Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

TÀI LIỆU ĐẶC BIỆT LIÊN QUAN ĐẾN QUẦN THỂ DI TÍCH PHỦ DÀY

Phủ Tiên Hương (thuộc Quần thể Phủ Dày, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)

TÀI LIỆU ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG
LIÊN QUAN ĐẾN QUẦN THỂ DI TÍCH PHỦ DÀY
 
Ngày 5/3/2019, tức là rất gần đây, BAN QUẢN LÝ DI TÍCH DANH THẮNG, thuộc Sở VH TT và Du lịch tỉnh Nam Định đã có một báo cáo rất đầy đủ, rất khách quan và khoa học về tên gọi của các di tích thuộc Quần thể Phủ Dày. Văn bản do Ông Trần Xuân Bình, Trưởng ban ký gồm 24 trang và nhiều Phụ lục đính kèm.
 
Hiện vật được khảo sát và thu thập đầy đủ, làm minh chứng khả tín để đưa ra các kết luận rất khách quan và tin cậy.
 
Đáng tiếc, văn bản Báo cáo này bị Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch bỏ qua hoặc không biết tới. Và NGAY NĂM SAU BAN QUẢN LÝ DI TÍCH DANH THẮNG BỊ GIẢI THỂ VÀ SÁP NHẬP BẢO TÀNG TỈNH NAM ĐỊNH (!). Giám đốc Bảo tàng Nam Định hiện nay là Nguyễn Văn Thư.
 
Dưới đây là trích đoạn Phần quan trọng nhất của Bản Báo cáo, chạm đến phần CỐT TUỶ gây nên tranh cãi và mâu thuẫn từ nửa thế kỷ nay ở Quần thể Di tích Phủ Dày. 
 
BÁO CÁO KẾT QUẢ
Khảo sát, nghiên cứu tên gọi các di tích 
thuộc quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy,  
xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định
 
 
A. PHẦN MỞ ĐẦU:
 
I. Đặt vấn đề:
 
Quần thể di tích Phủ Dầy với 20 di tích, bao gồm các công trình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, phủ, lăng, từ đường trải khắp trên địa bàn 3 thôn Tiên Hương, Vân Cát và thôn Báng thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đây là những công trình gắn liền với sự tích về Mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. 
 
Theo tư liệu lịch sử, Phủ Dầy (ban đầu gồm phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát) được xây dựng vào thời Hậu Lê thế kỷ XVII. Trải qua các giai đoạn lịch sử cùng với quá trình Mẫu hoá, Phủ Dầy đã được trùng tu, tôn tạo thành một quần thể kiến trúc thờ Mẫu khang trang, bề thế như hiện nay.
 
Ngoài các di tích thờ Mẫu, còn có nhiều di tích thờ những danh nhân, danh tướng, những nhân vật lịch sử, những vị thần có công với dân, với nước, được tôn làm Thành hoàng như: Lý Nam Đế, Đinh Lôi, Nguyễn Minh Không... Bên cạnh đó là những nhà thờ dòng họ, được con cháu xây dựng để thờ cúng tổ tiên.
 
Trong những năm qua, đặc biệt từ khi Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép mở chính thức lễ hội Phủ Dầy(1998), các cấp chính quyền đã tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và đạt được những kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên, việc quản lý và phát huy giá trị của quần thể di tích Phủ Dầy còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục như: xây dựng, cải tạo di tích tuỳ tiện; mua sắm, tiếp nhận, thay thế đồ thờ tự tràn lan; bài trí, sắp đặt, lập thêm ban thờ dày đặc, lộn xộn; nhiều di vật, cổ vật, cổ thư có giá trị chưa được giữ gìn, bảo quản bài bản, đúng quy cách, đặc biệt là cách gọi và đặt tên di tích chưa đúng với nội dung thờ tự. 
 
Hiện nay, nhiều di tích thuộc quần thể khu di tích Phủ Dầy xuất hiện hiện tượng treo băng zôn, biển tên gọi tuỳ tiện, không đúng với Quyết định xếp hạng như phủ Tiên hương, phủ Vân Cát...Điều này đã gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý, cũng như ảnh hưởng đến tình hình chính trị, an toàn xã hội tại địa phương.[….]
 
Dưới đây là kết quả khảo sát, nghiên cứu:
 
1. Phủ Tiên Hương:
 
1.1. Tên gọi, địa điểm:
 
Theo Quyết định số 09-VH/QĐ ngày 5/3/1975 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin về việc xếp hạng Khu di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy, thì di tích phủ Tiên Hương được gọi là phủ Tiên Hương. Phủ Tiên Hương thuộc thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
 
- Hiện tại phủ Tiên Hương đang lưu giữ 15 đạo sắc phong, trong đó có 5 - đạo thời Hậu Lê và 10 đạo thời Nguyễn. Đạo sắc sớm nhất niên hiệu Vĩnh Khánh 2 (1730), đạo muộn nhất niên hiệu Khải Định 9 (1924). Sắc phong cho Liễu Hạnh công chúa, Duy Tiên công chúa, Quế Hoa công chúa, Quế Anh phu nhân, Thánh phụ Lê Đức Chính, Thánh mẫu Trần Thị Phúc. Qua nghiên cứu, tất cả 15 đạo sắc này không đề cập đến tên gọi Phủ Chính từ, Phủ Chính Tiên Hương... mà chỉ nhắc đến địa danh xã An Thái trước đây và sau này là xã Tiên Hương. Như chúng ta biết, sắc phong là văn bản truyền mệnh lệnh của vua phong chức tước cho quý tộc, quan chức, khen thưởng những người có công hoặc phong thần và xếp hạng các vị thần được thờ trong các di tích. Chính vì vậy, đây là văn bản có giá trị pháp lý cao.
 
Cũng theo kết quả khảo sát, nghiên cứu, hiện nay tại phủ Tiên Hương có tổng số 21 hiện vật niên đại từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI gồm: 5 văn bia công đức, 01 câu đầu, 02 choé sứ, 01 đỉnh hương đồng, 01 con dấu đồng, 01 thước tầm gỗ, 01 chuông, 02 lọ đồng, 02 hạc đồng, 04 bát hương đồng, 01 khánh đồng có nội dung đề cập đến cụm từ “Phủ Chính”, “Phủ Chính từ” (đền Phủ Chính), “Tiên Hương linh từ” (đền thiêng Tiên Hương), “Phủ Dầy điện” (điện Phủ Dầy), “Tiên Hương Phủ Chính từ” (đền Chính Phủ Tiên Hương), “Phủ Chính Tiên Hương”, “Tiên Hương phủ từ tự điền bi ký” (Bia ghi việc ruộng thờ tự ở đền phủ Tiên Hương), “Tiên từ” (đền Tiên hoặc đền Tiên Hương).
 
- Căn cứ vào niên đại của các hiện vật, chúng tôi thấy các cụm từ nêu trên xuất hiện sớm nhất vào năm Thành Thái 4 (1892), muộn nhất là những năm đầu thế kỷ 21. Bên cạnh những hiện vật niên đại mới như bát hương, hạc thờ, khánh, lọ, tên gọi phủ Tiên Hương được đúc hoặc khắc cùng thời gian chế tạo hiện vật, thì còn một số hiện vật chữ Hán được người đời sau khắc thêm vào đó là đôi choé sứ triều Thanh và chiếc đỉnh hương. 
 
Theo từ điển Hán Việt của tác giả Đào Duy Anh, Nxb. Văn hoá Thông tin, năm 2003, chữ “từ” có nghĩa là miếu thờ thần hay nhà thờ tổ tiên; “phủ” là chỗ chứa sách vở, tiền của hoặc nha môn, hay là một đơn vị hành chính to hơn huyện. Tuy nhiên, “từ” và “phủ” khắc trên hiện vật trong trường hợp này mang ý nghĩa chỉ loại hình công trình thờ tự. 
 
Theo đó, “Phủ Chính từ” khắc trên 07 hiện vật (đỉnh hương, khánh, bát hương, lọ) có thể hiểu ở các khía cạnh sau: thứ nhất là “đền Phủ Chính”, ở đó Phủ Chính là tên riêng, chứ không phải so sánh chính - phụ; thứ hai “phủ Chính từ” có sự trùng nghĩa giữa “từ” (đền, miếu) và “phủ” (nơi thờ Mẫu, có nơi gọi đền là phủ), hay nói cách khác là thừa chữ (có chữ “từ” thì không cần chữ “phủ”), bởi đây là danh từ chung chỉ công trình tôn giáo tín ngưỡng. 
 
Cũng cần nói thêm rằng, cụm từ “Phủ Chính từ” khắc/đúc trên 7 hiện vật thì 6 hiện vật mới và một hiện vật (đỉnh hương) chữ được khắc thêm sau này, vì thế giá trị nghiên cứu không cao. 
 
