Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Thư giãn cuối tuần: GHẾ THÌ ÍT, ĐÍT THÌ NHIỀU


Ghế thì ít, đít thì nhiều



TIẾN SĨ TẬP ĐẾM
Truyện ngắn của VŨ ĐẢM
Tôi mở tung cửa sổ, nắng ban mai ùa vào soi rọi trên tấm bằng tiến sĩ còn thơm phức mùi mực như soi rọi vào bầu nhiệt huyết khoa học của tôi, tôi mải mê với thành tựu mà mình đạt được bằng tài năng và sự lao động đến quên mình nên không hay biết ông trưởng phòng tổ chức đang mỉm cười sau lưng:
- Xin chúc mừng tiến sĩ trẻ nhất Viện ta!
Tôi ấp úng:
- Dạ, em cũng đã 40 tuổi rồi chả còn trẻ gì nữa ạ!
- Nhưng dẫu sao cậu cũng là tiến sĩ có tuổi đời trẻ nhất, dù cái nhất ấy có là U50 hay U70.
Ông nháy mắt cười thân thiện với tôi rồi bật mí cho tôi biết cái tin bí mật mà mới chỉ ông và ông viện trưởng được biết:
- Cậu sắp được đề bạt làm Phó viện trưởng!
Tôi nhổm dậy hỏi ông:
-   Sao? Anh nói gì em không hiểu?
Tôi há mồm, giương đôi mắt qua cặp kính cận năm đi-ốp lên nhìn ông trưởng phòng tổ chức. Rồi như để tăng thêm sự hồi hộp trong tôi, ông bảo tin mật, tuyệt mật, chớ hé miệng với ai kẻo nhiều kẻ đố kỵ tìm cách phá thối. Ông bảo tôi vừa đỗ tiến sĩ thì có ngay tiến sĩ phù hộ, tôi hỏi ông tiến sĩ nào phù hộ tôi. Ông trưởng phòng, à à, chả là vừa rồi ông viện trưởng có đưa cháu nội vào sờ đầu cụ rùa ở Văn miếu- Quốc tử giám để lấy may trong kỳ thi đại học, ông rất tâm đắc lời cha ông khắc trên bia đá” Hiền tài là nguyên khí quốc gia...” nên ông đã dự định đề bạt tôi làm Phó viện trưởng. Ôi, thì ra là các tiến sĩ ngày xưa đã ủng hộ tôi- ông tiến sĩ ngày nay là như vậy. Tôi cũng đã từng đến Văn miếu- Quốc tử giám, cũng đã thắp hương cho Khổng Tử và đại thần- nhà giáo Chu Văn An, tôi chỉ vái để tỏ lòng thành kính mà tuyệt nhiên không cầu xin điều gì, kể cả cái chức Phó viện trưởng mà có nằm mơ tôi cũng chẳng dám mơ đến. Vậy mà tấm bia khắc ghi lời của tiến sĩ triều Lê - cụ Thân Nhân Trung đã làm cho ông viện trưởng trọng dụng tôi. Tôi quá bất ngờ và xúc động, đi lên phòng ông viện trưởng để cảm ơn. Ông viện trưởng vỗ vai tôi thân mật nói rằng tôi là một tài năng trẻ. Tuổi trẻ thông minh, nhiệt huyết, đầy hoài bảo nếu không biết trọng dụng thì sẽ phí phạm; còn già rồi mới được trọng dụng thì khác nào cây gỗ già đã mục rỗng lại đem ra tạc tượng? Rồi ông xòe bàn tay, xoa xoa ngón tay cái vào mấy ngón kia:
- Nhưng ở đời cũng phải biết hài hòa cậu ạ! 
Tôi nghĩ hai tiếng hài hòa ông chỉ bảo có nghĩa là đã làm viện phó rồi thì phải biết đối nhân xử thế sao cho hài hòa trên- dưới nên tôi đáp vâng ạ. Ông bảo tốt lắm, tốt lắm, sẽ có quyết định ngay!
Chủ nhật, vợ tôi thuê hẳn một chuyến xe chở cả nhà về quê để ra mộ cụ tổ đặt lễ tạ ơn tổ tiên đã phù hộ cho tôi được công thành danh toại.Mộ tổ họ Bùi của tôi đặt ở cánh đồng làng, vợ tôi lấy gà luộc, xôi, hoa quả, giấy tiền, rược mang sẵn từ thủ đô đặt lên mộ tổ. Tôi thắp hương, vợ và hai con đứng hai bên. Tôi khấn thầm trong miệng, rằng con là Bùi Thanh, hiện ở số nhà 99, ngõ 198, phố P , Hà Nội xin có nén hương thơm kính dâng lên cụ tổ đã linh thiêng phù hộ độ trì cho con được đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng. Tôi chỉ khấn có vậy, còn vợ tôi khấn dài hơn, tôi nghe loáng thoáng thấy kính mong cụ tổ phù hộ cho vợ chồng con cái chúng con được luôn luôn mạnh khỏe, mọi tai qua nạn khỏi, chồng con khỏi được bệnh trĩ mãn tính; gia đình làm ăn phát đạt giàu sang phú quí, chồng con làm viện phó yên ổn được vài năm thì thăng lên chức viện trưởng. 
Tôi suýt kêu lên, ôi trời viện phó còn chưa chắc đã đòi đến viện trưởng. Đúng là lòng tham của đàn bà còn sâu hơn cả vực thẳm. Không chỉ đánh giá về lòng tham mà tôi có thể khẳng định rằng trong việc tín ngưỡng thì phụ nữ là bậc thầy của nam giới, chính vì vậy mà ngay sau khi trở về Hà Nội, vợ tôi đã giục tôi đi xe máy đến Văn miếu- Quốc tử giám để thắp hương cho các tiến sĩ tiền bối. Vợ tôi bảo ngoài việc tổ tiên phù hộ thì chính các tiến sĩ trong Văn miếu cũng đã gián tiếp phù hộ cho tôi, vì nếu không có tấm bia đá khắc ghi lời dạy của tiến sĩ Thân Nhân Trung thì làm sao ông viện trưởng của tôi lại nảy ra sáng kiến trọng dụng tôi trong cái thời buổi ghế thì ít mà đít thì nhiều này. Tôi bảo bây giờ đi xe máy lên Văn miếu mệt lắm, để mai hãy đi. Vợ tôi bảo không thể thế được, để đến mai nhỡ các cụ tiến sĩ giận, bảo tôi coi các cụ nhà mình hơn các cụ tiến sĩ, các cụ tiến sĩ sẽ đòi lại cái chức phó viện trưởng, thậm chí tước luôn cái bằng tiến sĩ cũng nên. Tôi bảo cái chức thì các cụ tiến sĩ có thể thu hồi còn cái bằng tiến sĩ tôi làm nên bằng năng lực của mình như các cụ ngày xưa chứ không phải bằng tiền nên các cụ không thể vô cớ thu hồi của tôi thông qua con đường tâm linh được. Tôi đi lên tầng hai, chưa đầy mười phút đã thấy xe tắc-xi lù lù đầu cổng. Mọi khi dù có đưa vợ đi khám bệnh, vợ tôi cũng bảo tôi đèo đi bằng xe máy cho tiết kiệm, thế mà bây giờ gọi ngay tắc-xi thì tôi chỉ còn nước leo lên xe cho nó chở đến Văn miếu.
Quả là có thờ có thiêng, sáng thứ hai ông trưởng phòng tổ chức gọi tôi lên phòng chìa cho tôi xem quyết định bổ nhiệm; tôi dán mắt và đọc mấy dòng chữ trong quyết định và dừng lại rất lâu ở dòng chữ “ Căn cứ vào năng lực và phẩm chất đạo đức của ông Bùi Thanh...”. Ông trưởng phòng bảo ổn rồi, quyết định sẽ được trao trong một ngày gần đây.
Buổi chiều đi làm về tôi nói với vợ đã có quyết định chính thức và được trao vào ngày gần đây, khuôn mặt vốn héo hắt vì lo toan của vợ tôi rạng rỡ hẳn lên. Rồi vợ tôi ra một quyết định đến tôi cũng ngạc nhiên là gọi tắc- xi đưa cả nhà đi ăn chả cá Lã vọng. Mười mấy năm lam lũ, bóp mồm bóp miệng rồi, nay nhân thể tôi được thăng quan tiến chức cũng phải xem cái thứ đặc sản Hà Nội này nó thế nào. Chưa hết ngạc nhiên vì chả cá Lã vọng thì hai hôm sau tôi đón tiếp sự ngạc nhiên hơn nữa. Đúng cái lúc tôi mặc quần đùi, áo may ô đi ngủ thì vợ tôi mang từ dưới lên hai bộ comle mới tinh, một bộ màu mận chín, một bộ xanh đen, kèm theo hai chiếc càvạt, một màu đỏ, một màu kem. Không cần vợ giải thích, tôi hiểu ngay, vợ tôi chuẩn bị mọi thứ để tôi bước vào cuộc sống quan chức.
Tôi vốn có thói quen đến công sở với bộ quần áo khi thì quần bò, áo phông, khi thì quần áo không đóng thùng cho nó thoải mái. Giờ phải thường xuyên comle, càvạt, khó chịu đây nhưng phải hài hòa thôi. Tôi mặc thử hai bộ comle, vừa in, thì ra trong lúc tôi ngủ say, vợ tôi đã bật đèn ngủ, lấy số đo chuẩn xác của tôi. Thắt xong chiếc càvạt, vợ tôi bắt tôi xoay bên trái, xoay bên phải, khen tôi mặc comle, đeo càvạt trông trí thức, đẹp trai hơn. Tôi thật sự cảm động trước sự quan tâm của vợ, hai bộ comle loại vải ngoại tốt thế này không dưới năm triệu một bộ, mà lương hai vợ chồng tôi cộng lại cũng chỉ sem sém mười triệu, vợ tôi phải co kéo lắm mới đủ sống. Thế mà cùng một lúc may cho tôi hai bộ comle, tôi định hỏi vợ lấy tiền đâu ra để may comle cho tôi nhưng lại thôi, sợ làm vợ mất đi cái hân hoan khi ngắm chồng bảnh bao trong bộ comle mới. Không hỏi nhưng trong đầu tôi vẫn suy đoán, chắc là vợ tôi vay mượn hoặc ky cóp tiết kiệm. Đêm ấy tôi ân ái với vợ, vợ tôi hạnh phúc, mãn nguyện hơn cả trong đêm tân hôn.
Tôi bắt đầu đi đến cơ quan với trạng thái đi nhẹ, nói khẽ, mỗi khi ho hay hắt xì hơi là phải lấy tay che miệng chứ không được tự do như trước kia. Gặp lãnh đạo, từ cấp trưởng phòng trở lên là tôi cúi đầu chào từ xa; gặp đồng nghiệp, nhân viên từ anh bảo vệ tôi vốn khinh bỉ đến chị dọn vệ sinh tôi cũng nở nụ cười với cái bắt tay thân thiết. Mặc dù tôi đã tuyệt đối tuân thủ theo lời dặn dò của ông trưởng phòng tổ chức là phải bí mật đến phút chót để tránh bị phá thối, điều này tôi cũng thấy rất quan trọng bởi trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp cười ra nước mắt khi được đề bạt. Anh bạn tôi làm ở tỉnh nọ, tài đức vẹn toàn, được dự kiến đề bạt lên Phó sở thế là đơn nặc danh gửi tới tấp lên sở nội vụ, ủy ban nhân dân tỉnh, ban tổ chức tỉnh ủy kiện vì tội nghe nói trước kia đi nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Mỹ đã từng yêu một cô gái con một Việt kiều thuộc thành phần chống đối hồi trước năm 75. Đơn chỉ là nặc danh, chuyện lại không có thật nhưng ai sang Mỹ mà xác minh được? Thế là việc đề bạt bị đình lại. Mà xa xôi gì, đứa em họ tôi cũng tiến sĩ, làm ở văn phòng cơ quan Bộ, được đề bạt làm trưởng phòng thôi nhưng tai bay vạ gió chả hiểu kẻ nào trong cơ quan viết một cái tiểu phẩm đăng báo nói về tật hay ngủ gật của chánh văn phòng, ký tên K.T, mà em họ tôi lại tên là Bùi Khánh Thành nên bị qui vào tội bôi xấu lãnh đạo. Và đương nhiên cái chức trưởng phòng của cậu em tôi cũng mãi mãi chỉ là dự kiến.
Tôi đã rất bí mật nhưng thông tin về việc tôi sắp được đề bạt làm phó viện trưởng cũng vẫn bị lò rỉ. Thông tin róc rách đến đâu thì sự tác động cũng lan theo tới đó. Trước đây, ông trưởng phòng của tôi thù ghét tôi đến độ không năm nào bình bầu tôi là lao động tiên tiến, cũng không bao giờ có việc gì quan trọng mà ông giao cho tôi mặc dù tôi thừa năng lực để làm tốt những việc đó. Chính vì rỗi rãi thế nên tôi bí mật xin đi ôn thi nghiên cứu sinh, lúc đầu nghĩ đi thi cho biết chứ nào ngờ mình thi đỗ, lại đỗ hàng đầu, thế là đi học. 
Ông trưởng phòng ghét tôi vì có lần tôi nói với mấy người trong phòng rằng, không thể hiểu nổi một tiến sĩ, một trưởng phòng lại ngu đến mức không viết nổi một cái báo cáo khoa học. Mọi người cười ầm lên, lúc đó ông trưởng phòng từ phòng ông đi sang, thấy có tiếng cười nói, ông đứng thập thò ngoài cửa nên ông nghe thấy được lời tôi nói, thế là từ đó ông căm thù và trả thù tôi. Nhưng dạo này ông hay gọi tôi sang phòng ông uống trà lắm, thậm chí còn rủ tôi đi ăn trưa. Trong những lúc tà dư tửu hậu ông khen tôi là người thông minh, quyết đoán, sống ngay thẳng hay quan tâm đến mọi người, đó là những tố chất của một người lãnh đạo rất cần trong xã hội hiện đại ngày nay. Ngay cả anh bảo vệ cũng có sự thay đổi đến ngạc nhiên. Anh bảo vệ là người dân quê miền Trung, học mới chỉ hết lớp bảy, ở nhà hay rượu chè cờ bạc nên được ông thứ trưởng là cậu ruột gửi vào cơ quan tôi để tránh tệ nạn xã hội. Cơ quan tôi là cơ quan khoa học, toàn những người có học thức, tưởng gần” đèn’ thì sáng nhưng anh bảo vệ vẫn chứng nào tật nấy, vẫn văng tục, ngồi xổm, nhổ nước bọt đánh toẹt trước mặt mọi người; anh cậy thế là cháu của thứ trưởng nên ngoài hai ông viện trưởng và viện phó, anh nể sợ còn thì anh coi thường tất. Nhiều người góp ý với ông viện trưởng nhưng ông chỉ ừ hữ mà chả dám kỷ luật anh bảo vệ vì ông không muốn mất lòng ông thứ trưởng. Mặc dù chỉ làm chân bảo vệ nhưng mọi người trong cơ quan đều bảo, anh bảo vệ là người có quyền lực thứ ba. Ai vào cổng mà quên tắt xe máy là anh quát; ai dựng xe không vừa mắt anh là anh quát; khách đến liên hệ công tác, chưa kịp xuất trình giấy tờ là anh hất hàm: Hỏi ai? Đến làm gì? Đã có lần tôi chỉ thẳng vào mặt anh bảo vệ, mắng anh ta là kẻ vô học, cậy con ông cháu cha muốn làm gì thì làm à? Anh bảo vệ nhếch mép cười. Chiều ấy, hết giờ làm, tôi ra chỗ để xe máy dắt xe ra. Ô, sao cái xe nặng thế này? Nhìn xuống mới hay bánh xe trước bị xẹp lốp, dắt xe qua cổng thì thấy anh bảo vệ cười đểu đắc thắng. Vậy mà bây giờ, mỗi khi tôi dừng xe trước cổng, anh đã vồn vã chạy ra bảo để anh dắt xe vào hộ.
Chẳng cứ gì ở cơ quan mà thông tin về sự đề bạt của tôi còn bay cả về quê. Hôm về thắp hương cho mộ tổ, tôi chỉ nói với ông trưởng họ là để tạ ơn các cụ đã cho đỗ tiến sĩ chứ không nói gì đến việc sắp được lên chức viện phó. Thế mà chả hiểu sao, ông trưởng họ cùng với hai người nữa lên nhà tôi ở Hà Nội bảo ngày xưa làng có người đỗ trạng nguyên, tiến sĩ phải đem kiệu rước về . Nay tôi không những đỗ tiến sĩ mà còn được phong chức viện phó, họ Bùi sẽ thuê hẳn một chiếc xe hơi đưa tôi về làng rồi làm một trăm mâm cỗ mời cả làng đến ăn mừng; tiền nong cả họ sẽ đóng góp. Tôi nói với ông trưởng họ chớ làm thế cho tốn kém, ông gạt đi, bảo họ Bùi coi trọng cái chữ hơn tiền.
Ông đã nói thế thì tôi là bậc cháu chắt sao dám cãi lại lời ông.
Một tuần, rồi một tháng không thấy gì, sang tháng thứ hai thì cơ quan họp về vấn đề nhân sự. Đúng là công tác tổ chức, bí mật và tuyệt đối bí mật đến thế là cùng, tôi hồi hộp bước vào phòng họp. Tôi nghĩ mọi người sẽ nhìn tôi mỉm cười hoặc không cười thì cũng tỏ ra thân thiện vì tôi sống thẳng thắn, hay giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp; vì tôi có được ngày hôm nay là do năng lực chứ không phải do ô dù, chạy chức chạy quyền.
Ông trưởng phòng tổ chức tuyên bố lý do cuộc họp. Ông phó viện trưởng đọc quyết định bổ nhiệm. Ông viện trưởng trao quyết định. Tôi chết lặng người khi người được bổ nhiệm phó viện trưởng không phải là tôi mà là cử nhân tại chức Lê Tiền, người từng bảo vệ luận án thạc sĩ với cái giá trọn gói ba trăm triệu. Ông viện trưởng nói rằng việc đề bạt ông Tiền ở cái tuổi năm nhăm là cái tuổi có nhiều kinh nghiệm mà kinh nghiệm như một thứ vàng ròng tạc bức tượng sừng sững vào khoa học và cuộc sống. Sau buổi họp, tôi lên phòng ông trưởng phòng tổ chức truy hỏi. Ông xòe bàn tay, xoa xoa ngón cái vào những ngón kia bảo tại tôi không biết hài hòa, đến như đứa cháu ngoại của ông muốn vào được lớp chọn, trường điểm mẫu giáo Mầm non, muốn cạnh tranh được còn phải biết đếm mà phải đếm bằng tiếng Anh: one, two, three... huống hồ tôi học đến tiến sĩ mà không biết đếm thì làm sao trở thành lãnh đạo được?
Tôi quay ra, đầu óc âm âm u u, rồi khi bước xuống cầu thang, chả hiểu sao tôi lại đếm:
- Một bậc, hai bậc, ba bậc... 
V.Đ
 

5 nhận xét :

  1. Sau 75, tiến sĩ thứ thiệt ở Saigon ra vỉa hè bán thuốc lá cuốn , chè đậu đen, vá xe đạp thi61u gì . Có anh Bác sĩ than thở mổ ruột thừa tiền công không bằng anh vá săm xe đạp . Còn cao học, cử nhân đi KT mới trồng mì , làm ruộng thiếu gì . Các vị tiến sĩ bây giờ thiệt hay giả đều có địa vị dù to hay nhỏ cũng là quá hạnh phúc . Lâu lâu được điểm tên tên báo có học vị tiến sĩ đi trước cái tên của mình . Thế là quá danh giá rồi . Hãy biết cám ơn Trời còn để cho nhiều kẻ không có bằng tiến sĩ như mình, để mình hãnh diện ít ra cũng với mẹ cu tí !

    Trả lờiXóa
  2. Ngộ nhất là cái tấm Pano về HỌC THỨC trong bài.
    Chắc cũng tại đứa nào cắt mất nửa chữ L ở dòng trên,
    lại còn bóc mất chữ L ở dòng dưới của bà nữa chứ.

    Trả lờiXóa
  3. Dân Hà Tĩnh mình tiến si dỏm nhiều nhể. Ớn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dỏm nhiều là vì cơ chế bằng cấp làm cho phong trào lấp đầy lí lịch phát triển. Từ đó bằng cấp đều có giá và đ\ực quy ra tiền. Nhiều ông TS, GS thật, nhưng vì nghèo đói nên nhắm mắt đạp lên hai chữ MÔ PHẠM để kiếm chút cháo từ mấy ông quan nhớn quan bé đang có nhu cầu dọn dẹp rác rưởi trong cái lí lịch, bổ sung vào lí lịch bằng sau đại học để có đủ tiêu chí bổ nhiệm. Dân Hà Tĩnh ta có nhiều vị dù mình là GS, TS thật nhưng đào tạo ra nhiều TS dỏm. Như ộng Tr N Đ đào tạo ra một loạt TS bằng thật học giả. kể là ông DTB làm việcc trong cơ quan VKTTC. Nay đã hạ cánh an tòan, về vườn rồi thì tiếp tục môi mép, khoác lác để kiếm tiền.

      Xóa
  4. Thời nay khác gì thời cụ Nguyễn Khuyến: buôn thần, bán thánh, mua bằng cấp, chạy chọt thi cử, rồi mua quan bán chức.

    Trả lờiXóa