Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Lê Quang Vinh: ĐÁM TANG BÀ NỘI TÔI, NGHỊCH LÝ TRONG CCRĐ


ĐÁM TANG MỆ NỘI TÔI,
NGHICH LÝ TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Lê Quang Vinh
Lời dẫn của Nhà thơ Ngô Minh: Bạn đọc thân mến. Nhà báo Lê Quang Vinh quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, là phóng viên ảnh báo Thương Mại cũng tôi mười mấy năm liền. Nhưng năm ấy tôi không hề nghe anh kể chuyện CCRĐ. Những ngày căn phẫn bọn Tàu Khựa ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam anh mới nhớ lại. Thì ra  cái  đại họa “Cải cách ruộng đất” là từ các “đồng chí” Trung Quốc. Bọn “Đội” CCRĐ chính là bọn Hồng vệ binh của Mao Trạch Đông sau này đã giết hàng chục triệu người Trung Quốc

Lê Quang Vinh viết: “Hàng vạn sinh linh, trong đó có những người con ưu tú của dân tộc bị hành hạ, tiêu diệt. Làng tôi có ông Nghè Cơ (tên thật Nguyễn Bá Ky - Bí danh hoạt động CM là "Vĩnh Khang") – Nhạc phụ của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên bị “Cải cách ruộng đất” quy “địa chủ”, “phản động”, “cường hào gian ác” và bị xử bắn ngay nơi chỗ Mệ Nội tôi nằm là bãi Hói Nại. Cách đây 2 năm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã có Quyết định công nhận "Cán bộ lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa" cho ông Nghè (Liệt sĩ, Đảng viên Đảng Lao động – nay là ĐCS). Bi kịch trong “Cải cách ruộng đất” đã thành bi kịch toàn xã hội miền Bắc thời đó . Mỗi gia đình vốn tử tế bị nó làm cho vô luân, hư nát, tệ hại  Tôi kể lại cái chết và đám tang Mệ Nội ( bà nội) tôi, như một sự cảnh tỉnh: giặc Tàu đã dùng người Việt tiêu diệt người Việt, xã hội VN vô cùng tài giỏi. Tổn hại của “Cải cách ruộng đất” lớn hơn rất nhiều lần những tổn hại trong kháng chiến chống Pháp về người và của, đặc biệt luân thường đạo lý và xã hội. Hậu quả bi thương của hàng triệu gia đình còn nguyên đó cho tới hôm nay. Chúng ta không chỉ đấu tranh kiên cường giành lại Hoàng Sa bảo vệ Trường Sa; chúng ta cần tránh xa, cảnh giác cao hơn những âm mưu “diễn biến hòa bình” từ những người “Cộng sản” Tàu
Đó chính là “Lực lượng thù địch” đích thực đối với dân tộc VN và những người CSVN. Tôi thấy ở lĩnh vực này, nhân dân đã tiên phong, tĩnh táo và cảnh giác hơn các những người lãnh đạo”.  
Xin giới thiệu bài bài viết của nhà báo Lê Quang Vinh về câu chuyện bi thương này để bạn đọc cùng chia sẻ.
#
Gần giữa tháng 3 ta rồi, nhưng thời tiết ở quê vẫn còn mát mẻ. Khoảng hơn 4 giờ chiều, ngày13/3/Bính Thân (23/4/1956), tôi đon đả từ chợ Trường về nhà Mệ Nội (Chợ Hòa Ninh khi xưa nằm bên cạnh trường học do ông Xu Phiến xây cất từ thiện cho làng nên thường gọi là “Chợ Trường”). Không biết trời đất xui khiến thế nào ấy, nên dường như đôi chân tôi cứ thế vô tư rảo bước mà chả thấy mệt, dầu cả ngày bụng lép kẹp đói đến cồn cào. Định vào đây, sẽ trèo lên tra (gác nhà) lấy trộm một ít tiền ken của Mệ để đánh đáo (Tiền do Pháp đúc chủ yếu bằng kim loại chì và kẽm thời Pháp thuộc, một mặt có chữ Pháp và một mặt có chữ Nam, vào thời đó bị vô hiệu không tiêu được nữa; nhưng Mệ vẫn cất giữ cả một dãy cót, với khối lượng ước tới hàng nghìn, chục nghìn quan).  Tới nhà Mệ, tôi bước qua kẹt cửa (bục cửa) để vào nhà. Thấy mệ Nội nằm sóng soài trên tấm ván bổ (Tấm ván to ghép khoảng 3 - 4 tấm ván mỏng với nhau dùng thưng che cửa). Tôi thầm nghĩ, chắc giờ này Mệ đang ngủ… Tôi rón rén tới nơi Mệ nằm. Ở dưới đất phía bên phải gần đầu Mệ, thấy một nửa chiếc bánh tráng (bánh đa đã nướng) để trong chiếc nón rách ngửa mặt, tôi định đưa tay bẻ xin Mệ một meéng (miếng - tiếng Hòa Ninh) ăn cho đỡ đói. Nhưng linh tính thế nào, tay tôi tự nhiên rụt lại và miệng thì lạc giọng gọi thất thanh mấy tiếng liền: “Mệ ơi! Mệ ơi! Mệ ơi!”…Lúc này, cả người đã như tá hỏa, tôi thất thần chợt nhận ra Mệ chết mất rồi! Tôi nhào xuống nhà ngang để gọi thím Toàn, nhưng không ai có nhà. Cứ thế, tôi câm lặng lao nhanh về nhà và gặp Mự ngay ở sân. Tôi la lớn: “Mệ chết! Mệ chết! Mệ chết rồi…” Thế là cả nhà gồm Mự, ả Liệu, ả Lài cùng chạy ào ra nhà Mệ.  Một chốc sau, mọi người như O Trợ Dịu (con gái duy nhất của Mệ), ông Câu Đằng (là em trai Mệ) và mấy người nữa cũng kịp tới.
Lúc này, tôi mới hoàn hồn để nhìn kỹ Mệ đang nằm đó. Vì bị quy “địa chủ” nên giường, phản, mọi đồ vậy… bị “Đội cải cách” tịch thu hết, Mệ đành phải ngả tấm cửa bổ ra trên nền đất để nằm.  Hình ảnh Mệ nằm đó gầy tong teo, mái tóc bạc trắng, hai cục xương bên hai thái dương nhô cao vì chỉ còn da bọc, hai má hỏm sâu bởi hai hàm răng không còn chiếc nào. Người Mệ lọt thỏm trong bộ đồ thao (vải tơ tằm) màu bàng bạc ngã vàng, đã rách mấy chỗ, mình nằm ngửa trên tấm ván bổ trệt sát nền nhà. Đôi mắt Mệ nhắm nghiền, ráo hoảnh, như đang hướng lên trên trời cao… Sau này, có mấy người ngoài chợ Trường nói lại với Mự tôi: Chiều ấy, vào đầu buổi chợ, Mệ ra đây và được ai đó cho nửa chiếc bánh tráng. (Nay tôi không còn nhớ tên nữa, nhưng là người trên Thành – bà con bên Công giáo, rất nhiều người nghĩa tình lắm). Người này cũng sợ liên lụy với “địa chủ” nên sau khi cho bánh liền ra hiệu để Mệ  chạy đi, rồi hô hoán là “mụ tra ăn cướp”, “mụ tra ăn cướp”! Cố nhiên, không có ai đuổi theo bắt “con địa chủ già” ăn cướp. 
Được nửa chiếc bánh tráng trong tay, Mệ bò nhanh về nhà. Khi tới nhà, Mệ đã kiệt sức do đói, không thể ăn được vì không còn răng. Ở tuổi gần 80 và tình trạng Mệ hiện tại thì ăn bánh tráng là phải ngậm từng mẩu nhỏ thật lâu trong mồm cho mềm ra mới nuốt được. Do đó mà Mệ đã bị luội sức đi trước rồi, giờ chết tức tưởi như vậy. Chết bên nửa chiếc bánh tráng chợ Trường!
Mệ chết đói bên cạnh nửa chiếc bánh tráng còn nguyên. Lúc này nửa chiếc bánh ấy có thể cứu sống Mệ nhưng nó đã như nửa vầng trăng khá xa, vầng trăng khuyết tận trên trời cao. Ôi cái bi thương khủng khiếp của kiếp người như Mệ cả thế gian này liệu có ai không? Tai ương của “Cải cách ruộng đất”, nó tàn ác như vậy!   
#
Một tên địa chủ chết, lập tức phải đưa chôn ngay. Phải tống khứ ra khỏi làng càng sớm càng tốt kẻ “bóc lột” này. Sợ con ma “địa chủ” trả thù hay sao mà lệnh của “Ủy ban hành chính xã” và “Đội Cải cách” được thực thi ngay trong đêm 23/4/1956.  Xã bắt những người bị quy “địa chủ” và con cái họ, tới để đưa đám. Những người đàn ông mặt xác xơ do thiếu đói thì đào huyệt mộ, những người đàn bà thì khiêng linh cữu. Theo trí nhớ của chị Liệu (chị gái tôi), có các bà và chị sau khiêng linh cữu: Mệ Huyên (mụ mọn của ông cụ Bản), Mự tôi, ả Liệu, hai ả Huệ và Hoe (con ông Trợ Đản), ả Hoàn (con mệ Thông Nhít), O Trợ Dịu. Người em ruột duy nhất của Mệ là ông Câu Đằng lo khâm liệm.  Đám tang không có lấy một nén nhang, ngọn nến để đốt, may mà có ánh trăng. Đã là “mười ba” âm, nên trăng khá đầy và sáng. Dưới ánh trăng, Mự tôi thở hổn hển cùng những người đàn bà già và mấy chị yếu ớt, chân mọi người như ríu lại bước thấp bước cao, lê đi rất khó nhọc trong đám đưa thê lương...        
Chừng ấy con người mà khiêng cỗ linh cữu được đóng bằng ván gỗ vàng tâm rất dày nên khá nặng; lại phải mò mẫm khiêng đi trong đêm khiến linh cữu nhiều lần bị vấp lên vấp xuống, ì à ì ạch suốt cả giờ mới tới nơi chôn cất ở bãi Hói Nại (ngoài bờ sông Hòa Ninh, xế bên kia là thôn Vĩnh Phước).  Thật trớ trêu là người ta ra lệnh chỉ những tên địa chủ là phải tới đưa tên địa chủ đã chết ra bãi đất hoang bên sông chôn chứ không được chôn trong nội đồng. Ruộng nội đồng được chia cho nông dân cả rồi, địa chủ không thể có một “dằm đất để cắm dùi” chứ đùng nói tới được chôn cất. Nơi Mệ nằm thế này, ngày xưa cùng lắm chỉ chôn cất những người gọi là “tứ cố vô thân”, những kẻ “ăn mày”, hoặc dân “Xuân Hồi” vô gia cư…Mỗi lần thủy triều lên (khi chưa đắp đê Cửa Hác), nước mặn dâng ngập cả bãi sình mom sông này. Nhà thím Lai là con dâu của Mệ còn mấy đám ruộng vốn được Mệ chia cho từ trước, tuy có liên lụy với địa chủ nhưng vẫn được ân phước là thành phần "nông dân" – vì thế nên Mệ không được chôn ở ruộng nhà thím ấy, nhà “nông dân”!  Chị Liệu vẫn còn nhớ rành rọt, Mự sai ra nhà thím Lai để gọi đi đưa Mệ, nhưng thím ấy “sợ” nên dứt khoát không đi; cả nhà  mấy đứa cháu nội vì thế cũng không đi. Sau này, Mự tôi cũng nhiều lần kể lại như vậy. Thím Lai vốn tốt với mẹ chồng, nhưng “Cải cách” nó làm cho thím ấy phải chịu tệ như vậy.   Ở thời đó, trong làng Hòa Ninh, không ít người con đấu tố cha mẹ ruột mình mà. Như anh Mừng, chồng o Hòa con mệ hội Huyến có họ hàng nội thân với Mệ, đấu tố cha mạnh tay quá làm rách mí mắt ông Lý Pháp (thầy dạy tôi thời “vỡ lòng”). Ông Ngoại tôi, Cụ Ngô Nhật Tuyên ở bên Phường, cũng bị thằng cháu ngoại là con trai người con gái cả Ngô Thị Nậy, tên là Nhuyền, đã dơ nắm đấm dí vào mặt ông ngoại mình đấu tố. Hắn còn vặt râu ông và quát lớn: “Mi biết tau (tao) là ai không?
Bi kịch trong Cải cách ruộng đất đã thành bi kịch toàn xã hội miền Bắc thời đó chứ không còn là sự bất hiếu riêng rẻ trong mỗi gia đình vốn tử tế, đã bị nó làm cho vô luân, hư nát, tệ hại đến vậy. Thật ngao ngán. Nói thêm về chiếc áo quan của Mệ. Trước biến cố “Cải cách ruộng đất” 1954 mấy năm, Mệ đã chuẩn bị “hậu sự” cho mình vì đã ngoài 70 tuổi. Bởi thế nên Mệ đã thuê thợ mộc ở làng là ông Tri Cầu chuyên buôn gỗ và có xưởng mộc, đóng cỗ quan tài bằng gỗ “vàng tâm” – thứ gỗ quý chịu nước nằm trong đất lâu năm khó hoai, để sẵn trong nhà. Tôi nhớ rõ cỗ quan tài đặt ngay gian giữa nhà, theo thời gian đã lên nước vàng ươm. Cả 4 tấm là 4 phiến gỗ nuột nà; hai đầu chạm khắc hoa văn cẩn thận, một đầu chữ “thượng”, một đầu chữ “hạ” theo lối chữ nho; ván “thiên” dày khoảng 1 gang tay. Cả chiếc áo quan to, bề thế hiếm thấy vào thời đó. Đến mùa, Mệ và thím Toàn thường chứa thóc trong cỗ áo.  Hôm bốc mộ Mệ là một ngày mùa hè nắng to, khoảng năm 1960 -1961. Khi quật lên, thấy rõ mồm một quan tài Mệ bị chôn nghiêng. Nghiêng nhiều lắm. Nghiêng ra phía rào (bờ sông). Không thể trách ai được, vì tình thế đưa đám Mệ diễn ra cực kỳ bất cập như vậy, quan tài không bị nghiêng lệch mới là lạ.    Mở nắp quan tài, tôi thấy nước dâng lên hơn phân nửa, rặt một màu vàng do đất mặn nhiễm nhiều phèn. Phía trên mặt nổi lềnh phềnh tấm áo còn nguyên sắc đỏ và vàng (áo 2 lớp, lớp ngoài là gấm màu đỏ, lớp trong là lụa tơ tằm màu vàng). Chiếc áo gấm Mệ đã cất giấu vô cùng tài tình, cốt cán của đội “Cải cách” không lấy được nên khi qua đời còn có mà mặc cho Mệ. Tới bây giờ, tôi vẫn không thể nghĩ và hình dung được là làm sao mệ cất giữ an toàn chiếc áo gấm này trước quân ăn cướp, vô lương của Cải cách ruộng đất? Những thằng được phong lên làm “cốt cán” là những đứa vô học, trợn trạc, lưu manh nhất làng nên luôn ranh mãnh và hung dữ lắm, mà nó “chịu thua” không thu được chiếc áo dài của Mệ tôi là quá lạ kỳ. Nhưng nghĩ kỹ lại, bọn này vẫn còn "nhân đạo", chứ sao chiếc áo quan quý nằm chềnh ềnh giữa nhà thế mà không bị "tịch thu"? Chắc áo quan là “danh mục” bị chính quyền cấp trên cấm đụng vào vì “kiêng kỵ” hay sao đó. Cũng có thể, chính quyền muốn tỏ ra có “văn hóa”, có “đạo đức” nên không táng tận đến cỡ để cấp cơ sở đàn em phải đụng tay đụng chân đến thứ mà những ông bà già nua sắp sẵn cái chết cho mình?
Mệ Nội tôi - Cụ Đoàn Thị Diệp, là con gái cả một gia đình họ Đoàn có truyền thống học hành - đỗ đạt. Là người phụ nữ đẹp, giỏi dang, ham làm giàu và ở phương diện này khá thành công. Cả đời Mệ luôn siêng năng tần tảo, căn cơ và tằn tiện. Nhờ đức tính đó mà với hai bàn tay trắng đã gây dựng nên cơ nghiệp, để lại cho mỗi người con một phần di sản của mình làm ra. Chồng mất sớm, một tay cụ gây dựng cho 5 người con, cả trai lẫn gái, người nào cũng nhà ngói, ruộng vườn và trở thành một trong những gia đình giàu có bậc nhất trong làng.Ngôi nhà rường bằng gỗ gụ, với bao đường nét chạm khắc tinh xảo, cụ mua của một ông quan từ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) về dựng cho con trai Lê Duy Xinh, hiện vẫn còn nguyên vẹn ở làng.
Thật rất nghịch lý, một gia đình giàu có, đông con cháu, thế mà đại họa “Cải cách ruộng đất” rước từ Tàu về, đã đẩy Mệ tôi và hàng chục vạn người khác, trong đó có nhiều người kháng chiến cũ, có công với cách mạng tới cái chết vô cùng bi thương như vậy. Tội nghiệp Mệ quá Mệ ơi!
Hà Nội, ngày Biển Đông dậy sóng 
11/5/2014 
Cháu nội Lê Quang Vinh


1 nhận xét :

  1. Trời cao đất dày! Anh linh Tiền liệt, hồn thiêng sông núi ngó xuống mà xem bọn việt cộng cải cách ruộng đất đã tàn hại dã man biết bao đồng bào miền bắc ruột thịt vô tội. Tội ác nầy đồng bào hãy ghi nhớ, và truyền lại cho các thế hệ con cháu sau nầy ghi nhớ, để đừng bao giờ quên dã tâm thú vật của chúng. Tội ác tày trời mà mới đây chúng còn khơi gợi lại nỗi đau, giày xéo lên sức chịu đựng nhẫn nhục của người dân miền bắc qua cái gọi là "triễn lãm" về CCRĐ vừa qua.

    Trả lờiXóa