Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Tin buồn: CỤ LỖ CÔNG NGUYỄN VĂN BÁCH TẠ THẾ

CỤ LỖ CÔNG NGUYỄN VĂN BÁCH TẠ THẾ 

Lễ tang tổ chức tại nhà riêng, ngõ 49 phố Tràng Tiền, Hà Nội. Lễ viếng từ sáng đến 12 giờ trưa 12/11/2021. An táng tại Lạc Hồng Viên, Hòa Bình).

Bài: Nguyễn Phan Khiêm

Nhà thư pháp lão thành Lỗ Công - Nguyễn Văn Bách, bút hiệu Long Thành lão nhân vừa nhẹ nhàng ra đi ở tuổi 97. 

Cụ Nguyễn Văn Bách là một trong 24 thành viên sáng lập Bệnh viện Đông y Trung ương, nhưng xuất thân từ nhà Nho, từ nhỏ đã theo cha đi viết chữ nên cùng với làm thuốc, dịch chữ Hán và viết chữ Hán là một công việc cụ gắn bó suốt đời. Ba chữ đại tự Văn Miếu Môn và câu đối trong ngoài, câu đối hai nhà bia ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám là chữ của cụ viết trong lần trùng tu khoảng 1967-1968. Hoành phi câu đối ở nhà Thái Học mới dựng gần đây cũng là chữ của cụ. Rất nhiều di tích, đền đài, miếu mạo ở Hà Nội, ở miền Bắc có chữ của Lỗ Công như Đền Hùng, Cổ Loa, chùa Láng...

Bản Thiên đô chiếu của Lý Thái Tổ bằng đồng trên gỗ quý, một trong những công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là thư pháp của cụ. 

Cụ tham gia dịch nhiều tác phẩm thơ chữ Hán do Nhà xuất bản Văn học xuất bản từ thế kỷ trước, có thể tên cụ hoặc tên người khác.

Nhưng tấm biển treo trước cửa ngôi nhà ở ngõ Tràng Tiền cụ chỉ đề tên, tôi hỏi sao bác không đề là Lương y, cụ nói: "Không nên tự nhận mình là Lương y. Phóng viên báo chí hay gọi tôi là Nhà thư pháp, tôi nói tôi chỉ là người viết thuê thôi". 

Cụ là người mẫn tiệp, thấu đáo sự đời nhưng rất mực bao dung và khiêm nhường. 

Sách nào tôi viết cụ cũng đọc kỹ từng bài, và không ngừng khích lệ tôi viết. Cụ đang chờ đợi tôi ra cuốn "Hữu Bằng, làng xưa, chuyện cũ", đúng hôm nay sách ra, định mang lên trình cụ thì cụ đã về cõi trên.

Cách đây nửa tháng, tôi đến, cụ đưa cho cuốn Từ điển Từ Hải 2700 trang và mấy cái bút rồi nói: “Mang về dần đi. Bác viết sẵn trong đó rồi đây”. Bên trong cụ cho mấy chữ “Bất quý kỳ danh – Nguyễn Phan Khiêm kiến tặng – Long Thành lão nhân thân tặng – Tân Sửu niên, ngũ nguyệt, nhị thập nhị nhật”. 

Thầy động viên tôi là không xấu hổ với cái tên của mình. Hôm đó là 22 tháng 5 năm Tân Sửu.
Gần đây đến thăm, cụ chìa tay nóng ấm ra nắm tay tôi và nói: Thôi, từ biệt nhé! Bác yếu rồi!… Nào ngờ mới nói thế mà người đã ra đi nhẹ nhàng như mây trắng về trời.

Hơn 25 năm thầy trò gắn bó, với biết bao tri thức thầy truyền cho cũng như chia sẻ nhiều điều về thế thái, nhân tình, nay thầy về với tổ tiên, để lại một khoảng trống lớn lao đối với tôi.
Thương tiếc một bậc hiền minh!

(Lễ tang tổ chức tại nhà riêng, ngõ 49 phố Tràng Tiền, Hà Nội. Lễ viếng từ sáng đến 12 giờ trưa mai 12/11. An táng tại Lạc Hồng Viên, Hòa Bình).

 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét