TỪ CÁI GHẾ ĐÁ BÊN HỒ TÂY...
Nguyễn Thành Phong
Nhà thơ
Ở bên bờ Hồ Tây, lối đường Thanh Niên, có đặt những cái ghế đá. Đấy là một địa điểm rất lãng mạn. Buổi chiều, có vài phút ngồi trên những ghế đá ấy, sau lưng là dòng người dòng xe ríu rít lao đi, trước mặt là hoàng hôn Hồ Tây đang thư thả buông xuống để cho ta ngắm nhìn, thật thanh thản, nhẹ nhõm sau một ngày bươn chải, còn gì nên thơ, di dưỡng tâm hồn hơn?
Ấy thế, nhưng đừng có... hòng nhé. Đã có người đặt trước những cái ghế đá ấy một cái bàn hay cái ghế nhựa nhỏ. Ai ngồi vào là phải uống nước, trả tiền, tất nhiên không rẻ và không có nhu cầu… Nếu anh cứ ngồi, bảo là ghế đá công cộng, ai cũng có quyền ngồi, thì không chừng, anh sẽ bị đánh, hoặc ít ra thì bị chửi, bị đuổi đi thậm tệ... Cảm xúc về chiều Hồ Tây đang lãng mạn sẽ tan biến và chua chát, cáu bực sẽ dâng lên, xâm chiếm…
Câu chuyện oái oăm này đã có từ lâu lắm rồi. Giờ vẫn đang diễn ra… Hỏi chính quyền sở tại có biết không? Biết rõ lắm chứ. Thỉnh thoảng cũng có cái xe tải nhỏ của công an và dân phòng phường đi qua, chủ nhân những cái bàn ghế nhựa nhỏ bày ra chiếm cứ ấy sẽ nhanh chóng giấu biến đi. Một lát sau lại bày ra, như ném đá ao bèo vậy. Mà chủ của những cái trò này cũng chả là loại thân thế ghê gớm gì. Vậy lại hỏi thêm, những người đi dẹp ấy có biết những người bày trò ấy là ai không, để xử lý, dẹp dọn đám ấy đi? Cam đoan là họ biết, hoặc chưa biết thì cũng chả khó gì để biết. Thế nhưng sao cứ tồn tại mãi như vậy? Đằng sau đấy là chuyện gì? Thôi, chả phải viết ra, ai cũng hiểu cả rồi, là kiếm tiền vặt, là thói cư xử vặt thôi.
Chuyện này cũng giống như chuyện xe với người của phường ở Hà Nội đi đuổi hàng rong và dẹp bán hàng hè phố ấy. Từ xa, thấy họ đến, đám hàng rong chạy dạt đi, còn chủ các quán vỉa hè thì nhỏ nhẹ với khách, thôi bác ơi, ngồi gọn vào đây cho em nhờ một tí, đám ấy đi thì ta lại bày ra. Vừa nói vừa đon đả, nở những nụ cười cầu tài với người “thi hành công vụ” để họ khỏi dừng lâu, mất khách. Họ đi rồi thì lại bày ra như cũ, kèm theo cái nguýt dài: “Gớm, đã cư xử đàng hoàng lắm rồi đấy, mà vẫn cứ rầy rà”.
Cũng thế, ở Hồ Tây, không chỉ có chuyện khó chịu với những ghế đá ở đoạn đường Thanh Niên. Bây giờ, bên Hồ Tây, người ta đã kè lên thành nhiều đường phố ven hồ: Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Lạc Long Quân, Vệ Hồ, Nhật Chiêu, Sen Hồ Tây, Quảng Bá, Quảng Khánh, Quảng An, Công chúa Từ Hoa… Bên hè phố những con đường đẹp đẽ ấy, có rất nhiều hàng quán bia, cà phê, rồi các nơi trông giữ xe. Và cũng có nhiều kiểu chiếm cứ, biến không gian công cộng thành lãnh địa riêng dưới các hình thức khác, để kiếm ăn vặt…
***
Đằng sau những câu chuyện tưởng chừng như nhỏ nhặt, vặt vãnh này là những câu chuyện lớn hơn. Đó là biểu hiện ra của năng lực quản lý đô thị rất yếu kém, là thói kiếm chác vặt của những kẻ cộng sinh. Là thái độ coi thường pháp luật và lợi dụng tình trạng buông lỏng quản lý. Kết quả cuối cùng là tạo nên sự nhếch nhác đến vô cùng tệ hại của hình ảnh con người và đường phố Thủ đô trong mắt người dân và khách nước ngoài...
Còn một câu chuyện lớn hơn rất nhiều nữa. Hồ Tây là một thắng cảnh, một diễm phúc lớn lao thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Nội. Nếu được quy hoạch với tầm nhìn xứng đáng, được đầu tư bài bản, thì những con đường ven Hồ Tây sẽ tạo nên không gian thưởng ngoạn, một vùng thư giãn, chiêm ngưỡng cho người dân và khách du lịch nước ngoài đến với Hà Nội.
Ở đây là câu chuyện nâng niu cơ hội đầu tư, tôn vinh giá trị thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và cả vấn đề khai thác thương mại nữa…
Thế mà hiện nay, cứ thử đi quanh một vài đoạn đường ấy, người ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều những thảm họa của ô nhiễm môi trường, của lộn xộn, manh mún, bụi bặm lan tỏa…
Bây giờ, nói đến câu chuyện này liệu đã quá muộn màng chưa? Liệu còn có cơ hội để điều chỉnh, sửa sai cho vấn đề này không? Chúng ta có còn kịp níu giữ lại một thắng cảnh Hồ Tây để khai thác xứng đáng với Hà Nội của tương lai hay không?
Đây là những câu hỏi lớn và rất nóng xin gửi đến lãnh đạo thành phố Hà Nội từ những chiếc ghế đá công cộng đang không được thanh thản dành cho người ngồi ngắm thắng cảnh Hồ Tây hiện nay.
Biết rồi khổ lắm nói mãi
Trả lờiXóa