Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

ĐÓN TRUNG THU NÀY, LẠI NHỚ TRĂNG XƯA

Đón Trung thu này lại nhớ trăng xưa 

Nguyễn Duy Xuân

.

Mỗi mùa Trung thu đến, lòng tôi lại lâng lâng khó tả. Cái cảm giác ấy có tự bao giờ tôi không nhớ nữa. Có lẽ từ lâu lắm rồi, khi tóc còn để chỏm, cùng đám trẻ con hàng xóm nô đùa dưới ánh trăng thu. Bây giờ, tóc đã điểm sương mà lòng vẫn như ngày xưa ấy, háo hức chờ đợi Trung thu.   

Đón Trung thu này lại nhớ Trung thu xưa!

Ấy là những mùa Trung thu của thời con trẻ. Bây giờ nhớ lại, thấy nao nao lòng.

Ngày ấy, do hoàn cảnh chiến tranh, Trung thu không ồn ào, sôi động như bây giờ. Thậm chí những năm bom đạn ác liệt, còn không dám thắp sáng đèn Trung thu vì sợ máy bay Mĩ nó đánh toạ độ. Những mùa Trung thu ấy giản dị, mộc mạc, chân quê nhưng đọng lại thật sâu sắc trong kí ức tuổi thơ tôi.

Thời ấy làm gì có hàng quán bày bán đủ thứ quà bánh phục vụ Trung thu như bây giờ. Miền quê nghèo cho nên việc chuẩn bị cho Trung thu cũng đơn giản. Bọn trẻ thường tự lo lấy. Vật liệu thì có sẵn. Chỉ cần bỏ ra nửa ngày là có ngay một cái đèn ông sao phết giấy bồi đủ kiểu. Những cái đèn kiểu ấy, bây giờ có thể coi là đồ cổ, chẳng ai thèm chơi nhưng với những đứa trẻ thôn quê ngày ấy là cả một niềm vui và kiêu hãnh.

Kì công nhất là làm trống ếch. Cuối tháng bảy, đầu tháng tám đã lo săn ếch rồi. Được một chú ếch bự thì mừng không kể xiết. Da ếch được lột rất cẩn thận, bịt vào một đầu ống nứa to cắt ngắn chỉ còn độ nửa gang tay rồi phơi dưới cái nắng gay gắt của tháng tám. Cả ngày không dám đi chơi đâu vì còn lo canh chừng cái “vật báu” ấy. Lơ đễnh một chút, chẳng may có chú mèo nào chộp được thì coi như bao nhiêu công sức đi tong, và Trung thu năm ấy không còn muốn vác cái mặt buồn rười rượi đi chơi vì đã trót ba hoa với đám bạn rồi.

Tôi còn nhớ có một lần, lũ trẻ chúng tôi dưới sự hướng dẫn của thầy giáo làng và anh chị phụ trách, tập hợp ở sân kho hợp tác. Đứa nào đứa nấy mừng ra mặt. Mới chập tối đã rầm rộ tiến về sân kho, khua trống, múa sao ầm ĩ.

Trăng đã nhô lên như cái mâm nhỏ giát vàng, toả ánh sáng lung linh, trong trẻo trên khắp đường thôn ngõ xóm. Giây phút được chờ đợi nhất của cái gọi là buổi lễ đón Trung thu ở quê thời chiến ấy đã đến: chúng tôi được phát kẹo ! Mỗi đứa chỉ được vài ba cái kẹo văn (kẹo cứng quấn giấy bóng, người quê gọi là kẹo văn), cắn khó vỡ, chỉ để ngậm cho tan dần. Cho nên chỉ hai cái kẹo thôi cũng đủ ngọt miệng cả đêm Trung thu vừa đi vừa hò hét ầm ĩ khắp xóm làng.

Trung thu ngày ấy, bây giờ nhớ lại mà thương !

*
Sau này lớn lên, tôi trở thành người nhà nước, tự xây cho mình cái tổ ấm nho nhỏ. Con cái đứa nọ, đứa kia lần lượt ra đời. Vợ chồng nhà giáo thời bao cấp thật khốn khó. Lương ba cọc ba đồng, cuộc sống trăm bề vất vả, lo toan. Trung thu, như qui luật tự nhiên của nó, lại xoay vần. Bây giờ, đón Trung thu không chỉ có cái háo hức như trẻ thơ ngày xưa nữa, chen vào đó còn bao lo lắng, trở trăn.
.
Trước Trung thu mấy ngày, tôi lại lục cục chuẩn bị đồ chơi cho con. Vẫn không ngoài mấy thứ như ngày xưa mình thường làm. Nhưng bây giờ ở tập thể, khó kiếm hơn. Có khi phải đi vào tận buôn làng xin người ta một khúc tre, ống nứa. Hồi ở quê, đèn lồng, diều sáo được dán bằng nhựa sung, nhựa giới (những loài cây khi chặt nhẹ vào thân, nhựa ứa ra) rất kết. Bây giờ, chẳng kiếm đâu ra, đành nấu cơm thật nhão quết làm hồ dán. Khổ nỗi, gạo thời bao cấp chẳng có độ dính. Đèn lồng vừa dán xong, có khi đã bong ra. Để cho chắc, đành phải lấy chỉ khâu lại. Thế mà ba đứa con tôi vẫn háo hức, đúng là cái háo hức của con trẻ. Nhìn chúng vui mừng có đèn lồng mới, tôi như thấy mình sống lại một thời trẻ thơ.

Những năm đầu thập kỉ chín mươi thế kỉ trước, đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Cuộc sống có đỡ hơn nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Trung thu lại đến. Bấy giờ đã xuất hiện đồ chơi Trung Quốc, phong phú kiểu loại, lung linh sắc màu, thật hấp dẫn trẻ con. Nhưng nó vẫn là thứ đồ chơi xa xỉ. Đi một vòng quanh phố, chần chừ mãi rồi cũng quyết tâm mua cho cô con gái út một cái đèn lồng xiu xíu thắp sáng bằng pin. Cái đèn lồng ấy, sau này còn được dùng mãi cho mỗi mùa Trung thu. Còn hai anh lớn, đồ chơi là mỗi đứa một ống đuốc. Trước Trung thu vài ngày, tôi đã nhắc nhà tôi khi nào đi chợ nhớ mua hai cái ống nứa tươi. Còn tôi lo mua một lít dầu hoả để sẵn. Chiều mười bốn, bố con hì hục tìm những mảnh giẻ, đổ dầu vào ống nứa, bịt lại. Thế là có một cây đuốc Trung thu mà tôi dám chắc trên thế gian này chỉ trẻ con Việt Nam mới có.

Trung thu đến. Đường làng lại chập chờn đủ loại ánh sáng. Trẻ con lại reo hò. Tiếng trống lại rộn ràng nhưng bây giờ không còn nghe thấy trống ếch nữa.

Những năm gần đây, Trung thu là ngày tết đặc biệt trong năm, thu hút sự quan tâm của cả xã hội. Chưa đến Trung thu nhưng ai cũng háo hức chào đón. Bây giờ không chỉ có trẻ con được tặng quà mà còn cả người lớn nữa. Đó là dịp hiếm hoi trong năm người ta bày tỏ tình cảm với nhau, có khi còn là cơ hội để thể hiện mục đích riêng của mình. Cho nên, quà Trung thu không chỉ là bánh kẹo, đồ chơi mà còn những thứ đắt giá khác…

Trước Trung thu cả tháng, đường phố rực rỡ sắc màu. Đồ chơi, bánh kẹo thật bắt mắt, quyến rũ. Người ta đi sắm Trung thu chứ không còn mấy ai cặm cụi cắt dán đồ chơi như ngày xưa nữa. Trẻ con bây giờ sướng thật !

Nhưng cuộc sống không bao giờ hết những khó khăn. Vẫn còn đó bao mảnh đời bất hạnh. Mà Trung thu thì cứ đến một cách vô tình. Trăng thu trải đều khắp thế gian nhưng tình Trung thu thì có nơi ấm, nơi lạnh. Biết bao trẻ em bất hạnh sẽ không biết đến mùa Trung thu này? Có lẽ vì thế mà trăng thu đối với các em dường như cũng lạnh hơn, lờ lững hơn. Nghĩ mà thấy xót xa.

Xin hãy chung sức, sẻ chia để Trung thu mãi mãi là cái tết thực sự, đem lại niềm vui cho mọi người, nhất là trẻ thơ. Để trăng thu mãi mãi sáng trong trên khắp mọi miền đất Việt!



N.D.X

Nguồn: TNc.

 

1 nhận xét :