Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

100 NĂM - NAM PHONG TẠP CHÍ VÀ CHỦ BÚT PHẠM QUỲNH (Bài 2)

Trang bìa ấn bản số 1, năm 1917

Nam Phong tạp chí là một tờ nguyệt san xuất bản tại Việt Nam từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 đến tháng 12 năm 1934 thì đình bản, tất cả được 17 năm và 210 số. Tạp chí Nam Phong do Thượng Chi Phạm Quỳnh làm Chủ nhiệm và Chủ bút; Phạm Quỳnh làm Chủ biên phần chữ quốc ngữ và Nguyễn Bá Trác làm Chủ biên phần chữ nho. 

Nam Phong là một trong những tạp chí Việt Nam đầu tiên đúng thể thức, bài bản và giá trị về tri thức, tư tưởng. Trụ sở tòa soạn ban đầu ở nhà số 1 phố Hàng Trống, Hà Nội - cùng nhà Phạm Quỳnh lúc bấy giờ, năm 1926 chuyển về nhà số 5 phố Hàng Da, Hà Nội.

Nam Phong thường đăng nhiều bài văn, thơ, truyện ngắn, phê bình văn học, và tài liệu lịch sử bằng quốc ngữ. Tạp chí đã góp phần vào việc truyền bá Chữ Quốc ngữ vào Việt Nam. (theo Bách khoa Wikipedia).
 

Nhân kỷ niệm tròn 100 năm Tạp chí Nam Phong ra đời, tỏ lòng biết ơn Nam Phong và tưởng nhớ Phạm Quỳnh, từ hôm nay, chúng tôi sẽ đăng tải các bài viết về Nam Phong tạp chí và Thượng Chi Phạm Quỳnh - chủ bút của tạp chí.

Xin đăng bài lại bài của Thạc sĩ Chu Tuyết Lan - Cựu Giám đốc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA MẢNG TƯ LIỆU HÁN NÔM TRÊN TẠP CHÍ NAM PHONG
Chu Tuyết Lan 

Như chúng ta đã biết, Nam Phong tạp chí ra hàng tháng, xuất bản liên tục từ tháng 7 năm 1917 đến tháng 12 năm 1934, tổng cộng 210 số. Mỗi một số đều có phần chữ Quốc ngữ, phần chữ Hán và phần chữ Pháp riêng biệt, đăng tải nội dung tạp chí trong chừng mực khác nhau, tùy thuộc vào sự quan tâm của độc giả từng phần.

Từ trước đến nay trong giới nghiên cứu - phê bình đã có nhiều ý kiến phân tích, đánh giá tạp chí Nam Phong về mặt này mặt khác. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi đề cập đến một lĩnh vực chưa được bàn tới: những đóng góp của tạp chí Nam Phong đối với việc sưu tầm và giới thiệu di sản Hán Nôm của dân tộc.

Không chỉ có Ngành nghiên cứu Văn học, mà nhiều Ngành khoa học xã hội khác như Sử học, Triết học, Dân tộc học, Xã hội học,… đều có thể khai thác ở 210 số tạp chí này những tư liệu và thông tin cần thiết. Để phục vụ các nhà nghiên cứu, phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm năm 1989 đã hoàn thành tập Thư mục các bài viết trên tạp chí Nam Phong có liên quan đến tác giả, tác phẩm Hán Nôm(2).
 
Tập thư mục gồm hai phần: Phần Thư mục và phần Sách dẫn.
 
Phần Thư mục được sắp xếp theo vần chữ cái của tên bài viết. Mỗi đơn vị thư mục gồm có 8 yếu tố:

1. Tên tác giả.
2. Tên bài viết.
3. Đồng tác giả, người sưu tập, dịch…
4. Tên tạp chí.
5. Năm xuất bản.
6. Số tạp chí.
7. Trang.
8. Giới thiệu sơ lược nội dung.
Có tất cả 726 đơn vị thư mục.

Phần Sách dẫn gồm Bảng tra tên người Bảng tra tên tác phẩm. Cả 2 bảng đều được sắp xếp theo vần chữ cái, với thứ tự dấu: Không, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng, có chỉ rõ số trang và số thứ tự của đơn vị thư mục.
Tập thư mục đã thông tin được một khối lượng đáng kể các tư liệu Hán Nôm, giúp người đọc tra cứu khá dễ dàng.

Để góp phần nhận thức thêm về tính chất đa dạng của các tư liệu Hán Nôm trên tạp chí Nam Phong, dưới đây chúng tôi sẽ phân loại chúng theo chủ đề và đề tài.

Trong số 726 đơn vị thư mục, có:

a) 399 đơn vị giới thiệu các bài sưu tầm, dịch thơ văn cổ;

b) 33 đơn vị giới thiệu các bài nghiên cứu văn học;

c) 168 đơn vị giới thiệu các bài nghiên cứu về lịch sử hoặc tư liệu về lịch sử;

d) 119 đơn vị giới thiệu các sáng tác thơ văn đương thời (1917 - 1934).

e) 7 đơn vị giới thiệu các văn bản chính trị đương thời (1917 - 1934).

Qua phần sưu tầm, dịch thơ văn cổ, chúng ta thấy hầu hết các tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam đã được Nam Phong giới thiệu: Mãn Giác, Không Lộ, Lý Thái Tông, Lý Anh Tông, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Nghệ Tông, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu, Nguyễn Phi Khanh, Đặng Dung, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Hữu Trác, Phạm Thái, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thông,… Bên cạnh những áng thơ Đường được dịch, có mặt trên Nam Phong còn là chuyện Nôm khuyết danh như Tống Chân Cúc Hoa (Thư mục 126). Đáng chú ý, có những tác phẩm rất hiếm hoi được sáng tác trong thời kỳ Bắc thuộc như Bạch vân chiếu xuân hải phú của Khương Công Phụ cũng đã được giới thiệu trên Nam Phong năm 1924, số 83 (Thư mục 246).

Trên phương diện nghiên cứu Văn học, Nam Phong có nhiều bài nghiên cứu về tiểu sử Nguyễn Du, về Truyện Kiều (Thư mục 34, 35, 36, 38, 133, 287, 308, 344, 351, 383, 639, 672). Ngoài ra các tác giả còn khảo cứu Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, nghiên cứu một số bài thơ của Trần Khánh Dư, Lê Thánh Tông, Bà huyện Thanh Quan, bàn về thơ Nôm, câu đối Nôm, khảo sát lối chữ thời cổ (Thư mục 50, 51, 37, 235, 295).

Qua 168 đơn vị Thư mục về tài liệu và nghiên cứu lịch sử, có thể thấy những vấn đề sau được đặc biệt chú ý:

1) Lịch sử nước ta từ thời kỳ Đông Sơn đến thời kỳ Bắc thuộc (Thư mục 73, 169, 174, 182, 183, 304,…).

2) Các thời kỳ lịch sử, với các triều đại như nhà Lê, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn (Thư mục 212, 273, 284, 458,…).

3) Các nhân vật lịch sử: Ngô Quyền, Lý Nhân Tông, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ, Lê Quý Đôn, Nguyễn Văn Thành, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Trường Tộ,… (Thư mục 348, 300, 92, 272, 386, 367, 285, 357, 283, 99, 440, 441, 484, 606, 661, 270, 369, 322, 299, 278, 361,…). Ở phần này người nghiên cứu sẽ tiếp xúc với các tư liệu lịch sử như: những bức thư của Lê Quýnh (bầy tôi của Lê Chiêu Thống), những bài biểu của Nguyễn Thiếp và hai bức thư chữ Hán của Quang Trung mời Nguyễn Thiếp ra giúp nước; bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ,… (Thư mục 257, 260, 207, 208, 209,…).

4) Phong tục, đất đai, thổ sản, các di tích… trên đất nước ta (thư mục 213, 214, 387, 236, 335, 55, 197,…).

5) Giáo dục, khoa cử: bên cạnh những bài khảo cứu về chế độ khoa cử, về các khoa thi (thư mục 241, 224), còn có những bài, những tư liệu khá thú vị, chẳng hạn, đề bài thi để chọn nhân tài dưới chế độ phong kiến, bài biểu tạ ơn của người thi đỗ, quy chế của khoa thi cuối cùng (thư mục 32, 118, 250, 249).

Ngoài ra tạp chí Nam Phong còn đề cập đến rất nhiều vấn đề khác như luật hình, lễ nghi, tang lễ, y học, nghề đàn, lịch, lăng tẩm, lệ cống Trung Quốc, các bộ sử, nhận xét người phương Bắc về người nước ta, lịch sử và phong tục nước ngoài (Ấn Độ, Nhật Bản), Phật giáo, Mạnh Tử, Mặc Tử,…

Bên cạnh đó, còn có 118 đơn vị thư mục giới thiệu các sáng tác thơ văn hầu hết là thơ từ 1917 đến 1934, cung cấp thông tin cần thiết đối với những người quan tâm nghiên cứu tình hình văn học Việt Nam ở giai đoạn giao thời.

Cuối cùng là 8 đơn vị thư mục nói về các văn bản chính trị như các tờ thời dụ của vua Khải Định, biểu mừng Hoàng Thái Hậu năm mươi tuổi,… Nguồn tư liệu sẽ giúp cho các nhà sử học muốn tìm hiểu tình hình xã hội Việt Nam vào đêm trước của Cách mạng Tháng Tám 1945.

Đến nay hơn nửa thế kỷ đã qua đi, song những đóng góp đã phân tích ở trên các mảng tư liệu Hán Nôm trên tạp chí Nam Phong vẫn còn được ghi nhận. Nó sẽ giúp cho bạn đọc và những nhà nghiên cứu có thêm căn cứ để tìm hiểu lịch sử, ngôn ngữ văn hóa, xã hội và phong tục nước nhà.

CHÚ THÍCH

(1)Thơ văn Lý - Trần, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tập I, 1977, 632 tr; Tập II, Quyển thượng, 1988, 968 tr; Tập III, 1978, 824 tr.

(2) Tập thư mục gồm 300 trang đánh máy, do tập thể phòng Thông tin - Tư liệu - Thư viện (Vũ Thanh Hằng, Nguyễn Thị Hà, Chu Tuyết Lan, Nguyễn Hoàng Quý, Ngô Thị Thành và Đoàn Thị Tuyết) biên soạn.

2 nhận xét :

  1. Tôi đọc các thông tin ở đây về tờ báo Nam phong mà cảm thấy rất tiếc trong đời chưa được sờ tay và dán mắt vào tờ báo với người sáng lập nổi tiếng Phạm Quỳnh - ông nội của bạn học ở trường cấp 3 việt-Đức năm 1955.

    Trả lờiXóa
  2. Một nền học thuật bị đánh mất. Người Pháp đến Viêt nam, ngoại trừ một số nhà tư bản (Michelin, khai thác cao su vv..), phần lớn họ muốn đem văn hoá vào Viêt nam. Họ cho mở các trường học: Primaires (tiểu học), Diplomes (trung học đệ nhất cấp), các trường Cao Đẳng (ecoles superieures) và Đại học. Công lao của các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Vĩnh hàng ngàn người khác là rất lớn. Sau 1954, tất cả các sách vở, sách báo đều bị tịch thu, đốt, đưa vào khu giới hạn. Rất may là một số lớn được đưa vào lưu trữ trong miền Nam. Lúc đó tại miền Bắc, thay vào là một tệ nạn sùng bái cá nhân. Xuất hiện các sách của bọn bồi, các tên tuổi chẳng ai biết ai với ai, xuất xứ không rõ ràng. Như nhân vật Trần Dân Tiên..bây giờ thì ai cũng đã biết.

    Trả lờiXóa