Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

TRONG 24.300 TIẾN SĨ, CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI ĐANG LÀM QUAN?

“Quan tiến sĩ” giúp gì cho việc trị nước?

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sĩ. Trong đó chỉ có hơn 9.000 tiến sĩ đang giảng dạy tại các trường. 

Như vậy 15.000 tiến sĩ còn lại không ít người đang làm quan chức. Vấn đề đặt ra ở đây là tấm bằng tiến sĩ giúp gì cho việc lãnh đạo, quản lý đất nước hay nó chỉ làm tăng thêm nạn “tiến sĩ giấy”? Các chuyên gia, nhà phê bình am tường về lĩnh vực nghiên cứu cũng như hành chính công để cùng bàn thảo. 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Tán thành tách rời học vị với địa vị

Tôi cho rằng cái việc đề ra mục tiêu phấn đấu có 20.000 tiến sĩ trong thời gian từ nay đến năm 2020 cũng là xuất phát từ cách hiểu sai quan niệm đào tạo tiến sĩ. Nguy hơn nữa là đòi hỏi “tiến sĩ hóa” đội ngũ công chức của bộ máy nhà nước.
Tiến sĩ là phải nghiên cứu khoa học. Tìm ra được một đề tài, đối tượng có tính khoa học để nghiên cứu không phải là việc dễ dàng, đơn giản. Cho nên tiến sĩ thường gắn với các trường đại học, các viện nghiên cứu - là những nơi có chức năng chính là làm khoa học để giảng dạy và công bố. Việc đòi “tiến sĩ hóa” công chức lại có nguồn gốc từ một quan niệm sai khác nữa: Coi bằng cấp là một căn cứ quan trọng, có tính quyết định trong việc bổ nhiệm quan chức. 

Người Việt Nam háo danh, càng có chức quyền càng háo danh và ở thời loạn bằng cấp như hiện nay, khi các loại bằng cấp từ thấp đến cao đều có thể kiếm được và mua được thì các quan chức càng thích trưng tên họ, chức vụ mình kèm theo học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư. 

Tôi tán thành ý kiến của GS Trần Văn Thọ về việc cần phải kiên quyết tách rời học vị và địa vị, chức vụ, không nên chỉ nhìn vào bằng cấp mà bổ nhiệm. Tại sao có những nước trên thế giới bộ trưởng quốc phòng lại không phải là một nhà binh, cũng như bộ trưởng giáo dục lại không phải là một người có bằng cấp cao? Tại vì những người đứng đầu các bộ đó là lo về quản lý nhà nước lĩnh vực đó, còn các vấn đề chuyên môn đã có các hội đồng chuyên gia. Chừng nào ở ta chưa chấm dứt được việc bổ nhiệm theo bằng cấp thì chừng đó bệnh “loạn tiến sĩ” còn có nguy cơ gia tăng và thêm trầm trọng. 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Quái trạng của nền hành chính 
Việc các quan chức đua nhau làm bằng tiến sĩ là tình trạng quái dị của nền hành chính Việt Nam. Bằng tiến sĩ thực sự đòi hỏi trình độ thâm sâu, khả năng nghiên cứu khoa học thiên bẩm, được hướng dẫn bởi các nhà khoa học thực thụ. Người có bằng tiến sĩ đúng nghĩa phải can qua thời gian dài tôi luyện, quá trình động não liên tục và bền bỉ. Các quan chức làm gì có điều kiện và trình độ như vậy. Họ kiếm bằng tiến sĩ bằng các thủ thuật xấu hổ dựa trên một nền giáo dục đã băng hoại và tha hóa. Và dĩ nhiên là họ chỉ có được bằng dỏm hay nếu bằng thật thì trình độ chỉ có thể là dỏm. Tôi cho đây là một trò đùa xấu hổ và dĩ nhiên là nó chẳng đem lại gì cho xã hội mà ngược lại là một sự phí phạm vô lối, phí phạm thì giờ và ngân sách.
Việc đặt ra tiêu chí bằng cấp một cách chung chung để xác định lương tiền là một sai lầm khó hiểu. Lẽ ra tiêu chí phải chính xác hơn: trình độ nào cho công việc ấy. Và muốn chọn người chính xác phải qua xét tuyển độc lập và thời gian thử nghiệm. Các cơ quan quản lý sẽ không cần trình độ tiến sĩ mà chỉ cần người có trình độ tối thiểu cần thiết và khả năng làm việc hiệu quả.
Chẳng hạn tại Bỉ, các cơ quan nhà nước hay các công ty tư nhân không có chỉ số lương cho bậc tiến sĩ. Chỉ có chỉ số lương cho các bậc thấp hơn: tốt nghiệp cao đẳng, cử nhân, kỹ sư.
Tại các nước tiên tiến, phải có trình độ và kinh nghiệm mới được thu nhận và lương bổng tùy thuộc vào các giá trị cụ thể ấy. Việc tuyển chọn phải công khai, mở ra cho mọi thành phần. Còn Việt Nam ta thì không giống ai: Được bổ nhiệm theo lý lịch thành phần, tín nhiệm theo thân hữu gia tộc rồi mới đi học, học tại chức, học chuyên tu. Trên thực tế là học cho lấy có, đáp ứng yêu cầu hình thức, chẳng thu thập được gì gọi là chuyên môn… 
Ông Trần Đức Cảnh, nguyên thành viên Hội đồng Liên trường ĐH vùng Đông Bắc bang Massaschusetts: Học vị không làm tăng năng suất, giá trị thì vô bổ! 
Tôi từng làm việc cho một cơ quan cấp bộ của một bang ở Mỹ, có khoảng 4.500 nhân sự các cấp. Trong đó khoảng 15% có bằng thạc sĩ, luật sư và bác sĩ, 60% có bằng cử nhân, 25% dưới bậc cử nhân. Có khoảng 10 nhân viên có bằng tiến sĩ nhưng nhu cầu công việc không đòi hỏi bậc tiến sĩ nên chỉ có hai người làm công tác quản lý, còn lại là nhân viên thường thôi.
Điều đó cho thấy tính ứng dụng của nước Mỹ rất cao, đòi hỏi học vấn phải đi đôi với năng lực và công việc cụ thể. Học vị chỉ có giá trị khi có giá trị cộng thêm trong công việc được giao phó, nếu không thì sẽ không được dùng, bất kể là ai hay ở vị trí nào.
Ở Mỹ, học lấy bằng thạc sĩ thì chỉ 1-2 năm. Riêng chương trình tiến sĩ ở Mỹ phải mất đến 4-5 năm. Nó đòi hỏi người học phải bỏ công sức rất nhiều cho việc học, thi và làm nghiên cứu cho luận án. Thống kê cho thấy chỉ có 57% hoàn tất chương trình tiến sĩ sau thời gian 10 năm, riêng ngành xã hội và nhân văn thì chỉ có 49%. Người học phải thật khá và đam mê theo đuổi nó. Do đó không ai bỏ công sức đi học lấy bằng tiến sĩ chỉ vì mấy bậc lương hay một chút hư danh. Tôi nghĩ ở Việt Nam những người có khả năng và đam mê học thuật cũng vậy thôi.
Hầu hết các nước đào tạo bậc tiến sĩ chỉ cho hai mục đích giảng dạy và nghiên cứu, hai lĩnh vực này có sự tương quan một cách tự nhiên. Do đó số lượng tiến sĩ trong các cơ quan nhà nước rất ít, ngoại trừ một số cơ quan liên quan đến việc nghiên cứu như y tế, năng lượng, quốc phòng...
Nếu yêu cầu học vị không gắn liền với nhu cầu công việc, làm tăng năng suất và giá trị thì học vị cao có ích lợi gì. Theo tôi, hầu hết nhu cầu công việc quản lý trong lĩnh vực công và tư chỉ đào tạo đến trình độ thạc sĩ theo mặt bằng của thế giới là tốt lắm rồi. Thậm chí hiệu trưởng các trường đại học và giám đốc bệnh viện cũng chỉ đòi hỏi trình độ thạc sĩ, còn nếu có học vị cao hơn mà có khả năng quản lý thì tốt. 
TS Alan Phan: Mỹ: Muốn có tiền và có quyền thì đừng làm nhà nước 
Có một nghịch lý giữa Việt Nam và Mỹ là ở Việt Nam muốn vô nhà nước là để kiếm tiền và kiếm quyền. Còn ở Mỹ thì cực chẳng đã mới vào làm trong cơ quan nhà nước. Bởi ở đây quyền chẳng có nhiều mà tiền cũng chẳng có. Muốn có được quyền và nhiều tiền thì phải đi ra ngoài làm việc và thành công.
Trong một nền kinh tế sáng tạo thì bằng cấp không có ý nghĩa gì mà cái chính là năng lực. Tất nhiên khi muốn làm công tố viên của chính phủ thì phải có bằng luật sư… nhưng không nhất thiết phải là tiến sĩ. Việc lương cao hay thấp là do năng lực chứ không dựa trên tiêu chí của bằng cấp đại học hay thạc sĩ, tiến sĩ. Bởi cái quan trọng lànếu có bằng tiến sĩ ông ta làm gì với cái bằng đó mới là quan trọng. Còn nếu có bằng tiến sĩ mà ông ấy không làm gì thì cái bằng chẳng có ý nghĩa gì. Nhìn vào Bill Gates, ông ấy có cần bằng tiến sĩ đâu nhưng vẫn đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của đất nước…
Mặc dù bên Mỹ tuy không có tiêu chuẩn gì cho tất cả bằng đại học nhưng ở sáu bang đều có các cơ quan kiểm định xác nhận chất lượng của trường đó. Thường các viện đại học lớn sẽ có khoa thẩm định để bảo đảm chất lượng giáo dục theo đúng tiêu chuẩn tốt. Các hội đồng thẩm định này không do chính phủ kiểm soát mà do các trường đại học kiểm soát lẫn nhau. Vì thế các hội đồng lại càng làm hăng say hơn, vì nếu để lọt trường dở vào thì giá trị thẩm định của các viện đại học đó bị ảnh hưởng. Nên thành ra có ích lợi rất ích kỷ nhưng rất tốt bởi nó phải nâng cao tiêu chuẩn lên.
Và như vậy trường nào ở bang nào thì phải xin đăng ký do ban kiểm định ở bang đó. Nếu không đăng ký hoặc bị các hội đồng này từ chối vì chất lượng thấp thì… bằng đó cũng không có giá trị.

13 nhận xét :

  1. KTS Trần Thanh Vânlúc 09:33 18 tháng 3, 2014

    Tôi xin kể chuyện có thật thế này:
    Cách đây 28 năm, năm 1986, khi tôi đã có Bằng Tốt nghiệp sau Đại học về QUẢN LÝ HỆ THỐNG SINH THÁI VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ở Đức năm 1981 rồi, tôi bỏ ra thời gian 5 năm làm việc và vừa hoàn thành và bảo vệ xong một đề tài NCKH cấp Nhà Nước có tên: SINH THÁI NHÂN VĂN VÙNG ĐÔNG NAM BỘ.
    Theo quy định, lúc đó tôi có thể đăng ký xin bảo vệ đề tài nói trên theo một trình tự khoa học để nhận học vị Tiến sĩ. Nhưng tôi không làm như thế, mà lại nhận một đề tài mới và bắt đầu làm Đề cương nghiên cứu đề tài SINH THÁI ĐÔ THỊ VIỆT NAM.
    Bỗng tôi được "trát" gọi lên gặp giám đốc Viện với lời đề nghị: Tôi phải nhường chức danh Chủ nhiệm Đề tài NCKH này cho một vị đang là Bí thư Đảng ủy Viện, còn tôi xuống làm phó Chủ nhiệm thường trực.
    Tôi hỏi "Tại sao lạ thế?"
    Trả lời "Vì anh ấy cần bảo vệ để lấy bằng Tiến sĩ, nhưng anh ấy rất bận nên cần có chị giúp việc" Tôi hỏi vặn lại: "Chính tôi mới là người đủ điều kiện lấy bằng Tiến sĩ. Nhưng người khác cần hơn? Vâng, tôi cho đấy, tôi không quen làm phó cho ai cả, tôi đi làm việc khác vậy"
    Rồi tôi bỏ đi, rồi tôi xin về hưu sớm lập công ty riêng, đi kiếm tiền để tự tiếp tục Đề tài SINH THÁI NHÂN VĂN - HUUMAN ECOLOGY cho đến nay.
    Từ đó tôi trở thành thường dân và thề rằng phải tự học, phải tự bồi bổ kiến thức, không bao giờ ngó ngàng đến bằng cấp nữa, nhưng TRI THỨC thì không chịu kém ai;

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng một số người như chị. Chướng tai gai mắt thì bỏ quách đi. Những đứa ngu và tham chỉ bám lấy nhà nước "phấn đấu" lên chức lên quyền để kiếm tiền bằng tham nhũng. Do cái cơ chế tổ chức nó tạo ra một lớp người giả dối. Nhưng bây giờ nó giả dối đại trà mất rồi. Biết sao bây giờ.

      Xóa
  2. Xin trchs đăng mấy câu thơ của Nguyễn Lâm Huệ ( Đà Nẵng) anh bạn tôi nói về Tiến sỹ trong bài MẤY NGÀY VỚI HÀ NỘI:
    Chiều lặng đứng bên Khuê Văn Các
    Thăm những cụ Rùa cõng Tiến Sĩ trên lưng
    Tiến Sĩ thật bia Người mang đầy chữ
    Chẳng cụ Rùa nào phải cố sức, còng lưng

    Nghe đồn thổi giữa thời mở cửa
    Có những cụ Rùa cốt sắt, bê tông
    Oằn lưng cõng những ông Nghè Tiến Sĩ
    Có những ông Nghè Tôm đầu chứa toàn phân

    Xin được khóc dẫu chỉ là ý nghĩ
    Dấu son xưa còn đó một Hoàng Thành
    Thu mãi mãi hãy là thu Hà Nội
    Một ngàn năm văn hiến đất Thăng Long.

    Nguyên Lâm Huệ
    310 Phan Chu Trinh Đà Nẵng.

    Trả lờiXóa
  3. ĐÂY MỚI LÀ TRÌNH ĐỘ TIẾN SĨ PHẬT HỌC.
    Ngày mùng 8 tháng Giêng vừa rồi, vợ chồng tôi đi làm lễ giải hạn sao La Hầu. Sân chùa Phúc Khánh đông nghìn nghịt. Đích thân thầy Thích Thanh Quyết đăng đàn. Thầy nói thẻ thọt:
    - Hôm nay chúng ta làm lễ giải hạn sao Thái Bạch...
    Ở dưới xôn xao:- La Hầu...La Hầu...
    Thầy chữa thẹn:
    - Giỏi nhỉ! Đệ tử giỏi đấy, thầy nói sai là phát hiện ra ngay. Mà đệ tử có biết La Hầu nghĩa là gì không? LA là lưỡi, HẦU là họng. Năm nay sao La Hầu chiếu mệnh. Kiêng nhất là nghiệp lưỡi và họng. Ví dụ như, đệ tử ra đường va chạm giao thông, dừng lại cãi nhau là mang vạ vào thân, đó là cái nghiệp lưỡi họng nó làm khổ đấy...
    Hàng ngàn người cứ thế mà há mồm nghe. Tôi cũng nghe và thuộc làm lòng.
    Bất ngờ tuần trước, ông anh tôi là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đến chơi, nói chuyện rải, tôi đem chuyện ra khoe. Ông trợn tròn mắt:
    - Tiến sĩ Phật học, Đại đức mà nói liều thế a. Ông ấy không đọc kinh sách gì à? Thế này này, La Hầu là tên sao của chiêm tinh học cổ đại Ấn Độ, theo Phật giáo mà truyền vào Trung Hoa. Tiếng Phạm là RAHULA, phiên âm tiếng Hán là LA HẦU LA, LA HỖ LA, LA HỐNG LA... Dịch nghĩa Hán là Phú chướng (ngăn che), Chướng nguyệt (che mặt trăng), Chấp nhật (che mặt trời). Nguyên do là, người Ấn độ cổ đại thấy hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, họ cho rằng có một ngôi sao đen che phủ mặt trăng mặt trời và chính là sao ấy. Tên sao ấy được giải thích bằng chuyện vị thần La hầu A tu la đánh nhau với trời Đế thích, đã dùng tay che khuất ánh sáng của mặt trời mặt trăng. Dần dần gọi tắt cho gọn là La Hầu. Sau này lại có vi A la hán, con Đức Phật khi Phật còn là thái tử Tất đạt đa, vì sinh vào ngày nguyệt thực nên cũng có tên là La Hầu. Khi phiên âm sang Hán cổ, người ta khôn lắm, dùng chữ La nghĩa là lụa mỏng, chữ Hầu nghĩa là mắt mờ. Như vậy là vừa được âm lại vừa có tí nghĩa "che mờ" trong đó. Tàu thường là vậy vì họ lắm chữ lắm. Chứ làm gì có chữ La nào là lưỡi, và chữ Hầu đó đâu là họng họt gì".
    Tôi nghe vậy và rất tin vào ông anh tôi, về bật mạng lên đọc thì cũng thấy nghĩa tương tự.
    May quá, nếu không hỏi thì tôi và vợ đã tin đinh ninh vào ông Tiến sĩ Đại đức Thích Thanh Quyết kia rồi. Chán vãi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. À!"ông"nghị"Quyết đây mà,chân tu lắm!,là"đồng chí" của mấy ông "còn nọ còn kia" đấy."Thầy" Quyết giải thích LA HẦU theo môn phái CSGT"học",chứ không theo PHẬT học .Các đệ tử đừng hiểu nhầm ".thày".Mô Phât!

      Xóa
  4. Thật đáng xấu hổ !!!

    Trả lờiXóa
  5. Cái lão Quyết thì tiến sĩ cái nỗi gì. Nói thì ngọng. Nghe ông ta phát biểu thấy ngán. Đúng là sư quốc doanh.

    Trả lờiXóa
  6. Ở VN hiện thời dường như các quan cức cao cấp mà không ghi được mác Ts trước danh vị của mình thỉ thấy là một cái thiếu to lớn . Một BV QĐ ở Tp HCM vị lãnh đạo có một danh vị thật đáng nể : Thiếu Tướng, Gíao sư Tiến sĩ, GĐ BV 1..

    Trả lờiXóa
  7. Đáng buồn cho Tiến sỹ Việt Nam...
    Có hai vợ chồng dùng chung một đề tài luận văn Tiến sỹ di truyền học từ ấp trứng vịt lôn...
    Đó là Tiến sỹ Nguyễn Song Hoan và vợ là Tiến sỹ Lê Thị Bạch Yến (Cả 2 đều là Tiến sỹ di truyền) từ đề tài vịt Ka ky cam beo...Chồng bảo vệ xong 5 năm sau cũng đề tài này vợ bảo vệ tiếp...GV đại học Hồng Đức kháo nhau vợ chồng Tiến sỹ trứng vịt lôn.

    Trả lờiXóa
  8. Ở BỘ MÔN TÔI CÓ MỘT ĐỒNG CHÍ LÀM NGHIÊN CỨU SINH, HẾT HẠN RỒI MÀ NỘI DUNG CHẲNG ĐÂU VÀO ĐÂU, PHẢI XIN GIA HẠN ĐẾN LẦN TỨ BA. Đ/C CẦU XIN MỌI NGƯỜI CHÂM CHƯỚC GÓP Ý CHO Đ/C SỬA ĐỔI, MỘT MẶT CHẠY LÊN BỘ GD-ĐT ĐỂ XIN GIA HẠN. THƯƠNG TÌNH RỒI LUẬN VĂN CŨNG QUA TRONG TÌNH TRẠNG BỎ THÌ THƯƠNG VƯƠNG THÌ TỘI. ẤY THẾ MÀ KHI CẦM ĐƯỢC CÁI BẰNG TRONG TAY Đ/C QUÊN CHUYỆN XIN XỎ MỌI NGƯỜI TRƯỚC ĐÂY VÀ VỖ NGỰC ĐEN ĐÉT CHO MÌNH LÀ NHẤT. ẤY VẬY, NHƯ THẾ CÒN LÀ KHÁ HƠN TRƯỜNG HỢP HỌC TẠI CHỨC LÀM TIẾN SĨ MỚI KINH.TỐT NGHIỆP TẠI CHỨC VỀ CƠ QUAN KHÔNG GIÁM THAM GIA GÌ VÀO CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN VÌ BỌN HỌC CHÍNH QUY NÓ KHINH RA MẶT, TỨC ! ĐI HỌC THẠC SĨ VÀ THẤY THẠC SĨ QUÁ DỄ DÀNG CỨ NĂNG GẶP THẦY LÀ XONG, ANH TA THẤY THUẬN ĐÀ XIN THÀY ĐỀ TÀI LÀM LUÔN TIẾN SĨ. ANH TA TÂM SỰ VỚI THẦY NGUYỆN VỌNG CỦA MÌNH LÀ MUỐN LÀM TIẾN SĨ MÀ KINH TẾ HẠN HẸP, EM CHỈ MỚI TÍCH CÓP ĐƯỢC 3 TRĂM KHÔNG BIẾT CÓ ĐỦ LÀM KHÔNG? THẾ LÀ THÀY THƯƠNG THÀY HƯỚNG DẪN, BA NĂM MANG BẰNG TS VỀ CƠ QUAN AI CŨNG LÁC MẮT. ĐỢT ẤY TRƯỞNG PHÒNG ĐẾN TUỔI HƯU, ANH TA LÊN THAY VÀ MỘT NĂM SAU LÊN GIÁM ĐỐC. AI BẢO LÀM TIẾN SĨ LÀ KHÔNG CÓ LỢI NÀO? TƯƠNG LAI ĐẤT NƯỚC MÌNH KINH TẾ PHÁT TRIỂN THÌ TOÀN DÂN LÀM TIẾN SĨ CHỨ CHẢ CHƠI./
    Ở TA LÀM TS KHÔNG PHẢI CHO CÔNG VIỆC CỦA BẢN THÂN, MÀ LÀ CHO GIA ĐÌNH CHO DÒNG HỌ MỞ MẶT MỞ MÀY TRONG LÀNG NGOÀI XÃ ! LÀNG TÔI ĐANG BÀN XÂY VĂN CHỈ, LẬP HỘI TƯ VĂN, KHẮC BIA TIẾN SĨ(TS THỜI NAY) ĐỂ LƯU DANH MUÔN ĐỜI. CHỈ CÓ ĐIỀU CỤ KHỔNG TỬ "KHÓC" VÌ VĂN TẾ CỤ CHÚNG NÓ LẠI VIẾT BẰNG CHỮ QUỐC NGỮ HỆ LA TINH ! BỞI CHÚNG NÓ CÓC CẦN CỤ HIỂU ?

    Trả lờiXóa
  9. Tôi có một người bạn học thời đại học, ra trường anh ta lấy vợ con "quan" nên được vào làm việc ở trường chính trị tỉnh. Trong một buổi bạn bè gặp nhau, uống ly cà phê, ôn lại chuyện cũ học hành...Tôi nghe giới thiệu anh bạn tôi đã và đang theo học khóa cao học....Bất giác, tôi buột miệng hỏi: My đi học cao học hết mấy hecta? Anh bạn tôi không trả lời mà chỉ đưa tay gãi gãi lên vùng tóc ở mang tai...

    Trả lờiXóa
  10. Ở cơ quan tôi ,có một ông đội trưởng đội xe ,vốn được cất nhắc tư lái xe lên,trình độ văn hóa chắc chưa qua bậc tiểu học .Tôi nhớ vào dịp tổng kết cuối năm và triển khai kế hoach năm tới . khi nhận số liệu kế hoạch của đội xe còn không biết ghi con số (1000,000) là bao nhiêu số không đằng sau số một .ấy thế mà chỉ hơn một năm xoay sở thế nào mà có cai bằng thạc sĩ ,rồi chạy chọt một phát lên làm giám đốc trạm đăng kiểm xe cơ giới mới kinh khủng chứ

    Trả lờiXóa
  11. Tiến sĩ là để nghiên cứu và giảng dạy chứ có phải để ra làm quan. Cái đám giặc dốt nầy nó tàn phá đất nước ghê gớm và khủng khiếp không bút nào tả xiết.

    Trả lờiXóa