Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

VUA MINH MẠNG TRỊ CON HƯ ĐỂ LÀM GƯƠNG CHO THIÊN HẠ

VUA MINH MẠNG TRỊ CON HƯ ĐỂ LÀM
GƯƠNG CHO THIÊN HẠ NHƯ THẾ NÀO
Bùi Xuân Đính
Vua Minh Mạng (1791 - 1841) nổi tiếng trong lịch sử nhà Nguyễn nói riêng, các vương triều phong kiến Đại Việt nói chung không chỉ là vị vua giỏi việc hành chính,  giỏi thơ văn mà còn rất nghiêm khắc với trăm quan, người thân; không để các tình cảm thân quen làm ảnh hưởng công việc; không để vợ con, anh em ỷ thế mình mà làm những việc ngang trái. Ông còn nổi tiếng trong việc dạy con. Tuy có tới 142 người con (gồm 78 trai - thường có tên gắn với chữ “Miên”, 64 gái) và tuy rất bận với công việc trong triều, song ông luôn để ý đến họ, thấy họ sai là chấn chỉnh luôn. Câu chuyện dưới đây là ví dụ điển hình về việc răn dạy con rất nghiêm khắc của ông.
Trong số các con trai của Vua Minh Mạng có Hoàng tử Miên Phú. Cậy thế vua cha, Phú thường chơi bời lêu lổng. Vào một đêm tháng Một năm Ất Mùi (tháng 12 năm 1835), trời rét, Miên Phú cùng bọn phủ thuộc là Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế tổ chức đua ngựa ở ngoài hoàng thành. Đua được mấy vòng, Miên Phú về trước, mấy tên phủ thuộc tiếp tục cho ngựa chạy thi. Vó ngựa rầm rập gây náo loạn nhiều đường phố. Một bà già đi bên đường tránh không kịp, bị ngựa của Hoàng Văn Vân xéo chết !

Vua Minh Mạng được tin, sai các quan đại thần là Trương Văn Quế, Tôn Thất Bằng, Phan Bá Đạt đi điều tra. Ngày hôm sau, Vua nhận được lời Tâu của các qaun, liền dụ rằng : “Trẫm rất buồn giận, thường ngày Trẫm vẫn rất nghiêm khắc với các hoàng tử, hễ sai phạm là trừng phạt ngay, chưa từng dung tha một chút nào. Miên Phú từ nhỏ bẩm tính ngu đần, lời nói việc làm đều bỉ ổi, lớn lên chỉ rong chơi. Trẫm đã nhiều lần nghiêm khắc dạy bảo, nhưng không biết chừa và sửa lỗi. Nay (Phú) lại gần gũi với lũ tiểu nhân tổ chức phi ngựa ngoài đường lớn Kinh thành là nơi quan quân đi lại đông đúc để đến nỗi xéo chết mạng người. Sao còn xứng đáng là công tử nữa. Lại không vâng lời cha dạy bảo, thực là đứa con xấu xa, tội nào còn lớn hơn nữa. Nay để giữ công bằng, quyết không có lý nghị thân, nghị quý (1). Phàm các em và con cháu chớ nên coi khinh, lấy thân để thử pháp luật, gương sáng chẳng xa, ai nấy phải kính nể”.
Rồi Vua ra lệnh tước mũ áo của Miên Phú, cách lương bổng hàng năm, giam lỏng ở nhà riêng để tự mình sửa lỗi, không cho ra ngoài một bước, không được dự vào hàng các hoàng tử, chỉ được gọi tên là Phú. Phú còn phải bồi thường cho người bị hại 200 lạng bạc.
Đối với bọn Hoàng Văn Vân, Vua Minh Mạng cũng chỉ rõ : “Vân là đứa con côn đồ, nương tựa nơi cửa quyền, ngày ngày cám dỗ người khác càn quấy, quen làm những điều bất thiện. Lại dám phóng ngựa ở nơi công đường, thực là không coi ai vào đâu. Nếu xét án thì khó mà khép tội giết người vì lầm lỡ được, phải xử tội thực phạt”.
Rồi Vua sai chém Vân ngay sau khi hết hạn tạm giam, để “răn những kẻ bám vào cửa quyền không coi pháp luật vào đâu”. Anh em tên Bùi Văn Nghị, Bùi Văn Quế bị đày đi phát vãng ở nơi xa, khi đến nơi còn bị đánh 100 gậy.
Lời bàn:
Câu chuyện có thật trên đây được ghi trong sách Đại Nam thực lục - bộ chính sử của nhà Nguyễn trên đây gợi lên những suy nghĩ về thái độ ứng xử trước pháp luật của ba thành phần xã hội.
Trước hết là Hoàng tử Miên Phú. Là con vua, nhưng Phú không những không biết giữ cho cha, theo gương cha để trở thành người tốt, để xứng đáng là “con ông cháu cha; con vua cháu chúa”, đặng kế tục được sự nghiệp của cha; mà còn ỷ thế cha mình để chơi bời lêu lổng, kết giao với cả bọn du thủ du thực, làm càn, vi phạm pháp luật, gây chết người, dẫn đến bị tước cả danh hiệu, bổng lộc, bị phạt giam ... Cho hay, một con người dù đã có nền, có móng, có bệ đỡ chắc chắn, nhưng không biết tu thân, tích đức, thì nền móng, bệ đỡ đó cũng sớm bị “tan tành”. Và giữa Hoàng tử quý phái và người tầm thường, giữa người lẽ ra đáng được trân trọng, nể phục với kẻ đáng bị lên án, khinh bỉ; giữa người thuộc tầng lớp “thượng thượng lưu” với kẻ tội đồ chỉ là khoảng cách rất mỏng manh.
Thứ hai, là bọn Hoàng Văn Vân, Bùi Văn Quế, Bùi Văn Nghị. Là người trong phủ thuộc, lẽ ra phải có trách nhiệm giám sát, quản lý các hoạt động, hành vi của con vua, để góp phần cùng vua rèn, giáo dục hoàng tử; hơn thế nữa, còn có điều kiện để học tập những cái tốt, điểm hay của dòng phái nhà vua. Vậy mà, bọn Vân, Quế, Nghị không những không làm được điều đó mà còn ỷ thế là phủ thuộc của con vua để càn quấy, coi thường pháp luật. Chúng không những phạm tội mà còn gián tiếp đẩy con vua vào vòng tội lỗi. Và bị vua ra lệnh thẳng tay trị tội chẳng có gì oan ức với chúng.
Thứ ba là Vua Minh Mạng. Là người nổi tiếng thượng tôn pháp luật, đã không biết bao lần, ông sâu sát, nghiêm minh xét từng vụ án các quan phạm tội, kể cả các quan có nhiều công lao và từng là cận thần của mình. Điều này hẳn là bình thường và “dễ dàng” với một vị quân vương. Song với các em và các con mình, một vị quân vương dù “rắn” đến mấy, cũng phải có lúc “mềm lòng”, lưỡng lự trong việc xử lý, bởi liên quan đến tình cảm máu mủ ruột rà, nhất là khi phải áp dụng các biện pháp phạt bổng, đánh gậy với họ - những người từ bé sớm được yêu chiều, sống trong nhung lụa.
Tuy nhiên, Vua Minh Mạng lại không nghĩ như vậy. Ông hiểu rằng, nếu “nương tay” với Miên Phú, trăm quan và muôn dân sẽ chẳng “tâm phục khẩu phục” khi cho rằng, vua chỉ nghiêm với quan, dân mà lại dung túng cho cái sai của con em mình. Ông cũng hiểu rõ, nếu nương tay với Phú, Phú sẽ càng được thế ỷ vào vua cha, tiếp tục làm những điều càn bậy. Khi đó, ông không chỉ “mất con” mà còn mất đánh cả thành danh uy tín của mình. Vì thế, ông đã thẳng tay phạt con mình quen thói ỷ thế cha làm vua để chơi bời lêu lổng, kết thân với bọn xấu làm điều bất lương; trị tội nghiêm khắc cả các thuộc hạ của con, dùng con làm “bình phong, lá chắn” để càn quấy, gây rối trật tự xã hội. Minh Mạng là điển hình của việc dạy con biết sống theo pháp luật, làm gương cho cả thiên hạ.

Chẳng bù cho một số người trong xã hội ta ngày nay, cậy có tiền, cậy có quyền, nuông chiều con để con hư hỏng; không ít kẻ cậy thế của cha mẹ để làm càn, nhận hối lộ của các cơ quan dưới quyền cha mình, một số kẻ “choai choai” thì càn quấy, vi phạm pháp luật, sau đó lại được cha mẹ dùng tiền, dùng thế “bảo lãnh” xin về, mà những vụ các “công tử nhà quan, nhà giàu” tổ chức đua xe máy, thậm chí đua ô tô trong một vài năm gần đây là ví dụ điển hình.
Câu chuyện này cần nêu lên để những người đó suy ngẫm.


(1) Nghị thân: những người thân thích của vua. Nghị quý : những người có chức tước lớn, được vua quý trọng. Theo luật pháp phong kiến, những người này thuộc diện bát nghị, khi phạm tội sẽ được tha tội hoặc giảm tội.

* Bài đăng trong tập sách Những câu chuyện pháp luật thời phong kiến của tác giả, Nxb. Tư pháp, 2005. Tác giả có chỉnh sửa lại lời bình.

*Bài do PGS. TS Bùi Xuân Đính gửi trực tiếp cho NXD-Blog. 

14 nhận xét :

  1. Hay! Tư liệu của TS Bùi Xuân Đính thực đáng cho mọi người phải suy nghĩ. Chế độ PK bị xóa bỏ cách đây 65 năm nhưng những giá trị nhân văn đích thực nên được vận dụng, nhất là các vị đương chức đương quyền. Hơn nữa, "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" cơ mà. Nếu trong Đảng không tự răn sửa một cách nghiêm khắc thì ắt sẽ loạn.

    Trả lờiXóa
  2. Đáng buồn cho đến bây giờ : các quan chức Việt nam chưa học được 1 phần của Hoàng đế Minh mạng, thử nhìn lại các Con, cháu từ cấp xã trở lên bây giờ thế nào, ước gì có ....1 Vua như Minh mạng bây giờ_ dân mình đỡ khổ bao nhiêu

    Trả lờiXóa
  3. Con cái hư đốn, phạm tội lớn như vậy, cha mẹ có quyền từ con. Từ một đứa con là một điều không dễ dàng, nhưng để giữ nghiêm lề lối gia đạo, thì cũng nên làm.
    Tấm gương của Minh Mạng khiến hậu thế chúng ta phải suy nghĩ.

    Trả lờiXóa
  4. Xin Tiến sĩ Bùi Xuân Đính cho thêm bài về nạn cường hào ác bá ở nông thôn Viêt nam, so sánh trong thời nhà Nguyễn, và hiện nay. Cũng xin cho bài về cách chơi bời của người Việt õ nông thôn Vn trước đây, trước đây. Đồng thời xin Ts cho bài về các tính xấu phổ biến của người Việt ỏ nông thông mà Ts có nghiên cúu.

    Trả lờiXóa
  5. Tôi nghĩ ngoài việc học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nên nêu gương đặc biệt của những vị vua yêu nước khác đã có những hành động chống kẻ thù ngoại xâm quyết liệt như các vua Hàm Nghi,Thành Thái, Duy Tân tuổi chưa cao nhưng có lòng yêu nước vô biên đã phải chịu đựng bao khó khăn gian khổ chống kẻ thù mà không chịu đầu hàng, khi lực lượng không cân sức đã bị rơi vào tay giặc phải chịu nhục hình lưu đày biệt xứ nhưng đối với tổ quốc VN vẩn trung thành tuyệt đối.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vua Minh Mạng nghiêm thế. Bái phục nhà vua. Thượng nghiêm chính như thế, hạ không thể tắc loạn. Bây giờ ngược lại.

      Xóa
  6. Con vua ngày xưa không bằng con quan bây giờ. Con vua ngày xưa không được đi nước ngoài du học. Con quan bây giờ đi nước ngoài lêu lổng, rửa tiền cho bố cho mẹ . Vua ngày xưa không phải hi sinh đời bố củng cố đời con. Còn bây giờ bố đã hi sinh tuổi xuân rồi bây giờ cả bố con cùng hưởng ! Sướng thật !

    Trả lờiXóa
  7. Tai sao nhung cau chuyen nhu the nay khong thay cac bao chi co ten tuoi...dua,ma chi toan nhung chuyen :Cuop cua,Giet nguoi,Hiep dam, Thiet nghi nen dep bot nhung chuyen "giat gan" vo bo ay di,cung tiet kiem duoc nhieu tien cong quy lam do.

    Trả lờiXóa
  8. bai cua ong Dinh rat hay, de giao duc cho bon quan chuc thoi nay. con may tram to bao... toan dang nhung chuyen giet nguoi, cuop cua, hiep dam.xin hay hoc tap ma dang nhung bai nhu the nay de nguoi doc khong kho chiu.

    Trả lờiXóa
  9. Các bác đều biết Vua Minh Mạng được giáo dục như thế nào không ?

    Trả lờiXóa
  10. 1/
    Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN), là một nhà chính trị, có công lớn giúp Tề Hoàn Công chấn hưng đất nước. Một trong những sách mà Ông dâng được người đời biết , đó là sách Quán Tử, trong thiên Mục nhân- bàn về Bốn Giường mối- Trị Nhân:
    Tứ duy
    Quốc hữu tứ duy : nhất duy tuyệt tắc khuynh , nhị duy tuyệt tắc nguy , tam duy tuyệt tắc phúc , tứ duy tuyệt tắc diệt 。 Khuynh khả chính dã , nguy khả an dã , phúc khả khởi dã, diệt bất khả phục thố dã ! Hà vị tứ duy ? Nhất viết lễ , nhị viết nghĩa , tam viết liêm, tứ viết sỉ 。 Lễ , bất du tiết ; nghĩa , bất tự tiến ; liêm , bất tế ác , sỉ , bất tòng uổng 。 cố bất du tiết , tắc thượng vị an ; bất tự tiến , tắc dân vô xảo trá ; bất tế ác , tắc hành tự toàn ; bất tòng uổng , tắc tà sự bất sinh 。

    DỊCH NGHĨA:
    Bốn giềng mối

    Nước có bốn giềng mối: một giềng mối đứt thì nghiêng, hai giềng mối đứt thì nguy, ba giềng mối đứt thì đổ, bốn giềng mối đứt thì mất. Nghiêng thì có thể làm cho thẳng được, nguy thì có thể làm cho yên được, đổ thì có thể dựng lên được, mất thì không thể đặt lại được.
    Thế nào gọi là bốn giềng mối? Một là lễ, hai là nghĩa, ba là liêm, bốn là sỉ.
    Lễ là không vượt khuôn phép, nghĩa là không tự luồn lụy để tiến thân, liêm là không che việc xấu, sỉ là không theo điều tà vạy (cong quẹo bất chính). Cho nên không vượt khuôn phép thì ngôi trên yên; không luồn lụy để tiến thân thì dân không xảo trá; không che việc xấu thì phẩm hạnh tự nhiên toàn vẹn; không theo điều tà vạy thì việc bậy bạ không nảy sinh.
    ......
    (còn nữa)
    Chính Phương

    Trả lờiXóa
  11. 2/
    Minh Mạng là Vua, một nhà chính trị lỗi lạc thời đầu Nhà Nguyễn, việc xử lí Hoàng tử Phú và bọn côn đồ lêu lổng chẳng may gây họa chết người như trên thật thấu tình đạt lí.

    -Thứ nhất: thể hiện sự nghiêm minh phép nước, không thể dung tha ngay cả con vua, cháu chúa. Đó là “Lễ bất du tiết” Lễ là không vượt khuôn phép, hay chính Khổng Tử cũng từng dạy: Đại đạo chi hành, cố nhân bất độc thân kì thân, bất độc tử kì tử. Nghĩa là : Khi đại đạo được thực hành thì tất nhiên không thể lấy điều chỉ thân với người thân của mình, hay chỉ yêu con với người con của mình.

    Thứ hai: là sự Liêm chính, Liêm bất tế ác, là không che việc xấu xa, ngay cả con cái, ruột thịt của mình. Tại sao Đức Minh Mạng không cảm thấy xấu hổ hay bị mất uy tín khi xử phạt con mình trước bàn dân thiên hạ ? Phải chăng, Người đã thấu triệt chân lí: Danh chính ngôn thuận, Danh bất chính, ngôn bất thuận, ngôn bất thuận sự bất thành?! Và hoặc : Hành bất ngôn chi giáo” Dạy người không bằng lời mà bằng chính hành động của mình.
    Chính vì không che đậy sự xấu xa nên tắc hành tự toàn/ phẩm hạnh tự nhiên toàn vẹn

    -Thứ ba: là điều Sỉ. bất tòng uổng, không làm theo điều tà vạy, cong vẹo. Nếu bản thân Nhà Vua là điều cong vẹo thử hỏi tấm gương ấy, người dân soi vào bị biến dạng ngần nào, họ sẽ biết đâu là chính, tà mà noi đây ???

    3/ HN TƯ 6 khai mạc thật hoành tráng và bế mạc thật lâm li. Bàn dân cứ tưởng sẽ được soi sáng những điều gì đây, nhưng kết cục vẫn như những cục thịt đông, đặc xít và lóng lánh.
    Một đ/c trong BCT không dám nêu tên, không dám kể tội, cả TT tự để rơi mình trong Im lặng đáng …Tự hào. Tất cả cùng Tồn tại trong Văn hóa.
    Một quốc gia vẫn hô hoán: Của Dân, Do Dân và Vì Dân, mà trong một cuộc tự chỉnh đốn của Bộ máy lãnh đạo cao nhất, không dám vạch mặt, chỉ tên, không dám nêu tên cái xấu, kẻ xấu, thử hỏi phỏng có ích gì ?

    Đất nước này còn Luật pháp hay không, nói chi Lễ, Nghĩa, Liêm, Xỉ- Bốn Giường mối vốn có của Một Quốc gia ?!
    ……………
    Phương Chính

    Trả lờiXóa
  12. Câu chuyện về Đức Minh Mạng xử sự khi con hư và lời bình của P C thật hay, nhưng còn một điều nữa mà P C chưa bình, đó là Tam duy tuyệt tắc phúc/ Ba mối giường đứt thì tất đổ...
    Cách làm của HNTW 6 chẳng qua là một kiểu phủi bụi, mơn chớn chẳng làm cho ai sợ, (nếu có lợi chăng thì chỉ mấy vị lợi thôi), chẳng làm ai tâm phục, khẩu phục, phải chăng cái sự Học của các đ/c chưa đạt đến độ: Bất diệc quân tử hồ/ Thế mới đáng làm người Quân Tử.
    ,,,,,,,,,
    Cách Vật.

    Trả lờiXóa
  13. Ngày nay họ ( chế độ hiện hành )họ cứ cho mình là hay là giỏi, cái mồ cứ chê chế độ phong kiến . Hãy mang ra mà đối chiếu thì biết ngay ...

    Trả lờiXóa