Tiếp đến là cụm từ “Tiên Hương Phủ Chính từ”, viết trên 03 văn bia năm 1914 có nghĩa là “đền Chính phủ Tiên Hương” hay ngôi đền chính thuộc/của phủ Tiên Hương.
 
Đáng lưu ý trong số này là 2 cụm từ “Phủ Chính” và “Phủ Chính Tiên Hương” được khắc/đúc trên 05 hiện vật (văn bia năm 1892, chuông, choé, con dấu, hạc). 
 
Về 2 chữ “Phủ Chính” trên đôi choé, có thể khẳng định chúng được khắc thêm sau này, còn với đôi hạc là hiện vật mới được cúng tiến, chính vì vậy không có giá trị về mặt tư liệu nghiên cứu. 
 
Con dấu cũng chỉ là hiện vật của thế kỷ XX, được các đền, phủ đúc phục vụ mục đích tôn giáo, tín ngưỡng chứ không phải là ấn sử dụng trong hệ thống hành chính nhà nước phong kiến. 
 
Đối với văn bia năm 1892, quả chuông năm 1896 khắc 2 từ “Phủ Chính”, tuy có giá trị về lịch sử, nhưng niên đại xuất hiện sau thời gian 2 thôn Tiên Hương và Vân Cát nâng lên thành xã.
 
Trở lại với hệ thống 5 văn bia ghi các cụm từ “Phủ Chính”, “Tiên Hương Phủ Chính từ”, “Tiên Hương Phủ từ tự điền bi ký”, hiện đang lưu giữ tại phủ Tiên Hương. Qua nghiên cứu, có thể thấy 4 trên 5 văn bia là bia công đức, được soạn khắc vào thời gian sau khi xã An Thái đổi thành xã Tiên Hương ít nhất 33 năm, nhiều nhất là 55 năm. Xét về giá trị, văn bia công đức có tính pháp lý và khoa học không cao bằng các loại văn bia khác, đặc biệt là so với văn bản sắc phong. Hơn nữa những văn bia này có niên đại muộn hơn thời gian thành lập xã Tiên Hương và xã Vân Cát. Như vậy, 2 chữ “Phủ Chính” ghi trong văn bia năm 1892, chỉ được hiểu phủ Tiên Hương là di tích quan trọng so với các di tích ở xã Tiên Hương, chứ không phải chính so với phủ Vân Cát và các di tích khác ở xã Vân Cát thời điểm đó.
 
- Để làm rõ thêm ý nghĩa, vị trí của cụm từ “Phủ Chính”, “Phủ Dầy - Phủ Chính Tiên Hương” như tên gọi hiện nay, chúng tôi xin đề cập đến khía cạnh địa giới hành chính như sau: 
 
Xã An Thái xưa gồm 4 thôn: Vân Cát, Vân Đình, Tây Cầu, Nham Miếu hay còn gọi là Giáp Nhất, Giáp Nhì, Giáp ba, Giáp Tư. Thời Hậu Lê, ít nhất vào niên hiệu Long Đức 3 (1734) thôn Vân Cát đã tách khỏi An Thái thành lập xã Vân Cát thuộc tổng Đồng Đội, huyện Thiên Bản .Theo nội dung cuốn “Tiên từ phả ký” (phả ký về đền Tiên), bản chép tay chữ Hán, hiện đang lưu giữ tại Từ đường họ Trần Lê thôn Tiên Hương thì năm Tự Đức thứ 12 (1859), xã An Thái mới được đổi thành xã Tiên Hương. Lúc này, xã Tiên Hương cùng với xã Vân Cát tách ra trước đó là 2 đơn vị hành chính tương đương nhau, thuộc tổng Đồng Đội, huyện Vụ Bản.
 
Như vậy, tên gọi “Phủ Chính” hay “Phủ Chính Tiên Hương” chỉ được hiểu là di tích chính của xã Tiên Hương chứ không bao gồm cả xã Vân Cát. Theo đó, xét về địa giới hành chính hiện nay, tên gọi “Phủ Chính” hay “Phủ Dầy - Phủ Chính Tiên Hương” là di tích chính của thôn Tiên Hương, chứ không phải chính so với phủ Vân Cát và quần thể di tích lịch sử - văn hoá Phủ Dầy.
 




 
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét