Sức mạnh thông tin của các trang blog
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2012-02-05
Đã từ lâu chính quyền vẫn xem các trang blog là những nơi người viết dùng để chỉ trích hay ít ra cũng làm méo mó những thông tin mà dòng chính đưa ra.
Tuy nhiên sau nhiều biến cố hồi gần đây từ việc tổ chức đại lễ Ngàn Năm Thăng Long tới biểu tình chống Trung Quốc và vụ mới nhất là cưỡng chế đất tại Tiên Lãng, nhiều trang blog đã chứng tỏ sức lan tỏa của nó vào người đọc trong và ngoài nước. Sức mạnh của blog được chính quyền đánh giá ra sao và liệu các trang blog đã thoát ra khỏi thành kiến của những cán bộ nhà nước hay chưa? Mặc Lâm tìm hiểu qua các chủ nhân những trang blog nổi tiếng sau đây.
Đường link của các trang blog hình thành như một loại mạng nhện, có khả năng liên thông tương tác và dẫn dắt những trang blog có chứa các thông tin khác nhau chia ra cho hàng ngàn người xem cùng lúc. Cuộc cách mạng blog đã như một tiếng chuông cảnh tỉnh rất nhiều người hoạt động trong ngành truyền thông và không ít người thấy rằng blog là nơi lý tưởng để chia sẻ những bài viết cho mọi người mà không qua bất kỳ một sự kiểm duyệt nào, nhất là dưới đôi mắt của người biên tập nơi nhà báo làm việc.
Boxit.vn và Basam.net
Boxit.vn và Ba Sàm là hai trang mạng xã hội đặc biệt nhất trong các trang blog. Trong khi Boxit.vn được hình thành để phản biện việc chính phủ cho phép khai thác bauxite tại Tây Nguyên thì Ba Sàm tập trung những bài viết hay, xuất sắc trong cũng như ngoài nước viết về nhiều chủ đề khác nhau với mục đích chuyển tải thông tin là chính.
Ba Sàm xuất hiện đều đặn với một thông điệp hết sức rõ ràng cho các cơ quan lãnh đạo truyền thông đại chúng trong nước rằng: Trang mạng này vượt mọi kiểm duyệt để mang tới cho người đọc, trong đó có cả viên chức nhà nước các thông tin mà họ cần, bất kể từ nguồn nào, miễn nó chính xác và hữu ích.
Osin, kỳ tích đầu tiên
.
Osin, kỳ tích đầu tiên
.
Qua kinh nghiệm viết báo, nhiều trang blog mà chủ nhân là ký giả sau khi ra mắt đã nhanh chóng nổi lên ngang hàng với một tờ báo lớn. Trang Blog Osin là một hiện tượng viết blog đáng chú ý của Việt Nam. Ký giả Huy Đức đã post những bài viết ấn tượng mà từ trước cho tới thời điểm ấy không có tờ báo nào dám đăng tải với những nội dung như thế.
Huy Đức không phải là một ngoại lệ, sau anh là Quê Choa, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Xuân Diện, Mai Thanh Hải, Nguyễn Tường Thụy, Cu Làng cát, Nguyễn Quang Vinh… và hàng trăm trang blog khác, mỗi trang một cách viết nhưng mục đích chung của những blogger này rất dễ thấy: Nói lên những gì mà xã hội quan tâm trong khi báo chí dòng chính không được phép nói.
Trong giai đoạn đầu khi chính quyền chưa quan tâm mấy đến hiệu ứng của một trang blog thì cư dân mạng tha hồ viết, tha hồ comment. Thế nhưng khi người truy cập trang blog Osin lên đến con số triệu thì nhà báo Huy Đức tuyên bố khai tử trang blog nổi tiếng này.
Không nói ra nhưng mọi người đều biết, càng nhiều người truy cập thì ảnh hưởng của chủ trang blog càng lớn. Nhà nước không muốn bất cứ sự ảnh hưởng của một cá nhân đối với cộng đồng, cho dù ảnh hưởng của nó là tích cực.
Không chịu botay.com
Không chịu botay.com
Có điều lý thú là sau khi blog Osin đóng cửa những trang blog khác không những không giảm các bài viết nhạy cảm mà do tình hình căng thẳng nhiều mặt của xã hội đã xuất hiện ngày một nhiều hơn các bài viết đầy hình ảnh, mạnh mẽ và trực tiếp chỉ ra những sai lầm, bất cập, tha hóa hay cửa quyền của những khuôn mặt chức quyền trong bộ máy. Những tên tuổi bị chỉ ra đích danh với các bằng chứng không thể chối cãi trên các trang blog đã dần dà mang lại uy tín của các địa chỉ blog và kết quả là cư dân mạng thích vào xem các blogger nói gì trước khi xem các tờ báo của nhà nước.
Những bài viết giá trị trên các trang blog đã chứng minh được hiệu quả của nó nếu so với sự trì trệ, e dè và thậm chí sợ hãi của các trang báo dòng chính. Chính các trang blog đã đem lại những thông tin ban đầu cho báo chí bởi tính đa dạng và nhanh chóng từ các đường link không thể đếm hết của nó.
Ai đọc blog?
Ai đọc blog?
Bạn đọc của blog cũng da dạng như người viết blog. Ban đầu là cư dân mạng ở mọi lứa tuổi, sau đó là các nhà báo quốc doanh, rồi tới các cán bộ cao cấp và cuối cùng là nông dân và thị dân của các thành phố. Nhiều người trở thành độc giả dài hạn của các trang blog và quên bẵng những trang báo quốc doanh. Nhiều trang blog ảnh hưởng tới cả quan chức nhà nước một cách âm thầm là nhận xét của nhà báo Nguyễn Quang Lập chủ nhân trang blog Quê Choa:
“Các quan chức hiện nay đọc blog ngày càng nhiều căn cứ comment và email mà tôi nhận ra được điều này. Số lượng quan chức quan tâm nhiều vì thấy có ích và không còn coi blog là sự nhảm nhí nữa.
Các quan chức hiện nay đọc blog ngày càng nhiều căn cứ comment và email mà tôi nhận ra được điều này. (Nhà báo Nguyễn Quang Lập)
Ngay như vụ Tiên Lãng trước đây rất ít người tham gia, đặc biệt là người nông dân, nhà quê nhưng sau vụ này thì rất nhiều nông dân cũng đọc blog vì họ thấy blog nói đúng lòng của họ quá.
Tất nhiên bên cạnh sự nhảm nhí thì có những người cần tìm kiếm những thông tin sự thật vì họ không còn tin tưởng gì vào báo chí lề phải nữa. Có những người họ có tâm thật chứ không phải quan chức người nào cũng xấu đâu. Họ đọc blog vì họ thấy có ích cho họ.
Qua vụ Tiên Lãng không những nông dân Tiên Lãng đọc blog mà còn rất nhiều nông dân của những tỉnh khác. Những việc này qua email của tôi mà tôi biết thôi chứ không phải nghe từ đâu cả.”
Đóng góp bằng phản biện
Đóng góp bằng phản biện
.
Trang blog Trương Duy Nhất liên tiếp trong nhiều năm đã dẫn đầu số người truy cập bằng các bài viết vỗ mặt, không khoan nhượng với những thành phần bất hảo, bất kể trong hay ngoài chính quyền. Nói về mặt tích cực của trang blog đối với chính quyền và xã hội, nhà báo Trương Duy Nhất cho biết:
“Tôi nghĩ là sự đóng góp của những trang blog cá nhân đối với xã hội và đối với tình hình chung thì tôi cho là nó có nhiều đóng góp rất lớn. Có những điều nhờ đóng góp mà nó xoay chuyển rất rõ. Tôi nói ví dụ như cùng với các cuộc xuống đường biểu tình của trí thức, cộng với tác động của những trang blog, dĩ nhiên là có những ý kiến khác nhưng phải thừa nhận nó có tác động, để từ đó ngay cả Thủ tướng và quốc hội đã phải đưa dự luật biểu tình vào chương trình nghị sự cần phải sớm ban hành.
