Bùi Xuân Đính
Nguyễn Văn Hiếu (1764 - 1833) người huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang). Sinh ra trong một gia đình nghèo, thuở nhỏ, Nguyễn Văn Hiếu phải đi cắt cỏ thuê để kiếm sống. Lớn lên, ông theo nghiệp binh, lần lượt được giao đảm nhiệm các chức : Hữu quân Phó tướng. Lưu thủ Bình Định, Trấn thủ các trấn : Sơn Nam Hạ. Thanh Hoa, Nghệ An, phong Đô thống trung doanh quân Thần sách. Năm thứ tám (Đinh Hợi, 1827), ông được cử đi làm Kinh lược sứ ở Nam Định. Chỉ trong hai tháng, ông và các quan đã xử lý hàng loạt các quan lại vùng này tham nhũng, ức hiếp dân chúng, ổn định tình hình, được Vua Minh Mệnh khen ngợi. Đến tháng 11 năm 1831, khi tỉnh Hà Nội được thành lập, Nguyễn Văn Hiếu được bổ làm Tổng đốc Hà - Ninh. Từ tháng Giêng năm Nhâm Thìn (tháng 2 năm 1832), ông còn kiêm chức Tuần phủ Hà Nội; đến tháng Bảy cùng năm, được triệu về Kinh; được thăng Tả quân Đô thống phủ, Chưởng phủ sự, tước Lương Năng bá.
Sử cũ ghi lại rằng, Nguyễn Văn Hiếu có chính sự tốt, làm quan ở đâu cũng cần mẫn, quả quyết, thận trọng trong việc dùng quyền hành, sâu sát với thực tế. Trong thời gian làm Tổng đốc Hà - Ninh kiêm Tuần phủ Hà Nội, ông có bốn đề xuất đối với tỉnh, được Vua Minh Mạng khen ngợi và cho thực thi; trong đó, quan trọng nhất là cho dời lỵ sở của phủ Hoài Đức ở phố Phủ Doãn nhỏ hẹp về Dịch Vọng thuộc huyện Từ Liêm (nay là khu vực Học viện Báo chí tuyên truyền thuộc quận Cầu Giấy). Khi Nguyễn Văn Hiếu mất, Vua Minh Mệnh rất thương xót, cho thực thụ chức Tả quân phủ Đô thống, Chưởng Phủ sự, cấp cho 1000 quan tiền, sai quan đến tế. Năm Tự Đức thứ ba (Canh Tuất, 1850), ông được đưa vào thờ ở miếu Trung hưng công thần.
Nguyễn Văn Hiếu là người khiêm tốn, giản dị, đối đãi với mọi người hòa nhã, lại hay nghiêm trị các lại dịch làm bậy khiến họ phải kính sợ; được dân tin yêu, cả những kẻ trộm cướp cũng phải nể sợ.
Nguyễn Văn Hiếu còn nổi tiếng là người thanh liêm. Ông nghiêm cấm người nhà được tự tiện giao thiệp với người ngoài. Hàng năm vào dịp Tết, các quan lại dưới quyền và dân chúng mang tiền đến biếu xén nhưng ông đều từ chối. Vì ông sống thanh liêm nên cửa nhà rất bình thường; lương bổng của ông chỉ đủ chi tiêu, vợ ông nhiều lần đem việc đó than phiền, nhưng ông chỉ cười mà bảo rằng : “Phu nhân không nhớ lúc còn cắt cỏ ư? Lấy nay so với xưa gấp hai gấp năm như thế, lại muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu ư?”. Từ đó, vợ ông không dám nói đến lợi lộc nữa.
Sự thanh liêm của Nguyễn Văn Hiếu được biểu hiện cụ thể nhất qua câu chuyện vào dịp giáp Tết năm Quý Mùi đời Vua Minh Mệnh (năm 1823), khi ông đang là Trấn thủ Thanh Hoa, có viên thổ ty xin đến nhà ông để “yết kiến”. Khi bàn xong xuôi công việc, viên thổ ty trình ra trước mặt Nguyễn Văn Hiếu một lễ rất hậu, gọi là “của núi rừng”, xin được biếu và mong quan Trấn thủ vui lòng nhận, nhân dịp Tết cổ truyền sắp đến. Song Nguyễn Văn Hiếu ôn tồn khước từ, bắt mang về. Sau khi Nguyễn Văn Hiếu đã vào nhà, viên thổ ty còn đang lừng chừng đứng trước cửa nhà thì người đầy tớ nhà bếp lẻn ra dọa nạt, lấy lại một nửa phần lễ.
Qua Tết ít ngày, Nguyễn Văn Hiếu mới được biết chuyện người đầy tớ làm chuyện ăn chặn. Ông rất giận, lập tức cho gọi ra tra hỏi. Tên đó thú nhận tất cả. Nguyễn Văn Hiếu liền lôi y ra chém. Người nhà và các quan lại dưới quyền đang có mặt tại nhà ông khi đó ra sức can ngăn cũng không được. Sau đó, Nguyễn Văn Hiếu dâng Sớ lên Vua Minh Mạng xin chịu tội. Vua cho rằng, Nguyễn Văn Hiếu làm như vậy để khuyến khích việc thanh liêm là đúng, nhưng lại tự tiện đem giết tên đầy tớ thì lại là phạm luật, nên giáng ông ba cấp; song vẫn cho ông được lưu chức.
Lời bàn:
Câu chuyện trên đây được ghi lại trong sách Đại Nam thực lục, tập Hai - bộ quốc sử của triều Nguyễn. Tuy ngắn gọn, nhưng câu chuyện trên gợi lại nhiều điều đáng để suy ngẫm.
1. Từ xưa, biếu Tết là một tục lệ tốt đẹp trong nhân dân ta. Một gói quà, bánh nhỏ, hợp với túi tiền, thu nhập của con cháu biếu ông bà - cha mẹ, trò biếu thầy, con bệnh với thây thuốc; hay của những người chịu nhận sự giúp đỡ của người khác; hoặc của bạn bè thân thiết tặng nhau vào ngày Tết ..., thể hiện tình nghĩa, lòng biết ơn, đạo lý truyền thống của cha ông ta được duy trì từ ngàn đời.
Thế nhưng, đã từ lâu, tục lệ tốt đẹp trên đã bị lợi dụng để trục lợi. Không chỉ là con cháu biếu ông bà - cha mẹ, trò biếu thầy, con bệnh biếu thầy thuốc, bạn bè tặng nhau; mà cả các quan cấp dưới và liêu thuộc, người nhà của các phạm nhân cũng tranh thủ ngày Tết đến biếu quan trên, quan thực thi pháp luật, dưới vỏ ngoài là “tình cảm”, nhưng bên trong là để mong được quan trên lưu ý đến trong việc cất nhắc đề bạt; hay quan pháp luật “nương nhẹ” trong việc xét án, giảm án cho người nhà v. v. Vì thế, quà Tết của họ không nhỏ (chẳng thế mà, dân gian đã từng đúc kết câu chuyện, có người muốn nhờ vả viên tri huyện, nhân ngày Tết đã mang cả một con chuột bằng vàng thật đến biếu, với cái lý rất “hợp lý” là quan huyện tuổi Tý, biếu để làm “kỷ niệm”.
Trước những gói quà Tết đó, không ít các quan chức xưa kia đều có chung suy nghĩ rằng, mình có “quyền” được nhận, được hưởng, nên “vui vẻ” nhận và “cám ơn” những người “biếu”. Trong điều kiện lương bổng hạn hẹp, lòng tham nổi lên, nhiều vị còn tìm đủ mọi cách để “nhắc” những người phụ thuộc, để họ đến “biểu lộ tình cảm” mỗi khi Tết đến xuân về. Và, đứng đằng sau các vụ biếu xén này thường là các “quan bà”, tìm đủ mưu, kế để “triệu”, “tróc” những người phụ thuộc vào đức ông chồng. Chẳng thế mà vị “quan huyện bà” trong câu chuyện dân gian nêu trên sau khi nhận con chuột vàng đã đính chính ngay rằng “Ông nhà tôi tuổi trâu cơ mà”. Đặc biệt, giai nhân của một số quan chức cũng lợi dụng vị thế của mình để gợi ý, làm “cầu nối” cho việc biếu xén, để từ đó cũng hưởng được chút “lộc”.
Ngày nay, đối tượng đi biếu Tết và “nhận quà Tết” không chỉ giới hạn với những thành phần nêu trên, mà được mở ra khá rộng, cả người nhận thầu công trình đến các chủ đầu tư, người dự thi công chức và người xét tuyển, người thi cao học, tiến sĩ với người tuyển sinh, người chấm luận văn luận án ..., với mục đích là mong được trúng thầu, trúng tuyển (hoặc được điểm cao) ... Qua Tết của họ cũng “thiên biến vạn hóa” : một túi đựng gói bánh hay chai rượu ngoại, đáy túi bao giờ chẳng kèm theo chiếc phong bì “mỏng mà dày”. Giá trị quả túi “quà Tết” thường không nhỏ. Và cũng như ngày xưa, nhiều vị “quan ông” và phần lớn các vị “quan bà” đều xem xét, ghi nhớ rất kỹ từng gói quà để có một sự đánh giá đúng về “tấm lòng” của chủ nhân các gói quà đó.
2. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là vị quan nào thời xưa cũng có ý lợi dụng tục lệ tốt đẹp ngày Tết để trục lợi. Nhiều người đã có “lệnh” cấm cấp dưới và liêu thuộc đến nhà vào dịp Tết, cấm vợ con, người nhà tiếp khách đến chơi và cấm nhận bất thứ quà cáp nào của khách. Bởi họ hiểu, thực chất của việc đến biếu Tết cùng những túi quà Tết đó là một hình thức hối lộ kín đáo, tinh vi - điều mà những vị quan thấu hiểu đạo của “Thánh Hiền” xưa kia không được phép nhận.
Nguyễn Văn Hiếu - vị Tổng đốc đầu tiên của tỉnh Hà Nội là một vị quan như vậy. Ông đã thẳng tay trừng trị viên đầu bếp “trấn lột” đến một nửa phần quà Tết mà ông đã khước từ. Việc làm này của ông có phần quá “tả” nhưng là điều cần thiết để ông giáo dục, răn đe, ngăn chặn vợ con, người nhà, không được lợi dụng vị thế của mình, lợi dụng một phong tục tốt đẹp để trục lợi.
Nêu lại câu chuyện này, người viết muốn bạn đọc liên tưởng đến việc biếu Tết trong xã hội chúng ta ngày nay.
Bài đã đăng trên tạp chí Kiểm tra, số 2/ 2011.
Từ "biếu" đến "đút lót" chỉ một gang tay
Trả lờiXóaThằng dân quèn ai mà biếu !
Trả lờiXóaCám ơn TS Bùi Xuân Đính và Nguyễn Xuân Diện đã post lên ,để có dịp ÔN CỐ TRI TÂN ,và để biết rằng có những thời kỳ mà có những con người : " người Việt mình nó "không" như thế !".
Trả lờiXóaChỉ xin tác giả xem lại phần quê hương Nguyễn Văn Hiếu (1764 - 1833) người huyện Kiến Hòa,(bấy giờ thuộc tỉnh Định Tường )thì nay thuộc tỉnh Bến Tre, cùng quê với ngài Phan Thanh Giản .
Tôi không hiểu Tổng Đốc Hà Ninh tức là Hà Nội và Bắc Ninh đương nhiên là cấp trên của Tuần Phủ Hà Nội, Nguyễn Văn Hiếu kiêm Tuần Phủ Hà Nội, vậy ông ta đề xuất với tỉnh là với Tổng Đốc cũng chính là ông ta. Có gì khác nữa không ?
Trả lờiXóaNhững câu chuyện nho nhỏ xưa ghi lại trong sử Việt, càng đọc càng thấy hay. Mỗi lần cùng nhau đọc thì lại cùng nhau khám phá thêm những điều mới mẻ. Tôi rất thích thú vì blog bác Tễu có những bài sưu tầm "kinh điển" như thế này, và được cùng đọc với những độc giả đồng điệu như thế này. Cứ mỗi lần 'tái bản', các bài đọc đó như lại giọi vào tâm tư người Việt chúng ta cái ánh sáng cổ kính và tinh tuyền của hàng ngàn năm hồn Việt.
Trả lờiXóaTheo như tôi hiểu, chữ "kinh" từ Hán-Việt có nghĩa là sợi chỉ xuyên suốt, là cái mạch lạc nội tại nằm ngầm bên dưới sự phong phú muôn vẻ. Những bài viết thế này chẳng khác gì một phần của "Kinh Việt Nam". Và việc chúng ta hàng năm trong những dịp thích hợp, cùng ôn lại với nhau trong tâm tình cung kính, thì cũng giống như 'đang cùng cử hành một thứ phụng vụ Việt Nam' vậy! Ấy là tôi xin mượn những từ ngữ tôn giáo để nói lên điều tốt lành mang tính văn hóa mà chúng ta đang làm.
Hồi tôi mới có đứa con đầu lòng, tôi cứ mong chung quanh nhà tôi là những con đường mang toàn tên những nhân vật lịch sử như vị quan Nguyễn Văn Hiếu thế này; tôi cứ mơ con tôi chóng lớn để chiều chiều dắt cháu đi dạo quanh tập đọc những bảng tên đường (ô, giá có những pho tượng tổ tiên, nho nhỏ thôi nhưng đẹp, dựng một cách bình dị gần gũi ngay bên đường phố nữa thì rất hay), và tối về ru cháu ngủ bằng những chuyện kể rút từ "Kinh Việt Nam" như thế!
Cám ơn cả bốn bác độc giả đã ghi nhận xét trước tôi đây. Mỗi người dù góp một ý nhỏ, cũng làm sống động trở lại cái túi khôn ngàn đời của tiên tổ. Cám ơn bác Bảo Quốc, à thì ra hai ngài Nguyễn Văn Hiếu và Phan Thanh Giản cùng quê gốc miền Nam với nhau, nơi nay gọi là tỉnh Bến Tre! Cám ơn bác CD Saigon, à thì ra Hà-Ninh là Hà Nội và Bắc Ninh. Tôi cứ lúng túng nghĩ không nhẽ là Ninh Bình chăng. Ninh Bình thì không có lý vì nhẽ nào khu vực trấn nhậm lại rộng đến thế! Còn việc 'đề xuất' mà bác thắc mắc, thì tôi nghĩ không phải 'đề xuất với tỉnh' như bác hiểu. Câu văn trong bài là 'đề xuất đối với tỉnh', có lẽ viết rõ hơn là 'đề xuất với triều đình về tỉnh'.
Và vì quý hóa những bài như thế này quá, nên tôi xin 'khó tính' tí mà góp ý với bác Bùi Xuân Dính và bác Tễu một chỗ, có lẽ là lỗi gõ nhầm: Lời Bàn của bác Bùi Xuân Đính có 2 phần, thì ở cuối đoạn (xuống dòng) thứ ba của phần 1 có câu: "Đặc biệt, giai nhân của một số quan chức cũng lợi dụng vị thế của mình để..." Tôi đoán là 'gia nhân' chứ không phải 'giai nhân'. Hi hi, nếu 'giai nhân' thì ta phải hiểu là hồi đó té ra cũng đã có các cô chân dài "chuyên viên cao cấp", chuyên làm nghề 'lãnh đạo cả các quan' à?
Hà-Ninh có nghĩa là Hà Nội và Ninh Bình! Bắc Ninh thuộc quyền của Tổng đốc Ninh - Thái chứ không phải là Tổng đốc Hà - Ninh!
XóaCho phép tôi "tán" nữa vì thích bài này quá!
Trả lờiXóaQuan Nguyễn Văn Hiếu (sinh 1764 tại Bến Tre ngày nay) là người cùng thế hệ với vua Gia Long - Nguyễn Phúc Ánh (sinh 1762 tại Gia Định). Năm 1777, mới 15 tuổi, Nguyễn Phúc Ánh chứng kiến hầu như toàn bộ gia tộc bị Tây Sơn bắt giết. Ông đã mất tới 25 năm chiến đấu, cuối cùng mới khôi phục được sự nghiệp của dòng họ, thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế năm 1802 lúc 40 tuổi, trị vì cho đến khi qua đời năm 1820, hưởng dương 58 năm.
Như vậy, Nguyễn Văn Hiếu qua một thời chinh chiến, cũng là một trong những công thần của chế độ mới, công thần của... "bên thắng cuộc"! Chức vụ của ông tăng dần từ một quan địa phương lên đến hàng đại thần dưới triều vua Minh Mạng. Vốn là võ tướng, đi lên từ binh nghiệp, mà vào thời bình lại trở nên một vị quan không những thanh liêm tận tụy mà còn rất giỏi về chính sự nữa. "Làm quan ở đâu cũng cần mẫn, quả quyết, thận trọng trong việc dùng quyền hành, sâu sát với thực tế...". Về nhân cách của ông thì sử ghi: "Người khiêm tốn, giản dị, đối đãi với mọi người hòa nhã, lại hay nghiêm trị các lại dịch làm bậy khiến họ phải kính sợ; được dân tin yêu, cả những kẻ trộm cướp cũng phải nể sợ."
Than ôi. Sau thời loạn bước sang thời trị thì đã biết bao chế độ vướng vào nạn kiêu binh, nạn con ông cháu cha. Đời cha khổ sở chinh chiến thì dại gì không cài bằng được con cháu mình vào hàng ngũ những... 'hạt giống'. Nguyễn Văn Hiếu tận tụy với chính sự như thế, thanh liêm đến độ nghiêm khắc với gia đình và người ăn kẻ ở trong nhà đến thế, xin đừng nghĩ ông là hạng 'Nho sĩ ngu trung cổ hủ', hay là hạng 'quân tử Tàu', như chúng ta thường nghe những suy nghĩ thực dụng thời đại này phê phán như thế. Mà giá Nho giáo là như thế, ngu trung và quân tử Tàu là như thế, thì tôi nghĩ chúng ta cũng nên học.
Ông thực sự là người thương dân thương nước chứ không phải người chỉ biết mù quáng tôn thờ chế độ. Ngay cả một 'thổ ty' - mà theo tôi hiểu là người đứng đầu của một nhóm sắc tộc thiểu số địa phương - mà ông cũng ôn tồn kính trọng, không nỡ ăn chặn của người ta xu hào nào dù người ta thực tình kính lễ. Ông yêu quí và nghiêm khắc với lý tưởng của chính mình, đến độ nổi giận chém chết người đầy tớ bất nhân vì đã tàn nhẫn bóc lột người dân thiểu số nghèo khó thấp cổ bé họng, dù quan lại bằng hữu có mặt đã hết sức can ngăn. Giá như tên đầu bếp kia chỉ ăn chặn tí tí, hoặc chỉ dám ăn chặn của người giàu, thì chắc ông không đến nỗi phẫn nộ mà phạm luật giết người quá tay? Giải thích điều này làm sao nếu không phải ông thực sự có lòng thương dân nghèo? Và giải thích làm sao việc ông không tìm cách giấu nhẹm sai sót mà tự dâng sớ về triều xin chịu tội, nếu không phải ông là người có lương tâm trong sáng tuyệt vời?
Nhưng điều làm tôi suy nghĩ nhiều hơn hết, là một người sinh ra trong vùng nông thôn xa kinh kỳ, thời niên thiếu lại nghèo khó ít học như Nguyễn Văn Hiếu, ông đã được dạy những điều cốt tủy nào mà có một cuộc đời thành công và đẹp đến thế? Và ai, và nền giáo dục nào, văn hóa nào đã dạy cho ông những điều đó? Nền giáo dục của chúng ta ngày nay nhồi nhét vào con em ta quá nhiều điều, liệu có tạo ra được một thế hệ trong sáng và đầy lý tưởng như Nguyễn Văn Hiếu hay không?
Theo Wikipedia , Nguyễn văn Hiếu sinh tại phủ Kiến Hòa tỉnh Định Tường nay là H. Gò Công Đông không phải Kiến Hòa là tỉnh Bến Tre . Theo Báo QĐND thì nói ông Hiếu sinh ra ở Kiến Hưng. tỉnh Định Tường, nay là H. Gò Công Đông , tỉnh Tiền Giang . Hơn nữa Định Tường chỉ được gọi là Tỉnh từ thời Vua Minh Mạng.
Trả lờiXóaNguyễn Văn Hiếu là một võ tướng gốc Nam lại được bổ nhiệm làm Tổng Đốc một tỉnh quan trọng ở Bắc Thành cũng là điều đăc biệt. Các tổng đốc hồi đó hầu hết là quan văn .
Theo vi.wikipedia.org :
Trả lờiXóa"Trần Thủ Độ làm quan rất nghiêm minh, khi Thiên Cực công chúa có xin riêng cho một người làm Câu Đương, ông nhận lời. Đến lúc xét, ông gọi người ấy lên mà bảo: "ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu Đương nên không thể so với người khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt." Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy không ai dám đến nhà riêng xin xỏ nữa".
Qua giai thoại này ta thấy nếu Trần Thủ Độ vị tình mà ban chức vị cho người kia thì cũng là một hình thức tham ô vậy. Nếu như ông là quan đầu triều nhà Sản hiện nay thì hẳn các công tử nhà NTD, Nguyễn Văn Chi, Nông Đức Mạnh v.v, muốn thọ chức(to hơn chức "Câu Đương" nhiều) cũng phải chịu khuyết đi một vài ngón chân, hay tốt nhất là cắt đi 1 tai để dễ phân biệt!
Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử có nhiều tranh luận, đánh giá khác nhau. Chẳng hạn, vì cơ nghiệp lâu dài của họ tộc, ông có thể có những việc làm không được lòng người. Tuy nhiên, trong nhiều chuyện thì cơ nghiệp