25 cuốn sách cổ vừa biến mất khỏi kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có giá trị như thế nào?
Từ khi thông tin 25 cuốn sách cổ biến mất khỏi kho sách cổ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, rất nhiều người muốn biết đó là những cuốn gì, ai viết ra nó, ghi chép nội dung gì và thực sự chúng có giá trị như thế nào. Tôi xin nêu quan điểm của mình như sau:
Hiện tại 24 cuốn sách đã mất, không có trước mặt để đánh giá trực tiếp, vì vậy phải căn cứ theo các đánh giá ổn định tại những bộ thư mục nổi tiếng như thư mục của Trần Văn Giáp (Tìm hiểu Kho sách Hán Nôm – Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, Tập I: Xuất bản 1984, Tập II: Xuất bản năm 1990), Trần Nghĩa - Francoie Gros đồng chủ biên (Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, Ba tập, Xuất bản năm 1993) và các luận án Tiến sĩ nghiên cứu trực tiếp đến các cuốn sách cổ bị mất.
- Thứ nhất, tất cả những sách cổ đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm đều rất giá trị, giá trị của chúng là ngang nhau, đứng về phương diện học thuật và nghiên cứu, và cả về phương diện hiện vật văn hóa. Đó chính là những cổ vật thực sự.
- Thứ hai, trong số sách thất lạc có 2 loại, có 13 cuốn thuộc kho A và kho V. Hai kho này bao gồm những cuốn sách được sưu tập bởi Viện Viễn Đông Bác cổ giai đoạn trước năm 1954, với quá trình sưu tập lâu dài. Do chưa trải qua các điều kiện về chiến tranh, cải cách ruộng đất, các gia đình nhà nho, gia đình khoa bảng còn giữ được nhiều sách cổ nên giai đoạn này sưu tập được nhiều sách cổ và quý hiếm.
Những bản sách thuộc kho A và kho V bao gồm nhiều nội dung thông tin có giá trị, từng được nhiều nhà nghiên cứu dùng để nghiên cứu, mô tả, lên thư mục, hoặc dịch thuật… Kết quả đã được đưa vào những bộ thư mục nổi tiếng như thư mục của Trần Văn Giáp (Tìm hiểu Kho sách Hán Nôm – Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, Tập I: Xuất bản 1984, Tập II: Xuất bản năm 1990), Trần Nghĩa - Francoie Gros đồng chủ biên (Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, Ba tập, Xuất bản năm 1993). Chúng còn được đánh giá trong các bộ sách từ điển, điển hình là “Từ điển Văn học” đều có mục từ riêng cho "Việt Âm thi tập", "Toàn Việt thi lục"... Đồng thời nhiều người đã làm luận văn, luận án, những công trình nghiên cứu liên quan tới chúng.
Xin ví dụ vài cuốn trong số 24 cuốn đã mất:
TOÀN VIỆT THI LỤC 全越詩錄 – trong Từ điển Văn học.
Từ điển Văn học Việt Nam – Bộ Mới đặt riêng một mục từ là Toàn Việt thi lục, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh nhận định: "Trong những hợp tuyển thơ Việt Nam được biên soạn từ trước thế kỷ XIX, Toàn Việt thi lục là đỉnh cao về quy mô sưu tập và tính khoa học…Sách chưa được in, quá trình sao chép có ít nhiều nhầm lẫn, mất mát về văn bản, nhưng vẫn là một kho báu của nền văn hóa dân tộc và là một tài liệu hết sức quý cho công tác nghiên cứu”(trang 1746).
Viện Nghiên cứu Hán Nôm để mất 4 cuốn, thuộc 3 bộ sách Toàn Việt Thi lục.
VIỆT ÂM THI TẬP 越 音 詩 集 – trong Tìm hiểu Kho sách Hán Nôm .
Đánh giá về văn bản “Việt âm thi tập”, Nhà thư tịch học Trần Văn Giáp nhận định Việt âm thi tập "là một vốn cổ quý giá, không những về thơ văn, nó cũng là một tài liệu hiếm quý về cả sử học", "nó cho ta biết đích xác kỹ thuật in sách khắc ván gỗ của ta đã thấy xuất hiện từ đầu thế kỷ XV, mà có lẽ còn trước đó từ lâu"(“Tìm hiểu Kho sách Hán Nôm”, tập 2, tr.29).
