Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Nhà văn Trần Kỳ Trung: THOÁT ĐẢNG

Thoát đảng
Trần Kỳ Trung
Blog Trần Kỳ Trung

Nếu nói, vào đảng để phụng sự tổ quốc, phụng sự đồng bào, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết. Là đảng viên phải tuyệt đối gương mẫu trước dân, người dân nhìn vào đó để tin tưởng. Là đảng viên nói đi đôi với làm, không sống giả dối, không lừa nhân dân, thực hiện tốt  tất cả những điều người dân yêu cầu…v.v… và v.v…

Luật gia Lê Hiếu Đằng
Còn không phải như thế, anh không là đảng viên.

Căn cứ như những điều như vậy, nhìn vào thực tế, tôi tự nhận thấy  có một số lượng đảng viên rất lớn đã “ thoát đảng”.

Ở đây tôi không đề cập đến những đảng viên công khai viết đơn đề nghị được ra khỏi đảng, vì như họ nói, đảng cộng sản hiện nay không phải là đảng cộng sản như lúc họ được kết nạp. Tất cả chỉ còn cái vỏ bên ngoài, còn bên trong đã thay đổi bản chất.  Tôi không muốn đề cập đến những đảng viên về hưu lặng lẽ bỏ sinh hoạt đảng vì nhiều nguyên nhân, dưới nhiều hình thức, nếu thống kê cụ thể, sẽ có con số không nhỏ.

Với bài viết ngắn này tôi chỉ đề cập đến những người tự nhận là “đảng viên”, nhưng trên thực tế họ đã “ thoái đảng”, “ thoái đảng” một cách tiêu cực, nhân dân lên án.
 

Biểu hiện, có rất nhiều đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Những người này nói, viết về lý tưởng của đảng rất hay, nhưng trên thực tế lại làm ngược lại, họ chỉ biết thu lợi cho cá nhân, gia đình dưới nhiều hình  thức, như tạo ê kíp trong lãnh đạo, liên kết các nhóm lợi ích với nhau hòng có điều kiện dễ dàng tham nhũng trong những ngành quan trọng của kinh tế. Hoặc như lợi dụng vị trí lãnh đạo của mình đưa con cháu vào chiếm  vị trí yết hầu trong chính quyền để tự do  lũng đoạn, tự do sai khiến…

Trong con mắt người dân, những người này không phải là đảng viên.

Lại có loại đảng viên, bên ngoài luôn tỏ nghiêm túc, đứng đắn như chăm chỉ học nghị quyết, lớp bồi dưỡng, viết bản kiểm điểm nghiêm túc… trên thực tế lại là một kẻ cơ hội, ăn chơi sa đọa, sống giả dối với đồng nghiệp, vợ con,  kết cấu với xã hội đen để dễ bề đục khoét, thao túng, tham nhũng. Vận mệnh đất nước họ không quan tâm… Với người dân, những người này đâu phải là đảng viên, trên thực tế họ đã bỏ đảng.  Đảng viên chỉ còn danh nghĩa.

Tiếp đến là đảng viên “ thoái đảng” là loại ác với dân. Họ là loại người không có văn hóa nhưng lại nhân danh đảng, nhân danh chính quyền… luôn cho mình là “ đúng”, là “ nhất ” không nghe dân, không cho dân nói, thậm chí có lúc hành xử với dân còn ác hơn hành xử với giặc, không hề có tình người, từ chuyện quy hoạch đất đai đến chuyện giải quyết khiếu kiện…

Với việc làm như vậy, trong suy nghĩ của người dân, những người đảng viên này đã ra khỏi đảng, còn thẻ đảng viên họ đang giữ trong người chỉ là “hàng mã”.

Lại có loại đảng viên mang danh “trí thức” nhưng  chỉ biết ăn theo, nói theo, viết theo những gì mà lãnh đạo yêu cầu, đồng ý, cho phép. Họ đã thủ tiêu ý chí của mình, với ngòi bút, trở thành một kẻ “nô lệ” hèn hạ để hưởng bổng lộc mà những người có chức, có quyền nhân danh đảng, nhà nước ban phát.   

Trong con mắt người dân và đồng nghiệp có lương tâm, những người này đâu có phải là đảng viên, đâu có phải là người trí thức chân chính.

Chỉ mới nêu một vài ví dụ nhỏ như trên, thử hỏi trong đảng, hiện nay, còn bao nhiêu người là đảng viên chân chính???
                              
Nếu không sửa đổi, với một đảng như vậy, liệu có đủ uy tín để lãnh đạo đất nước???
Ảnh: Ông Lê Hiếu Đằng - Một đảng viên đã công khai ra khỏi đảng.

4 nhận xét :

  1. “Cách đây bốn, năm mươi năm, VN và Hàn Quốc có trình độ phát triển
    tương đương. Sau mấy mươi năm, tôi rà lại tư liệu thấy Hàn Quốc hiện có
    khoảng 90.000 người sống tại VN và VN cũng có 90.000 người sống ở Hàn
    Quốc. Chỉ khác nhau ở chỗ hầu hết người Hàn Quốc tại VN làm ông chủ, làm
    quản lý, còn người VN ở Hàn Quốc thì chủ yếu làm ôsin. Nghe mà xót
    lòng” – Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư. trăn trở.

    Trả lờiXóa
  2. Bây giờ vào Đảng với mục đích lý tưởng "phụng sự tổ quốc, phụng sự đồng bào, đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết. Là đảng viên phải tuyệt đối gương mẫu trước dân, người dân nhìn vào đó để tin tưởng. Là đảng viên nói đi đôi với làm, không sống giả dối, không lừa nhân dân, thực hiện tốt tất cả những điều người dân yêu cầu v.v…" có lẽ hầu như không còn nữa, mà vào Đảng chủ yếu để có cơ hội được cất nhắc bổ nhiệm, đề bạt vào vị trí lãnh đạo; để thăng quan tiến chức; để tồn tại ở những vị trí công việc nhất định (có những vị trí chỉ khi là đảng viên mới được làm). Còn tại sao nhiều người không thiết tha gì với Đảng nữa nhưng không ra khỏi Đảng thì có rất nhiều lý do mà chủ yếu là những lý do sau: Sợ ảnh hưởng đến gia đình, vợ con, anh em ruột thịt, cháu chắt; sợ bị quy kết thế này thế nọ rồi bị mọi người dè bỉu xa lánh là có vấn đề gì; sợ bị trả thù; sợ mất quyền lợi ( kể cả những người đã nghỉ hưu như khi ốm đau hoặc mất được chi bộ thăm hỏi, điếu phúng, rồi nhận huy hiệu 30,40,50...tuổi đảng v.v..), sợ không có tổ chức đoàn thể nào để tham gia cho vui tuổi già v.v...Nếu có nhiều tổ chức đoàn thể, hội tự nguyện và được tự do tham gia theo đúng ý nguyện thì chắc chắn rằng nhiều người sẽ bỏ đảng để đến với các tổ chức khác.

    Trả lờiXóa
  3. Gia nhập ĐcsVN như một cuộc hôn nhân . Yêu thì cưới. Hết yêu thì li dị . Nhưng Đ là người chồng hay người vợ ? Bây giờ nhiều cặp vợ chồng trẻ nhất là giới có học li dị nhau nhiều . Việc bỏ Đảng có lẽ cũng không khác mấy !

    Trả lờiXóa
  4. Nhiều loại đảng viên trong một đảng thế thì nên tách ra làm nhiều đảng đi cho dân dễ phân biệt. Đảng tốt thì sẽ không dung nạp thằng xấu. Đó là quy luật tiếp nhận và đào thải. Còn chỉ có một đảng mà nhiều loại đảng viên, người "là đảng viên nhưng mà tốt" thì lại chiếm số ít thì trước sau cũng bị cô lập, để rồi bức bối đến lập dị nói theo kiểu Xuân Tóc Đỏ "chẳng được cái nước mẹ gì"

    Trả lờiXóa