Đừng để xảy ra một vụ xử tử nhầm người
Gia Minh
RFA
Ảnh bên:Hồ Duy Hải trước tòa (trên) và bà Nguyễn Thị Loan mẹ của tử tù Hồ Duy Hải (hình phía dưới).
Nhiều người quan tâm và cư dân mạng tại Việt Nam đang lên tiếng về
biện pháp hành quyết bằng tiêm thuốc độc tử tù Hồ Duy Hải mà tòa án
Long An báo với gia đình hôm 25 tháng 11 vừa qua.
Anh này được cho là bị xử oan trong một vụ án giết người ở Long An và gia đình kêu cứu suốt 7 năm nay.
Luật sư Trần Hồng Phong, người giúp gia đình Hồ Duy Hải làm đơn
Giám đốc thẩm cách đây hai năm, từng nêu ra những vi phạm nghiêm trọng
trong tiến trình tố tụng qua hai tòa sơ thẩm và phúc thẩm.
Vào sáng ngày 2 tháng 12 năm 2014, Gia Minh có cuộc nói chuyện với
luật sư Trần Hồng Phong về vụ việc và trước hết ông nêu lại một số điểm
vi phạm đáng chú ý trong vụ án này như sau:
Luật sư Trần Hồng Phong: Trong quá trình điều tra vụ án tại
biên bản khám nghiệm hiện trường đều ghi nhận thu được nhiều dấu vân tay
tại khu vực xảy ra vụ án; tuy nhiên sau đó cơ quan giám định đưa ra kết
luận không có dấu vân tay nào trong 10 ngón tay của anh Hải trùng khớp
với những dấu vân tay đã thu giữ tại hiện trường. Như vậy theo tôi đó là
chứng cứ ngoại phạm quan trọng nhất của Hồ Duy Hải, cho thấy Hồ Duy Hải
không thể là người gây ra vụ giết người đó. Vì cho đến nay khoa học
chứng minh mỗi người đều có dấu vân tay riêng; như vậy dấu vân tay của
ai chưa được làm rõ nhưng đặc biệt không phải của Hải. Đây là tình tiết
đặc biệt quan trọng số một- tình tiết ngoại phạm.
Thứ hai về tang vật, trong vụ án này nếu xét theo nguyên tắc tố tụng
hình sự thì không có tang vật nào cả; nhưng sau đó trong quá trình điều
tra và có thể từ những suy diễn chủ quan nào đó, cơ quan điều tra thu
thập, mua lại, nhờ người đi mua lại những vật mà cho là tang vật, mà ở
đây cụ thể là con dao và cái thớt mà họ cho là tang vật của vụ án. Theo
tôi thì đây cũng là một sai phạm hết sức nghiêm trọng.
Thứ ba đây không phải là vụ án bắt quả tang mà là vụ án không có nhân
chứng chứng kiến việc thủ phạm gây án mà chỉ có duy nhất là lời khai
‘có nhận tội’ của Hồ Duy Hải. Nếu lời khai đó không phù hợp với những
vật chứng, với những diển biến khách quan của vụ án thì theo tôi chưa có
đủ cơ sở kết luận Hồ Duy Hải phạm tội giết người theo như hai bản án sơ
thẩm và phúc thẩm đã tuyên.
Đó là những ý chính mà tôi muốn nói.
Gia Minh: Căn cứ trên luật pháp thì hiện nay có thể làm gì?
Luật sư Trần Hồng Phong: Với những sai phạm như tôi vừa nói,
căn cứ theo Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự hiện nay thì có đủ cơ sở
để Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao hoặc là Tòa án Nhân dân Tối cao ra
quyết định kháng nghị để xem xét lại bản án này theo thủ tục giám đốc
thẩm. Cụ thể tôi đã đề nghị xem xét giám đốc thẩm theo hướng hủy án điều
tra lại để làm rõ những tình tiết mâu thuẫn cũng như khắc phục những
sai phạm như tôi vừa nói. Về mặt pháp luật cho phép mở lại vụ án này.
Gia Minh: Các luật sư có đề nghị nhưng có trả lời ‘xử đúng người, đúng tội’ rồi phải không thưa luật sư?
Luật sư Trần Hồng Phong: Thật ra suốt 6 năm qua gia đình Hồ
Duy Hải đã đi kêu oan, có gửi đơn đến rất nhiều các cấp. Bản thân tôi
cách đây khoảng gần hai năm, khi gia đình anh Hải nhờ tôi làm đơn kêu
oan, tôi đã bỏ ra chừng ba- bốn tháng, tôi đi xác minh, rà soát lại hồ
sơ. Sau đó tôi gửi đơn tới Tòa án Nhân dân Tối cao, cũng như Viện Kiểm
sát Nhân dân Tối cao và khoảng ba đoàn đại biểu Quốc hội với mong muốn
đưa vụ án này ra diễn đàn Quốc hội để xem xét lại vụ án. Tôi có nhận
được hai văn bản trả lời của bên Công an và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối
cao cho rằng việc này xét xử đã đúng rồi.
Nhưng mới sáng nay tôi nhận được một cuộc điện thoại của một phóng
viên Báo Tuổi Trẻ nói rằng phóng viên này có liên hệ với chánh án Tòa án
Nhân dân Tối cao nói là chưa hề đọc đơn nào của tôi và của gia đình Hồ
Duy Hải gửi tới, nên đề nghị gửi đơn đó ra gấp để ông chánh án xem. Các
đây khoảng vài phút tôi đã gửi đơn đó cho anh phóng viên báo Tuổi Trẻ
với mong muốn gửi sớm đến ông chánh án. Còn lý do xem hay không xem thì
tôi thật sự cũng không biết, nhưng mới nhất vào ngày 25 tháng 11 vừa
qua, gia đình anh Hải có gọi điện thoại cho tôi và khóc lóc nói bên tòa
án địa phương đến thông báo sắp thì hành án và gia đình có muốn đến để
nhận xác hay không nên gia đình rất lo lắng, và gia đình có ra ngoài Hà
Nội kêu oan, còn phần tôi mới gửi lại đơn .
Gia Minh: Trong tiến trình chờ xem xét đơn, có thể xảy ra khả năng tòa án Loang An sẽ làm theo ý họ không?
Luật sư Trần Hồng Phong: Nếu nói về mặt xét xử, bản án thì xem
như vụ án này đã xét xử xong. Về mặt thủ tục hình sự thì hiện nay
chuyển qua giai đoạn thi hành án tức thi hành bản án tử hình. Việc thi
hành án chủ yếu do tòa án sẽ thành lập hội đồng thi hành án có sự tham
gia của bên công an và bên thi hành án. Nếu bản án đang có hiệu lực mà
chưa có quyết định, kháng nghị nào yêu cầu hoãn việc thi hành án thì về
nguyên tắc việc tử hình anh Hồ Duy Hải là có thể xảy ra. Tuy nhiên cho
rằng khó vì dư luận đã lên tiếng, báo chí nói đến nhiều cho nên cũng hy
vọng anh Hải không bị tử hình trong lúc đang chờ xem xét các đơn.
Gia Minh: Một luật sư ở Nam Định- luật sư Ngô Ngọc Trai, có
đưa ra đề nghị giới luật sư nên lập ra hội đồng nghiên cứu hồ sơ vụ án
để xem xét có oan sai hay không, theo luật sư hẳn đề nghị đó cần thiết
trong vụ án này và mức độ khả thi ra sao?
Luật sư Trần Hồng Phong: Thông tin mà luật sư Ngô Ngọc Trai đề
nghị lập ra hội đồng nghiên cứu các vụ án oan tôi có biết cách đây một
hai tháng trên báo chí, trên mạng. Về mặt ý tưởng, tôi thấy là ý tưởng
hay nhưng để áp dụng có những điểm khó. Lý do vì luật sư là người hành
nghề tự do, thường luật sư làm việc với thân chủ, với khách hành qua các
hợp đồng. Nói chung không ai có thể ngăn cản các luật sư trao đổi hồ sơ
chuyên môn hoặc phối hợp cùng nhau để phân tích, tìm ra các tình tiết
giải oan cho người ta. Việc đó thực ra cũng là việc phổ biến và bình
thường. Còn việc thành lập ra một hội đồng nghiên cứu như vậy, theo tôi
biết và thấy qua thực tế của Việt Nam thì gần như rất khó có thể thành
lập ra những hiệp hội hay những câu lạc bộ có tính chất tự phát như vậy.
Những thủ tục về hành chính… rất khó.
Hơn nữa về cái gọi là cơ chế, tức nếu không thành lập được một cách
hợp pháp theo những qui định của Việt Nam hiện nay thì những ý kiến nhân
danh một hội đồng hay một nhóm luật sư nào đó, thì về mặt thủ tục tố
tụng cũng chưa được rõ rệt, hay theo tôi thậm chí chưa được đúng. Tại vì
khi một luật sư hay một người nào đó gửi một đơn kiến nghị hay hay giải
oan nào đó, thì nên xuất phát từ trách nhiệm của luật sư với thân chủ;
mặc dù khi có hành vi tội phạm hay những bất công gì đó thì bất kể ai,
kể cả luật sư, báo chí đều có quyền lên tiếng; nhưng có tạo thành sức
mạnh hay không; nhất là trong bối cảnh tư pháp hiện nay theo tôi vai trò
của luật sư rất ‘thấp kém’; như vậy đề nghị của luật sư Ngô Ngọc Trai
là một ý tưởng hay nhưng khó có thể đi vào thực tế.
Gia Minh: Chân thành cám ơn luật sư.
Ông chủ tịch nước có biết việc này không, sao để oan sai nhiều thế. Trời ơi là trời, oan khốc có tới trời cao không.!
Trả lờiXóaNếu đúng là tội chết thì đả qua bao nhiêu năm ngồi tù .có cho nghi can ngồi thêm một thời gian 1/2 năm hoặc một năm thì trong tù có chạy đi đâu được mà KHÔNG THỂ XỬ LẠI CHO THẤU TÌNH ĐẠT LÝ ,CỨ KHƯ KHƯ QUAN ĐIỂM CỦA MÌNH LÀ SAO ? NHỞ CÓ THẬT LÀ OAN SAI NHƯ ÔNG CHẤN THÌ KHI TỬ HÌNH XONG CHÁU DUY HẢI ,CÓ AI THẾ MẠNG MÌNH KHÔNG ? mạng người là trọng các cơ quan hãy xem xét kỷ trước khi thi hành ,nếu thật sự đúng là xử oan thì đó là 1 đại trọng tội ,,cứu được 1 mạng người bằng xây 9 cảnh chùa
Trả lờiXóa