Nguyễn Xuân Diện tỏ ra khá dè chừng khi tiếp xúc với báo giới. Và việc đầu tiên anh làm khi đồng ý trả lời cuộc phỏng vấn của tôi là: đặt một chiếc máy ghi âm của anh song song bên cạnh máy ghi âm của tôi…
Tôi có cảm giác anh rất “đề phòng” với cánh phóng viên…
Đúng vậy! Thứ nhất, khi tiếp xúc với một số nhà báo tôi cảm thấy không hài lòng. Họ cứ thế đăng mà không hề gửi lại cho tôi đọc trước.
Thứ hai là có một số nhà báo, nhất là những nhà báo trong lĩnh vực truyền hình luôn cho rằng được lên báo chí, được xuất hiện trên truyền hình là vinh dự lớn cho nhân vật.
Và thứ ba là các tòa soạn báo bây giờ thường có xu hướng chạy theo lượng người mua nên họ hay khoét sâu vào những chuyện giật gân, câu khách, riêng tư, trong khi mục đích chuyển tải thông tin và thông điệp của báo chí không phải như vậy.
Thông điệp của báo chí là phải nói đúng sự thật, phải chuyển tải những chia sẻ của nhân vật được phỏng vấn tới công chúng với tính chất xây dựng.
Anh có khắt khe quá không khi đề ra nguyên tắc nhà báo phải gửi lại tác phẩm phỏng vấn anh trước khi đăng? Tom Brate – một nhà báo nổi tiếng của Mỹ từng viết trong tác phẩm “Lời tự thú của một nhà báo” rằng nguyên tắc của ông là không gửi lại bài viết cho nhân vật để đảm bảo tính chân thực, khách quan. Mà không phải chỉ có Tom, đa phần nhà báo ở những nước có nền báo chí tiến bộ đều như vậy…
Đó là nguyên tắc của họ. Còn nguyên tắc của tôi là phải gửi lại bài cho tôi trước khi đăng tải. Tất nhiên, tôi chỉ sửa chính tả, và từ dùng chưa chỉnh, chứ không thay đổi cấu trúc bài viết và ý kiến cá nhân của tôi được phát ra tại thời điểm trả lời phóng viên. Khi đã nhận lời trả lời phỏng vấn báo chí thì người phỏng vấn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với phần trả lời của mình. Hay, dở họ đều phải chịu. Cách dựng bài hay đưa tin bài không chuẩn xác của phóng viên sẽ có thể gây ra hiểu lầm cho công chúng, nhất là đối với các vấn đề khoa học và thời sự nóng bỏng.
Phải chăng anh nghi ngờ rằng họ - những nhà báo, không ghi lại chân thực những gì anh nói và anh không có lòng tin với họ?
Cũng không hẳn như vậy. Tôi nói rồi đấy, đó đơn giản chỉ là nguyên tắc của tôi. Có những cái thuộc về chuyên môn, có những cái thuộc về vấn đề nhạy cảm và tôi muốn chuyển tải nó đúng với tinh thần của mình để bạn đọc không hiểu lầm, hiểu sai.
Người ta bây giờ hay nhắc tới cụm từ “Trách nhiệm công dân của một nhà báo”, anh nghĩ gì về điều này?
Người bình thường đã phải có trách nhiệm công dân, nhưng nhà báo còn phải có trách nhiệm hơn. Họ là những người hành nghề trong một nhóm nghề tương đối đặc biệt, được trang bị về kĩ năng chuyên môn, họ có diễn đàn và những sản phẩm của họ có tính chất định hướng dư luận, nó tác động tới cả người dân và cả các cấp lãnh đạo. Mỗi lời họ nói, mỗi sự thật họ viết ra đều phải nghiêm túc và có định hướng tốt. Quan trọng nhất vẫn là sự chân chính và tính chiến đấu.
Tất nhiên, để có được tính chiến đấu thì đôi khi các nhà báo phải chấp nhận hi sinh. Đôi khi tính chiến đấu không được như họ mong muốn thì họ phải tìm nghề khác. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều nhà báo chuyển nghề chỉ vì họ không viết được những thứ như họ muốn.
Ý anh nói là báo chí ta hiện nay tiếng nói phản biện chưa được mạnh mẽ?
Ngoài chuyện phản biện chỉ ra những cái xấu, cái lệch lạc, cái chưa tốt… ở tất cả các lĩnh vực, báo chí ta còn chưa đề cao tính xây dựng xã hội. Ngày xưa cụ Hồ hay phát động phong trào “Người tốt việc tốt”, các báo cũng mở ra các chuyên mục người tốt việc tốt. Nhưng bây giờ mở báo chí ra công chúng chỉ toàn thấy những vụ việc giật gân câu khách, lộ hàng, cướp giật… Trong khi những gương người tốt việc tốt thực sự không thấy bóng dáng nhiều như xưa nữa. Cũng có nhiều bài phản ánh “người tốt việc tốt” thật đấy, nhưng lại phản ánh những đại gia, những thú ăn chơi xa xỉ… cho nên không ít những “người đương thời” đó một thời gian sau lại sụp đổ hoàn toàn trong mắt người đọc.
Rồi những góc cạnh của tâm hồn, những rung động trước vẻ đẹp thường nhật của cuộc sống báo chí cũng ít đề cập đến. Phải chăng báo chí đã bỏ quên mất một mảng lớn như thế trong những trang viết của mình?
Lâu rồi tôi không còn đọc báo giấy, vì báo không còn hấp dẫn tôi nữa. Trong khi rất nhiều những blog, website cá nhân lại làm được điều đó và nó hút người đọc.
Và blog của anh cũng là một trong những blog hút người đọc?
Tôi không thích những tin giật gân. Tôi chỉ trình bày cho họ thấy cái tôi quan tâm là cái gì thôi. Và may mắn là những điều tôi quan tâm lại cũng là những vấn đề mà bạn đọc của tôi quan tâm.
Blog là cuốn sổ tay cá nhân của tôi. Tôi viết cái gì là tự trong lòng tôi viết ra, có cả tình cảm, hơi thở của tôi trong đó, có cả những tâm sự, trò chuyện của tôi. Bạn đọc mở blog của tôi thì như gặp chính tôi và cũng như gặp chính họ. Có lẽ vì thế họ cảm thấy sự đồng điệu và yêu thích nó.
Anh có khả năng viết lách như vậy sao không đi làm báo chính thống mà lại ngồi nhà làm một blogger?
Từ khi mở blog cá nhân tôi không còn hứng thú viết bài, gửi bài cho báo chính thống nữa. Một bài báo tôi gửi đi phải qua bao nhiêu khâu mới được xuất hiện trên mặt báo. Nhiều tòa soạn nhận được bài hay không cũng không phản hồi, đăng hay không cũng không thông báo. Đến lúc đăng bài rồi cũng phải tự tìm rồi tự tới tòa soạn lấy nhuận bút, hoặc cung cấp thông tin về tài khoản, mã số thuế, số chứng minh nhân dân v.v... Sự chậm chạp ấy khiến nhiều khi tôi cảm thấy mình không có quyền lợi với chính bài viết của mình (ngay cả buổi PV hôm nay tôi cũng không được trả tiền - hiện mới chỉ có 3 tờ báo và VTV, HTV có trả tiền cho cuộc PV tôi). Còn với blog, nó là hơi thở từng giờ từng phút. Tôi thở, tôi ốm, tôi đau là bạn bè trong thế giới mạng của tôi đều có thể biết ngay lập tức.
Nhiều người cho rằng trong thời đại loạn thông tin như thế này, mở blog, viết những bài “nhạy cảm” hút người đọc cũng là một cách để đánh bóng tên tuổi cho blogger?
Mở blog, tôi không đặt ra việc phải phục vụ một đối tượng nào đấy với ý phải chinh phục họ. Tôi nói rồi đấy, tôi mở blog ra chỉ giống như mở một cuốn sổ tay cá nhân. Ai thích thì đọc. Ai không thích thì thôi. Tôi có tên tuổi gì đâu mà phải đánh bóng. Mặt tôi như mặt Bao Đại nhân thế này, đánh đến bao giờ cho bóng loáng lên được?! (cười).
Nhưng như vậy người ta cho rằng anh chỉ giỏi đứng ngoài mà chỉ trích, bới móc?
Có thể có một số người cho rằng blog của tôi mở ra 10 bài thì có đến 8 bài đề cập đến những vấn đề chưa tốt, những ý kiến mang tính phản biện. Nhưng đừng vì vậy mà nhìn blogger với con mắt toàn màu đen, đừng đánh giá chúng tôi không có tinh thần xây dựng. Chúng tôi chỉ mong ý kiến đóng góp xây dựng của mình được tiếp thu.
Một bloger có nhiều bài viết sắc sảo như anh có tự nhận mình là một nhà báo?
Không! Tôi không phải là người sắc sảo. Có bạn đọc comment nói rằng: Cái ông Diện này có viết lách được bài nào ra hồn đâu, toàn copy từ các trang khác về thôi!
Năm ngoái, có người xếp tôi vào danh sách để bình chọn “Nhà báo của năm”. Nhưng tôi không phải là một nhà báo. Có lẽ bạn lầm tưởng vì tôi có một blog cá nhân với những trang viết phản ánh sự thật như vậy. Nhưng tôi khẳng định lại một lần nữa: blog là cuốn sổ tay cá nhân của tôi và tôi không phải là một nhà báo. Nguyễn Xuân Diện không phải là một nhà báo. Tôi đơn thuần chỉ muốn được thở tiếng thở của mình, nói tiếng nói của mình trên cuốn sổ tay của mình mà thôi.
Anh có hài lòng về cuộc phỏng vấn hôm nay không?
Không! Bài PV hôm nay tôi chỉ trả lời thụ động các câu hỏi của nhà báo. Nhà báo hỏi tôi bằng những câu hỏi đã chuẩn bị sẵn. Tôi thấy nhà báo chưa dẫn dắt tôi và buộc tôi phải trải lòng mình. Tốt nhất là đừng đăng bài PV này trên tờ báo của bạn. Dẫu sao cũng xin cảm ơn nhà báo đã có lòng hỏi đến!
Xin cảm ơn anh!
V.H thực hiện.