Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

ĐỖ MINH TUẤN: VỀ CÁCH NHÌN BIỂU TÌNH CỦA ĐÔNG A

Nhà thơ, Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (trái) biểu tình tuần hành phản đối TQ, ngày 12.6.2011 tại Hà Nội. Ảnh: Mai Kỳ
VỀ CÁCH NHÌN BIỂU TÌNH CỦA ĐÔNG A
Đỗ Minh Tuấn

Hơn mười năm trước tôi đã từng tranh luận với Đông A với tinh thần tương kính trên diễn đàn VNSA và sau này khi không còn điều kiện tham gia các diễn đàn, tôi vẫn tìm đọc anh với nhiều tâm đắc, vì anh viết sâu sắc và uyên bác, lại hay viết về mảng văn hóa phương Đông mà tôi rất quan tâm. Nhưng đọc bài viết của Đông A về các cuộc biểu tình phản đối TQ gần đây với thái độ của kẻ ngoài cuộc và cách nhìn giễu cợt, gọi đó là những cuộc “biểu tình lai rai”, tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì tâm cảm của một trí thức như anh trong bối cảnh đất nước lâm nguy lại thể hiện trong bài viết không như tôi nghĩ.

Thông điệp của biểu tình 

Muốn nhìn ra thông điệp của một hành vi, một sự kiện, phải có cách nhìn, cách liên tưởng đúng đắn, ngang tầm. Nhiều khi, ta bị che mờ bởi những liên tưởng vô chính phủ, bất kham, vô trách nhiệm, nên không nhìn thấy những thông điệp hiển nhiên mà ai cũng thấy. Đó là trường hợp Đông A không nhìn thấy thông điệp của sự liên tục như làn sóng trong các cuộc biểu tình, vì anh bị  giam trong liên tưởng về các cuộc nhậu lai rai.

Cách liên tưởng, cách ví von so sánh biểu bộ tầm nhìn, cách nhìn và tâm thế của người quan sát. Một tín đồ mộ đạo không bao giờ nhìn  một vị sư ngồi thiền cả buổi như một người biểu tình ngồi. Nhưng một kẻ báng bổ, hay một kẻ mù thiêng, thiếu tri thức và cảm quan tôn giáo có thể viết về một bậc Đại sư đại loại như sau: “Cứ chiều đến là công dân đầu trọc ấy, người tù chung thân trong ngôi chùa ấy lại khoanh chân biểu tình ngồi. Ngày nào gã cũng tuyệt thực những món thịt động vật, kiên quyết chỉ ăn rau! Người ta hỏi: Thông điệp mỗi ngày của ông ta là gì? Chẳng lẽ vẫn chỉ là thông điệp bảo vệ động vật mà ai ai cũng biết!”.

Tương tự vậy, người ta có thể nhìn những cuộc tử thủ trong chiến dịch Điện Biên Phủ như cách Đông A đã nhìn, rằng hôm kia còn cả một tiểu đội, hôm qua chỉ còn hai ba mống, hôm nay còn mỗi mống, vậy mà họ vẫn hăng say tiếp tục chiến đấu! Có thông điệp gì mới trong cuộc chiến đấu lai rai ấy? Hay sự tử thủ lai rai của họ chỉ làm cho thiên hạ thấy cuộc chiến đấu ngày càng giảm quy mô?. 

Với cách nhìn thế tục hóa, tầm thường hóa của người ngoài cuộc vô cảm, chắc Đông A sẽ nhìn hình ảnh người thanh niên đứng giương biểu ngữ một mình trước của LSQTQ ở TP Hồ Chí  Minh như một kẻ chiến đấu lai rai, khi tất cả đã say mèm rời bàn nhậu anh ta vẫn ngồi lỳ nhậu nhẹt một mình, nốc bia và nhai chân gà rau ráu! Kẻ khác có cách nhìn tương tự, sẽ thấy đó là một anh chàng tâm thần, hay một kẻ show hàng, hay một kiểu háo danh đang muốn lập kỷ lục Guiness để thành “sao biểu tình” trên hè phố. Nhưng, đa số nhân dân mang “lương năng bình dân” lại có cách nhìn khác. Người ta không chỉ cảm động vì sự kiên trì của một cá nhân trong hoàn cảnh khó khăn bất lợi, mà hình ảnh ấy còn thức dậy những suy nghĩ và âu lo sâu sắc hơn khi thấy sức sống, sức chiến đấu của một dân tộc giống như ngọn lửa thiêng lay lắt, không biết bảo vệ nó thì có thể nó sẽ bị tắt đi để nhấn chìm tất cả trong bóng tối.

Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam vừa qua nhằm gây áp lực đòi Trung Quốc bồi thường cho Việt Nam và chấm dứt các hành động tương tự. Khi Trung Quốc chưa chấm dứt hành vi gây hấn, xâm phạm chủ quyền và chưa bồi thường cho phía Việt Nam thì nhiệm vụ của các cuộc biểu tình chưa thể nói là kết thúc. Không thể tính thông điệp của biểu tình theo từng buổi như cách nghĩ của Đông A. Thông điệp của một cuộc đấu tranh có khi được kéo dài hàng tháng, hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ, cho đến khi mục đích đượ thực hiện. Ta có thể thấy những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược và gây hấn vừa qua mang thông điệp rõ ràng xuyên suốt về lòng yêu nước vô bờ bến và vô điều kiện của người Việt Nam. Lòng yêu nước ấy có thể bùng lên trong bất cứ điều kiện nào, dù khắc nghiệt đến đâu, không cần đến sự tổ chức của một đảng phái nào, dù là đảng phái chính thông hay không chính thống. Nỗ lực hiện diện của lòng yêu nước ấy trong những thời khắc  khó khăn éo le cả về đối nội và đối ngoại thể hiện một sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam mà những kẻ âm mưu xâm lược và nô dịch phải nhìn ra! 

Trong trường hợp chính quyền nhân danh sự sáng suốt chính trị để ra công khai lệnh cấm biểu tình chống TQ hoặc ngấm ngầm dùng những biện pháp không chính danh để ngăn cản lòng yêu nước bộc trực của nhân dân thì có thể những cuộc biểu tình liên tục sẽ không thể diễn ra. Nhưng, người trí thức có lương tâm và trách nhiệm công dân vẫn phải thấy thông điệp ấy có quyền hiện diện và rất nên hiện diện. Còn như chính quyền không ra lệnh cấm mà đoán ý chính quyền để ngăn cản biểu tình bằng chữ nghĩa cao siêu bạc bẽo thì đó không phải là việc làm và cách làm của người trí thức. 

Người trí thức và tâm cảm nhân dân

Cách nhìn của Đông A với cuộc biểu tình, với cách đưa ra khái niệm “biểu tình lai rai” không phải là sản phẩm đột xuất bộc lộ một thái độ cơ hội chính trị  như có người quy chụp. Nó vẫn chỉ là sản phẩm ra đời tự nhiên từ tâm thế và cách nhìn quen thuộc của Đông A - anh luôn nhìn mọi  sự việc từ trên nhìn xuống và luôn luôn trần tục hóa những cái thiêng liêng. Cách nhìn như thế nếu cứ lặp lại mãi có thể gọi là khinh đời, hay tầm thường hóa sự vật, hay mù thiêng, hay vô cảm với những giá trị tinh thần  tinh tế, hay trần tục hóa tất cả mọi vấn đề. Với cách ấy nhìn ấy, anh đã nhìn hình ảnh Đức Phật Như Lai tọa lạc trên tòa sen và phát hiện ra Hoa sen chỉ là thứ lót đít. Một phát hiện có vẻ lật tẩy cơ chế trần gian của những cái cao siêu, nhưng chưa hẳn đã là thoát tôn giáo, vì  sẽ có những tôn giáo khác sử dụng cách nhìn của anh như vũ khí cạnh tranh đức tin cùng Phật giáo. Vậy những phát hiện có vẻ như vô chính phủ, đầy tinh thần tự do trí thức của anh lại vô tình thực hiện một dấn thân tham dự vào đội ngũ của những tín đồ dị giáo hay những người chống việc chọn Quốc hoa. Trong khi đó, tôi hiểu anh muốn cao hơn thế, muốn đứng ngoài các phe phái tôn giáo, đứng ngoài các trường phái thực dụng và đứng ngoài sân chơi bổng lộc của các kiểu chính quyền để thực hiện phản biện của người trí thức. 

Thật đáng tiếc khi những ứng xử văn hóa hồn nhiên trung thực của ta lại thực sự đã tiếp tay cho những kẻ ác, những kẻ hèn, những kẻ cướp nước và bán nước! Với tình cảm khinh miệt, ác cảm, người ta có thể  nghĩ ra nhiều hình tượng cay độc để so sánh ví von. Nhưng giá mà những hình ảnh độc địa cay nghiệt ấy chĩa vào những kẻ thù của dân tộc, những tội đồ của nhân dân thì giá trị văn hóa nhân văn của nó tăng lên gấp bội!

Đông A thân mến! Để anh hiện diện đúng là anh với tư cách người  trí thức có lương tâm, thiết nghĩ, anh hãy cảnh giác với sự bất kham của trí tuệ, đừng để nó sổng chuồng trở thành hàng mã trí tuệ trên ban thờ của các thầy cúng Trung Hoa. 

Anh hãy lắng nghe tiếng nói thẳm sâu của lòng mình, để giữa những ồn ào láo nháo của bao nhiêu thứ tình cảm hỉ nộ ái ố khác nhau, nâng dậy những tình cảm  cao quý thiêng liêng, giao cho nó cai quản, điều hành vốn tri thức uyên bác và trí tuệ sắc sảo của mình. Khi ấy, trong mắt anh, cái đầu của một người cha công kênh đứa con thơ đi biểu tình không phải là thứ “lót đít cho tuổi mẫu giáo”, hay đẩy xa hơn có thể là “cái  bô của nhà trẻ đựng lòng yêu nước của đám trẻ con” như những kẻ bị mù thiêng, hay bị những tình cảm nô lệ thấp hèn chi phối tâm trí có thể nghĩ. Trái lại, những tình cảm thiêng liêng thường trực trong tâm thế sẽ khiến anh cảm động rưng rưng trước hình ảnh người cha công kênh đứa con đi biểu tình. Anh sẽ thấy day dứt, sao đất nước Việt Nam, con người Việt Nam lại bất hạnh làm vậy? Sao để chống trả với cái bất hạnh ngàn đời ấy lại chỉ có một đám người nhỏ bé, mỗi ngày một ít đi thế kia? Sao những đứa bé tuổi mẫu giáo kia không được sống hồn nhiên ngây thơ trong hòa bình, độc lập, không đủ niềm tin để ngủ ngon trong lời hứa của các kiểu bảo mẫu, các thứ mẹ mìn, mà đã phải sớm cầm trong tay biểu ngữ để tự mình chiến đấu bảo vệ chính số phận mình, cho chính tương lai tự do độc lập của mình? 

Càng nghĩ, ta càng thấy rưng rưng. Không giống như sau khi xem phim Ozu ta rưng rưng trước hình ảnh một cái lá vàng hay một chiếc cốc thủy tinh lửng lơ xuất hiện ở cuối phim, cái rưng rưng triết học trước hư vô, trước sự tan biến của bao nhiêu ý nghĩa. Cái rưng rưng của ta trước số phận ngư dân, trước vận mệnh dân tộc dâng lên từ mênh mông trời biển và thăm thẳm cõi đời. Những chiến sỹ Cảm tử quân ở Thủ đô Hà Nội năm xưa cũng chỉ từ chút rưng rưng như thế mà ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Chàng trai trẻ một mình đứng chôn chân giơ biểu ngữ cả buổi trước Lãnh sự quán TQ mà không sợ hãi những đàn ruồi trí tuệ vo ve với những liên tưởng cay độc cũng chỉ vì chút rưng rưng như thế. Vì em vững tin rằng hình ảnh của mình đã được bắt rễ vào những giá trị ngàn đời trong tâm cảm nhân dân.

Nếu người trí thức không cộng thông với tâm cảm của nhân dân thì những tri thức của anh ta và trí tuệ sắc sảo của anh ta rất dễ trở thành quỷ dữ.
Hà Nội, 2-7-2011.

*Bài viết do Nhà thơ, Đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn vừa gửi đến NXD-Blog cách đây ít phút. Xin trân trọng cảm ơn tác giả!
Đọc tiếp...

ĐỖ TRUNG QUÂN: THƯ GỬI LÃNH ĐẠO THÀNH ĐOÀN TP HCM

Thư gửi các anh chị lãnh đạo Thành Đoàn nhiều thế hệ 

Đỗ Trung Quân

Thưa các anh chị.

Với tư cách một người cùng thế hệ đã chia sẻ những thăng trầm của thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh suốt 36 năm qua. Những dòng này gửi đến các anh chị.

Tôi nhớ,

Những lời hiệu triệu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ấy đang là Bí thư thành ủy Sài Gòn 1976 “Hỡi các em đội viên thanh niên xung phong yêu quí! Tương lai của thành phố này hôm nay đang tỏ rõ trên vầng trán các em…”.

Tôi nhớ

Hình ảnh anh Phạm Chánh Trực, Bí thư Thành đoàn thay mặt thành phố trao lá cờ cho lực lượng TNXP. Chỉ hai năm sau, cùng với thanh niên thành phố, lực lượng thanh niên xung phong sôi sục ra mặt trận bảo vệ biên giới  trước sự xâm chiếm, tàn sát đồng bào dọc các tỉnh biên giới Tây Nam của bọn Polpot, giờ đây, những kẻ cầm đầu diệt chủng đang phải đứng trước tòa án của lương tâm và công lý nhân loại.

Tôi nhớ,

Những bài ca về tổ quốc vang lên khắp nước , đặc biệt trong nhà văn hóa thanh niên số 4 Phạm Ngọc Thạch khi Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam năm 1979. 

Số 4 Pham Ngọc Thạch luôn là hàn thử biểu đo lòng yêu nước của thanh niên mỗi khi đất nước cần đến thanh niên. 

Nay, cũng ở địa chỉ này suốt 5 tuần lễ thanh niên thành phố bày tỏ lòng yêu nước trước sự đe dọa, ngạo mạn của  “người bạn quí hóa" Trung Quốc. Nó bỗng hóa thành “ốc đảo" giữa thành phố. Nó im im đóng cửa như chưa từng là nơi biểu tượng của tinh thần thanh niên thành phố nói riêng, Việt Nam nói chung. Nó vì lẽ gì bỗng bị tước quyền là nơi bày tỏ thái độ chính trị của tuổi trẻ hôm nay?

