Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN PHẦN HỒN CỐT DÂN TỘC BỊ THẤT LẠC

TÔI LÊN TIẾNG:
KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN PHẦN HỒN CỐT DÂN TỘC BỊ THẤT LẠC

Bài: Anh Tuấn
Báo Người lao động

Những giai đoạn Tổ quốc chưa yên, người dân giống Tiên Rồng phải chấp nhận đặc điểm thời kỳ ấy. Còn hiện nay, ngay thủ đô, 24 thư tịch cổ "không cánh mà bay"???.

Trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, quá trình gây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước ta bao gồm những giai đoạn hoặc thăng, hoặc trầm.

Những thời điểm hào hùng hoặc bi tráng ấy khắc vào thời gian bằng những chất liệu không gì giá trị hơn vì là tâm sức, mồ hôi, máu xương của toàn dân tộc. Điều đó đồng thời đã khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt của văn hóa Việt Nam, bao gồm ngôn ngữ, thói quen, tập quán, tín ngưỡng, đặc điểm lao động, tinh thần bảo vệ bờ cõi…

Văn hóa là hồn cốt dân tộc, được gìn giữ, lưu truyền thông qua kinh nghiệm, ghi chép của đời trước. Sau mỗi biến cố di dân hoặc ngoại xâm, ngoài cảnh hoang tàn, đổ nát về hạ tầng… một thiệt hại không gì đong đếm là chúng ta bị thất lạc, bị tiêu hủy hoặc bị đánh cướp những ghi chép của tiền nhân. Tổn thất về tài liệu dân tộc thời giặc Minh sang xâm lấn là một trong nhiều ví dụ về âm mưu thủ tiêu văn hóa. Và sau những lần như vậy, người Việt phải gượng dậy, nỗ lực viết lại, nỗ lực sưu tầm, vun đắp kho văn hóa vật chất bị trộm cắp ấy.

Những biến cố trên thực sự khó tránh bởi đến từ yếu tố khách quan. Việc đối mặt và trải qua các cuộc tao loạn về mặt nào đó đã chứng minh sâu sắc thêm tinh thần của người Việt. Tuy nhiên, như nói ở trên, nó khiến cả dân tộc chịu vết thương rất lâu lành, phải kỳ công tìm tòi để hình dung lại tư thế của tiền nhân.

Những giai đoạn Tổ quốc chưa yên, người dân giống Tiên Rồng phải chấp nhận đặc điểm thời kỳ ấy. Còn hiện nay, tại một nơi quan trọng lưu giữ tài sản Quốc gia – Viện nghiên cứu Hán Nôm - 24 thư tịch cổ "không cánh mà bay".

Báo chí dẫn thông tin từ ông Nguyễn Xuân Diện - Phó trưởng phòng Phòng Văn bản học Viện Nghiên cứu Hán Nôm - cho biết trong cuộc họp hội đồng khoa học và các cán bộ chủ chốt hôm 15-7, bộ phận kiểm kê thông báo mất 29 cuốn sách. Ông đề nghị lãnh đạo Viện báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, công an và tiếp tục tìm kiếm, rà soát. 

Sau dài ngày kiểm tra, phía Viện tìm được 5 cuốn mỏng bị rơi vào khe giá sách hoặc ghi ký hiệu nhầm, còn thiếu 24 cuốn.

Trong số 24 thư tịch có bốn cuốn Toàn Việt thi lục, thuộc ba bộ khác nhau, do Lê Quý Đôn biên soạn; Việt âm thi tập do nhà sử học Phan Phu Tiên và Thị Ngự sử Chu Xa kế tục biên soạn. 20 cuốn còn lại, Viện này… chưa tiết lộ.

Trong đó, Toàn Việt thi lục được đánh giá là bộ sách lớn do nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập và biên soạn theo lệnh của nhà vua. Bộ sách này được dâng lên vua Lê Hiển Tông đọc bao gồm 2.303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI.

Đến nay là hơn 4 tháng (chưa tính 5 năm không thấy trên giá), dù Viện Nghiên cứu Hán Nôm có lớn gấp 10 lần sân vận động thì 24 tài liệu quý giá nếu còn bên trong nhất định sẽ được tìm thấy.

Vậy mà không thấy?... Họa chăng chỉ có phép tàng hình.

Nếu không tàng hình thì khả năng cao bị mất.

Nếu bị mất, kẻ đánh cắp không chỉ tinh vi về thủ đoạn trước hàng hàng lớp lớp người trông giữ cùng camera mà còn "cao thủ" khi biến những người có trách nhiệm trở thành... vô trách nhiệm.

Mất sách - một tổn thất không nhỏ đối với kho tàng văn hóa của dân tộc nên lý do nhằm xoa dịu vết thương như đã có bản sao, ảnh chụp… đều vô nghĩa. Hãy xem vừa qua Việt Nam vất vả, nỗ lực, kỳ công thế nào trong việc đưa ấn thật của triều Nguyễn từ Pháp về lại quê hương thì rõ.

Công an phải vào cuộc. Từ đây làm rõ mất thật hay mất giả, đằng sau việc mất ấy là câu chuyện gì, có động cơ nào xâu xa bên trong?... 

Nhưng trước mắt, các cơ quan, các lãnh đạo có trách nhiệm nên ngồi lại bàn bạc, tính toán để có cách quản lý bảo vật nghiêm cẩn, khoa học, hệ thống, giảm thiểu rủi ro hư hại, thất lạc hiệu quả nhất.

Những thư tịch thất lạc, đó là tư liệu, đó là văn hóa, đó là một phần hồn cốt của dân tộc. Hãy nhớ cho!

24/12/2022
Nguồn: Người Lao động.

"Việt Âm thi tập" (tập thơ ghi lại thanh âm nước Việt) – là bộ hợp tuyển thơ đầu tiên của dân tộc ta, do nhà sử học Phan Phu Tiên soạn lần đầu vào cuối thời Trần, đầu thời Lê Sơ, sau đó được Thị ngự sử Chu Sa tiếp tục bổ sung, các đời sau tiếp tục chỉnh lý. "Việt âm thi tập" được in vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729). Hiện tại, chỉ còn giữ một bản in của lần in đó, mang ký hiệu A.1925, được khắc mộc bản, đó cũng là độc bản, chính là bản bị mất.

 

“Toàn Việt thi lục” là bộ sách vô cùng quý báu trong nền văn hiến dân tộc. Bộ sách do nhà bác học Lê Quý Đôn sưu tập, biên soạn, sắp xếp, chỉnh lý một cách khoa học. Ông làm việc này theo lệnh của nhà vua Lê Hiển Tông, sau khi làm xong đã đưa lên cho vua ngự lãm. Cuốn sách biên tập công phu, bao gồm các tác phẩm Hán Nôm từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI. Về số lượng, bộ sách bao gồm khoảng 2303 bài thơ của khoảng 175 tác giả thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Hiện nay, được biết có 11 bộ sách khác nhau của "Toàn Việt thi lục", không có bộ nào giá trị hơn bộ nào, mỗi bộ đều có giá trị riêng và không thể thay thế.

May mắn là Viện Hán Nôm lưu giữ được 10 bộ, và một bộ nữa hiện đang lưu giữ tại Hiệp hội Á – Châu tại Paris (Pháp). Trong đó, cuốn "Toàn Việt thi lục" mang ký hiệu A.3200/2 bị mất là thuộc bộ sách có đầy đủ và tương đối toàn vẹn nhất.
 
Ảnh trong bài: Từ điển Văn học Bộ Mới, GS Nguyễn Huệ Chi chủ biên, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2004. 
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét