Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

"HẢI QUAN" ĐÃ ĐẾN GẶP TÔI VÀ HỎI CHUYỆN

Nguyễn Xuân Diện trả lời PV báo Hải Quan. Ảnh: Báo Hải Quan
PV: Thưa TS, trên phương diện vừa là một nhà nghiên cứu, lại công tác ở vị trí gắn bó  mật thiết với báo chí, truyền thông là mảng thông tin- thư viện, TS có đánh giá gì về bước phát triển của đời sống báo chí thời gian qua?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Báo chí- truyền thông Việt Nam nay đã có sự phát triển vượt bậc so với trước đây. Điều này không chỉ khẳng định ở chỗ nước ta có đến hơn 1.000 ấn phẩm của các cơ quan báo chí mà ở sự đa dạng. Hơn nữa số người dùng internet hiện nay hơn 20 triệu cũng cho thấy truyền thông nay đã cập nhật được nhiều vấn đề đời sống và tiếp cận được đến bạn đọc một cách rất phong phú. Internet phát triển nhanh khiến truyền thông năng động, nhanh nhạy hơn, tin tức được lan truyền mạnh mẽ hơn. Nay thông tin như một dòng thác lan truyền đến mọi người- điều mà ít năm cách đây chưa phải đã có.

Tuy nhiên, cũng có phần đáng suy nghĩ là chủ yếu internet phổ biến ở đô thị, còn nông thôn thì việc này còn rất hạn chế, ngay cả xã bưu điện văn hóa thì chỉ có vài ba người truy cập internet, trong khi cửa hàng internet ở nông thôn phần lớn là dùng chơi game của nhóm thanh thiếu niên.

PV: Sự phát triển của công nghệ gắn liền với những loại hình báo chí- truyền thông hiện đại, chắc hẳn đang đặt ra những vấn đề cho báo chí hiện nay?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Chính vì internet phát triển nhanh nên vấn đề cho thấy báo chí- nhất là báo chí nhà nước cần cập nhật hơn và cạnh tranh hơn. Nó cũng đặt ra cho việc định hướng dư luận phải thật nhanh và khẩn trương. Vì có sự kiện đang xảy ra trong nước đã được đưa lên internet như các blog, mạng xã hội một cách nhanh chóng, gần như là đồng thời với sự kiện, thì báo chí chính thức có phần chậm chạp hơn khiến người dân không hiểu rõ thậm chí là hoang mang. Ví dụ sự kiện cháy kho pháo hoa ở Mỹ Đình hôm mùng 6 tháng 10 năm ngoái, việc xảy ra từ trưa mà tận chiều tối mới có cuộc họp báo và báo chí mới được đưa tin (có vài báo điện tử đã đưa lên trong 15 phút thì được yêu cầu gỡ bỏ). Trong buổi chiều hôm đó, nhiều người sẽ không hiểu vấn đề ra làm sao nên sẽ có nhưng suy đoán khác nhau. Trong khi đó, hình ảnh và thông tin về vụ việc này đã được đưa liên tục, liên tục lên internet. Đây là một thực tế cho thấy báo chí của các cơ quan nhà nước phải thật nhanh nhạy, bản lĩnh.

Cơ quan quản lý báo chí và chính các cơ quan báo chí phải bám từng giờ từng phút, chứ không chỉ trông chờ ở một cơ quan báo chí được (ý tôi nói cái “siêu” tòa soạn TTX Việt Nam). Sự chủ động của các tờ báo, nhất là báo điện tử là rất quan trọng. Công tác quản lý báo chí, truyền thông cần được phân cấp nhiều hơn nữa cho các tổng biên tạp để họ chủ động trong việc xử lý thông tin và đưa đến cho người đọc.

PV: TS thấy sự thay đổi nào trong công tác quản lý báo chí thời gian qua trước sự biến chuyển nhanh chóng của đời sống báo chí?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Về quản lý, tôi chưa thấy sự thay đổi nào, cách quản lý vẫn chậm chạp, lạc hậu so với thực tiễn.

PV: Báo chí- truyền thông hiện đại được nhiều người nhận định rằng, nó đang đóng góp rất tích cực vào việc xây dựng xã hội dân sự. Còn suy nghĩ của TS?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Internet thay đổi nhanh chóng là điều kiện tốt để xây dựng và tiến tới một xã hội dân sự hoàn thiện. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước chưa đưa ra được định hướng cho vấn đề này. Người dân luôn sợ một điều gì đó. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện trách nhiệm của người dân trước vấn đề của xã hội. Báo chí hiện đại cần phải là một động lực, để tác động xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam.

Tôi không tán thành việc chia báo ra lề trái, lề phải. Thế nào lề trái, lề phải? Lề trái là sai trái, là vi phạm à? Trong khi đó đã có thông tư quy định người dân phải có trách nhiệm trước thông tin của mình đưa ra. Thực sự cơ quan truyền thông nhà nước đã buộc phải quan tâm đến mạng xã hội và chịu sự tác động của mạng xã hội. Ví dụ câu chuyện phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” (tháng 9 năm 2010 và tháng 6 năm 2011) cho thấy rõ điều đó.

Nếu có chuyện quan niệm lề trái, lề phải thì lề phải phải luôn đi đầu trong công tác thông tin trên khía cạnh tốc độ và tính định hướng. Nếu không các mạng xã hội áp đảo và sẽ kéo hết bạn đọc của báo chí chính thống. Thực sự là đang có xu hướng bạn đọc đến các thông tin trên mạng internet nhiều hơn mua báo giấy. Ngay cơ quan tôi trước đây đặt rất nhiều báo giấy nay thì rất ít. Tuy nhiên, ở nông thôn thì thường cả làng chỉ thường có hai tờ báo Nhân Dân và của Đảng bộ địa phương cấp phát cho cán bộ thôn (tất nhiên còn có đài tiếng nói và truyền hình nữa). Như vậy để góp phần thúc đẩy, nâng cao đời sống tinh thần xã hội thì cả kênh báo giấy và báo mạng điện tử phải được phát hành rộng rãi hơn nữa ở khu vực nông thôn.

Báo giấy nói chung là đang giảm dần lượng phát hành bởi báo điện tử và mạng internet đang phát triển nhanh. Do vậy, hiện nay các tòa soạn đã có trang điện tử (như một tờ báo điện tử) song hành cùng tờ báo giấy để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.  

PV: Nhờ sự xuất hiện của công nghệ hiện đại, bên cạnh báo chí chính thống - của cơ quan nhà nước thì hiện các kênh thông tin như blog, mạng xã hội - phát triển rất mạnh mẽ. Có ý kiến cho rằng, kênh thông tin không chính thống này thiếu sự tin tưởng?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Tôi cho rằng đó là suy nghĩ sai lầm. Bởi họ là một blogger người thật, việc thật có tên tuổi, có cơ quan công tác và họ chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà họ đưa ra. Thực sự báo chí đã lấy thông tin từ blog rất nhiều. Ví dụ, bài phỏng vấn trực tuyến của tôi với Nhà sử học Lê Văn Lan về phim “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” vừa rồi đã được hai tờ xin phép lấy lại và xuất bản cả ở báo giấy, cả báo điện tử. Do đó, không nên có suy nghĩ báo chí chính thống không được lấy thông tin từ blog. Bởi như vậy, báo chí chính thống đã chối bỏ một nguồn thông tin vô cùng phong phú từ nhân dân và từ chối sự phát triển của công nghệ hiện đại. Vấn đề là nhiệm vụ của nhà báo là phải kiểm tra nguồn thông tin khi sử dụng, chỉ sử dụng những thông tin chính xác từ các blogger đáng tin tưởng.

PV: Công nghệ hiện đại đang làm bùng nổ thông tin, kênh thông tin không chính thống đang là một thách thức đối với báo chí hiện nay?

TS NGUYỄN XUÂN DIỆN: Nếu kênh thông tin không chính thống có thông tin không đúng thì ngay lập tức báo chí chính thống phải phản bác và định hướng. Việc phản bác phải có tình, có lý. Báo chí chính thống không làm việc đó là tự từ bỏ vai trò, chức năng của mình. Cá biệt, có một số tờ có sự phản bác lại nhưng lại thành ra làm trò cười cho thiên hạ. Một số bài đưa ra nhưng không lập luận chặt chẽ, khách quan trong vấn đề chống diễn biến hòa bình. Nếu coi nhân dân là một túi khôn thì mạng xã hội cũng là một túi khôn nếu biết gạn lọc một cách thông minh.

Báo chí chính thống đã mang âm hưởng ca ngợi làm chủ đạo, đã sử dụng viết hết những cái màu hồng, tốt đẹp thì các blog, mạng xã hội bù đắp bằng những thông tin mang tính phản biện, những cái phê phán. Vì thế, các blog bị nhìn bằng một cặp kính đen. Blog đem lại sự cân bằng với báo chính thống. Đương nhiên báo chính thống cũng có tính phản biện nhưng chưa nhiều, chưa đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân.

Blog đang diễn đạt một cách phong phú những diễn biến của cuộc sống, những cảm xúc của người ta từ em bé đánh giày, người bán rong, những cuộc đời nghèo khổ, cũng như những vui buồn rất đời thường khác. Ở đó có rất nhiều những hoạt động sống đời thường, những rung động và góc cạnh của tâm tư mỗi con người. Tôi thấy báo chính thống nay đề cập quá nhiều đến người mẫu, người giàu, đại gia, clip sex... mà những cái đó khiến ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa truyền thống tốt đẹp của chúng ta. Tôi cảm giác rằng báo chí hiện phục vụ nhu cầu giải trí mà không có tính chất định hướng. Nhiều người không gửi bài cho báo chí nhà nước nữa, vì các cơ quan báo chí nhận bài của một người thì qua không biết qua bao nhiêu khâu mà nếu là một người dân thì khó mà theo dõi được bài sử dụng ra sao, có đăng không... Còn blog thì khác hẳn họ có thể đưa lên mạng luôn, tương tác luôn với tất cả bạn đọc thường xuyên.

Những định hướng của cơ quan quản lý hiện nay nặng tính giáo điều nhưng mà chưa đáp ứng được những mong muốn của nhân dân. Ví dụ việc chúng tôi đi biểu tình việc gì phải gọi là tụ tập đông người. Thời buổi này không thể giấu giếm được, nếu giấu thì cắt hết internet thôi, mà cắt thì nền kinh tế- xã hội bị đảo lộn. Do đó cần chấp nhận nó mà quản lý thật tốt, rõ ràng, chặt chẽ. Giới blogger, người tham gia mạng xã hội nhiều người rất thạo tin, giỏi công nghệ do đó quản lý được vấn đề này cần phải có cái đầu cao hơn, giỏi hơn.

Còn cơ quan quản lý báo chí nên để các tổng biên tập có quyền hơn nữa trong việc chủ động đưa thông tin và để họ chịu trách nhiệm trước thông tin đó. Phải phân quyền và tạo điều kiện tốt nhất để các tờ báo đưa tin kịp thời, nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Tóm lại: Trước sự phát triển như vũ bão của thông tin như hiện nay, những người quản lý báo chí- lãnh đạo các tờ báo phải có bản lĩnh và trí tuệ hơn bao giờ hết. Muốn quản lý tốt và tránh những tác động tiêu cực từ các kênh thông tin không chính thống thì các tờ báo phải thông tin nhanh như mạng xã hội. Do đó, giao quyền chủ động hơn nữa cho các tổng biên tập, cần kết hợp các kênh thông tin để báo chí phản ánh thông tin hiệu quả nhất. Đó cũng là điều quan trọng để xây dựng và phát triển một xã hội dân sự tiến bộ.

Văn Bắc thực hiện
*Ghi chú: Một phần bài PV này đã đăng trên báo Hải Quan số ra hôm nay.

Chùm ảnh của buổi phỏng vấn của Báo Hải Quan:













14 nhận xét :

  1. Hồi hộp quá tiến sĩ ơiiiii

    Trả lờiXóa
  2. Xem NXD lâu nay, tôi chỉ xin nói 1 câu, mong NXD vẫn là NXD như lâu nay, đừng tự phụ huyễn hoặc mình rồi sa đà như tay nhà báo bỏ báo viết blog nọ

    Trả lờiXóa
  3. chú ơi! chú xem tin này chưa? http://vn.news.yahoo.com/ph%E1%BB%91-trung-qu%E1%BB%91c-%E1%BB%9F-ninh-b%C3%ACnh.html;_ylt=AodyoooRMGv2HE7YRBiYDCy3V8d_;_ylu=X3oDMTNrdDYzajhzBHBrZwNkZTE1ZTA4YS0xZTViLTNjNzAtYmRkZi0xZGQ1NzJkYmRkMDEEcG9zAzMEc2VjA01lZGlhQ2Fyb3VzZWxSZXNvdXJjZXNDQQR2ZXIDOTIyYTIwNTgtOWI5OC0xMWUwLWIyZTYtN2ZlYmQ5ZjlhMDRj;_ylg=X3oDMTM0Y29hMnZqBGludGwDdm4EbGFuZwN2aS12bgRwc3RhaWQDYTk4MGFiM2ItNzhkNC0zODVlLTk2OTQtMTdiYWMyYzU2NDNlBHBzdGNhdAN4w4No4buYaXx4w6No4buZaQRwdANzdG9yeXBhZ2U-;_ylv=3
    Chú xem tình hình thế nào? mình đang lo giặc đến từ biển thì chúng đang đi từ đất liền ra rồi

    Trả lờiXóa
  4. Tiến sĩ làm hồi hộp quá, như là quảng cáo phim hình sự ấy nhỉ? Nhân ngày Nhà báo Việt Nam kính chúc TS Nguyễn Xuân Diện luôn xứng đáng là Blogger nhân dân.Cảm ơn TS nhiều.

    Trả lờiXóa
  5. Một nền báo chí mà không tôn trọng sự thật,chỉ chăm chăm đẽo gọt thông tin theo định hướng của mình thì chẳng chóng thì chầy sẽ bị cuộc sống đào thải. Đây không phải ảo tưởng, thời gian sẽ trả lời tất cả, hãy đợi đấy !

    Trả lờiXóa
  6. Báo chí hôm nay phải được hiểu là truyền thông tin đa phương tiện và nó gắn liền một cách tự nhiện với sự phát triễn kinh tế , khoa học kỹ thuật ... và để phát triễn một xã hội hiện đại . Việc bó hẹp thông tin hay định hướng thông tin như lề phải , lề trái ...vô hình chung làm cản trở sự phát triển của đất nước . Báo giấy có xu hướng giảm mạnh khi công nghệ thông tin bùng nổ ( cả phần cứng và phần mềm ) vì nó chập chạp và không đủ sức chuyển tãi thông tin , nếu ở thị trường thì kinh doanh lỗ lã , còn ở các cơ quan nhà nước là sự lãng phí vì ít người đọc . Báo chí lề phải thì châm pha , không ổn định ( đăng lên rồi dỡ xuống ) và né tránh những vấn đề nhạy cảm nên tập trung vào các thông tin câu khách như thế giới người mẫu , ca sĩ ... xe cán chó và chó cán xe ... ( giống như các cán bộ nhà nước đi nhậu ngày nay thống nhất không nói chính trị vì dễ động chạm nên nói chuyện khác như : thơ bút tre , nói tục , nói khôi hài...).
    Ngày nay , với sự bùng nổ thông tin nên khi xem TV hay đọc báo thì xem phần điểm tin trước và thấy tin nào quan tâm thì đọc . Ở các báo và đài truyền hình địa phương có một nữa lượng thông tin là các quan chức Đảng và nhà nước đi họp , hôi , thăm viếng ... một nữa còn lại dành cho nhân dân và tin linh tinh . Về hoạt động các Doanh nghiệp thì ít hơn vì doanh nghiệp phải chi tiền thì mới đưa tin.

    Trả lờiXóa
  7. Thế này mà không biết trước để nhờ TS hỏi báo HQ xem cán bộ HQ đã thực hiện được bao nhiêu % cái gọi là "tuyên ngôn hải quan" mà mới đây cơ quan HQ đưa ra. Chả là tôi bị "củ hành" quá và mọi thứ trong tuyên ngôn HQ đó xa vời quá TS ạ.
    Chúc TS luôn vui khỏe và có nhiều bài viết hay (Vĩnh Nguyên)

    Trả lờiXóa
  8. Nặc danh nói...

    Xem NXD lâu nay, tôi chỉ xin nói 1 câu, mong NXD vẫn là NXD như lâu nay, đừng tự phụ huyễn hoặc mình rồi sa đà như tay nhà báo bỏ báo viết blog nọ
    08:16 Ngày 21 tháng 6 năm 2011

    Rất đồng tình với suy nghĩ của bạn nặc danh, tôi tuy còn trẻ nhưng vào blog đó một thời gian chẳng hiểu ông ấy muốn gì và động cơ, quan điểm, mục đích ra sao??? cứ như kiểu xui trẻ con cứ nhìn thật kỹ lên bầu trời có nhiều cô tiên lắm, trẻ con bảo không thấy gì, thế là bị chê là người trần mắt thịt, hoặc nội công và trí tuệ kém...
    Nhìn chú Diện dạo này béo hơn, chắc sau đợt ốm tăng khoảng 2kg?

    Trả lờiXóa
  9. Nguyễn Xuân Diện nói:
    Thế nào lề trái, lề phải?
    _____________________________
    Câu này phải hỏi anh Lê Doãn Hợp! Còn theo tôi, nếu đi (bộ) theo lề (không phải trên hè) phải thì ô-tô từ đằng sau nó đâm chết cũng không biết.

    Trả lờiXóa
  10. Trong một bài báo về nhà báo Lê Thọ Bình nhân cuốn "Không có ai tẻ nhạt trên đời", tập hợp một số bài Chân dung & Đối thoại tiêu biểu của anh do Nxb Hội nhà văn ấn hành, trên trang tuanvietnam.vietnamnet.vn (http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-19-khong-co-ai-te-nhat-tren-doi)có một chi tiết rất đáng suy nghĩ và mong được nhiều người quan tâm.
    Đó là đoạn mà Lê Thọ Bình trả lời câu hỏi của nhà báo:
    Anh có nhớ bài đầu tiên là bài gì không?

    Xin được trích nguyên văn đoạn trả lời trong bài báo trên để nhiều người cùng biết:

    Đó là bài về chân dung nhà sử học Trần Quốc Vượng. Khi tôi còn làm ở báo Quân đội Nhân dân và cộng tác với Tuổi Trẻ, tôi có được đặt viết bài cho số Tết của Tuổi Trẻ Chủ Nhật phỏng vấn ông Trần Quốc Vượng về căn tính nào của người Việt Nam giúp cho họ nhanh chóng hoà nhập, và căn tính nào cản trở họ.
    Sau khi bài đăng, tôi thấy nhân vật này là nhân vật rất hay, khi đó ông mới đi một loạt nước, trong đó có Mỹ, về, và có viết một số tham luận gây xôn xao dư luận, nhất là đối với người Việt ở hải ngoại. Còn ở trong nước những tham luận này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tôi đề nghị được viết về chân dung ông Vượng.
    Khi viết về chân dung Trần Quốc Vượng tôi có đưa ra một thông điệp với câu nói của ông. Ông ấy nói rằng vào cuối những năm '70, một ông bạn rất thân của ông có đi nước ngoài về, có ghé qua Moscow, ở lại một tuần, về nói với ông Vượng: "Xã hội xô viết chắc chắn sẽ sụp đổ."
    Ông Vượng nói ông ấy bắt đầu suy nghĩ về chuyện đó, và nghĩ rằng ông bạn giáo sư của ông nói đúng. Tôi có hỏi tại sao ông khẳng định như vậy, ông Vượng trả lời: "Một xã hội không thể tồn tại lâu được trên nền tảng của sự dối trá."

    Trả lờiXóa
  11. Tôi rất tâm đắc với câu NXD nói"Trước sự phát triển như vũ bão của thông tin như hiện nay,những người quản lý báo chí-lãnh đạo các tờ báo phải có bản lĩnh và trí tuệ hơn bao giờ hết"
    Nếu thực sự được như thế thì trên cả tuyệt vời.
    Nhưng TS Nguyễn Xuân Diện ơi!Về trí tuệ thì tôi nghĩ các nhà quản lý và lãnh đạo có thể họ có,nhưng về bản lĩnh nghề nghiệp tôi e rằng hơi khó,bác Diện cứ ngẫm xem trong thời gian gần đây,khi biển đảo của VN bị bọn phương bắc quấy rối,có ai trong số họ là người có bản lĩnh dám nói lên tiếng nói của dân tộc,dám viết dám đăng các cuộc xuống đường phản đối TQ của nhân dân?
    Không có bản lĩnh đâu bác Diện ơi,chỉ thấy lấp ló sự ươn hèn thôi.

    Trả lờiXóa
  12. Làm thế nào để biết báo QĐND,ND,LĐ,và các báo lề phải khác có nhiều đọc không nhỉ,qua đấy mới thấy được tác dụng thực sự của tờ báo

    Trả lờiXóa
  13. Xem baì phỏng vấn của báo HQ với TS Diện thì mới thấy TS Diện THẬT LÀ NHÀ BÁO rồi,TS trả lời thay nhân dân rất nhiều Ý,LÝ...rất phù hợp vơi suy nghĩ của chúng tôi,tiện đây tôi nêu mấy ý bổ xung:
    - Báo GIẤY nay có vẻ LU MỜ ít thu hút chúng tôi MUA-XEM,vì:vẫn tô hồng là chính,những chuyện HỞ ĐỒ,SEXY,CỨỚP DẬT...nhiều quá(không biết định hướng cái gi?!)
    - Báo GIẤY không dám nói sự thật,dấu diếm...ví dụ:"một số người đi qua ĐSQ TQ rôì TỤ TẬP..."trong đó rõ ràng là BIỂU TÌNH "Đả đảo TQ Xâm phạm lãnh hai VN...". Vậy ai muốn xem báo nưã?!
    - tương tự như trên những chuyện như : Vụ án CHHV,bôxit tây nguyên...chúng tôi phải tim tói "lề trái" xem Tướng GIÁP,Tướng VĨnh,các nhà khoa hoc có UY TIN hiện đang sống ở VN nói gì.
    Những thông tin goị là "lề trái" mới THOẢ LÒNG nhân dân.
    cuối cùng xin cám ơn TS DIỆN về bài phỏng vấn.

    Trả lờiXóa
  14. bao chi va truyen thong noi chung co vai tro cuc ky quan trong trong doi song xa hoi / no co the lam thay doi xa hoi ma cung co the can duong di len cua xa hoi / mong rang nhung nguoi lam bao va truyen thong noi chung nhan thuc mot cach dung cam xu mang cua minh / hoan toan ung ho y kien cua ts nguyen xua dien /

    Trả lờiXóa