TP.Hồ Chí Minh: Gần 400 công nhân đình công vì tăng ca kiệt sức
Báo Lao Động
Báo Lao Động
5:19 PM, 07/01/2015
Đầu giờ sáng, Cty yêu cầu công nhân phải ở trong khuôn viên Cty
Sáng nay (7.1), gần 400 CN Cty TNHH Cloth & People Vina (100% vốn Hàn Quốc, chuyên may mặc, địa chỉ tại đường số 4, KCN Tân Tạo, Bình Tân, TPHCM) tiếp tục đình công sang ngày thứ 2. Nguyên nhân vì nhiều tháng qua, công nhân phải tăng ca liên tục quá giờ quy định và quá sức chịu đựng của họ.
Các CN cho biết, họ đã nhiều lần đề xuất Ban giám đốc giảm giờ tăng ca nhưng không được chấp thuận nên mới phải ngừng việc phản đối.
Theo các CN, từ thứ 2 đến thứ 6, họ phải làm việc từ sáng và sau đó tăng ca đến 21h mới được về. Ngày thứ 7 CN muốn về từ 16h30 cũng không được. Đáng nói, gần đây số giờ tăng ca cứ ngày càng nhiều lên, cho đến tháng 12.2014 vừa qua nhiều công nhân đã tăng ca đến 90 giờ. Tháng 11.2014, chuyền 5 phải tăng ca đến 74 giờ; tháng 10.2014, CN phải tăng ca đến 79 giờ và làm thêm 3 ngày chủ nhật.
.
Một phiếu tính lương với giờ tăng ca là 79 giờ/tháng
Anh H – một nam CN đã làm việc ở đây lâu năm- bức xúc nói: Thậm chí, trong quá trình làm việc, có CN bị bệnh, quá mệt mỏi xin không tăng ca để về nghỉ nhưng cũng không được Cty đồng ý, sau đó đã ngất xỉu tại xưởng. Nguyên nhân một phần là do chất lượng suất ăn của Cty quá kém với giá chỉ 12.000 đồng/suất, trong khi các công nhân phải làm việc quần quật cả ngày, sau đó lại tăng ca, nhiều người ngất xỉu cũng không được về.
“Chúng tôi chỉ yêu cầu ngày thứ 7 được về lúc 16h30, chủ nhật hạn chế làm thêm để chúng tôi nghỉ ngơi; khi ốm đau, gia đình có chuyện cho chúng tôi được sử dụng ngày phép vậy mà cũng không được” – Chị N, CN Cty bức xúc.
.
Sau đó, Cty mở cửa cho công nhân ra ngoài
Sáng ngày 6.1, các cơ quan chức năng quận Bình Tân đã đến giải quyết vụ việc. Điều đáng nói, tại buổi làm việc, các CN đã yêu cầu cơ quan chức năng nói rõ việc Cty đã bắt CN tăng ca quá nhiều, trong khi Bộ Luật lao động 2012 quy định rõ làm thêm không quá 30 giờ/tháng, như vậy là đúng hay sai?, thì ông Trần Hảo Trí, Phó phòng quản lý lao động thuộc Ban quản lý các KCN – KCX TP đã né tránh trả lời và yêu cầu CN “cung cấp bằng chứng”.
.
Ông Trần Hảo Trí trả lời các thắc mắc của công nhân
Trước câu trả lời của ông Trí, nhiều CN đã bức xúc cho rằng, câu trả lời đó chả khác nào “vuốt ve” DN, vì tất cả lời tố cáo của CN, các giấy tờ nhận lương, bảng lương đều thể hiện đầy đủ số giờ tăng ca trong tháng. Hầu hết CN đều tỏ thái độ bất bình vể cách xử lý và giải thích rất khó hiểu của đại diện các cơ quan quản lý lao động.
Theo LS Hồ Nguyên Lễ - Trưởng văn phòng Luật Tín Nghĩa, TPHCM: Tại các điểm a, b, khoản 2, Điều 106 quy định về việc làm thêm giờ đã nói rõ: “Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Được sự đồng ý của người lao động; Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm”.
Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe của NLĐ tại điểm C, khoản 2, Điều này luật cũng yêu cầu rõ: “Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ bù cho số thời gian đã không được nghỉ”.
Lê Tuyết - Báo Lao Động
Các ông lãnh đạo Phòng Quản Lý Lao Động, và Nhà nước nói chung, không hề có một chút gì là bảo vệ quyền lợi của công nhân cả, họ thậm chí chỉ binh vực giới chủ, đại gia. Đối xử với công nhân như trên đúng là quan chức hùa với bọn bóc lột, bọn ác. Người công nhân Việt Nam có lẽ khổ và bơ vơ nhất thế giới, nguyên nhân chính là vì nhà nước không cho phép có một công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi công nhân. Muốn biết một chế độ có công bình tử tế hay không hãy nhìn vào đời sống người công nhân lao động là biết. Người công nhân Việt kiệt sức đến ngất xỉu cho thấy mức độ vô luật pháp quá mức, đồng thời sự vô cảm của các quan chức cũng quá mức, có thể nói là ác độc.
Trả lờiXóa