Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

CÓ BAO NHIÊU CỔ VẬT "BỐC HƠI" KHI TRÙNG TU ĐÌNH QUANG HÚC?

Có bao nhiêu vật cổ “bốc hơi” tại đình Quang Húc
Chủ Nhật, 30/03/2014 17:45 

(PL&XH) - Công trình “đại thẩm mỹ” đình cổ Quang Húc, xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội, được đầu tư hơn 17 tỷ đồng, nhưng tới nay mới nhận được 14,5 tỷ đồng.

Vì thế vẫn chưa thể nghiệm thu hoàn toàn – Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa huyện Ba Vì cho biết.

Ngày 28-3, người dân thôn Quang Húc, xã Đông Quang phát hiện 4 con rồng, một con nghê làm bằng đất nung bị công nhân của đơn vị thi công giấu đi. Anh Nguyễn Văn Năm, người phát hiện sự việc kể lại: “Sáng 28-3, tôi có sang lán  của công nhân dọn dẹp thì phát hiện một đống đồ vật trong góc nhà được úp lên bằng các tấm kính vỡ. Lật các mảnh kính vỡ, tôi phát hiện đó là 4 con rồng đất trước đây được đặt trên mái đình. Ngay sau đó, tôi báo các cao niên trong làng và dân phòng”.

Ông Nguyễn An Hữu (73 tuổi), thành viên trong Hội Người cao tuổi thôn Quang Húc bức xúc, rồng đất là linh vật được đặt trên mái đình để trấn quỷ, đuổi tà bảo vệ nhân dân mà bị tháo dỡ, giờ lại còn đập vỡ nát không ra hình thù gì, con thiếu đầu, con cụt chân mất móng, con thì gãy cổ.

.
Bốn con rồng đất bị giấu được nhân dân thôn Quang Húc, xã Đông Quang 
(huyện Ba Vì, Hà Nội) phát hiện.

Ông Hữu cho biết thêm: “Tượng rồng đất được nung nguyên khối với những chạm khắc, họa tiết tinh xảo. Cả đình có tổng cộng 8 con rồng được đặt toàn bộ trên 4 góc và trên đỉnh mái đình. Trước đây, khi đình chưa trùng tu thì nguyên sơ rất đẹp và cổ kính. Toàn bộ linh vật trên mái đình đều nguyên vẹn. Nhưng từ khi công cuộc “đại thẩm mỹ” do UBND huyện Ba Vì là chủ đầu tư thì các linh vật “tự dưng” biến mất, thay bằng những con vật xấu xí, nay nhân dân thôn Quang Húc tìm thấy 4 con rồng đất, 1 con nghê đá trong tình trạng bị sứt mẻ, vỡ vụn không còn nguyên trạng nữa. Không biết là do công nhân vô tình hay có người cố ý phá hoại? Linh vật của làng ở đình đã hỏng thì còn đâu giá trị văn hóa của ông cha?

 .
Theo ông Hữu, trước đó, ở sân đình cũng có hai con nghê rất lớn bằng đá ngồi phục trước cửa ra vào đình. Nhưng hai con nghê đó “bốc hơi” khi cuộc “đại thẩm mỹ” tiến hành. Sau đó, đơn vị thi công cho chở vào hai con sư tử Trung Quốc đặt ở đó. Người dân bức xúc phản đối thì họ chuyển đi mà không thông báo. “Chúng tôi mong muốn đình được trùng tu để gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa cổ xưa chứ không phải phá bỏ như vậy”, ông Hữu bày tỏ.

Ông Nguyễn Minh Thiện, Chủ tịch UBND xã Đông Quang cho biết, công trình trùng tu đình cổ Quang Húc do UBND huyện Ba Vì làm chủ đầu tư, Cty CP tư vấn thiết kế xây dựng và thương mại Thành Hưng thi công và được tư vấn bởi Cty CP xây dựng công trình văn hóa, thể thao và du lịch. Công trình khởi công từ 10-10-2010 và nghiệm thu vào cuối năm 2012 theo kế hoạch. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể nghiệm thu. Khoảng tháng 8-2013, các cụ cao niên trong làng phát hiện nhiều hạng mục trong đình làm chưa hợp lý nên đã có kiến nghị sửa chữa. Như phản ánh của người dân thôn Quang Húc được nhà thầu trả lời, do nhiều nguyên nhân nhưng không nói cụ thể như thế nào. Trong đình còn lưu giữ nhiều đồ vật cổ bằng gỗ, đá được chạm khắc rất tinh xảo. Tất cả các bộ phận ở trong đình đều được làm bằng gỗ lim.
.
Hình ảnh mái đình Quang Húc khi hạ giải.     Ảnh: Quân Nguyễn

Trong quá trình trùng tu khôi phục đình, công nhân có phát hiện hơn chục cối đá cổ đặt dưới chân các cột trụ to giữa đình. Nhiều trụ cột to còn được đặt tới 3 cối đá ở dưới. Những cột trụ khác được lót bằng những tảng đá đen. Sau khi phát hiện số lượng cối đá lớn, đơn vị thi công đã cho chôn dưới các chân cột để tránh kẻ gian trộm và chỉ còn duy nhất một tảng đá đen còn ở trong đình. Trước đó, năm 2008, đình Quang Húc từng bị trộm mất hai con hạc cổ đặt trước gian hậu cung trong đình.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Ba Vì cho biết: “Công trình trùng tu được đầu tư hơn 17 tỷ đồng nhưng tới nay mới nhận được 14,5 tỷ đồng. Vì thế công trình vẫn dở dang chưa nghiệm thu hoàn toàn. Thực chất những cối đá mà công nhân phát hiện chẳng qua là cối đá mà các cụ thời xưa dùng không liên quan đến di tích. Chúng tôi không có trách nhiệm bảo quản những thứ đó. Còn những linh vật như nghê, rồng đất nung hay bức y môn bị vỡ, sứt mẻ  là do đơn vị thi công làm sai”.

Giải thích thêm về phản ánh của người dân thôn Quang Húc về việc cột đình, xà, cột chắp vá, xiêu vẹo, ông Nghĩa cho biết, hầu hết cột đình đều đã quá cũ và kém chất lượng. Vì thế đơn vị thi công các cột đình cũ khoét ruột và ghép các thân gỗ mới vào đó. Sau đó dựng lại đình thì nhiều chỗ thiếu gỗ, lệch phải dùng keo dán. Ông Nghĩa cho rằng những con rồng đất là do người dân giấu đi chứ không phải do công nhân giấu, cán bộ xã đã bắt quả tang. Tuy nhiên khi được yêu cầu xem biên bản bắt người dân giấu linh vật rồng đất, ông Nghĩa không chứng minh được và nói do cán bộ xã thiếu sót trong việc này.  

Quân Nguyễn

7 nhận xét :

  1. khó trăm lần nhân dân cũng chịu nên cứ việc lấy tiền dân để phá của dân lại còn đổ điêu cho dân :((

    Trả lờiXóa
  2. Mình cũng là người dân,người con sinh ra và lớn lên ở Làng Quang Húc,nhìn thấy cảnh đình làng bị phá cũng đau xót lắm chứ.Mong được nhiều sự quan tâm từ các cấp ,chính quyền để trả lại ngôi đình với đúng nghĩa "CỔ"

    Trả lờiXóa
  3. Cho mình hỏi Ông Nghĩa là ai?có trác nhiệm và chức trách gì ở làng?m cũng là người con,người dân làng Quang Húc

    Trả lờiXóa
  4. Trúng thầu trùng tu một đình cổ đâu phải đơn giản . Bên chủ đầu tư cũng như bên trúng thầu đều có những toan tính . Toan tính thế nào để có lợi nhuận cao nhất . Nhà thầu có nhiều tư vấn về những cổ vật, có những mối tiêu thụ và có cách để làm cho nó bốc hơi một cách ổn thỏa .

    Trả lờiXóa
  5. các bạn không nghĩ rãng đây là một âm mưu hán hóa hay sao? . Lâm Khang anh nghĩ sao về suy nghĩ của tôi

    Trả lờiXóa
  6. Trùng tu thì ít, phá hoại thì nhiều!

    Trả lờiXóa
  7. Mấy ông lấy của đình chùa này là tội lỗi lắm đây.Mình đã gặp không ít trường hợp tán gia bại sản vì hành động này

    Trả lờiXóa