Viện Nghiên cứu Hán Nôm để mất bản A.1925, là bản in năm 1729. Là độc bản và có tuổi đời là 293 năm.
VIỆT ÂM THI TẬP 越 音 詩 集– trong Từ điển Văn học.
Trong Từ điển Văn học Việt Nam – Bộ Mới, tập thơ được đặt riêng một mục từ là Việt âm thi tập, GS. Nguyễn Huệ Chi nhận định về thi tập này: “Đó là niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống văn hóa, nhất là về tiếng nói đặc sắc mang vẻ đẹp và tâm hồn con người Việt Nam... Ngày nay, có thể nói hầu như thơ ca của số lớn nhà văn ở thời đại Lý – Trần và đầu đời Lê còn giữ lại được, không bị mất đi, cũng là nhờ Việt âm thi tập”.(trang 1993).
NAM VIỆT THẦN KỲ HỘI LỤC 南 越 神 祈 會 錄 , A.761 vừa mất là bản viết tay, độc bản. Soạn theo lệnh Vua Gia Long, có lai lịch sắc phong bài vị 1269 vị thần được thờ phụng ở Miền Bắc.
HOÀNG VIỆT ĐỊA DƯ CHÍ 皇越地輿志 (A. 1475) bản viết tay. Tác giả là Nhà bác học Phan Huy Chú. Sách về Địa lí Việt Nam thời Nguyễn, gồm các trấn Thuận Hoá (Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi), Biên Hoà, Hà tiên, Phiên An, Vĩnh Thanh, Ddịnh Tường, Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương, Quản Yên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hoá và Nghệ An. Mỗi trấn đều có ghi vị trí, giới hạn thổ sản dân sinh, núi sông, danh thắng, phong tục, di tích, số phủ, châu, huyện của từng trấn, tên đất thay đổi qua các đời... Thơ đề vinh ở các nơi danh thắng hoặc di tích lịch sử như bến Chương Dương, động Từ Thức, núi Tuyết Sơn...
Bản sách này liên quan trực tiếp đến chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
- Thứ ba, 12 cuốn thuộc kho ST (kho chứa các cuốn sách do Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm). Chúng được các cán bộ có chuyên môn tại Viện tới những địa phương khác nhau để lựa chọn, thu mua về bằng ngân sách nhà nước. Trong quá trình thu thập đã có sự chọn lọc, khi đưa về tới Viện lại có một hội đồng nghiệm thu để thẩm định, quyết định việc có đưa vào lưu trữ hay không. Sau đó, những cuốn sách này đều được xử lý về phần vật lý, ví dụ như phủi bụi, làm sạch, đóng lại nghiêm chỉnh, lên ký hiệu, thư mục, mỗi cuốn sách đều có phiếu bao gồm 8 yếu tố, nói lên lai lịch cuốn sách. [Chiều ngày 20/12//2022, trên FB Nguyễn Tuấn Cường thông tin đã tìm thấy 01 cuốn].
Những cuốn sách này được sưu tập bằng ngân sách nhà nước, không những vậy còn được bảo quản bởi điều kiện đặc biệt, có thể coi là tốt nhất tại Việt Nam hiện nay. Bởi vậy, chúng đều có số phận và lai lịch của nó, và chúng đều có vị trí và đời sống riêng trong kho sách.
Tóm lại, các cuốn sách đã mất đều là những văn bản - cổ vật đặc biệt giá trị, không thể thay thế, và là hiện thân của văn hiến dân tộc.
Theo Nghị định số 108/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, ban hành ngày 28/12/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2023 thì các sách cổ do Viện Nghiên cứu Hán Nôm điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn thuộc loại “Di sản văn hóa”.
Hà Nội ngày 29 tháng 12 năm 2022
Nguyễn Xuân Diện
Bài viết thật bổ ích
Trả lờiXóa