Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

QUANH VỤ KIỆN GS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG, GIÁO SƯ HOÀNG TỤY LÊN TIẾNG


Để xây dựng một tạp chí khoa học đẳng cấp quốc tế

GS. Hoàng Tụy 
trả lời phỏng vấn báo Tia Sáng


Dư luận ồn ào gần đây về việc tranh chấp quyền sở hữu tạp chí Asian-Pacific Journal of Computational Engineering giữa GS. Nguyễn Đăng Hưng và Đại học Tôn Đức Thắng đã ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của giới khoa học Việt Nam, đồng thời cho thấy có những sự hiểu sai về quyền sở hữu một tạp chí đẳng cấp quốc tế. Để làm rõ vấn đề này, nhóm phóng viên Tia Sáng đã có cuộc phỏng vấn GS. Hoàng Tụy, người từng tham gia ban biên tập của một số tạp chí toán học quốc tế. 

Xin giáo sư cho biết để hình thành một tạp chí khoa học theo thông lệ quốc tế, người ta thường làm như thế nào?

GS. Hoàng Tụy: Từ xưa, các tạp chí khoa học vốn do các đại học, viện nghiên cứu, hiệp hội khoa học lập ra và tự xuất bản. Đến bây giờ số tạp chí như vậy vẫn rất nhiều. Nhưng khi đã xuất hiện những nhà xuất bản (NXB) lớn chuyên kinh doanh việc xuất bản và phát hành sách và tạp chí khoa học, thì nhiều tạp chí thấy việc tự xuất bản và phát hành không hiệu quả bằng hợp tác với một NXB có uy tín để nhượng hẳn việc xuất bản và phát hành tạp chí cho NXB. Trong trường hợp này,  tạp chí vẫn thuộc quyền chủ quản của tổ chức đã lập ra nó, NXB chỉ lo việc xuất bản. Cũng có trường hợp một nhóm nhà khoa học về một chuyên ngành nào đó muốn ra một tạp chí về chuyên ngành đó thì sau khi thỏa thuận với nhau về tổng biên tập (TBT) và thành phần ban biên tập thì TBT chịu trách nhiệm thay mặt đứng ra thương thảo với NXB để lập ra tạp chí. Khi đó tạp chí là của NXB (tức là bản quyền thuộc NXB), tuy NXB vẫn không can thiệp vào việc tổ chức biên tập, việc này vẫn để thuộc quyền TBT. Trong mọi trường hợp, mỗi bài được đăng đều do tác giả ký nhượng bản quyền bài đó cho tổ chức (NXB, trường, viện) chủ quản tạp chí đó. 

Trong khoảng chục năm gần đây đã ra đời loại tạp chí truy cập tự do (open access). Bài muốn đăng ở tạp chí loại này thì tác giả phải trả tiền cho NXB, nhưng khi đã đăng thì có thể truy cập tự do trên mạng. Trái với các tạp chí thông thường đã có trước đây là loại phải “đặt mua”, bài đăng ở đây thì tác giả không mất tiền để được đăng, nhưng độc giả phải trả tiền đặt mua từng năm, hoặc truy cập từng bài. Ngày nay các tạp chí loại “đăt mua” quá nhiều rồi, lập ra thêm một tạp chí loại đó rất khó tiêu thụ, cho nên các  NXB thường khó nhận xuất bản thêm tạp chí mới loại này. Trái lại  kinh doanh tạp chí tự do truy cập (TDTC) thu lãi lớn, cho nên các NXB dễ chấp nhận. Cũng vì lẽ đó, thị trường tạp chí TDTC rất sôi động, đã xuất hiện những NXB chỉ chuyên cho ra tạp chí TDTC. Trong tình hình đó tất nhiên nảy ra xu hướng thương mại hóa tiêu cực, cho nên có những tạp chí TDTC có chất lượng rất thấp.    

Vậy thưa giáo sư, chúng ta đã có những mối quan hệ hợp tác giữa các trường/viện trong nước và các nhà xuất bản quốc tế để xây dựng tạp chí khoa học như vậy chưa?

Tạp chí Vietnam Journal of Mathematics là ví dụ về một tạp chí loại “đặt mua”  trước đây do ta tự xuất bản, từ vài năm nay đã do NXB Springer hợp tác với ta xuất bản. Tạp chí Acta Mathematica Vietnamica cũng như vậy. Phía ta là chủ của tạp chí, cử TBT và Ban Biên tập, phụ trách toàn bộ nội dung tạp chí và bản thảo điện tử, còn Springer lo việc xuất bản và phát hành, theo những điều khoản đã thỏa thuận. Một ví dụ khác là gần đây, có tờ Vietnam Journal of Computer Science là một tạp chí TDTC đã ra đời, do Đại học Nguyễn Tất Thành (ĐH NTT) mời được GS Nguyễn Ngọc Thanh, một nhà khoa học Việt kiều Ba Lan có tiếng nhận đứng ra làm TBT và thành lập ban biên tập, đồng thời cử một người của ĐH NTT làm assistant editor (trợ lý biên tập), rồi  liên hệ với Springer đề nghị NXB này nhận thành lập tạp chí theo những điều kiện trên. Trong trường hợp này, Springer là chủ của tạp chí và xuất bản tạp chí với sự hợp tác của  ĐH NTT (điều này được ghi rõ trên trang bìa của tạp chí).

Giới khoa học Việt Nam luôn mong đợi sự ra đời những tạp chí trong nước được lọt vào danh sách ISI, trong đó người ta thường kỳ vọng nhiều ở toán học và vật lý là những ngành mà Việt Nam có thế mạnh. Vậy vì sao trong hai ngành này chúng ta vẫn chưa xây dựng được các tạp chí trong danh sách ISI? 

Trước đây chúng ta có những khó khăn, hạn chế rất lớn về nguồn lực, khả năng và điều kiện kỹ thuật trong việc xuất bản các tạp chí khoa học có chất lượng cao, cả về nội dung và hình thức. Ví dụ như  hai tạp chí Acta Mathematica Vietnamica và Vietnam Journal of Mathematics tuy đã ra đời được mấy chục năm nay, nhưng trước đây điều kiện thông tin liên lạc còn hạn chế, kỹ thuật in lạc hậu, việc xếp chữ mang tính thủ công nên rất khó cho việc in ấn các ký hiệu toán học, báo thường xuyên phát hành trễ, giấy in xấu, chữ in lèm nhèm nên bán rất khó khăn, chủ yếu chỉ dùng để trao đổi với các đại học nước ngoài mà cũng vô cùng vất vả và khó khăn. Dễ hiểu là trong những điều kiện đó làm sao thu hút được bài vở có chất lượng. Dù vậy ngay thời đó, hai tạp chí đó cũng đã được Math Review điểm duyệt thường xuyên và cũng đã có một số ít bài được đồng nghiệp quốc tế quan tâm, trích dẫn và đánh giá cao.

Hơn chục năm nay, hai tạp chí toán của ta đã được cải tiến đáng kể, về cả nội dung và hình thức đang tiến nhanh tới chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, trở ngại vẫn còn nhiều. Bên cạnh đó, việc đăng bài trên các tạp chí quốc tế gần đây được coi là điều kiện để được xét duyệt các đề tài nghiên cứu – ví dụ Quỹ Nafosted yêu cầu các đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đều phải có công bố quốc tế trên các tạp chí ISI. Việc xét chức danh PGS, GS cũng dần dần đi theo xu hướng đó. Phải nói đó là xu hướng lành mạnh, tích cực. Nhưng đồng thời, mặt trái của nó là đối với những nhà khoa học có năng lực, đăng bài trên tạp chí trong nước ít nhiều là một sự hi sinh. Không mấy người thích đăng ở tạp chí trong nước, những bài viết tốt đều tìm cách đăng ở tạp chí nước ngoài, khiến chất lượng bài đăng trên các tạp chí trong nước không cao. Tất nhiên đây cũng là điều tự nhiên, từ trình độ lạc hậu đi lên không thể tránh được những chuyện như vậy.

Vì sao một số tạp chí của các nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan có chất lượng không hơn tạp chí của Viện Toán học nhưng vẫn được nằm trong danh sách ISI?

Chuyện này tôi nghe nói nhiều, nhưng thật tình tôi chưa có dịp kiểm chứng. Ở Thái Lan hay Malaysia, những người lập ra tạp chí phần lớn học từ Mỹ về và khi trở về nước họ vẫn giữ mối quan hệ tốt với thầy, bạn ở Mỹ. Đất nước họ từ lâu đã hội nhập quốc tế, tờ báo của họ ít nhất về hình thức không khác quốc tế mấy. Nhờ những yếu tố đó, việc được lọt vào danh sách ISI thuận lợi hơn ta nhiều. Chưa kể, tiền bạc cũng đóng vai trò nhất định. Tôi nghĩ việc có tạp chí lọt vào danh sách ISI hay có đại học lọt vào tốp mấy trăm trong các bảng xếp hạng quốc tế, ta cũng chỉ nên quan tâm vừa phải thôi. Một số nước phát triển dùng một bảng xếp hạng các tạp chí khoa học, không phụ thuộc danh sách ISI mà chỉ căn cứ trên chất lượng thật, chia các tạp chí trên thế giới làm bốn hạng: A* cao nhất, rồi đến A, B, C; C là hạng cuối trong thang đó. Trong bảng này các tạp chí của Malaysia và Thái Lan được xếp cùng hạng C với hai tạp chí của ta. Cho nên tôi có đề nghị Nafosted nên tham khảo bảng này, thay vì chỉ chú ý ISI.

Theo giáo sư, chúng ta cần có những giải pháp gì để các tạp chí khoa học trong nước được xuất bản bởi những nhà xuất bản nổi tiếng – một trong những yếu tố quan trọng để tạp chí dễ vào danh sách ISI?

Chỉ có cách là chúng ta tự cải thiện năng lực của mình và tăng cường các mối quan hệ với cộng đồng khoa học quốc tế, từ đó giành được sự quan tâm của những nhà xuất bản quốc tế có uy tín cùng tham gia xuất bản và quảng bá các tạp chí khoa học của Việt Nam. Chẳng hạn, mấy năm qua, mối quan hệ giữa Viện Toán học và giới toán học quốc tế có cải thiện rõ rệt do một số nhà toán học của ta tạo được uy tín tốt với cộng đồng toán quốc tế. Đặc biệt đối với các NXB lớn như Springer, nhiều nhà khoa học của ta có vai trò trong ban biên tập của nhiều tạp chí của họ, hoặc có sách chuyên khảo do họ xuất bản. Bên cạnh đó, một số thành tích nổi bật của các nhà toán học của ta thời gian gần đây, những hội thảo quốc tế về Toán có chất lượng cao do ta tổ chức, có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng thế giới, kể cả Chủ tịch hay Tổng Thư ký Hội Toán quốc tế, tất cả những yếu tố đó kết hợp lại đã gây ấn tượng khiến hai năm gần đây, tạp chí Vietnam Journal of Mathematics do phía Việt Nam tự xuất bản đã được xuất bản bởi Springer. 

Với những tiến bộ đáng kể ở nhiều lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, cùng với giới khoa học của chúng ta cũng có ý thức chăm lo hơn đến chất lượng của tạp chí mình, tôi tin trong vòng ít năm nữa ta sẽ có tạp chí lọt vào danh sách ISI. 

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư! 
.


Là người từng được mời tham gia ban biên tập hoặc làm TBT  một vài tạp chí khoa học quốc tế, xin giáo sư chia sẻ về khó khăn lớn nhất mà ông từng trải qua trước đây khi hợp tác làm các tạp chí khoa học quốc tế?
Lần đầu tiên tôi được mời tham gia ban biên tập một tạp chí quốc tế là năm 1976. Hôm ấy, ở Budapest, trong phiên họp toàn thể của Hội thảo Quốc tế về Qui hoạch Toán học (mathematical programming), sau khi đọc xong báo cáo mời, tôi vừa trên diễn đàn bước xuống thì Balinski, TBT tạp chí Mathematical Programming, đến gặp và tỏ ý mời tôi tham gia ban biên tập của tạp chí. Thời đó, một trong những khó khăn lớn nhất cho các nhà khoa học trong nước gặp phải trong việc hợp tác với các tạp chí quốc tế là vấn đề thông tin liên lạc. Cách đây mấy chục năm, lần đầu tiên cộng đồng Tối ưu toàn cục gặp nhau ở Nhật và đề nghị tôi làm TBT của tờ tạp chí Tối ưu Toàn cục. Công việc TBT đòi hỏi phải gửi rất nhiều thư từ cho các tác giả. Tất cả thư từ chúng tôi gửi đi nước ngoài đều phải đợi đến lúc có người nước ngoài sang Việt Nam về nước thì nhờ họ cầm đi. Ngược lại, thư từ nước ngoài gửi về Việt Nam thì có khi mất hàng tháng trời mới tới nơi hoặc có khi không có. Vì vậy tôi tập hợp tất cả các phong bì mà ngày gửi và ngày đến cách nhau mấy tháng rồi đưa cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông đã chỉ thị cho Tổng cục Bưu điện nhưng cũng không thay đổi được. Trước năm 1975 khi tôi còn nằm trong Ban Biên tập của tạp chí Mathematical Programing thì tình hình thậm chí còn khó khăn hơn, bởi thời đó người ta cấm gửi thư ra nước ngoài, muốn gửi thì phải qua kiểm duyệt chứ không được tự động, khiến nhiều khi tôi phải làm “liều”, nhận “chui”. Chỉ đến khi Việt Nam mở cửa, quan hệ với các nước bình thường thì giao lưu thư từ đó mới được cải thiện. Nhưng thời kỳ mới mở cửa cũng vẫn còn những bất cập, một là các nhân viên bưu tá nhiều khi không làm đúng trách nhiệm, có khi để dồn mới đưa, có khi để mất, rồi có khi mấy tờ báo ở nước ngoài về có mấy hình đẹp đẽ thì giữ lại cho con cháu chơi. Thứ hai là các bưu kiện quốc tế của Việt Nam hồi đó đều qua Bangkok thì họ đều giữ lại, lúc nào thuận tiện mới gửi qua.

 .
Nhóm PV thực hiện
Nguồn: Tia Sáng.


4 nhận xét :

  1. HT LVD chỉ là đứa con nít trước vị GS già khả kính Hoàng Tụy . Nhưng bây giờ đám trẻ chẳng thèm nghe, cũng chẳng kính trọng các vị thầy già nữa .

    Trả lờiXóa
  2. Thông tin mới nhất đã được phối kiểm. Ông LV Danh chưa vượt qua hội đồng học hàm nhà nước lần nào, nghĩa là ông chưa được lần nào chính thức công nhận phó giáo sư hay giáo sư ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  3. GS Hoàng Tụy phân tích như vậy, dù không nói về ĐH TĐT thì cũng đã gián tiếp bác bỏ đơn kiện, tố cáo vô lối cua ông Lê Vinh Danh rồi. Tòa nào dám nghe theo ông Danh để mà xử?
    Sao bây giờ lắm GS, TS dỏm thế không biết. Đây là hệ quả của công tác tổ chức của bộ máy đảng và chính quyền. Lấy bằng cấp là tiêu chí để bổ nhiệm chức danh nên mới xảy ra nhiều bằng giả, bằng đểu đến vậy. Cũng mang danh GS này nọ nhưng có mấy ai ngồi ngang hàng được với các GS thứ thiệt như GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Đăng Hưng....?
    Thử thống kê xem hiện nay bao nhiêu công chức vừa học TS, thạc sĩ, vừa làm quan? nhiều lắm. Đóng tiền là có bằng. Các thầy được đào tạo theo cơ chế này đang tận thu từ những thạc sĩ, tiến sĩ tương lai. Đảng thì càng ngày càng mất uy tín, mà sao vẫn đào tạo nhiều TS, thạc sĩ ngành xây dựng đảng đến vậy?

    Trả lờiXóa
  4. "Thông tin mới nhất đã được phối kiểm. Ông LV Danh chưa vượt qua hội đồng học hàm nhà nước lần nào, nghĩa là ông chưa được lần nào chính thức công nhận phó giáo sư hay giáo sư ở Việt Nam."

    Chính xác, Ông ấy có bẳng GS kinh tế của ĐH Preston (truong online), ngày xưa có treo ở phòng làm việc của Ông. Chịu khó xem vì sao trong hợp đồng với GS Hưng Ổng không ghi GS, trong khi CV thì ghi GS từ 2007.

    Trả lờiXóa