Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

TS. Tô Văn Trường: CÁI TÂM ĐANG BỊ …BỎ QUÊN

CÁI TÂM ĐANG BỊ …BỎ QUÊN

Tô Văn Trường
03-09-2014

Sức mạnh phát triển đất nước chính là “nhân”- là con người, là nhân tâm. Phải có nhân hòa thì mới có nội lực. Làm thế nào để có nhân hòa?
 
Người ta thường nói tới “Sự thông minh của trái tim”, chính là để nói về cái tâm. Vì cái tâm đó, Việt Nam đã đánh thắng những đế quốc mạnh nhất, bởi đã tìm ra những phương án thông minh, mà chính TS Henry Kissinger (đã từng làm việc cho 03 đời Tổng thống Mỹ) cũng đã phải thú nhận.

Cái tâm chỉ còn là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm?
 
Nhưng phải nói sau chiến tranh, và nhất là từ khi bước vào kinh tế thị trường, cái “chữ tâm” đó đang nhạt dần và bị… bỏ quên.

Hầu hết khi phân tích chiến lược, người ta sử dụng phương pháp phân tích SWOT (Strength-Weakness-Opportunity-Threats: Mạnh, yếu, cơ hội và thách thức). Nhìn rộng ra một đất nước thì vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, con người, hệ thống thể chế thuộc về nội lực, còn thời cơ và thách thức chính là ngoại lực.
Nội lực đúng là toàn bộ nguồn lực bên trong, sẽ được bổ sung tự nhiên hay tổn thất trong quá trình xây dựng và phát triển, tùy thuộc vào hiệu quả vận hành tương tác với nguồn lực bên ngoài. Nhưng nội lực phải coi là yếu tố quan trọng nhất, mang ý nghĩa quyết định sự thành bại của quá trình này.

Ngày trước, trong sách Tam quốc, nói đến Tôn Quyền có địa lợi, Tào Tháo có thiên thời, Lưu Bị chỉ có nhân hòa mà cũng ngang ngửa thiên hạ. Đủ biết nội lực, trong đó, con người với chữ tâm quan trọng dường bao.

Những yếu tố làm nên nội lực, gồm nhiều thứ nhưng có lẽ cơ bản nhất vẫn là con người và thể chế gắn những con người đó với nhau. Tài nguyên tất nhiên là một phần của nội lực nhưng không phải là cái quan trọng nhất. Ở các nước OECD thì 80% tài nguyên của họ là con người. Thiên thời là một cái gì đó khách quan gồm cơ hội hoặc thách thức.

Cũng có ý kiến cho rằng nội lực của Việt Nam, phần cứng là  tài nguyên thiên nhiên, phần mềm là con người hay nói cách khác nội lực Việt Nam chính là thiên thời, địa lợi nhân hòa.

Theo thiển nghĩ của người viết bài, phần mềm còn là tư tưởng chi phối xã hội  và hệ thống thể chế gắn kết xã hội, văn hóa… như một hệ điều hành (ví dụ như  thể chế kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự hoặc tam quyền phân lập).

Lâu nay, ta dùng các hệ điều hành làm chủ tập thể, kinh tế quốc doanh là chủ đạo, đất đai là sở hữu toàn dân, tư duy lợi dụng nhiệm kỳ hay còn gọi tư duy trục lợi (tư duy thò lò), chuyên chính vô sản, để vận hành đất nước. Sự phát triển đất nước hiện nay là kết quả, là sản phẩm của hệ điều hành này.

Có điều, trong quá trình phát triển, tự lúc nào, trong kinh tế, đã xuất hiện lợi ích nhóm, mang tính chất đặc quyền đặc lợi, rất ảo nhưng cái di hại lại rất cụ thể. Khi đó, cái tâm con người chỉ còn ý nghĩa là… lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của mình.

Chính nhóm đặc quyền, đặc lợi này nhờ hệ điều hành còn có những khuyết tật, lỗ hổng ấy mới muốn níu giữ nó vì rời nó ra là họ khó sống.

Đừng quên rằng, chính cố Tổng Bí thư Trường Chinh khi còn sống, là một trong những lãnh đạo rất ủng hộ Đổi mới phát biểu tại Đảng bộ Hà Nội 19/10/1986 đã chỉ rõ “Lãnh đạo đã phạm những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn. Nguyên nhân là do tả khuynh, ấu trĩ, duy ý chí, trái quy luật khách quanđã mắc sai lầm lại bảo thủ, trì trệ, không dũng cảm sửa chữa…” (Văn kiện Đảng toàn tập; Tập 47, trang . 270.)

Để đấu tranh chống bá quyền, bành trướng, đưa dân tộc vượt qua những cam go, thách thức hiện nay, Việt Nam phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Ý kiến khác nhau, quan niệm khác nhau là một tất yếu khách quan, có tính quy luật. Nhưng nếu để kéo dài thực trạng đó một cách không bình thường, kéo dài thực trạng lợi ích nhóm sẽ dẫn đến phá vỡ sức mạnh đoàn kết toàn dân.

Dựa vào đâu?
 
Việt Nam không thể dựa vào tài nguyên thiên nhiên để phát triển được vì tài nguyên khoáng sản của nước ta rất nhỏ bé, manh mún. Thậm chí không có khoáng sản nào có lợi thế để cạnh tranh có hiệu quả (nhập khẩu còn rẻ hơn khai thác), trừ than, dầu, khí, nước ngọt, cát, đá, sỏi và đất. Than, dầu khí thì sắp hết (30 năm nữa là đóng cửa bể than Quảng Ninh). Nước ngọt 70% phụ thuộc nguồn nước đầu nguồn xuất phát từ cao nguyên ở Vân Nam của Trung Quốc (hệ thống sông Hồng và sông Cửu Long).

Đất, chủ yếu là nông nghiệp, phụ thuộc thiên nhiên, nguồn tưới phụ thuộc nước ngọt của các hệ thống sông cũng không phải nhiều. Ngay cả đá vôi làm xi măng, trữ lượng khai thác được và có hiệu quả cũng chỉ có khoảng 2 tỷ tấn. Còn lại chỉ làm đá rải đường. Tài nguyên sinh học (flora & fauna) cũng nhỏ bé, lại đang ngày càng “teo” đi nhanh chóng.

Điều đó là một hạn chế nhưng có đáng sợ không? Thế giới, không thiếu những nước tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, nhưng đã trở thành nước rất giầu có, nhờ cái tâm con người cũng rất .. giầu. Có thể thấy như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan , Hồng Công vv…

Ngược lại cũng có những nước giầu có khoáng sản nhưng đã không giữ được uy thế đó của mình. Như Hà Lan chẳng hạn. Cho dù vẫn là quốc gia phát triển, nhưng Hà Lan đã không duy trì được vị trí đứng đầu thế giới về phát triển công nghệ điện tử, chỉ vì ỷ lại quá nhiều vào dầu ở biển Bắc (hiện thua xa Nhật Bản và Hàn Quốc ). Cái gọi là “căn bệnh Hà Lan” ngày xưa cũng chính là “lời nguyền của tài nguyên khóang sản” ngày nay.

Đủ hiểu, sức mạnh phát triển đất nước chính là “nhân”- là con người, là cái nhân tâm. Nhưng phải có nhân hòa thì mới có nội lực. Làm thế nào để có nhân hòa? Xưa, Vua Trần Nhân Tông đã là một tấm gương sáng về tập hợp lòng dân chống giặc ngoại xâm, và hòa giải, đoàn kết dân tộc sau chiến thắng, làm nên một Đại Việt hùng cường.

Nước Nhật, người Nhật chẳng hề được ưu đãi chút nào từ cái “thiên và địa”, những họ đã chẳng hề mảy may ca thán về những rủi ro, bất hạnh. Nước Nhật không có rừng vàng, biển bạc, chỉ có sức mạnh từ lòng yêu nước và tự trọng của người Nhật. Đầu hàng Mỹ và chịu nhận Mỹ làm đồng minh ngay sau khi thua trận đại chiến thế giới lần thứ hai là một quyết định sáng suốt của Nhật Hoàng, với sự ưng thuận của toàn bộ nội các Nhật. Và việc không truy cứu trách nhiệm Nhật Hoàng trước chiến tranh cũng thông minh không kém, từ cả phía người Nhật và người Mỹ.

Nội lực của người Nhật chính là tự cường, chính là “nhân hòa”.

“Nhân hòa” trong nội lực nước Việt

Thể chế văn minh là mảnh đất và môi trường để nội lực đất nước phát triển. Để người Việt có thể tìm thấy hạnh phúc bằng chính lao động chân chính được gieo trên mảnh đất này 

Bàn về cái nhân, là thứ “nhân định” mà chúng ta hoàn toàn có thể tạo lập được. Người viết bài chỉ xin nêu ra những cái khiếm và những cái khuyết để có thể cùng nhau khắc phục.

Chuyển hướng nhận thức chính mình

Để có được nội lực, trước hết người Việt phải chuyển hướng nhận thức của chính mình, để thoát khỏi óc nô lệ – nô lệ vào cái dốt, cái yếu kém, cái viển vông, mơ hồ và cả nô lệ vào học vấn. Vì cái gì cũng có giới hạn, chỉ có sự ngu dốt, nếu không chịu học hỏi là… vô giới hạn!

Chiến lược Nhà nước cho sự phát triển 05 hay 10 năm tới không phải khó lắm. Khó nhất là đạt được bằng cách nào? Như Mác nói đại ý «Thời đại này khác thời đại trước không phải sản xuất ra được cái gì, mà là dùng cái gì để sản xuất ». Bây giờ, mở rộng ý tưởng ấy là hợp tác với ai để có vốn, công nghệ, nguyên liệu để sản xuất và bán cho thị trường nào? Đó là “nhiệm vụ chính trị” số một.

Xác định ta, bạn, thù, đối tác cũng phải trên cơ sở đó mà nhìn nhận. Nhiệm vụ bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, quốc gia nào cũng phải thực hiện, không chỉ có VN. Nước Việt đang hội nhập thế giới văn minh, hiện đại mà xem tư bản là kẻ thù thường xuyên thì chuyện xác lập quan hệ đối tác chiến lược sẽ ra sao? Ta mà còn không tin thì làm gì “cả hai ta” đều có “niềm tin chiến lược”.

Một nhược điểm rất rõ, là đa phần giới có trình độ học vấn, thì mắc bệnh “hàn lâm”, chỉ chăm nhằm vào những cái đích rất cao siêu, rất oách như kỹ thuật na-nô, những thứ siêu việt mà giới khoa học thế giới đang ồn ào, trong khi nội hàm năng lực, hoàn cảnh và phương tiện đều thiếu thốn và yếu kém.

Trong khi thực tiễn đất nước đòi hỏi người Việt, nhất là tầng lớp trí thức, có học vấn cần moi đầu, vắt óc nhắm vào những thứ thật bình thường, bình dị như hạt lúa, củ khoai, con cá … xem có cách nào cho tốt hơn, cho bà con nông dân được nhờ.

Đó là những những thứ bình thường mà chẳng tầm thường chút nào.

Vậy nên, có người đã nói theo kiểu “cười ra nước mắt”: Cái sự khoa học ở xứ ta đang trở thành khóa hóc (!) – chẳng mở được gì cả, đặc biệt là khoa học về các lĩnh vực công nghệ, khoa học kỹ thuật, khoa học chính trị xã hội.

Hiện tượng “có đoàn mà không có kết” cũng khá phổ biến khắp mọi lĩnh vực. Mạnh ai nấy làm, giống như bàn tay xòe ra, bẻ ngón nào gãy ngón nấy, chẳng chịu cụm lại thành nắm đấm cho đủ sức mạnh và vững chắc. Ở xứ người, nhiều cộng đồng các dân tộc càng đông càng mạnh, còn cộng đồng người Việt ở nước ngoài thì sao? Nếu người Việt chỉ gắng sức từng bộ phận mà không có sự phối hợp đồng bộ, tổng thể thì bị … chuột rút (vọp bẻ) cũng là lẽ đương nhiên!

Anh hùng tạo nên thời thế

Nhân hòa ở nước Việt thời nay còn là cái phải nỗ lực, và giải quyết tốt các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình vận động và phát triển mới hy vọng nội lực nước Việt mạnh lên. Mâu thuẫn giữa lợi ích nhóm và lợi ích của đa số nhân dân. Mâu thuẫn giữa những người muốn cách tân đất nước và những người thủ cựu, gắn với lợi ích nhóm. Lợi ích nhóm là một trong những “vật cản” mà nước Việt phải chiến đấu lâu dài và chế ngự.

Lê Nin nói: “Đào xuống, lật ra, xới tung lên những hàng chữ dầy đặc đủ thứ lý thuyết, ta sẽ thấy đằng sau đó lồ lộ hiện ra cái gốc quyền lợi trơ trọi, thô thiển!”. Cái cần đào đó, cũng đang nằm sâu trong lòng xã hội nước Việt.

Nước Việt đang rất cần những anh hùng tạo nên thời thế.

Hai thứ đầu tiên là “thiên và địa” vốn dĩ là những thứ nằm ngoài “nhân”, nên chỉ có thể lựa theo, nương theo quy luật khách quan của nó để thích nghi, để mà tạo lợi thế cho “nhân hòa”, không thể can thiệp, tác động vào được.

Còn “nhân hòa” là yếu tố cơ bản của nội lực, thì không ai khác, người Việt, những những có trọng cách, phải tạo được ra. Lâu nay, ta nói nhiều về “lỗi hệ thống” và tính lạc hậu, xơ cứng của tư duy phát triển, nhưng nói cho cùng thì hệ thống và tư duy xơ cứng đó là của chúng ta…. tạo ra.

Vì vậy, nếu muốn đất nước phát huy được nội lực thì mỗi người Việt Nam, trước tiên là các nhà lãnh đạo phải quyết tâm vượt qua chính mình chứ không phải ngồi chờ sự thay đổi. Sự vượt qua chính mình đó, đòi hỏi cả trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và sự kiên trì, lòng tin ở những giá trị văn minh, văn hóa.

Lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia, Nhà nước pháp quyền, xã hội dân chủ, đất nước giầu mạnh là mục tiêu trên hết. Thể chế văn minh là mảnh đất và môi trường để nội lực đất nước phát triển. Để người Việt có thể tìm thấy hạnh phúc bằng chính lao động chân chính được gieo trên mảnh đất này.

T.V.T

2 nhận xét :

  1. Thượng bất tâm, hạ tất tâm bất!

    Trả lờiXóa
  2. Xã hội nhiễu nhương cái tâm càng khó phat huy. Bài viết đã lột tả được cả kinh nghiệm của thế giowis và đồi hỏi của VN.

    Trả lờiXóa