Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

MỘT GIỜ SAU KHI ĐĂNG KIẾN NGHỊ, BÍ THƯ HÀ NỘI GỌI ĐIỆN CHO TÔI


Covid-19: Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng
trao đổi với TS Nguyễn Xuân Diện

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vào tối 7/9 vừa yêu cầu UBND TP điều chỉnh việc cấp và kiểm tra “giấy đi đường”, sau một chỉ thị gây tranh cãi mà Chủ tịch Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành chỉ khoảng 24 giờ trước đó.

Vào buổi sáng ngày 7/9, ông Đinh Tiến Dũng đã điện thoại trao đổi với một nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội về một kiến nghị được đưa lên Facebook cũng liên quan đến chỉ thị này.
 

TS Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, một người thường dùng mạng xã hội để phản biện, nói với Nguyễn Hoàng của BBC Tiếng Việt về nội dung cuộc trò chuyện “chưa có tiền lệ” này.

- TS Nguyễn Xuân Diện: Ở Việt Nam kể từ khi xuất hiện dịch Covid thì chúng tôi luôn luôn theo dõi tình hình chống dịch và sự lây lan của bệnh dịch ở miền Nam, miền Bắc, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, các tỉnh miền Trung...

Chúng tôi thấy trên mạng xã hội như một “Hội nghị Diên Hồng” để hiến kế và nêu ra các ý kiến khác nhau về việc phải ứng phó với dịch như thế nào. Tôi thấy đấy là một mảng tài nguyên rất lớn và cần phải gửi đến các nhà lãnh đạo. Mà tôi là công dân Hà Nội cho nên hôm nay lúc 10 giờ sáng ngày mùng 7 tháng 9, tôi có viết ở trên trang Facebook của mình một cái kiến nghị gồm có 5 điểm để gửi đến lãnh đạo thành phố Hà Nội xung quanh việc chống dịch Covid cũng như để duy trì cuộc sống và trật tự tại thành phố này.

5 KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP VỚI LÃNH ĐẠO TP HÀ NỘI

Qua theo dõi công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Hà Nội thời gian qua, mặc dù chính quyền và nhân dân thành phố đã có rất nhiều cố gắng, song trong công tác chỉ đạo và thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, cực đoan, chưa lường hết được các nguy cơ tiềm ẩn trong các quyết định của chính quyền. Tôi xin góp ý KHẤN CẤP mấy điểm sau:

1- Bỏ xét nghiệm toàn dân. Vì kết quả xét nghiệm sẽ chỉ là để biết con số nhiễm của thành phố, mà nếu không đi đồng bộ với các giải pháp khác thì vô tác dụng. Xét nghiệm sẽ tập trung đông người, lây nhiễm khó kiểm soát; dàn mỏng lực lượng nhân viên y tế làm mệt mỏi họ thì khi dịch bùng lên sẽ khó có đủ sức chịu đựng trong thời gian dài.

2- Bỏ Giấy đi đường. Đồng thời với việc chỉ thị cho các chốt hướng dẫn người đi đường thực hiện đầy đủ 5K. Xem ý kiến của cựu ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng.

3- Có ưu tiên để duy trì lực lượng Shipper – lực lượng này phải được coi trọng ngang hàng với lực lượng y tế, vì y tế thì chữa cho người bệnh, còn shipper thì giữ yên người chưa bị bệnh ở trong nhà. Shipper là lực lượng đảm bảo cho thành phố sống – duy trì sự sống cho thành phố. Tùy tình hình thực tế để ưu tiên cho shipper: Tiêm vắc xin, các siêu thị và doanh nghiệp cung ứng tạo điều kiện để họ ở lại kho xưởng tránh về nhà hàng ngày để không lây nhiễm cho cộng đồng nếu họ bị nhiễm, cấp phát giấy tờ thuận lợi, kiểm tra giấy tờ nhanh chóng khi qua chốt,…

4- Tổ chức các doanh nghiệp siêu thị thu mua và giải cứu tất cả các sản phẩm lương thực thực phẩm ở các vùng vành đai rau xanh và các trang trại chăn nuôi của thành phố (ngoại thành) để thịt cá, rau củ quả, sữa trứng,… được thu hoạch đúng thời vụ, qua đó người chăn nuôi, sản xuất thu hồi vốn để quay vòng tái đầu tư đúng thời vụ vụ mới, chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho nhân dân có thực phẩm ăn Tết sắp tới.

5- Mời ngay đội ngũ chuyên gia y tế giỏi về dịch tễ học kể cả những người đã từng nghỉ hưu, người hoạt động khối tư nhân để tư vấn cho thành phố về công tác chuyên môn phòng chống dịch. 
 
HN, 7.9.2021
Nguyễn Xuân Diện

Thế thì, khoảng một tiếng sau tôi nhận được cuộc điện thoại của ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội và chúng tôi đã trò chuyện với nhau 10 phút; và ông Dũng đã lắng nghe đầy đủ những kiến nghị của tôi và đồng thời ông cũng có trao đổi lại.

Tôi cảm thấy rất là vui, vì là vì người lãnh đạo [Đảng] cao nhất của Thành phố Hà Nội đã quan tâm đến một tiếng nói ở trên dư luận mạng xã hội về tình hình chống dịch cho Hà Nội.

BBC: Trong 5 điểm ông kiến nghị thì có hai điểm nằm trong một chỉ thị của Chủ tịch Hà Nội về việc xét nghiệm Covid toàn bộ dân ở Hà Nội cũng như việc cấp giấy đi đường?

- Tôi theo dõi thì tôi thấy mạng xã hội quan tâm đến hai điểm đó và tôi cũng nói với ông Bí thư Thành ủy Hà Nội là dư luận xã hội rất là quan tâm và bức xúc đến hai cái nội dung đó. Xét nghiệm 100% cư dân của Thành phố Hà Nội khoảng 8,2 triệu người và những bất cập trong việc cấp phép giấy đi đường, đó là các vấn đề làm cho dư luận nóng lên mấy ngày hôm nay.
Trong cuộc nói chuyện đúng 10 phút đó, ông Bí thư Hà Nội có nói là buổi chiều [7/9] thì thành phố sẽ tổ chức họp báo.

BBC: Chúng ta thấy trong vài ngay qua có những người có khá nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hộicó những ý kiến khá gay gắt nhắm vào ông Chu Ngọc Anh. Tuy nhiên chúng ta cũng biết một quyết định đưa ra hẳn phải có sự tham vấn với các ban ngành liên quan như y tế hay công an chẳng hạn. Tức là thường thì cá nhân ra quyết định nhưng cũng có khả năng là quyết định của cả một tập thể. Vậy việc người ta nhắm vào riêng ông Chu Ngọc Anh có công bằng hay không?

- Mọi người nhắm vào ông Chu Ngọc Anh vì ông là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, là người đứng đầu, cao nhất về chính quyền đồng thời cũng là người ký các lệnh về giãn cách hay chỉ thị hỏa tốc liên quan khác. Tôi cảm thấy rằng hình như khi ban hành ra những quyết định như thế, thì ông chưa tham vấn đầy đủ những ý kiến của chuyên gia của các ngành, và đặc biệt nhất là về ngành dịch tễ học. Vì vậy trong kiến nghị 5 điểm khẩn cấp gửi Thành phố Hà Nội tôi có nêu mục thứ 5 là thành phố cần phải tập trung một đội ngũ chuyên gia, một nhóm chuyên gia giỏi về dịch tễ học để người ta tư vấn cho dưới góc độ chuyên môn trong công cuộc chống dịch này.

Cho nên những phát biểu gay gắt hay trái chiều từ dư luận thì tôi cho rằng đấy cũng là một điều bình thường và tôi nghĩ cái rằng phẩm chất lớn nhất của các nhà lãnh đạo ở trong những thời điểm khó khăn của đất nước là sẽ biết kiềm chế để lắng nghe mà không quy chụp. Để mà có thể nghe gạn đục khơi trong, nghe được đầy đủ ý kiến của nhân dân.

Thực ra thì tôi cũng đã từng đưa lên Facebook một status là: đã có cả một cái “Hội nghị Diên Hồng” họp suốt một năm nay ở trên mạng xã hội về vấn đề chống dịch vì vậy cho nên chúng tôi cũng mong muốn là từng thành phố hoặc ở cấp Chính phủ sẽ có những nhóm để theo dõi và tập hợp những ý kiến, đề xuất hay kiến nghị ở trên Facebook để mà có thể tổng hợp phân loại rồi đánh giá về mức độ thông tin và hàm lượng về khoa học để có thể gửi đến các nhà lãnh đạo để người ta có những cái tham khảo trước khi ban hành ra một quyết định nào đó có liên quan đến đông đảo dân chúng.

'Lãnh đạo gần gũi với nhân dân'

BBC: Tối hôm thứ Hai 6/9, Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi có trả lời người dântrực tuyến. Ông có theo dõi sự kiện này không?

- Hôm qua tôi có theo dõi trọn vẹn buổi livestream giữa tân Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi và hai MC là nghệ sỹ Quyền Linh và ông Lê Quang Tự Do, từ Cục phát Thanh Truyền hình. Tôi thấy đây là một nét mới trong việc tiếp xúc giữa lãnh đạo với nhân dân để trả lời các câu hỏi thẳng thắn của nhân dân và qua đó các nhà lãnh đạo sẽ nắm bắt được dư luận xã hội một cách chính thức.

Tôi thấy ông Phan Văn Mãi có một phong thái rất là gần gũi và cầu thị trong trả lời phỏng vấn này. Ông cũng không né tránh những câu hỏi rất là nóng và dồn dập. Ông Mãi không từ chối trả lời một câu hỏi nào.

Ông không có một tờ giấy nào trên tay hay màn hình nào trước mặt nhưng những con số mà ông nắm được liên quan tới những câu hỏi hay tình hình bệnh dịch và tới những vấn đề trợ cấp cho những hộ dân, đến việc những người nhập cư tới TP HCM rồi những hoạt động từ thiện, những hoạt động của các bác sĩ và tình nguyện viên thì tôi thấy là cả một cái chương trình dài một tiếng mười tám phút như vậy đã cho thấy một bức tranh khá toàn diện về tình hình bệnh dịch cũng như những đường hướng mà TP HCM chống dịch trong nay mai, đồng thời cũng cho thấy phong thái một nhà lãnh đạo gần gũi với nhân dân, lắng nghe và đối thoại với nhân dân.

Tôi thấy những chương trình như thế rất tốt và tôi cũng mong mỏi những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay những điểm nóng về dịch Covid thì các nhà lãnh đạo cũng sẽ có cách đối thoại một cách trực tuyến với nhân dân kiểu như thế để nắm bắt thêm tình hình và mở ra một kênh đối thoại mới trực tiếp với nhân dân và được như thế thì rất quí.

Tôi cũng mong muốn một ngày nào đấy được thấy ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, sẽ lên sóng livestream để trò chuyện với bà con nhân dân thành phố. Tôi nghĩ là người dân cũng chờ đợi một buổi livestream như vậy đấy.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-58480812

1 nhận xét :

  1. Tôi mong hàng năm Tổng bí thư đối thoại trực tiếp với nhân dân

    Trả lờiXóa