Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

LỜI THỀ Ở ĐỀN THẦN ĐỒNG CỔ LÀ THỀ NHỮNG GÌ?

LỜI THỀ Ở ĐỀN THẦN ĐỒNG CỔ LÀ THỀ NHỮNG GÌ?

Mấy hôm nay, mọi người bàn về Hội thề đền Đồng Cổ (Hà Nội). Đền này ở số 353 Thụy Khuê, Hà Nội. Trong đền có một bức hoành trên có viết 4 dòng chữ Nôm, như sau: Lời thề trung hiếu – Làm con bất hiếu – Làm tôi bất trung – Thần minh tru diệt.

Chuyện thề nguyền ở Đền Đồng Cổ có chép 2 lần trong Đại Việt Sử ký toàn thư (ĐVSKTT).

✅ Lần thứ nhất là chép về Đời Lý.

Sử chép rằng sau khi Thái Tử Phật Mã lên ngôi (Lý Thái Tông), ngày Kỷ Hợi tháng 2 năm Mậu Thìn (1028), ngài đại xá thiên hạ và đổi niên hiệu là Thiên Thành. 

Ngày Rằm tháng 2, vua phong tước Vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề.

Lễ thề như sau: Vua sai đắp một đàn thề ở trong miếu (tức là trên khoảng sân trong khu miếu, có đắp lên một nền cao làm đàn thề), có cắm cờ xí quang quanh, xếp hàng theo đội ngũ, và treo gươm giáo ở trước bài vị thần Đồng Cổ. 

Và thề như sau: “Vi tử bất hiếu, vi thần bất trung, thần minh cức chi”, nghĩa là: [Kẻ nào] làm con mà bất hiếu, làm bề tôi mà bất trung, thần minh giết chết nó”(ĐVSKTT, quyển II - Kỷ nhà Lý, tờ 15a).

Khi vào thề, các quan đi từ cửa phía đông vào, đến trước bài vị của thần, cùng uống máu rồi thề. 

✅ Lần thứ hai là khi chép về Đời Trần.

Chép rằng, vào triều vua Trần Thái Tông, năm Đinh Hợi (1227), tuyên bố các điều khoản lễ minh thệ (lễ thề) theo như lệ cũ triều Lý và bắt đầu định việc thực hiện. Nghi lễ đó như sau:

Hàng năm vào ngày 4 tháng 4, tể tướng (tương đương Thủ tướng ngày nay) và trăm quan đến trực ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, tờ mờ sáng thì tiến vào chầu. Vua ngự ở cửa Hữu Lang của điện Đại Minh. Trăm quan mặc nhung phục lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy sắp thành đội ngũ, nghi trượng theo hầu (vua) ra cửa Tây thành, đến đền thần núi Đồng Cổ. Họp nhau lại uống máu ăn thề. 

Quan Trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề.

Lời thề như sau: “Vi thần tận trung, cư quan thanh bạch, hữu du thử minh, thần minh cức chi”, nghĩa là: Làm tôi hết lòng trung thành, Làm quan thì trong sạch liêm khiết, Có kẻ nào trái với lời nguyền này thì Thần minh giết chết nó.(ĐVSKTT, quyển V - Kỷ nhà Trần, tờ 4b).

Tuyên đọc xong thì Tể tướng sai đóng cửa đền lại để điểm danh các quan. Người nào vắng mặt phải chịu phạt 5 quan tiền.

—————
Tham khảo bản dịch Đại Việt Sử ký toàn thư. Bản dịch của Ngô Đức Thọ và Hoàng Văn Lâu. Dịch từ bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697).

Nguồn: FB Nguyễn Xuân Diện.


 

1 nhận xét :