Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

CHUYỆN HÔM NAY - CHUYỆN KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Chuyện không của riêng ai! 
Phùng Hoàng Anh 

Những ngày này, trên khắp các ngõ xóm ở làng quê, trên những đường phố của thị trấn, thị xã, thành phố, trong những quán cắt tóc, quán sửa ti vi, quán bia, quán ăn… cứ có từ hai đến ba người trở nên là người ta sôi nổi bàn luận về tình hình đang diễn ra ở biển Đông. Không cứ các nhà trí thức mà cả những anh xe ôm, đến ông thợ cắt tóc, từ anh thanh niên đến ông già, họ đang rất quan tâm và theo dõi tình hình tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời nắm bắt những diễn biến trên biển Đông.

Đã nhiều ngày qua, người ta được nghe, xem tin tức trên báo chí, truyền hình, trên mạng về những diễn biến trên biển Đông, họ cũng có những nhận định, đánh giá, bàn luận theo ý kiến chủ quan của họ. Rằng thì thế này, rằng thì thế kia…Nếu thế này thì thế kia…Vui lắm, xôm lắm.

Bà chị gần nhà, làm công nhân ở một nhà máy, cứ tưởng chị không quan tâm gì về tình hình đang diễn ra trên biển Đông, ấy thế mà khi có đông người, chị cũng sôi nổi trao đổi tin tức trên biển Đông cho mọi người cùng nghe với những gì chị biết. Chị cũng có những chính kiến riêng của mình, cũng bảo vệ những nhận định chủ quan của mình về tin tức biển Đông.

Buổi sáng, tại quán nước bên đường ở một thị trấn nhỏ ngoại thành Hà Nội, chúng tôi ngồi uống nước trong lúc đợi xe, mấy anh thanh niên chừng 35 – 40 tuổi đang ngồi uống trà đợi khách, trong lúc rảnh rỗi, chúng tôi thấy các anh cũng bàn luận về tình hình biển Đông, rồi nhận định phía này, phía nọ với ông chủ quán khoảng gần 70 tuổi. Chúng tôi ngồi đó, được nghe những lời bình luận tâm huyết ấy, trong lòng cảm thấy tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào về dân tộc vẫn đang cuồn cuộn chạy trong lòng mỗi người dân nước Việt. Nó sẽ tạo thành những đợt sóng lớn, dữ dội có thể nhấn chìm những ý định xấu xa, những âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Cảm động nhất là thằng cháu tôi, năm nay lên lớp 4, cháu nghe người lớn nói chuyện thời sự, cháu nghe được, khi sang nhà chú, cháu cũng góp vui những thông tin mà cháu nghe được, mặc dù những điều cháu nói chưa đến đầu hoặc đến cuối, nhưng dẫu sao đó cũng là những thông tin do vô tình mà cháu nghe được từ người lớn. Cũng là vấn đề thời sự mà cháu quan tâm, theo dư luận xã hội hiện nay.

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, chúng ta sẽ chiến thắng mọi âm mưu của kẻ thù với tinh thần cao nhất. Truyền thống ấy đã được khẳng định qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, với những tâm gương tiêu biểu dám xả thân vì đất nước, vì nền độc lập của dân tộc như Thánh Gióng là một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm chống giặc từ khi còn chưa biết nói, biết cười. Trần Quốc Toản bóp nát quả cam cũng chứng tỏ cho ta thấy rõ lòng yêu nước đến chừng nào…Và còn rất nhiều những tấm gương sáng chói trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Chúng ta hãy tin tưởng rằng, Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, tôn trọng nền độc lập và chủ quyền về lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới.

*Bài viết do tác giả Phùng Hoàng Anh gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
XIn chân thành cảm ơn tác giả!
                                                           

12 nhận xét :

  1. Đó là chuyện làng quê ,chuyện của những người mà khi có chiến tranh họ phải cầm súng,còn chuyện của các quan là tìm nơi gửi tiền gửi con nơi nào khi có chiến tranh xảy ra .

    Trả lờiXóa
  2. Theo tôi, chiến tranh xảy ra thì con cái từ quan xã trở lên sẽ xung phong ra trận trước, vì tất cả con cái đảng viên phải tiên phong. Đảng viên đi trước, làng nước theo sau.

    Trả lờiXóa
  3. http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-06-17-bien-dong-va-su-thuc-tinh đấy vietnamnet đã đưa tin tuần hành ôn hòa trong 3 chủ nhật vừa rồi ấy bác ạ

    Trả lờiXóa
  4. Đêm qua em viết vội, rồi gửi gấp cho Blog Nguyễn Xuân Diện nên chưa kịp đọc lại, nay thấy có vài chỗ hạt sạn trong bài, kính mong độc giả lượng thứ cho ạ.
    Xin cảm ơn T.S, cảm ơn độc giả trang NXD Blog.

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là những ngày này, đâu đâu người ta cũng lo vận nước sẽ ra sao trong tương lai?

    Trả lờiXóa
  6. "Chúng ta hãy tin tưởng rằng, Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, tôn trọng nền độc lập và chủ quyền về lãnh thổ của các quốc gia trên thế giới".
    Chúng ta cũng tin tưởng rằng, nếu đất nước lâm nguy, tất cả người Việt Nam sẽ cùng nhau đứng dậy, đập tan tất cả bè lũ bán nước và cướp nước như mấy ngàn năm nay vẫn thế.
    Việt Nam muôn năm.

    Trả lờiXóa
  7. Nguyễn Quang Thạch nói đúng:khi nào chiến tranh xảy ra chúng ta phải ưu tiên con em các lãnh đạo ở Trung ương ra trận trước ,con em nhân dân đi sau.
    (Nguyễn Xuân Diện không được cãi tui nha)

    Trả lờiXóa
  8. Đề nghị bác nào cho in lại bài Hịch tướng sĩ đi ạ.

    Trả lờiXóa
  9. Nói như 2 bác Nguyễn Quang Thạch và Bần Nông thì khi có giặc mà con em các lãnh đạo không ra trận thì mình cũng không đi à?

    Trả lờiXóa
  10. Tôi cũng xin gia nhập quân đội. 1 mắt tôi gần hỏng hoàn toàn nên tôi sẽ xin làm biên dịch tài liệu vũ khí, làm báo chiến trường...nói chung, tổ quốc cần là đi ngay.

    Ý tôi muốn nói là con cái đảng viên tiên phong đi trước để đúng cái nghĩa đầy tớ của nhân dân vì từ lâu các cơ hội đi nước ngoài, đi xe to đẹp, ăn ở các khách sạn hạng sang đều con cái đầy tớ mần rồi.

    Trả lờiXóa
  11. Trần Xuân An





    Với mục đích lên án Trung Quốc gây hấn, leo thang xâm lược trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam gần đây nhất, hai lần biểu tình diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM. vào hai ngày 05-06 và 12-6-‘’11. Nhân đó, những người biểu tình cũng tiếp tục lên án sự xâm lược, chiếm đóng từ lâu bởi Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa cũng như một số hòn đảo thuộc Trường Sa, vốn của Việt Nam. Các thông tin, đặc biệt là các hình ảnh chụp và khúc phim ngắn được quay tại chỗ, cho thấy đã có sự ngăn chặn, chia tách, phân tán những người biểu tình thành từng nhóm nhỏ, đồng thời cũng có sự bắt bớ họ ngay giữa trung tâm thủ đô và TP.HCM.. Trong đó, sự có mặt với các khẩu hiệu trên tay trong hai cuộc biểu tình ấy của một số trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ lão thành cách mạng, cùng với thư ngỏ về cách đưa tin của báo chí nước ta, đã thu hút sự lưu tâm của nhiều người trong và ngoài nước. Tập thông tin điện tử tự lập Bauxite, báo mạng BBC cũng như nhiều tập thông tin điện tử cá nhân có uy tín trong nước đều có đăng tải tin tức, hình ảnh về sự kiện ấy.



    Một sự kiện khác: Hôm nay, 13-6-‘’11, Hải quân Việt Nam cũng đang bắn đạn thật trong cuộc diễn tập được thông báo trước, ở ngoài khơi biển Quảng Nam. Phải chăng đó cũng là một sự biểu tình thị uy trước sự gây hấn, leo thang xâm lược của Trung Quốc, nhưng không có khẩu hiệu cụ thể, mà chỉ thông báo đó là cuộc diễn tập quân sự? Các báo chí công lập, các điểm mạng vi tính tự lập, nhất là “ngoài luồng" ở trong nước và báo chí các nước trên thế giới hầu như đều có đưa tin về cuộc diễn tập bắn đạn thật này (*).



    Và, có thể nói báo chí chính thống cũng đã biểu tình. Từ cuối tháng 5 vừa qua đến nay, sau hai vụ tàu Trung Quốc gây hấn vào ngày 26-5 và ngày 06-9, báo chí chính thống của nước ta lên tiếng tố cáo dã tâm của Trung Quốc khá mạnh mẽ, có thể nói là mạnh mẽ nhất, kể từ sau chiến tranh biên giới hồi 1979. Đặc biệt, cũng trong tinh thần phản ứng khá mạnh mẽ đó, báo giấy lẫn báo mạng và báo nói (truyền hình) có đăng hoặc đề cập đến bài trả trời phỏng vấn của nguyên đại tướng, chủ tịch nước Lê Đức Anh (02-6-‘’11), bài phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (8-6-‘’11). Sáng nay, báo chí lại đăng thông tin về việc “Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam” (12-6-‘’11). Như vậy, báo chí chính thống cũng đã biểu tình.








    Một hình ảnh không đẹp mắt

    Nguồn: Web Bauxite





    Tuy có thể diễn đạt là cả ba sự kiện trên đều là biểu tình chính trị, và về đại thể là đều cùng một nội dung, một mục tiêu, nhưng đúng nghĩa nhất, theo như cụm từ “quyền biểu tình” trong các bản Hiến pháp nước ta, từ 1946 đến 1992, vẫn là sự kiện đầu tiên trong bài ghi nhận sơ lược này. Thế nhưng, hai cuộc biểu tình thực sự tại Hà Nội và tại TP.HCM. đều bị công an ngăn chận, trấn áp, bắt bớ. Tại sao? Chỉ đơn giản là hai cuộc biểu tình đúng nghĩa ấy không được sự chỉ thị, tổ chức của các cơ quan, đoàn thể, mà chỉ là biểu tình tự phát, tự nguyện của nhiều lứa tuổi trong xã hội, phần lớn là thanh niên, trước tình hình Trung Quốc gây hấn, leo thang xâm lược gần đây nhất.

    Trả lờiXóa
  12. Quả là như vậy. Nhưng biểu tình (quyền cùng nhau xuống đường phố, đọc hiệu triệu, giăng bích chương, hô khẩu hiệu, tuần hành để bày tỏ thái độ, ý nguyện) một cách tự nguyện, tự phát như thế mới sinh động, mới thể hiện hào khí và tinh thần dân chủ thực sự.



    Sự quản lí của chính quyền, ở trường hợp này, chỉ có thể là quy định hẳn một khu vực tại trung tâm mỗi thành phố, thị xã, huyện lị, dành riêng cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có lớp trẻ tuổi, thể hiện quyền biểu tình chính trị (và cả về xã hội nữa, trong trường hợp khác), một quyền dân chủ hết sức chính đáng của mình, với một điều kiện là người tham gia biểu tình phải thể hiện lập trường bằng ngọn cờ Tổ quốc – cờ đỏ sao vàng. Đồng thời, công an có nhiệm vụ phải bảo vệ họ, và chỉ ngăn chận những trường hợp vượt ra khỏi khu vực cho phép, có thể khiến giao thông trên đường phố bị cản trở. Lẽ ra, như thế, không ai có quyền bắt bớ họ.



    Về quảng trường tự do biểu tình rất dân chủ và rất văn minh ấy, hình như một số nước cũng đã thực hiện từ lâu.



    Trần Xuân An

    14:, 13-6 HB11

    Trả lờiXóa