Tôi nghĩ là sự đóng góp của những trang blog cá nhân đối với xã hội và đối với tình hình chung thì tôi cho là nó có nhiều đóng góp rất lớn.
Nhà báo Trương Duy Nhất
Hoặc là trong chuyện đại lễ Nghìn Năm. Ngày trước báo chí có nói gì đâu? Nếu không có những góp ý hay phê phán của các trang blog cá nhân thì liệu có xoay chuyển không? Chính nhờ những ý kiến ấy mà đại lễ Nghìn Năm Thăng Long đã lược bỏ rất nhiều những rườm rà tốn kém. Tôi cho đó là những tác động rất tốt.
Suốt nhiều năm trang blog của tôi có lẽ là trang viết nhiều nhất nói “không” với “nhiệt liệt chào mừng”! Nghi lễ nhiệt liệt chào mừng thuộc về ngoại giao nó không thể áp dụng khi anh về với dân làm việc. Sau những bài viết tôi thấy nó có tác động và bây giờ hình như người ta đã nghe đấy. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên loại bỏ cái “nhiệt liệt chào mừng” và nhiều vị tuy chưa bỏ được nhưng tôi thấy có sự xoay chuyển. Ví dụ như khi Thủ tướng về làm việc thì không còn “nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng…” mà thay vào đó là “Thủ tướng làm việc với…”
Giá trị đóng góp của các trang blog cá nhân đã tác động đến sự xoay chuyển của chính quyền và người ta đã lắng nghe. Vì vậy thời gian qua những đóng góp của các trang blog là tích cực.”
.
.
Nguyễn Xuân Diện blog: CNN của Việt Nam
Trang blog Nguyễn Xuân Diện chính là nơi tập trung thông tin về các vụ biểu tình chống Trung Quốc khiến nhiều người chú ý và trở thành quen thuộc. Những bài viết chuyên biệt về biểu tình được trang blog này tung ra vừa nhanh chóng lại đầy đủ hình ảnh khiến người ngồi xa hàng vạn dặm trước máy vi tính cũng theo dõi được tất cả các diễn biến đầy kịch tính trong các cuộc biểu tình tại bờ hồ Hà Nội. Có thể nói trang blog Nguyễn Xuân Diện là một CNN của Việt Nam và uy tín của nó vượt xa các trang báo hoành tráng khác ngay tại thủ đô Hà Nội.
Quê Choa, Cu Vinh và Tiên Lãng
Trong thời gian gần đây khi sự việc Tiên Lãng xảy ra thì trang blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập và trang blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh trở thành nơi săn tin của báo chí.
Trong khi trang Quê Choa tập trung hàng trăm bài viết phân tích vụ Tiên Lãng của các tác giả tên tuổi hay quan chức cao cấp của chính quyền thì trang blog của nhà văn Nguyễn Quang Vinh lại chú tâm mang người đọc đến tận nhà của nạn nhân ngay tại xã Vinh Quang với hình ảnh trung thực và sống động từng ngày.
Là một nhà báo, nhà văn chống tiêu cực nổi tiếng và với cách viết của một blogger cộng với kinh nghiệm nhiều năm trong khi bôn ba điều tra tiêu cực, Nguyễn Quang Vinh đã tập trung được nhiều chi tiết bất ngờ trong vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng. Chính trang blog này đã kịp thời lên tiếng báo động trước khi các cường hào tại Tiên Lãng phối hợp nhau tiếp tục manh động. Chủ nhân trang blog Nguyễn Quang Vinh cho biết:
Trong vụ Tiên Lãng mình viết như viết báo đầy tâm huyết và chính xác chứ không có dạng tạo tác chuyện này chuyện kia. Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
“Các trang blog khác như thế nào thì tôi không biết nhưng trong các blog tại Việt Nam thì blog của các anh em văn nghệ sĩ, anh em làm báo rất nhiều và quan trọng là người ta đưa hẳn tên tuổi của họ ra, ví dụ như Nguyễn Quang Lập, Trương Duy Nhất, Nguyễn Xuân Diện, Mai Thanh Hải, Phạm Xuân Nguyên… người ta đưa thẳng tên tuổi tức là họ chịu trách nhiệm tất cả những điều họ nói.
Cụ thể như vụ Tiên Lãng thì các trang blog của các văn nghệ sĩ tên tuổi của báo chí thì nó có cấp cộng đồng, cái nhìn trung thực nhiều chiều và tất nhiên có những thông tin mà anh em báo chí chưa có điều kiện đưa lên trang báo thì đưa lên blog cho anh em cùng đọc.
Blog của mình thì ngay anh em phóng viên báo chí cũng lấy tài liệu từ đây, bởi vì sao? Vì toàn bộ tài liệu ở đây là tài liệu chuẩn. Trong vụ Tiên Lãng mình viết như viết báo đầy tâm huyết và chính xác chứ không có dạng tạo tác chuyện này chuyện kia. Thế cho nên mình nghĩ là có tác dụng lớn vì qua khảo sát thông tin thì có rất nhiều người đương chức ghé thăm blog mình rất nhiều.”
Cái tên: điều không thể đánh đổi
Trang blog tuy là thế giới ảo nhưng tên tuổi của người viết là thật vì vậy chính quyền có thể kiểm chứng, truy vấn hay tìm hiểu chủ nhân của chúng một cách dễ dàng. Tuy nhiên chính yếu tố công khai tên tuổi là điều kiện tiên quyết để các trang blog tạo niềm tin vào người đọc và gây tên tuổi cho chính tác giả.
Đóng góp của các trang blog qua hình thức phản biện là nét đặc sắc của blogger Việt Nam. Nó không những làm đầy thông tin bị thiếu do kiểm duyệt mà blog đã chứng minh cho chính quyền thấy rằng do độc lập trong cách đưa tin nhưng tự nguyện ràng buộc bởi uy tín đã có, các trang blog này sẽ là nơi mà nhà nước có thể yên tâm tham khảo hơn bất cứ các báo cáo nào từ nhân viên cấp dưới, đặc biệt trong trường hợp cực kỳ nghiêm trọng như vụ Tiên Lãng đang gây sốt cho xã hội và chính quyền hiện nay.
Nguồn: RFA-Đài Á châu Tự do
____________________________
Bài đọc thêm:
- Nguyễn Văn Tuấn: Viết nhân 5 triệu lượt ghé thăm
- Nguyễn Xuân Diện trả lời PV báo Hải Quan về báo chí và blog.
- Nguyễn Xuân Diện: Tôi không phải là nhà báo
- Nguyễn Xuân Diện: Nhà báo và công cuộc chống tham nhũng
- Hải Hồ: Viết nhanh mấy cảm nghĩ về báo "lề trái"
____________________________
Bài đọc thêm:
- Nguyễn Văn Tuấn: Viết nhân 5 triệu lượt ghé thăm
- Nguyễn Xuân Diện trả lời PV báo Hải Quan về báo chí và blog.
