Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

ÔNG PHAN CẨM THƯỢNG KỂ CHUYỆN VIẾT SÁCH

Thưa chư vị,

Vậy là trải bao nhiêu ngày - tháng  - hạ  - thu - đông, ròng rã chờ mong cuốn sách của Ông Phan Cẩm Thượng về sự văn minh của người Việt, đến bây giờ đã thấy đây! Cuốn sách đã được lưu hành trên khắp cả nước.

Cuốn sách dày dặn, in ấn đẹp và tinh tế với cả ngàn hình ảnh minh họa rất tỷ mỉ và đẹp, phần lớn là do tác giả Phan Cẩm Thượng vẽ. Đây là cuốn sách đầu tiên về văn minh người Việt được minh họa cụ thể như vậy. Cuốn sách được viết với một lối văn riêng đầy hấp dẫn, dẫn dụ người đọc đi về quá khứ xa xăm của dân tộc, ở đấy nhiều khoảng trống về nhận thức cần được lấp đầy, nhiều khoảng tối cần được soi rọi. Phan Cẩm Thượng cứ thế nhẩn nha trò chuyện, lôi kéo người đọc. Đọc cuốn sách, người ta cảm nhận được rằng, Phan tiên sinh đã "thổ tận can tràng" trong từng con chữ, đã viết cuốn sách (với hai chục năm chuẩn bị) với tất cả hiểu biết, trải nghiệm và tình yêu của mình đối với đất nước ông bà rất cụ thể, độc đáo. Nhiều đoạn, tác giả khiến người đọc bâng khuâng và rưng rưng trong niềm hoài niệm về một nước Việt cổ xưa. Đó đây là cái nhìn đầy hóm hỉnh, trêu cợt của một lữ khách từng trải...

Lâm Khang tôi thiển nghĩ, mỗi gia đình, mỗi trường học nên có một cuốn sách này. Đây là cuốn sách không để đọc trong chốc nhát mà phải đọc trong cả cuộc đời. Đọc rồi, truyền lại cho con cháu đọc.

Hân hoan chúc mừng ông Phan Cẩm Thượng và cảm ơn ông đã trao cuốn sách quý cho tất cả chúng ta!  

Tôi viết cuốn Văn minh vật chất của người Việt

PhanCẩm Thượng

Hoạ sỹ Paul Gauguin trong một tácphẩm vẽ ở Tahiti có lấy chủ đề: Chúng ta làai? Chúng ta từ đâu ra? Chúng ta đi về đâu?. Đó là những câu hỏi lớn mà bất cứdân tộc nào, cá nhân nào cũng phải tự hỏi và tự giải đáp cho mình. Viết vànghiên cứu lịch sử là cách lý giải những câu hỏi đó, tuy nhiên người ta đã quanniệm lịch sử rất hẹp hòi, như là lịch sử chính trị, lịch sử chiến trận hay lịchsử của các triều đại thống trị, mà quên mất con người đã từng tồn tại bằng rấtnhiều phương diện khác. Lịch sử nghệ thuật cũng là một con đường lớn, mà chínhmột thế chế, một thời đại qua đi, nó trở thành nhân chứng duy nhất (như Kim tựtháp Ai Cập). Đồ vật và sinh hoạt ngày thường cho mãi đến gần đây mới là đốitượng bổ xung cho nghiên cứu lịch sử. Ăn ở của con người như thế nào nói lênđược nhiều điều mà lịch sử to tát của các vương triều không lý giải thỏa đáng.Tôi bắt đầu hình thành cuốn Văn minh vậtchất của người Việt sau một thời gian dài nghiên cứu nghệ thuật thuần tuý,khi thấy bên cạnh những kiến trúc tranh tượng còn có những vật dụng thôngthường mà qua đó có thể hiểu được bước đi của dân tộc. Xem những bảo tàng dântộc học và lịch sử tự nhiên đem lại những gợi ý khác và nhất là những cuốn sáchmà trước đây ông Thái Bá Vân từng nhắc tôi nên đọc như: Đời sống hàng ngày của người Hy Lạp, La Mã. Cuốn Cấutrúc vật chất trong đời sống thường ngày (The Structures of EverydayLife) của ông Fernand Baudel (1902 - 1985) đã đem cho tôi những gợiý sâu sắc về phương pháp luận, để từ một mặt rất thông thường của đời sống, nhưngựa xe, lương thực mà hiểu lịch sử và con người đã như thế nào trong lịch sử.

