Thứ Năm, 3 tháng 8, 2023

Phạm Quang Long: CÂN NHẮC KỸ VIỆC SÁP NHẬP QUẬN HOÀN KIẾM

 

Cân nhắc kỹ việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm

TS Phạm Quang Long
(Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam)


Quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Nhiều tờ báo ngày 31/7 đưa tin, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, quận Hoàn Kiếm là đơn vị hành chính cấp huyện duy nhất của thành phố thuộc diện phải sáp nhập giai đoạn 2023 - 2025.

Quả thực, đây là thông tin rất đáng chú ý, có lẽ không chỉ người dân Hà Nội mà cả nước đều quan tâm. 
 
Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29km2, dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội. Tuy nhiên, thu ngân sách năm 2022 của quận lớn nhất, lên tới 12.500 tỷ đồng.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35km2, dân số 150.000 người. Trong 2 năm tới, các huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập.

Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Nhưng quận Hoàn Kiếm sẽ sáp nhập với quận nào? Và khi sáp nhập có còn tên Hoàn Kiếm hay sẽ là một cái tên khác? Nhiều ý kiến các nhà khoa học đều cho rằng, đơn vị hành chính được xác lập không chỉ thuần túy dựa trên cơ sở 2 tiêu chí là dân số và diện tích - mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như lịch sử, văn hóa, phong tục, vị trí địa lý.  


Một góc Hồ Hoàn Kiếm thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN.

Ai cũng biết, Hà Nội là Thủ đô của cả nước và quận Hoàn Kiếm lại là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng. Nhất là hồ Hoàn Kiếm với sự tích Vua Lê Thái Tổ trả lại gươm thần cho Rùa vàng sau khi đuổi xong giặc ngoại xâm, giành độc lập.

Nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng, tôn giáo như quần thể di tích hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Quảng trường 19/8, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội…

Bất cứ cái tên nào trong số này cũng khiến nhiều người khắc khoải nếu phải có dịp xa Hà Nội, kể cả với những người từng hoặc chưa từng được đặt chân tới Thủ đô. Nó không chỉ đơn thuần là một địa danh, một di tích bình thường.

Đó là tình yêu đã đi vào thơ ca, văn chương, âm nhạc, hội họa, trở thành niềm tin và hy vọng, thành cảm hứng của biết bao thế hệ.

Bởi lẽ, Hoàn Kiếm đã gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và gìn giữ Thăng Long - Hà Nội. Nhắc đến Hà Nội người ta lại nhắc đến 36 phố phường, mà 36 phố phường đó lại nằm trọn hầu hết ở quận Hoàn Kiếm. Nói không ngoa, từ lâu Hoàn Kiếm là hồn vía, là trái tim của Hà Nội vậy.

Trải qua thời gian, đến đầu năm 1981, thực hiện Hiến pháp mới, chính quyền Hà Nội được tổ chức thống nhất thành ba cấp, trong đó khu phố Hoàn Kiếm được gọi là quận Hoàn Kiếm, gồm 18 phường, giữ ổn định đến nay.

Bởi thế mà thông tin quận Hoàn Kiếm thuộc diện xem xét sáp nhập thực sự khiến dư luận rất quan tâm.

Sáp nhập các đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là rất cần thiết, nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu lực hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây là việc khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến lịch sử, đến văn hóa, đến địa linh long mạch Hà Nội, do đó không thể máy móc, cứng nhắc. Cho nên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới nói: Thuộc diện sáp nhập. Ông Thanh không nói sẽ phải sáp nhập. Nghĩa là phải xem xét, cân nhắc.

Vì thế, việc sáp nhập, nhất là đơn vị hành chính như quận Hoàn Kiếm ngoài việc dựa trên diện tích và dân số, song cũng phải tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong thủy, tâm linh.

Mà nếu xét dưới góc độ lịch sử, văn hóa, phong thủy, tâm linh thì chắc chắn Hoàn Kiếm là trường hợp đặc biệt, có quá nhiều yếu tố đặc thù, không nên sáp nhập. Nếu có thì chỉ có thể nhập một số phường của quận khác liền kề vào là hay.

TS Phạm Quang Long
(Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam)
 
Nguồn:
 

1 nhận xét :

  1. Các quan chức Hà Nội hết việc làm rồi sao mà giở chứng tách nhập.

    Trả lờiXóa