- Nguyễn Xuân Diện: Tôi không phải là nhà báo
- Nguyễn Xuân Diện: Nhà báo và công cuộc chống tham nhũng
- Hải Hồ: Viết nhanh mấy cảm nghĩ về báo "lề trái"
Chúc mừng CNN Việt Nam :D
Trả lờiXóaĐài Á Châu là đài của các thế lực thù địch hay lợi dụng chống phá nhà nước. Nhưng bài viết này thì quá đúng. Ngày nào tôi cũng đọc VTC New, Vietnamnet... Nhưng sau đó lại phải vào mấy cái Blog nói trên để kiểm chứng lại tính xác thực của thông tin. Nói chung là bây giờ nhiều người tin vào Blog hơn là tin vào báo chính thống. Hệ thống truyền thông chính thống cần phải thay đổi không thì nguy to cho niềm tin của dân đã dành cho họ bấy lâu. Họa...họa đến nhà chị Dậu. (Điện Lực Trị An)
Trả lờiXóaBạn vẫn cho rằng Đài Á Châu Tự Do là thù địch, là phản động thì bạn đừng nên đọc bài này nhé.! Tôi thì chẳng có ai là thù địch là phản động cả vì tôi không phải là nhà cầm quyền, tôi không phải là Vua mà cứ nói phản động này, phản động nọ, thù địch này kia. Thật ra mà nói báo chí nước ngoài đưa tin rất nhiều chiều và thường họ chỉ đưa ra ý kiến của người khác ít khi nêu ra quan điểm của mình. Bởi vì họ là báo chí tự do không lệ thuộc vào ai nên không cần bình luận theo hướng có lợi cho ai hết
XóaTrước đây khi vào mạng việc đầu tiên là tôi vào xem các trang báo lớn, còn bây giờ có khi cả tháng không vào đọc báo nhưng một ngày không vào Quê choa hay Blog NXD thì thấy như bị mù thông tin vậy!
XóaĐài Á Châu Tự Do mà là “phản động” thì không hiểu tại sao các quan chức nước ta toàn gởi con cái sang các nước Âu Mỷ “phản động” du học không vậy ta? Sao không gởi di du học tại các nước XHCN bè bạn ưu việt còn xót lại như là Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Hàn nhỉ (ngay cả Liên Xô cũng không còn là nước XHCN nửa)
XóaNgày 1 tháng 6 năm 2005 CNN kỷ niệm 25 năm ngày thành lập.
Trả lờiXóaTháng 12 năm 2004 CNN đã có 88,2 triệu gia đình người Mỹ và 890 nghìn văn phòng khách sạn thuê bao; CNN đã có mặt trên 212 nước và có 1,5 tỷ người. Mạng lưới tin tức của CNN rộng khắp trên thế giới và hoạt động 24/7 với tất cả thiết bị và kỹ thuật hiện đại nhất.
Với đặc điểm là một kênh truyền hình chuyên về tin tức, CNN luôn có những bản tin kịp thời nhất với những tin tức thời sự nóng bỏng nhất. Không những thế, với những vấn đề thời sự nóng bỏng, CNN luôn có những chương trình bình luận, trao đổi sâu hơn về vấn đề đó.
http://edition.cnn.com/
http://vi.wikipedia.org/wiki/CNN
Chuyện tham nhũng động trời của anh em Lê LIÊM và Lê Hiền ...giờ mới kể
Trả lờiXóahttp://tintuchangngay.info/2012/02/06/cu-vinh-v%E1%BB%81-tien-lang/
Xin chúc mừng trang NXD blog
Trả lờiXóaTH
Theo tôi thì ngoài "sức mạnh thông tin", các trang blog trong nước còn là nơi nối kết tình đồng bào trong sự quan tâm thiết tha đến vận mệnh dân tộc và những vấn nạn lớn của quốc gia. Đó là điều có lẽ quan trọng nhất.
Trả lờiXóaTrước đây thì rộ lên "phong trào" các forum (diễn đàn) trên mạng, nhưng forum thì bàn tán tranh luận búa xua rất dễ rớt vào tình trạng "bình loạn" tản mác, các chủ đề bị loãng. Mặt khác, người tham gia forum phần nhiều dùng những nick ảo nên dễ xảy ra tình trạng phát biểu không cân nhắc, thiếu chiều sâu, thậm chí thiếu trách nhiệm và có khi thiếu văn hóa nữa.
Tôi biết ơn các chủ trang blog vì hiểu rằng họ rất tốn thời gian và công sức trong khi chả ai trả lương cho chuyện đó. Nội cái việc đọc và "duyệt" comments thôi cũng đủ chết người rồi! Những đóng góp của họ thật đáng ghi nhận!
Thật sự cảm ơn các trang chủ blog rất nhiều...! thông tin của các bạn đã làm cho chúng tôi hiểu chính xác hơn về những sự việc đang diễn ra.
Trả lờiXóa