Sự phát triển của cái bát là điềuđầu tiên và rất cụ thể mà tôi chú ý đến. Từ chỗ con người ăn bốc, chụm hai bàntay vào hụm nước, bổ đôi hoa quả, cái bát hình thành như một đồ đựng quan trọngvà biến thiên lúc thì như cái thuyền (bát thuyền) lúc thì như bông hoa sen, hoasúng (bát Lý Trần), rồi lại như thân hình thắt eo của người phụ nữ (bát chiếtyêu). Rồi từ đây tất cả đồ vật bỗng trở thành quan trọng để nhìn nhận đời sốngtrong quá khứ. Tôi băn khoăn cái rìu, cái cuốc, cái cầy và bánh xe đã ra đời vàthay đổi như thế nào, khi nào thì người Việt bước vào nền nông nghiệp, thay vìsăn bắn hái lượm trong kinh tế tự nhiên. Mọi thứ đã hiện lên sinh động. Tất cảcông cụ lao động và đồ vật, giống má không có sẵn, không có đồng thời cùng mộtlúc, chúng hình thành dần dần trong lịch sử và thay đổi theo thói quen canhtác, theo địa lý, và dẫn đến các tập tục văn hoá. Đê đến thế kỷ 11 mới đắp, nềnnông nghiệp quy mô mới chính thức bắt đầu. Vì kèo gỗ mới tìm thấy sớm nhất ởthế kỷ 13, chè Lam thế kỷ 15 mới có, thuốc lá năm 1660 mới chính thức được hút,xu hào, cà chua, bắp cải, súp lơ thế kỷ 17 mới được đưa vào Việt Nam theo nhữngthương thuyền châu Âu, phở thì đầu cuối thể kỷ 19 đầu thế kỷ 20 mới  có, chiếc áo dài tân thời mới được cải tiếnnăm 1930. Từng thứ từng thứ có nguồn gốc, có ngày sinh tháng đẻ, lịch sử khôngphải là truyền thuyết, không có sẵn từ đầu tất cả mọi thứ. Nhìn sang phương Tâycũng như vậy thôi, thế kỷ 18, ở thành Parishàng ngày có đến 20 ngàn người đổ thùng và xe nước cho các thị dân, những ngườinghèo thì ra đầu các cống thải tắm giặt. Do thuốc ho lao chưa có nên các côngnương xinh đẹp rất ít tắm vì sợ sưng phổi. Ở ta cũng vậy, có thời nhà nôngkhông ăn bữa tối, bữa cơm hàng ngày không biết đến thịt là gì. Lúa Chiêm chưađược biết đến ở thế kỷ 2 ở Bắc bộ và cây lúa nương đóng vai trò chính trong cấytrồng lúc đó.

Văn minh bắt đầu từ cái rìu mộtthứ vũ khí kiêm công cụ và cái này đẫy rẫy trong văn hoá Đông Sơn, tiếp sau làcái cuốc một công cụ có tính thế giới ở mọi dân tộc sơ khai, cuối cùng là cáicầy do gia súc kéo. Đến cái cầy chưa hẳn là nền nông nghiệp và nông dân đã hìnhthành, còn phải có một thứ nữa là vụ mùa, thuần dưỡng chăn thả và quần cư làngmạc. Từ đây con người bước vào giai đoạn suy thoái hay phát triển người ta cònphải tranh luận, vì nông nghiệp làm mất hẳn kinh tế tự nhiên, suy thoái hàngloạt giống má trong tự nhiên và con người phụ thuộc một cách bấp bênh vào vụmùa, lại do mưa nắng quyết định. Song chính nền nông nghiệp đã dẫn đến sự hìnhthành của nhiều quốc gia. Ở lưu vực sông Mê Kông, cây lúa nước có nguồn gốc từvài giống lúa từ Tây Tạng đã tạo ra các vựa lúa lớn và dẫn đến các quốc gia cácnền văn hoá đặc sắc. Đó là Nam Chiếu, Đại Lý ở nam Trung Hoa, Burma (Myanma)với nền nghệ thuật Pagan, Lào và Siem với Luang Phabang và Sukhothai, Phù Namvà Camphuchia với Angko, rồi ngược lên trung bộ Việt Nam là Champa với Mỹ Sơn,trong khoảng thời gian từ đầu công nguyên đến thế kỷ 7. Vựa lúa sông Hồng, sôngThái Bình và sông Mã được hình thành theo cách khác dẫn đến quốc gia Đại Việtmuộn hơn mặc dù lịch sử của người Việt cũng lâu dài.


Khi đê chưa được đắp các thửaruộng có thể cấy trồng vào mùa khô với chất đất khá xốp. Cái lưỡi cầy Đông Sơncho thấy nó được bố trí nằm gần như bằng với mặt đất. Khi nước sông không cònvào được ruộng nữa, đất trở nên rắn và cái lưỡi cầy buộc phải nằm nghiêng. Cầychìa vôi ra đời trong khi đó người Trung Hoa vẫn cầy bằng cái cầy có guốc cầylà trên mặt ruộng. Cái này người Hán gọi là sàngcầy hay để (đáy) cầy. Người Nhật thì dùng cả hai loại gọilà vô sàng lê (cầy không guốc - giốngcầy chìa vôi ta) và hữu sàng lê (cầycó guốc - giống cầy Hán). Cái sàng cầy lại được làm theo 3 kiểu ngắn, vừa vàdài, tuỳ theo địa hình. Người Champa thì lại học lối cầy Ấn Độ, có cái cầynương mũi quặp xuống như mỏ chim, và cầy ruộng nước như cầy Việt. Tuy nhiên cầyChampa khá nặng và to phù hợp với hai bò kéo. Sự ảnh hưởng của văn hóa TrungHoa và Ấn Độ không chỉ trên các bình diện tinh thần mà ngay ở canh tác nôngnghiệp, người Việt tiếp nhận được cả giống lúa Chiêm từ phương Nam, giống lúanương sau chuyển thành cây lúa mùa từ phương Bắc và rất nhiều loại hình công cụtừ hai phía, bên cạnh đồ dùng, binh khí, nhạc cụ, y phục thì cũng có hai xuhướng như vậy, trong đó sắc thái Nam Á là chủ đạo và là huyết mạch trong vănminh vật chất của người Việt, đặc biệt là đời sống dân gian thường nhật, cònvua chúa quý tộc lại đam mê những kiểu cách Trung Hoa.

Sông nước và con thuyền gắn bóvới người Đông Sơn sau đó là người Việt từ thời thượng cổ với con thuyền độcmộc ban đầu, khi sống thì con thuyền là nhà, khi chết thì con thuyền là mồ. Đâychính là điểm khác nhau giữa văn hóa Việt - Mường khi con thuyền không mấy ýnghĩa với người Mường, mặt còn lại người Việt và người Mường chung nhau rấtnhiều điểm, về ngôn ngữ, lối ăn gói lá và đồ, lối quấn vải làm khăn, áo ngực vàváy, cách thức canh tác và chế tạo nông cụ. Dấu ấn con thuyền trở thành hìnhtượng trên mái đình làng và thủy binh cũng là một thành phần mạnh trong quânđội phong kiến. Cái xe ít được nhắc đến và có vẻ rất thô sơ cho đến tận đầu thếkỷ 20, người Việt chưa bao giờ chế tạo được cái xe ngựa chạy tốc độ cả. Tấtnhiên xe trâu bò kéo, xe cút kít đẩy tay cũng được dùng phổ biến và chủ yếu làchuyên chở nặng. Xe ngựa và kỵ binh trong quân đội phong kiến rất kém và hầunhư không được dùng trong chiến trận.

Sự ra đời của cái bánh xe đượccoi như là mốc phát triển quan trọng của loài người. Có người cho rằng cái bánhxe hình thành từ cái cối đá cổ xưa, hay bàn nghiền, con lăn… đều lấy nguyên lýquay tròn làm chuyển động. Với người Ấn Độ bánh xe - pháp luân có nguồn gốc từmặt trời và thể hiện sự bất tận của cuộc sống. Trong văn minh Ai Cập và TrungHoa, bánh xe và xe ra đời khá sớm, có lẽ đến hai ngàn năm trước Công nguyên,sau đó đến cỗ xe Hy Lạp nổi tiếng trong lịch sử chiến trận chừng 500 năm trướcCông nguyên. Từ bánh xe có nhiều quan hệ với guồng nước, cối xay nước, cối xaygạo, cối ép mía… mà người Trung Hoa đều gọi là Xa cả, tức là chuyển động của một đồ vật dựa trên nguyên lý quaytròn. Cái xe trong văn minh Việt không đóng vai trò lớn, ngay cả trong quân độiCho đến đầu thế kỷ 20, nông dân vẫn dùng chủ yếu là xe trâu kéo thô sơ, bánh làmột phiến gỗ đặc và xe cút kít gỗ một bánh di chuyển rất chậm, chuyên chở cũngkhông nhiều.

Từng thứ từng thứ, gây cho tôi sựtò mò vô hạn về xuất xứ, công năng và sự thay đổi của nó theo thời gian, sự sửdụng, mỗi đồ vật đều có khả năng nói lên con người sử dụng nó như thế nào, thờibuổi sinh ra nó ra sao. Đó chính là cánh cửa mở ra cái nhìn lịch sử theo mộtcách khác không sách vở. Khi bắt tay viết, tôi mới thấy mình chạm vào một lĩnhvực quá sức, làm sao một cá nhân có thể biết hết được những gì dân tộc trảiqua, tôi bèn xác định những công cụ và đồ vật chính, đối chiếu nó với những đồvật trong các nền văn minh tương tự có liên quan với xã hội nông nghiệp cổ ViệtNam, từ đó gắng lần ra sợi dây xuyên suốt sự phát triển, ví dụ như từ cục đásinh ra cái rìu, con dao, cái đục, cái búa. Khi đụng chạm vào một thế giới mênhmông như vậy, nhiều khi tôi cảm thấy có một người nào đó rất cổ xưa đọc chomình chép, cứ thế cứ thế, liên tục qua đêm này đêm khác, và tôi cũng nhanhchóng hình thành xong cuốn sách vài trăm trang. Công việc song song là nhờ mộtbạn trẻ đi chụp ảnh minh họa và tự mình đến những nơi có đồ vật vẽ lại. Riênghơn 1500 minh họa ảnh và tư liệu cũ, hình vẽ, bản thân nó cũng là một công việckhông nhỏ và tốn kém, kéo dài trong suốt sáu năm qua. Bao nhiêu câu chuyện vềđời sống quá khứ và ngay hiện tại khi chúng tôi đi làm sách cũng đáng để viết ra và tôi xin tặng cuốn sách này cho các bạn trẻ khi muốn tìm hiểu xem cha ôngđã ăn mặc, làm lụng, khai nền mở đất như thế nào. Mỗi vùng các bạn sống đều cónhững đồ vật nhất định, những tập tục bản nguyên và các bạn có thể viết thêmvào cuốn sách những gì tôi chưa biết, coi đó như là một công việc chưa kết thúccần viết tiếp.

PhanCẩm Thuợng
2011

 *Các hình ảnh trong bài trích từ sách Văn minhvật chất của người Việt.

Bài đọc thêm:
Ông Phan Cẩm Thượng truy nguyên sự "đểu cáng"
.
Ông Phan Cẩm Thượng, một nhà phê bình và nghiên cứu mỹ thuật có tiếng ở nước ta vừa viết xong cuốn sách về văn minh vật chất của người Việt. Chắc ông viết cuốn này trong thời gian ông bỏ nhà sang ở chùa Bút Tháp bên Kinh Bắc. Sách rất dày, và nhiều hình ảnh. Tôi cũng đã đọc nhiều sách về văn minh Việt, nhưng chưa thấy có cuốn nào được như cuốn này. Mỗi lời ông nói, mỗi thứ ông kể đều có hình ảnh minh họa, do chính tay ông họa ra. Ông viết rất tỉ mỉ và giàu chất văn chương, lại lắm giọng. Đọc sướng lắm! Mở cuốn sách ra, là ta như được ngồi bên ông, bên một mẹt đồ nhắm, với cái be sành để bên cạnh, mà ông thì cứ vừa thủ thỉ rót rượu, vừa thủ thỉ kể câu chuyện của ông. Nghe đồn rằng Ông Chu Hảo ở nhà Tri Thức sẽ in cuốn này vài vạn bản.

Bản thảo hoàn thành, ông Phan Cẩm Thượng đưa cho 3 người đọc. Đó là 2 nhà văn Nguyên Ngọc, Hoàng Giá (bên Kinh Bắc) và tôi. Thật vinh dự lắm! Ông chơi với bọn tôi đã lâu, nhưng tôi chẳng bao giờ dám nghĩ có ngày ông cho mình đọc bản thảo và nhờ góp ý như thế này! Ông mang bản thảo đến tận nhà tôi, trong một đêm mưa gió, điều này làm tôi quá xúc động. Và bất ngờ đến với tôi trên từng trang sách của Phan. Hiện lên ngay trang mở đầu sách là hình ảnh bà nội của ông (cũng là bà nội tôi) “bà cụ bận váy sồi vuông, thắt bao tượng xanh, yếm trắng và khoác bên ngoài áo cánh, đầu đội nón thúng”. Thân thương quá chừng! Ông chay tịnh tắm gội niệm Nam mô A Di Đà Phật và xin dâng cuốn sách như lời tri ân của ông đối với Đất Nước và Mẹ Cha!

