doctrine (Học thuyết của tôi – PT chú) của A.Hitler và La tragédie de la Jeunesse allemande (Thảm kịch của tuổi trẻ Đức – PT chú) của Noth, quyển lịch sử duy tân nước Nhật Bản trong 50 năm đầu bằng chữ Hán, và một tập giấy cắt trong nhật trình Pháp bàn về vấn đề Diến Điện và Đại Đông Á rồi quay nhìn tôi:

- Đến 54 tuổi tôi mới về được với công việc nghiên cứu thích thú nhất của đời tôi. Đấy anh xem tờ Nam Phong xưa có phải là một cơ quan chính trị đâu. Tôi nghĩ văn hóa là căn bản tinh thần của một chủng tộc, cho nên – là một nhà báo, là nhà học giả – tôi phải theo đuổi đến kỳ cùng. Cho đến sau cùng có vấn đề trực trị xướng lên, tôi mới đưa ra đề nghị Lập hiến. Thế rồi sự tình cờ đưa tôi ra làm chính trị. Biết là không phải con đường chính của mình, tôi cũng phải theo. Rồi mấy mươi năm trong bể hoạn, tôi biết rõ nhân tình thế thái lắm anh ạ! 

.

Câu “biết rõ nhân tình thế thái lắm” ông dấn từng chữ một rồi đưa dài ra nên nghe có vẻ mỉa mai và chua chát lạ lùng. Ngừng một lát để mơ màng nhìn mấy quyển sách mà chừng ông âu yếm lắm ông nhìn tôi rồi tiếp:

- Anh còn nhớ ngày chúng tôi qua Pháp (chỉ chuyện Phạm Quỳnh tháp tùng nhà vua Bảo Đại sang Pháp năm 1939 – PT chú) không? Để bàn về chuyện Bắc Kỳ đấy. Nhưng qua bên ấy nhằm lúc các nhà chính trị đi nghỉ mát cả. Thế là không biết bàn với ai. Cho đến lúc được tin ngòi lửa chiến tranh sắp bùng nổ là Hoàng thượng cùng tôi và ba người nữa đáp máy bay về nước.

Tôi nhận thấy trong lời nói sau cùng của ông có vẻ ngao ngán buồn buồn. Tôi tự nhiên sực nhớ đến hai câu thơ của tôi:

Như chàng sứ giả chẳng thành công.
Trở lại môn quan ứa lệ lòng.


Tình cờ mắt ông lại nhìn đến mấy pho Kinh Phật, ông liền nói:

- Trước kia tôi rất ham nghiên cứu về Phật giáo, trước cả hồi người ta lập Phật Học hội khắp ba kỳ. Vì Khổng giáo là đạo nhập thế, Phật giáo trái ngược lại là đạo xuất thế. Còn Lão Tử lại chuyên về mặt tiêu cực hơn…

Thấy ông đi hơi xa, tôi liền hỏi:

- Cụ cho biết có phải đức Hoàng thượng muốn lưu cụ lại để lập Viện Hàn lâm Việt Nam không?

Lại nụ cười khi trước hiện ra.

- Đó chỉ là một tin đồn. Sau ngày phục mạng Hoàng thượng để ra về, tôi không xin thêm điều gì cả. Nhọc lắm anh ạ. Tôi phải tĩnh dưỡng nhiều lắm. Vả lại bây giờ công việc chính trị cần hơn vấn đề văn hóa. Miễn sao bổ dưỡng cho thể chất tráng kiện trước rồi đòi hỏi đến thực phẩm tinh thần sau.

Sau một nụ cười khó hiểu ông lại nói:

- Chúng tôi bây giờ là những cô đào già, ca Nam ai, Nam bằng nhiều lần quá thành nhàm tai nên không ai muốn nghe nữa. Thời đã mới cần người mới để hát những bài ca mới hơn… Nhưng thôi, bỏ những chuyện viển vông ấy đi, tôi đã hiện nguyên hình là nhà báo thì nói chuyện về báo vui hơn. Lúc nào tờ Việt Nam Tân báo cần những người trợ bút không công, tôi sẽ vui lòng giúp quý báo…

Rời khỏi biệt thự Hoa Đường ra về tôi cảm thấy như vừa rời khỏi một thư viện.

Thanh Tịnh
—————

Tư liệu do Dương Phước Thu, Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế sưu tầm và chú thích.
Nguồn Việt Nam Tân báo, số 33 ra ngày 2 tháng 5 năm 1945.
Lúc đương chức Thượng thư Bộ Lại, Phạm Quỳnh ở nhà “công vụ”, nơi hiện đóng là Nhà văn hóa thành phố Huế. Nguyên trước là chỗ đất đóng trường Hậu Bổ.

Nguồn: Phạm Tôn' blog

12 nhận xét :

  1. Chính những kẻ vu khống Phạm Quỳnh mới là những tên Việt gian bán nước.

    Trả lờiXóa
  2. Cái thời mà người cùng dòng giống lại đội những cái mũ khác nhau : Viêt Minh , Việt Quốc , Việt Cách, Việt gian , sau này lại có Việt Cộng và sẵn sàng giết nhau chứ không hợp tác với nhau . Cụ Phạm Quỳnh không biết bị chụp cho cái mũ gì ? Cụ cũng chẳng cầm súng hay vũ khí gì để giết ai . Vậy mà cụ vẫn là đối tượng cần phải loại trừ , mà loại trừ đầu tiên như những tên ác ôn nhất Khi đó cụ nguy hiểm cho ai ? Sau này ai công kích cụ nhiều nhất là cụ là kẻ thù của những người ấy !

    Trả lờiXóa
  3. Lĩnh Nam chích quáilúc 06:06 10 tháng 9, 2015

    Hoàng đế Bảo Đại mời cụ Phạm Quỳnh ra giúp nước , trao cho cụ những chức vụ và nhiệm vụ quan trọng có phải cụ là hoàng thân quốc thích ? Có phải cụ là người cùng đảng với nhà vua ? Có phải cụ là người khéo nịnh bợ Hoàng Đế hay là người giàu có ?
    Tất cả không phải vì những lí do đó mà chỉ vì Hoàng đế Bảo Đại được biết đến danh tiếng của cụ là người tài do những việc cụ làm , những tác phẩm văn học mà cụ viết, những hoạt động văn hoá cụ chủ xướng và thực hành tại Hà Nội . Khi đó Vua Bảo Đại không cai trị Bắc Kỳ . Bắc Kỳ là đất Bảo Hộ của Pháp . Vậy mà cụ Phạm Quỳnh rất nổi tiếng và đáng tín nhiệm nên nhà vua mới mới cụ ra giúp vua, giúp nước . Nhà vua tuy ngồi trong Tử Cấm Thành ở Huế mà lại biết tường tận những nhân tài ở tận Hà Nội . Vua Bảo Đại thật thông minh !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Vua có cố vấn(quan Phụ Chính) chứ ông Lĩnh Nam Trích Quái. Như thời vua Hàm Nghi (1880) có quan Đệ Nhất Phụ Chính, Đệ Nhị Phụ Chính vv. Các ông Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đều là Đệ Nhất Phụ Chính, một bên Võ một bên Văn, ngoài ra còn nhiều người khác. Các quan đại thần này có quyển phế bỏ một ông vua nhỏ tuổi nếu xét không thích hợp (dĩ nhiên sau khi tham khảo triều thần). Họ đã phế bỏ 2 ông vua nhỏ, sau cùng đưa vua Hàm Nghi (yêu nước) lên ngôi. Rồi họ còn cho ý kiến các vấn đề này nọ. Nếu họ làm cái gì sai thì mất chức, tội nặng có thể mất đầu như chơi. Như Ngài Trần Trọng Kim, trong Việt Nam Sử Lược, cho biết"
      .. khi có việc gì quan trọng, thì vua giao cho đình thần các quan cùng nhau bàn xét. Quan lại bất kỳ lớn bé đều được đem ý kiến của mình mà trình bày. Việc gì đã quyết định, đem dâng lên để vua chuẩn y, rồi mới thi hành. Hoàng đế tuy có quyền lớn nhưng lại không được làm điều gì trái phép thường. Khi vua có làm điều gì sai thì các quan Giám Sát Ngự Sử có quyền can ngăn vua và thường là vua phải nghe lời can ngăn của những người này".

      Cuộc họp trong Cung tiến hành như thế này: Các ông quan lớn thì không ở trong cung. Khi có cuộc họp, thì có nguòi đi gọi. Nhưng hầu như ngày nào cũng phải vào chầu Vua hỏi thăm sức khoẻ, có cần tư vấn điều gì. Người nào thường trực thì ở lại trong cung. Vào chánh điện, thì phải cởi dép, guốc..ngồi dưới chiếu. Về sau này thì họ làm 2 hàng ghế, tả diện, hữu diện..Khá vất vả. Nhung ngược lại thì bổng lộc rất nhiều: Vải vóc, Tiền bạc, Thóc gạo.. Nhưng không có chuyện bố làm quan con cũng đuọc làm quan, phải qua khảo thí. Dùng bằng đểu là đuổi ngay lập tức, và phạt cả trăm hèo. Thỉnh thoảng có tình trạng đi thi thay (do bệnh), nhưng rất hiếm.


      Xóa
  4. Hãy nhìn nhà ở của một vị Bộ trưởng, của một ông Thủ tướng thời vua Bảo Đại, như một cái thư viện, rất ngăn nắp, đủ tất cả sách đông tây kim cổ... Chẳng bù bây giờ, tôi nhìn những phòng khách, nhà ở của tất cả các vị, từ tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng... cho tời các quan bộ trưởng, tỉnh trưởng... không một ai có cái tủ sách cho ra hồn, thậm chí không có, và hầu như họ không đọc sách, hoặc giả rất ít đọc, mà có đọc thì chỉ đọc báo là chính... Như thế thì làm gì có tri thức, làm gì có tư duy? Hô hào phát triển đất nước, phát triển kinh tế tri thức, nhưng hầu hết các nhà quản trị đất nước đều không đọc sách, không có tri thức, thì phát triển cái gì? Những thủ đoạn, mẹo vặt, khôn lỏi thay thế cho nền tảng tư duy và tri thức là điều nhìn thấy ở bất kỳ vị lãnh đạo nào, kể cả những vị có bằng cấp, học hàm, học vị... Tôi thú thực, có những vị còn có mác GS, TS, nhưng hình dong cũng như kiến thức, chỉ như anh ba toa, hàng thịt hàng cá... Thế mà quản trị đất nước thì lạ thật. Đất nước phát triển được dưới tay các vị ấy mới là điều kỳ lạ nhất mà con người có thể tưởng tượng được.

    Trả lờiXóa
  5. Sau năm 1975, tôi được đọc bộ "Thượng Chi văn tập" đồ sộ của Cụ Phạm Quỳnh ở Phòng đọc hạn chế Thư viện Viện TTKHXH, sách in trong Nam trước đây được chuyển ra, mới vỡ ra rằng, Cụ là con người tuyệt vời quá. Cụ là một trong những nhà văn hóa lỗi lạc nhất của Việt Nam trong thế kỷ XX. Giá mà có thể chiêu tuyết cho Cụ, có thể có một con đường mang tên Cụ, thì xem đất nước chúng ta còn có văn hóa. Mượn lời Cụ tự nhủ rằng: "Cụ Quỳnh còn, văn hóa còn, văn hóa còn, nước ta còn"!

    Trả lờiXóa
  6. thượng thư Bộ Lại là Bộ trưởng một bộ chuyên trông nom việc quan tước ( như Trưởng ban tổ chức Chính phủ - Bộ trưởng bộ Nội vụ bây giờ) sao trong bài lại viết '' Thượng Thư Bộ Lại, như chức thủ tướng chính phủ.'' ( Thủ tướng bấy giờ là Trần Trọng Kim cơ mà, xin được chỉ giáo,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin mạn phép trả lời.
      Thượng thư Bộ Lại tương đương chức Thủ tướng của
      Nam Triều (triều đình VN.)còn thời thủ tướng Trần Trọng Kim,nước ta đang buổi giao thời khi thực dân
      Pháp bị Nhật lật đổ và Nhật cai trị khác hẳn Pháp
      là tôn trọng quyền lực tối cao của vua Bảo Đại,chứ không còn coi vua là bù nhìn như Pháp !

      Xóa
    2. Mạn phép Tễu tám với 15:39= tùy theo từng triều mà thủ tướng được gọi là tể tướng, thái úy.. Nhưng đúng như bài viết này , triều Nguyễn mà cụ thể là Bảo Đại thủ tướng được giao cho Cụ Phạm Quỳnh gọi là " lại bộ thượng thư". Tức là ( theo tôi hiểu) còn to hơn cả ông Phúc bây giờ vì phải kiêm thêm chức bộ trưởng VPCP ( bộ lại).
      CLB đánh Tàu.

      Xóa
  7. Báo Hồn Việt những năm gần đây nhất (thế kỷ XXI) mở cả một chiến dịch tiếp tục bôi nhọ Phạm Quỳnh. Đây là thế hệ 2 và 3 tiếp tục công việc của thế hệ 1 (thời 1945).
    Tại sao họ thâm thù cụ Phạm sau khi cụ mất đã 70 năm?.

    Trả lờiXóa
  8. Thái Bá Tân
    18 Tháng 10 2014 ·
    PHẠM QUỲNH, PHẠM TUYÊN
    Phạm Quỳnh là tên bố.
    Tên con là Phạm Tuyên.
    Phạm Quỳnh bị đảng giết.
    Phạm Tuyên là đảng viên.
    Phạm Quỳnh, trí thức lớn,
    Thượng thư, một quan to.
    Phạm Tuyên là nhạc sĩ
    Viết “Như có Bác Hồ…”.
    Mỗi người một nhân cách.
    Quyền của họ - nhưng tôi,
    Nếu có bố bị giết,
    Tôi sẽ thù suốt đời.
    Hèn yếu, không dám chống,
    Thì ở ẩn, lặng thinh,
    Chứ không chịu hợp tác
    Với kẻ giết cha mình.
    Lại càng không viết nhạc
    Ca ngợi kiểu bốc đồng.
    Không thèm nhận giải thưởng.
    Thế đấy, dứt khoát không!
    Là con dân Đại Việt,
    Tôi tu thân, tề gia.
    Quyết không để lý tưởng
    Xếp cao hơn mẹ cha.
    Cuốn Tác gia văn học Thăng Long Hà Nội từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX, mục về Phạm Quỳnh (1892-1945) cũng có một dòng: Đến Cách mạng Tháng Tám 1945 chính quyền nhân dân khép án tử hình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào nhà thơ Thái Bá Tân, tôi cũng có cùng suy nghĩ như bác! vì thế ,tôi đã có hỏi chú Tễu : có phải cụ Phạm Quỳnh này là thân sinh ra cái ông nhạc sĩ Phạm Tuyên không!

      Xóa