Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Thơ: MAI ANH THÀNH NGƯỜI HÀ NỘI


Có nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm?

Tặng hai anh PBC và NXD
cùng những người “nhớ” Hà Tây

Mai anh thành người Hà Nội
Xứ Đoài mây trắng còn bay?
Mai anh thành người Hà Nội
Có còn nhớ... mắt Sơn Tây?

Thạch Thất, Ba Vì, Phúc Thọ
Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ứng Hòa
Thường Tín, Mỹ Đức, Thanh Oai
Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng...

Tất cả vẫn đều là huyện
Nhưng không phải tỉnh Hà Tây!
Tất cả vẫn còn nguyên vẹn
Mà sao thương đến lắt lay!...

Mai anh thành người Hà Nội
Có đi đâu, vẫn quê mình
Mà sao thấy lòng tồi tội
Rứt ray như kẻ phụ tình!

Đá ong khô buồn rớm lệ
Mây Đoài trắng lắm..., đành quên
Sài Sơn... lúa vàng..., thôi kệ
Mặc đồng Bương Cấn ai lên!

Mai anh thành người Hà Nội
Uống cùng anh cạn đêm nay
Ước chi hóa thành chén rỗng
Lòng đau - anh cứ rót đầy!

Đ.H.T
Đà Nẵng, chiều 31.7.2008 
 
         ************************
- Chào Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, cảm xúc của ông trong những ngày đầu tiên Hà Tây không còn nữa như thế nào?


- Tôi chờ đến lúc 0h ngày 1-8 để cảm nhận những cảm xúc trong lòng tôi. Rồi chờ đợi trận mưa ngâu đầu tiên trong năm vào ngày 1 tháng Bảy âm lịch. Trưa hôm qua, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mời tôi đi dùng bữa trưa để ghi nhớ việc họ hàng và gia đình chúng tôi trở thành người Hà Nội. Cảm xúc của chúng tôi là lo lắng cho di sản văn hóa Hà Tây, nhất là văn hóa xứ Đoài trở thành một bộ phận của văn hóa Hà Nội.

- Với nhiều năm nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Hà Tây, ông đã từng thấy những cuộc sáp nhập và tách rời giữa xứ Đoài với những miền đất khác hay chưa?

- Tỉnh Hà Tây (cũ) bao gồm hai vùng văn hóa: văn hóa trấn Sơn Nam thượng và văn hóa xứ Đoài, trong đó văn hóa xứ Đoài là rất đặc sắc. Dưới thời phong kiến và dưới thời Tây, Hà Tây thuộc hai trấn (xứ) hoặc hai tỉnh khác nhau (Hà Đông và Sơn Tây).   

Người xưa phân địa giới như vậy là căn cứ vào điều kiện địa lý, thổ nhưỡng và văn hóa của mỗi vùng. Từ năm 1945 đến nay, xứ Đoài (gồm các huyện phía Bắc của tỉnh Hà Tây cũ) đã từng 7 lần tách nhập với Hà Nội. Mỗi lần tách ra, xứ Đoài gần như không có gì mới so với khi nó được nhập vào, trên tất cả các phương diện. 
 
- Câu hỏi lớn và cũng là trách nhiệm của những người quản lý hiện thời là, khi Hà Tây hòa vào Hà Nội thì văn hóa và nếp sống của họ sẽ ra sao? Bởi đâu phải giản đơn xây nhà cao tầng, có đường nhựa thì người dân quê bỗng chốc thành người Hà Nội? 
 
- Vâng, thành người Hà Nội, tức là chỉ một chất lượng sống và thụ hưởng văn hóa của cư dân Thủ đô, chứ không phải chỉ là nhà cao tầng, đường nhựa hay cuốn sổ hộ khẩu, cái giấy chứng minh nhân dân hoặc biển số xe máy.
(trích bài trả lời phỏng vấn báo An Ninh thủ đô
Chủ nhật 17/08/2008 15:05)
 

14 nhận xét :

  1. Cư dân Hà Tây hãy thông cảm và nâng cao ý thức chính trị trong chuyện này. Sáp nhập để Hà Nội lọt vào top những thành phố lớn nhất thế giới, oách thế còn gì.

    Trả lờiXóa
  2. Thằng bạn tôi là dân buôn bán bất động sản ,chỉ nhân có việc "khắc nhâp-khắc xuất" này mà giàu to. He, he...Thế thì mấy cái ông có thẩm quyền ban hành "khắc nhập-khắc xuất" này giàu cỡ nào???

    Trả lờiXóa
  3. "Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh
    Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa
    Sữa trắng Ba Vì thóc vàng Khu Cháy
    Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần
    Sông Tích ,sông Đà giăng lụa mênh mông
    Đan Phượng ơi!Quê hương người gái đảm..." gió nội hương đồng hỏi còn không hay mất em ơi?
    Như vậy là Hà Tây đã" hy sinh oanh liệt",để Hà Nội được đứng vào tốp 17 của những Thủ đô lớn nhất thế giới.Dân số chỉ qua một đêm có thêm 2,7 triệu người.
    Nếu muốn nổi tiếng thế giới,nay mai Hà Nội nên mở rông về tận Phú Thọ-Hải Dương-Bắc Giang và Thái Nguyên,chắc không có Thủ đô nước nào địch nổi.
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  4. Đọc bài thơ thấy buồn ơi là buồn.., tiếc cho sự "xoá sổ ngốc nghêch", tiếc cho HÀ TÂY QUÊ LỤA ĐẸP NHƯ MƠ...

    Chẳng hiểu sao lòng chĩu nặng khi đọc bài này, tự dưng nhớ lại hồi chiến tranh đi sơ tán ở Phùng - Đan Phượng, Hà Tây những năm 70 của thế kỷ trước.

    Hồi đó ba chị em chúng tôi đi sơ tán với nhau để đi học, ba mẹ vẫn ở Hà Nội, thỉnh thoảng cuối tuần lên "tiếp tế" nếu tuần đấy chị em chúng tôi không ra bến xe Phùng để về Hà Nội.
    Chúng tôi ở nhà bác chủ nhà tên là Hĩm, chồng mất, có hai chị tên Lan và Nhạn. Lúc đó mới tôi mới học lớp 2 thôi nhưng sao lúc này đây vừa viết vừa nhớ như in khuôn mặt ba mẹ con bác chủ nhà...

    Chắc tại lòng tốt của ba mẹ con bác đối với chị em tôi chăng (?)

    Phải nói là quá tốt, lo lắng nhắc nhở, giục gọi chẳng khác gì mẹ tôi. Chị Lan, con cả của bác rất xinh, da ngăm đen mặn mà, tai đeo đôi vòng vàng lắc lư, lắc lư. Chị đặc biệt hay cười, hàm răng trắng bóng cộng với chiếc răng khểnh duyên ơi là duyên, chị chiều chúng tôi lắm. Còn chị Nhạn thì to cao, da trắng hơn chị Lan, rất nghịch ngợm trèo cây hái ổi mít na, nướng khoai, nướng sắn na cho chị em tôi thể theo yêu cầu, thích ơi là thích...

    Ba mẹ con bác chủ nhà thì tốt thế, còn các bạn học cùng người địa phương thì lại còn đặc biệt nữa...

    Trường học tôi không nhớ được, chỉ nhớ là có vài ba lớp thôi, nhưng mỗi ngày đi đến trường là chúng tôi phải lội qua một cái mương nhỏ. Chị em tôi con gái Hà Nội mà vừa dát, vừa sợ bẩn chẳng dám lội xuống mặc dù rất nông, vậy là được cõng.
    Cứ đi đến chỗ đấy là đứng đợi các bạn cùng trường người địa phương cõng qua, hehe sướng ơi là sướng...

    Kỷ niêm về Phùng, Đan Phượng, Hà Tây trong tôi ngọt ngào đáng yêu như thế đấy, giá như tôi được gặp lại bác Hĩm (ờ mà bác Hĩm nếu còn chắc phải U90), chị Lan, chị Nhạn và các bạn không nhớ tên đã cõng chị em tôi lội qua mương hồi sơ tán thì tuyệt vời như một giấc mơ...

    Xin dành tặng kỷ niệm này cho những người con xứ Đoài mến yêu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, từ lúc viết mấy dòng trên, bao kỷ niệm hồi sơ tán cứ ùa về, rồi chợt nhớ ơi là nhớ...
      Nhớ bác Hĩm thường gọi chị Lan, chị Nhạn mỗi khi bác đi ra đồng, hay đi đâu về không thấy các chị ở nhà...

      -Chũm ơi, Chĩm ơiiii...

      Hihi, chẳng thấy Chũm Chĩm nào thưa cả, gọi mãi không được, bác đành phải gọi...

      -Lan ơi, Nhạn ơiiii...

      Tiếng gọi vừa dứt, thể nào chị Nhạn cũng chạy trước, chị Lan đi sau, về ngay tắp lự. Các chị không thích tên Chũm tên Chĩm, các chị bảo thế, phải gọi là Lan là Nhạn, hehe.

      Hihi bác nào quê ở chỗ Lô cốt Phùng đi vào theo đường đê khoảng 2km, đứng trên đê nhìn xuống thấy ngay cái sân đình là làng tôi sơ tán, kiểm chứng hộ xem ngày xưa vùng này mọi người có đặt tên như thế không nhé, hihi!

      Xóa
  5. Xuân Diện sửa giúp mình nhé...

    "Lúc đó tôi mới học lớp 2...
    ... trèo cây hái ổi mít na, nướng khoai nướng sắn cho chị em tôi..."

    Thanks!

    Trả lờiXóa
  6. Hà Tây dễ trở thành từ cấm nhắc đếnlúc 07:18 1 tháng 8, 2013

    Cẩn thận, kẻo đến ngày hễ có ai nhắc đến hay hát đến những từ như "quê lụa", "Hà Tây", v.v... là liền bị khép vào tội phản động, chốn Đảng, chống phá cách mạng, xâm hại lợi ích quốc gia.

    Trả lờiXóa
  7. Xin Lâm Khang đăng lại bài viết của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đẻ giúp mọi người vơi đi nỗi đau khi nhớ về " Xứ Đoài mây trắng" . Xin cảm ơn Lâm Khang !.

    Trả lờiXóa
  8. khi naò đất đẹp hết rồi,
    Thì thôi ta lại trở thành Sơn tây.

    Trả lờiXóa
  9. xứ đoài về với xứ đông/Sông Đà núi Tản cánh đồng cò bay/ Quốc Hương giọng hát mê say/ giật mình tên đất Hà Tây đâu rồi

    Trả lờiXóa
  10. Nhớ Hà Tây

    Xứ Đoài về với xứ Đông
    Sông Đà, núi Tản, cánh đồng cò bay
    Quốc Hương* giọng hát mê say
    Giật mình, tên đất Hà Tây đâu rồi? .

    Trả lờiXóa
  11. Ngắm tấm ảnh Cổng làng này gợi cho tôi nhớ lại bao kỷ niệm xưa:69 năm trước đây gót chân tôi đã mài mòn ở nơi đó (thời kỳ kháng chiến chống Pháp) trước khi rời Sơn tây lên Việt Bắc !
    Rồi cách đây 4 năm tôi có dịp trở về nơi đây để ôn nhớ những kỷ niệm thời oanh liệt mà nhớ mãi không nguôi !

    Trả lờiXóa
  12. Tôi đã có thời kỳ thơ ấu sống ở Sơn Tây. Khi Việt Minh mới nổi lên, tôi đã từng nghe có người gọi tỉnh Sơn Tây là tỉnh Ngô Quyền trong một khoảng thời gian rất ngắn, rồi sau đó không ai nhắc đến tỉnh Ngô Quyền nữa! Không biết có còn ai nhớ đến địa danh này không?

    Trả lờiXóa
  13. Xin viết rõ tên Đ.H.T để biết tên tác giả. Chứ đừng viết kiểu T.T.KH, vì T.T.KH, có nét riêng!

    Trả lờiXóa