Tôi nhớ

Lời ôn tồn nhưng thẳng thắn của anh Huỳnh Tấn Mẫm sáng 5- 6 – 2011 “lẽ ra Thành đoàn phải tổ chức cho thanh niên tuần hành...”.

Biến thành “ ốc đảo” – phải chăng vì nó đang đối diện với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc? Phải chăng vì thế cho dù nó cách Hoàng Sa, Trường Sa nghìn dặm, nó thuộc chú quyền Việt Nam cũng bỗng biến thành “vùng tranh chấp"?

Thưa các anh chị.

Tôi nhớ từng tên các anh chị lớn lên với thành phố này: Phạm Chánh Trực, Nguyễn Chơn Trung, Lê Văn Nuôi, Phạm Phương Thảo, Nguyễn Văn Đua, Nguyễn Hoàng Năng, Tất Thành Cang, Lê Đức Hải, và bây giờ là Nguyễn Văn Hiếu…những gương mặt không xa lạ gì với phong trào thanh niên qua nhiều thế hệ.

Tôi muốn chuyển một câu hỏi: Liệu hôm nay ai trong các anh chị sẽ dõng dạc hiệu triệu thanh niên như cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt từng hiệu triệu, thổi bùng ngọn lửa trách nhiệm kiêu hãnh trong thanh niên thành phố 36 năm trước.

“Hỡi các bạn thanh niên Việt Nam yêu quí! Tổ quốc đang bị đe dọa. Biển đảo đang bị xâm lấn. Vận mệnh đất nước hôm nay đang tỏ rõ trong thái độ không đớn hèn, tương lai bền vững của đât nước đang soi sáng trên vầng trán các bạn!”.

Ai ? Ai ? Và ai ?

Sài Gòn 2 - 7- 2011

*Bài viết do tác giả gửi trực tiếp NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
Đọc tiếp...

RFA: BÍ MẬT ĐỒNG THUẬN VIỆT NAM TRUNG QUỐC?

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2011-07-01

Trở về từ cuộc họp 25/6 ở Bắc Kinh với tư cách Đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao VN, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã trả lời báo chí nhưng lại là một văn bản hỏi đáp do TTXVN phổ biến hôm 27/6 và tất cả các báo đã đăng lại.


AFP photo
Khoảng 200 người Việt Nam sống tại Tokyo biểu tình tại một công viên,
lên án Trung Quốc vào ngày 25/6/2011

Trước đó, truyền thông Việt Nam phổ biến thông tin báo chí chung Việt Nam Trung Quốc nhưng chẳng chứa đựng điều gì, trên các diễn đàn mạng dư luận rất bức xúc.

Văn bản thông tấn xã lần này có nhiều thông tin hơn về nội dung cuộc gặp gỡ giữa thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đặc trách đối ngoại. Tuy nhiên dư luận lại càng xôn xao hơn với trích dẫn lời ông Hồ Xuân Sơn nói rằng: “Đề nghị hai bên thực hiện nghiêm túc thỏa thuận của cấp cao hai nước, không có những việc làm gây phức tạp thêm tình hình, không để vấn đề Biển Đông ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.”

Công hàm Phạm văn Đồng

Tối 28/6, Tân Hoa Xã đưa lên mạng bản tin Anh ngữ, theo đó Bắc Kinh hy vọng Hà Nội sẽ thực hiện những gì hai bên đạt được trong chuyến công cán tại Trung Quốc của thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, được hiểu là Trung Quốc kêu gọi Việt Nam thực hiện điều gọi là sự đồng thuận.

Ngoài ra Tân Hoa Xã còn nhắc lại tư liệu lịch sử, theo đó năm 1958 khi Trung Quốc công bố chủ quyền các đảo ở  biển Nam Trung Hoa (Biển Đông Việt Nam) Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Văn Đồng đã gởi công hàm ngoại giao bày tỏ sự đồng thuận với Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là ông Chu Ân Lai. Có hay không sự đồng thuận Hà Nội-Bắc Kinh trong quá khứ cũng như hiện tại. Đây chính là điều người dân cần được thông tin.

Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, Nhà sử học nhiều uy tín Dương Trung Quốc cũng là đại biểu Quốc hội Khóa 12 từ Hà Nội nhận định:
000_ARP2418787-250.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (T) và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tham dự lễ kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí-Minh trở về Hà Nội vào ngày 15 Tháng 1 năm 1955. AFP 

“Chuyến đi Trung Quốc của Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, tôi nghĩ đấy là một động thái ngoại giao bình thường làm sao cho tình hình bớt căng thẳng, trước hết để cho Trung Quốc đừng tiếp tục những hành động có tính chất như vậy.

Còn nội dung thông báo chính thức hai bên có khác nhau, tôi nghĩ đối với TQ đây là chuyện bình thường họ là như vậy mà thôi.

Đúng là có một số chi tiết làm cho công luận bức xúc cần được xác minh xem là đúng hay không đúng, về việc có đúng nội dung hai bên thỏa thuận không thì tôi nghĩ hai bên thỏa thuận những vấn đề chung thôi, còn những cách đặt vấn đề như kiểu Trung Quốc nhắc lại thỏa thuận của ông Phạm Văn Đồng cách đây 50 năm, tôi nghĩ rằng Trung Quốc cố tình khai thác và lợi dụng chi tiết này.

Việc này không phải lần đầu, đã từng có thời kỳ văn bản này được phát tán ở vùng Chợ Lớn TP.HCM một cách khá rộng rãi và bừa bãi. Chúng tôi nghĩ là Trung Quốc luôn luôn lợi dụng chi tiết ấy để xuyên tạc.”

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thêm rằng, ông đã đọc bài trả lời của ông Lưu Văn Lợi, người từng hoạt động ngoại giao trong thời kỳ liên quan tới sự kiện này, theo đó đã giải thích rất rõ, đây chỉ là ý kiến của ông Phạm Văn Đồng đối với tuyên bố của Trung Quốc về lãnh hải của họ vào thời điểm đang có xung đột ở eo biển Đài Loan, chứ nó hoàn toàn không có một chi tiết nào mà nói đến Hoàng Sa và Trường Sa cả. Trung Quốc cố gắng giải thích theo cách của họ và đúng là một xuyên tạc.

Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh:

“Hơn nữa về mặt pháp lý quốc tế thì cách đây hơn 50 năm, theo tinh thần hiệp định Geneve, thì ở phía Nam vĩ tuyến 17 là thuộc chủ quyền của chính phủ VNCH, cho dù lúc đó Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa đang xung đột đi chăng nữa, như thế không gian liên quan đến Hoàng Sa Trường Sa nằm trong không gian thuộc chủ quyền VNCH. Như thế tuyên bố của ông Phạm Văn Đồng đề cập tới Hoàng Sa Trường Sa về nguyên tắc mà nói chủ quyền và tuyên bố có giá trị pháp lý là không phải của Hà Nội mà là của Saigon.
Chuyện Trung Quốc bây giờ nhắc lại chuyện 50 năm trước thì hoàn toàn phải đặt cho đúng vào bối cảnh lịch sử lúc đó.
ĐB Dương Trung Quốc
Nói như thế hoàn toàn không có nghĩa phân chia lãnh thổ Việt Nam bởi vì Hiệp định Geneve qui định nước Việt Nam là một quốc gia thống nhất. Nhưng thực thi quyền hạn của mình theo luật quốc tế thì tôi nghĩ rằng Hoàng Sa Trường sa vào thời điểm đó nằm trong khu vực mà chính quyền VNCH là người phát ngôn có đủ tư cách pháp nhân nhất. Vì thế chuyện Trung Quốc bây giờ nhắc lại chuyện 50 năm trước thì hoàn toàn phải đặt cho đúng vào bối cảnh lịch sử lúc đó."  

Công khai minh bạch 

.

danluan-200.jpgLuật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nói với chúng tôi là ông có đọc bản tin Tân Hoa Xã và người dân Việt Nam có quyền đòi Nhà nước phải thông tin minh bạch về các vấn đề sinh tử của đất nước. LS Trần Vũ Hải nói:

“Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao là phải giải thích rõ là khi trao đổi với Trung Quốc có đúng quan điểm như Tân Hoa Xã loan báo hay không. Trước mắt phải khẳng định điều đó hay là Tân Hoa Xã theo cái truyền thống làm như thế liên quan tới Biển Đông mà không phản ánh đúng quan điểm của Việt Nam đã trình bày trong buổi đó.

Thư Ngoại giao ngày 14/9/1958 có đóng dấu ký tên Thủ tướng Phạm Văn Đồng (ảnh bên).

Tôi nghĩ là ông Hồ Xuân Sơn và Bộ Ngoại giao qua người phát ngôn cần phải giải thích rõ cho công luận vấn đề này. Chúng tôi nghĩ rằng người dân có quyền như vậy, có quyền thảo luận về những vấn đề chung của đất nước và đây là điều cá nhân tôi cho rằng phải giải thích.

Nếu không giải thích sẽ bị hiểu nhầm bất lợi về nhiều thứ. Nhưng tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người đích thân yêu cầu Bộ Ngoại giao phải giải thích về vấn đề này, Tân Hoa Xã có nói đúng hay họ xuyên tạc để có quan điểm rõ ràng.”

Chúng tôi truy cập trên mạng và xem được cái gọi là Thư Ngoại giao ngày 14/9/1958 có đóng dấu ký tên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà Bắc Kinh từng kỷ niệm 50 năm sự kiện này hồi 2008. Chúng tôi xin trích đọc nguyên văn: 

“Thưa đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.
Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mối quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng. Ký tên Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nước Việt-nam Dân chủ Cộng hòa.” 

Nhiều nhà phân tích cho rằng nội dung Thư Ngoại giao của ông Phạm Văn Đồng không đề cập tới vấn đề lãnh thổ, cũng không nói gì đến vấn đề các quần đảo ở Biển Đông Việt Nam.

Được yêu cầu nhận định về việc dư luận bức xúc đối việc Nhà nước không công khai chuyện có sự đồng thuận hay không đối với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền Biển Đông. Luật sư lão thành Trần Lâm nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao từ Hà Nội phát biểu:

“Cái công hàm ấy tôi được đọc cách đây ba bốn năm rồi không phải mới đây, người ta bảo cái công hàm ấy không có giá trị. Bây giờ Trung Quốc cứ nói là có giá trị. Theo suy nghĩ của tôi Trung Quốc muốn song phương thôi, tức là nó và Việt Nam thỏa thuận với nhau thôi, rồi là nó làm cái giàn khoan 700 triệu USD thật ghê gớm lắm, nó bảo nó để ở Biển Đông, nó sẽ để vào quần đảo của ta chứ ở đâu nữa.
Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao là phải giải thích rõ là khi trao đổi với Trung Quốc có đúng quan điểm như Tân Hoa Xã loan báo hay không.
Luật sư Trần Vũ Hải
Chuyện này hiện nay cũng mắc mứu lớn lắm. Việt Nam nói chuyện ông Phạm Văn Đồng chỉ là một chuyện vui vẻ thôi chứ nó không có giá trị pháp lý gì. Bây giờ Mỹ không mạnh nữa, ngay với Philippines bây giờ Mỹ cũng nhẹ nhàng rồi.”

Theo VnExpress bản tin trên mạng ngày 30/6, ông Lê Văn Nghiêm Cục trưởng Thông tin đối ngoại nhìn nhận là đã học được bài học qua vấn đề Biển Đông. Đó là trong mọi trường hợp phải chủ động thông tin, không thông tin, hoặc thông tin không kịp thời, không đầy đủ thì coi như nhường trận địa thông tin cho đối phương.
Đọc tiếp...

THƠ: CẢM THƯƠNG NHỮNG TÂM HỒN ÁI QUỐC

  





CẢM THƯƠNG
NHỮNG TÂM HỒN 
ÁI QUỐC



Lời dẫn của tác giả Khuyết danh:

Xin cụ Nguyễn Đình Chiểu tha thứ cho con vì đã mượn tinh thần bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của cụ để vịnh cảnh nước nhà.

Xin những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc trong một tháng qua ở khắp mọi miền của Việt Nam và trên thế giới hãy tha thứ cho tôi vì đã dùng âm hưởng văn tế để bày tỏ niềm yêu mến và sự cảm phục của tôi đối với những hành động ái quốc của các anh chị. Văn tế ở đây đã được chuyển nghĩa, không phải thể văn dùng tế người chết, mà có ý nghĩa tôn vinh trong nỗi buồn, tự đáy lòng.
_________________________

Hỡi ơi!
Hoàng Sa – Trường Sa biển rền, lòng dân trời tỏ.

Bao nhiêu năm quần quật trên rừng dưới biển, chưa ắt còn danh nổi như phao
Một trận nghĩa tuần hành chống giặc Trung, tuy bị cấm ngăn mà tiếng vang như mõ.

Nhớ năm xưa
Cui cút làm ăn,
Toan lo nghèo khó

Chưa quen đả đảo, đâu biết tự do
Chỉ biết âm thầm bài vở, mưu sinh; việc học việc thi vốn đã quen làm
Tập hô, tập nói, tập đối phó cơ động, an ninh, mắt chưa từng ngó.

Bóng giặc chập chờn hải đảo, nỗi lo xâm lược phập phồng đã mấy mươi năm, trông tin quan như trời hạn mong mưa
Mùi “4 tốt”, “16 chữ” vấy vá đã bao lần, ghét thói đại Hán gian thâm như nhà nông ghét cỏ.

Bữa thấy tàu hải giám cắt cáp Bình Minh, muốn tới ăn gan
Ngày xem tàu ngư chính bắt nạt Viking, muốn ra cắn cổ.

Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu;
Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó.

Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này ra sức tuần hành
Chẳng thèm trốn ngược, trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay cứu nước.

Khá thương thay:
Vốn chẳng được cảm thông, ủng hộ, tự phát mà đứng lên
Chẳng qua tức nước, vỡ bờ, vị nghĩa ra lời tuyên cáo
Tự giương khẩu hiệu, trật tự ôn hòa, nào đợi tập rèn
Bốn chủ nhật biểu tình, hồn hậu suy tư, đâu chờ bày bố.
 
Ngoài cật mong manh áo vải, nào đợi được lệnh cấp trên,
Trong tay cầm biểu ngữ chống xâm lăng, chi nài đề tên ghi tuổi
 
Chiều tối về chong đèn đọc sách, hiểu thêm bi kịch nhãn tiền
Sáng ngày theo dõi báo chí đưa tin, theo sát tình hình đất nước

Chi nhọc quan quản dùi cui, còi huýt, đạp dây thừng lướt tới, coi nguy hiểm như không
Nào sợ dân vệ, công an, hàng nối hàng, lịch lãm chưa từng có.

Trẻ già hát Quốc ca, đả đảo giặc Tàu, làm cho Ích Tắc, Chiêu Thống hồn kinh
Anh trước chị sau, hừng hực niềm tin, trối kệ lời loa kêu giải tán.

Những năm lòng nghĩa lâu dùng
Đâu biết dân tình khốn khổ.

Một chắc xuống đường rằng ái quốc, nào hay bị “nhắc nhở”, cầm chân
Trăm năm tâm sự người ưu dân, nào đợi quyền trên cho phép.

Đoái trông Hà Nội, Sài Gòn, Vũng Tàu, đồng thanh phẫn uất
Ngoái nhìn Melbourne, Tokyo, Paris, du học sinh Việt Nam ào ào phản đối xâm lăng.
Chẳng phải vì bị xúi giục, cho tiền, lợi dụng mà chống bọn bành trướng Bắc Kinh
Vốn chẳng liên quan gì đến phường Việt gian, phản động mà biểu tình làm loạn.

Chỉ bởi nghĩ rằng:
Tấc đấc ngọn rau ơn nước, tài bồi cho mỗi dân ta;
Bát cơm manh áo ở đời, mắc mớ chi ông cha nó.
Vì ai khiến nhân dân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương;
Vì ai xui non nước tan tành, chia năm xẻ bảy?
Vì ai để giáo dục suy đồi, cương thường đổ vỡ
Vì ai mấy chục nghìn tỉ của dân chìm theo Vinashin
Vì ai tham nhũng lan tràn, gian trá lên ngôi
Chẳng lẽ triều đình khứ dân, ai người mãi quốc?...

Sống làm chi theo quân tà đạo, tùy tiện cho thuê rừng, dâng nguồn bauxite, thấy lại thêm buồn;
Sống làm chi luồn cúi bá quyền, ham nhân công Tàu, nhập siêu hàng Trung Hoa, nghe càng thêm hổ.
Nay thót tim nghĩ đến phố Trung Quốc ở Ninh Bình
Mai tím mặt Bình Dương mở Đông Đô Đại Phố…

Thà đặng câu địch khái, noi theo cha chú cũng vinh
Hơn chịu chữ Tàu gian, ở với “man di” rất khổ.

Ôi thôi thôi!
Nửa thác Bản Giốc năm canh sao vắng lặng, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;
Bãi Gạc Ma một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo sóng cả.

Đảo Lý Sơn, mẹ già ngồi khóc con trai, ngọn đèn khuya leo lét vạn chài
Miền Phú Yên, vợ thảng thốt chờ chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Ôi!
Mỗi đợt tuần hành
Trăm năm nhắc nhở.

Binh tướng nó liệu có đóng ở Trường Sa, Hoàng Sa, ai làm cho bốn phía mây đen;
Chính phủ lặng lẽ “giao hảo song phương”, ai cứu đặng một phường con đỏ.

Nước mắt anh hùng, giọt thương đời lau chẳng ráo, lo vì hai chữ tự do
Tuyên cáo nhân sĩ, lửa trí thức thắp nên thơm, cám bởi một câu dân chủ
Mùa hạ năm Tân Mão, thời khắc lịch sử hồn thiêng tiên tổ trở về
Giữa sóng trào biển Đông, dân tộc ta vươn mình đạp bằng quân xâm lược.

Ai nấy đều tin
Hiên ngang cùng bước!

KHUYẾT DANH
Đọc tiếp...

TỪ 15.7: MỸ VÀ VIỆT NAM HOẠT ĐỘNG CHUNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Mỹ và Việt Nam sẽ hoạt động chung trên biển kể từ 15/7
Các quan khách quân sự và dân sự Việt Nam đang nghe một sĩ quan Mỹ giải thích cách điều hành "sân bay" trên hàng không mẫu hạm USS George Washington ngày 08/08/2010
US. NAVY/Danielle A. Brandt/Released
Thanh Phương
 
Theo hãng tin Đức DPA, thiếu tá hải quân Mỹ Mike Morley hôm nay (1/7/2011) cho biết, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiến hành các hoạt động chung kéo dài một tuần, bắt đầu từ ngày 15/ 7, trên các lĩnh vực kỹ thuật xây dựng, tìm kiếm cứu nạn và y tế, với sự tham gia của nhiều bác sĩ và nha sĩ. Theo chương trình dự kiến, sẽ có lễ tiếp đón chiến hạm USS Chung-Hoon cập bến cảng Tiên Sa của Đà Nẳng.

Thiếu tá hải quân Morley nhấn mạnh đây không phải là các hoạt động « luấn luyện một chiều », mà mang tính chất trao đổi nhiều hơn. Đợt hoạt động chung giữa hai nước lần này là tiếp nối mở rộng các hoạt động tương tự đã diễn ra lần đầu tiên vào năm ngoái giữa hải quân Hoa Kỳ và Việt Nam.

Quan hệ quân sự giữa Việt Nam với Hoa Kỳ đã gia tăng đều đặn kể thời điểm chiến hạm USS Vandegrift vào năm 2003 đã là chiến hạm đầu tiên của Mỹ ghé thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Việc cải thiện quan hệ Mỹ - Việt càng thêm được chú ý trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội trên vấn đề Biển Đông.

Nhưng theo lời thiếu tá hải quân Morley, hoạt động chung này thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, chứ «không có liên hệ gì » với căng thẳng hiện nay do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Việt Nam tố cáo tàu hải giám của Trung Quốc đã hai lần cắt dây cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như thường xuyên sách nhiễu các tàu cá của Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa.

Ngày 17/6 vừa qua, Washington và Hà Nội đã ra một tuyên bố chung kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định ở vùng Biển Đông. Bản tuyên bố này cho rằng : « Mọi tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết thông qua một tiến trình ngoại giao hợp tác, không ép buộc hay sử dụng vũ lực”.


Đọc tiếp...

BBC LOAN TIN: TRUNG QUỐC ĐỊNH "CẮT CÁP" PHÁT NỮA?

Trung Quốc định 'cắt cáp' lần ba?


Tàu Bình Minh 2 đã bị phía Trung Quốc cắt cáp hồi cuối tháng Năm ở vùng lãnh hải được cho là thuộc Việt Nam, khiến người dân Việt Nam giận dữ xuống đường biểu tình phản đối.

Các nguồn tin chưa được kiểm chứng từ Việt Nam cho BBC hay một tháng sau vụ tàu Bình Minh 2, phía Trung Quốc lại có hành động định 'cắt cáp' của một tàu thăm dò địa chấn Việt Nam ngoài Biển Đông.

Sự việc xảy ra với tàu của PetroVietnam nhưng không để lại hậu quả vì, theo mô tả của ba nguồn tin khác nhau, "các tàu hộ tống của Việt Nam đã vào kịp thời".

Tàu của phía Trung Quốc vì thế đã đổi hướng nên hai bên không gây ra va chạm.

Một số nhà báo tại Việt Nam tin rằng đây là một lần nữa, Trung Quốc "thử nắn gân" phía Việt Nam đúng lúc các lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chúc mừng "sinh nhật" 90 của đảng Cộng sản Trung Quốc.

BBC hôm 30/6 đã liên lạc với một quan chức PetroVietnam nhưng vị này từ chối trả lời điện thoại.

Cũng vì thời điểm bị coi là nhạy cảm, phía Việt Nam, theo một nhà báo giấu tên từ Hà Nội, không muốn công bố vụ việc cho báo chí.

Đến tối 1/7 giờ London, BBC cũng chưa ghi nhận được gì từ phía Trung Quốc xung quanh tin rằng chuyện này thực sự đến mức nào hoặc phía Trung Quốc coi đó là gì.

Lãnh đạo hai đảng cộng sản có vẻ như đang muốn làm giảm độ nóng của mối quan hệ sau hai vụ tàu Trung Quốc bị phía Việt Nam cáo buộc là "gây hấn".

Đặc biệt, một số nhà nghiên cứu Biển Đông tin rằng nơi xảy ra vụ "định cắt cáp" lần thứ ba gần với nơi tàu Viking của Việt Nam thuê bị phía Trung Quốc cắt cáp.

Trong các lần trước, phía Trung Quốc nói các vụ "va chạm" xảy ra trong vùng thuộc chủ quyền của họ, điều bị Việt Nam bác bỏ.

Mặt khác, phía chính quyền Việt Nam cũng lo ngại không khí bức xúc, đòi tiếp tục biểu tình phản đối Trung Quốc có thể diễn ra lần nữa vào cuối tuần này ở Hà Nội.

Vụ Bình Minh 02 xảy ra hôm 26/5 và vụ tàu Viking 09/6 đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận Việt Nam.
Trung Quốc hiện đang kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Báo Nhân dân cho hay Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam đã gửi điện mừng đến Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc nhân sự kiện này.

Tuy nhiên, bức điện của phía Việt Nam, trong các phần được trích đăng trên báo Nhân Dân, không thấy nhắc tới phương châm 16 Chữ Vàng cho quan hệ hữu nghị Trung-Việt.

Không rõ nguyên văn các trao đổi đối diện nhau của hai bên thời gian qua ra sao nhưng bản tin tiếng Anh của Tân Hoa Xã về chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn cũng không dùng chữ "đồng chí" để nói về Việt Nam.

Đọc tiếp...