Hiện lên trong sách ông Thượng là con thuyền cổ xưa, là bến sông, con đò, xe cộ thuyền bè, là chày cối, rìu đồng, thúng mủng giần sàng, là cơm là gạo, là lúa ngô khoai sắn, là mắm là bánh cùng là hoa quả. Ta như được sống lại trong thời xưa cũ của những vàng son dĩ vãng trên các đồ thờ, của đồ trang sức gái Việt, cung kiếm của võ sĩ, nhạc khí của phường bát âm, tứ bảo văn phòng của văn nhân sĩ tử, và đình chùa đền miếu trăm năm nghìn năm còn là chốn trú ngụ, chở che của cả người và thần thánh. ….

Xin mạn phép ông để giới thiệu về một đoạn ông tả về Một ngày của người Việt qua bốn hạng dân Sỹ - Nông - Công - Thương. Đoạn này viết về Người lái buôn (Thương):

"Chàng lái buôn chít lại khăn đầu rìu, xốc hầu bao có túi tiền rủng rẻng, bao khăn khoác vai đựng quần áo, bước ra khỏi quán phở, rồi ra bến thuyền Sơn Tây. Trên thuyền những người dân Mường đã chất vài bao hương liệu, thảo dược, qua Hương Canh, lái buôn sẽ nhập thêm ít gốm sành, rồi xuôi Thăng Long và Phố Hiến. Đám dân Đểu Cáng đã về hết (chỉ những người gánh thuê, Đểu là một người gánh hai thùng hai bên, Cáng là hai người gánh chung một đòn, thúng ở giữa). Từ Sơn Tây xuống Kẻ Chợ chừng năm sáu mươi cây, nhưng theo đường sông Hồng phải bảy tám mươi cây, một ngày đò mới tới. Quá trưa thuyền dừng quảng Phúc Yên, cập bến nghỉ ăn và mua đồ gốm, chiều đò xuôi tiếp bến Chương Dương, khách và chủ thuyền cởi dải rút quần lá tọa, vạch chim đái tồ tồ xuống mặt sông, xốc lại áo quần rồi chuyển hương liệu lên bờ. Ở lại Thăng Long chừng ba hôm, chàng lái buôn nhập thêm ít lụa Hà Đông, đi chơi cô đầu, chàng trọ nhà một người quen ở phố Thuốc Bắc. Thuyền lại đi xuống Bát Tràng, chàng mua vào chục lô bát chiết yêu, lục bình cỡ lớn, rồi đi Phố Hiến giao hàng. Hàng chục ngày lênh đênh trên sông, gặp bến thì lên bờ ăn nghỉ, còn không thì thổi nấu trên thuyền, nếu đi quá lâu, chủ thuyền cũng đành đồng ý cho gã lái buôn cắp theo một cô đào quá lứa cho vui chuyện. Tắm rửa thông thường dùng nước sông, trừ khi khan hiếm còn không chủ thuyền thường tích nước mưa nấu ăn và pha trà. Đêm ngồi đầu thuyền ngắm trăng, thưởng trà cũng thật là thanh cảnh".
 
Nguyễn Xuân Diện

5 nhận xét :

  1. thật là một cuốn sach quý hiếm , tôi phải mua 3 cuốn để đọc và tặng bạn bè

    Trả lờiXóa
  2. Cập Thời Vũ,

    Bác ơi, ai cũng mong có sách này. Hôm ra mắt cuốn sách, cả một hội trường chật cứng người. Rất nhiều người phải đứng để nghe tác giả nói về quá trình làm sách.

    Riêng buổi đó đã bán được 14 thùng sách đấy bác ạ. Bác không mua nhanh là sẽ phải đợi khi tái bản mới mua được đấy!

    Lâm Khang

    Trả lờiXóa
  3. Những cuốn sách với cách viết, đề tài, tác giả thể hiện như cuốn này xứng đáng có mặt trong mỗi tủ sách gia đình !

    Trả lờiXóa
  4. Bái phục Sừ-Phan đắm đuối nghề,
    Hết nho,vờn vẽ...sách thì...phê !
    Guốc lê,mõ gõ nơi Đình-Tổ...
    Xông xáo mà thành...Thực-tế ghê !

    Trả lờiXóa
  5. hôm trước đi xem sách, sau một hồi mới thấy cuốn này nằm khá khuất & ở tít trên cao, nhưng đọc lời giới thiệu của tác giả là muốn mua ngay. Rất hay, rất ý nghĩa & cực kỳ bình dị thầy ạ (một trong những học sinh của thầy)

    Trả lờiXóa