Trần Tri Vũ
Lời dẫn của Nguyễn Trung Kiên: Tôi xin phép trích một đoạn về đám tam của Giáo sư Trần Đức Thảo tại Paris, trích từ cuốn “Trần Đức Thảo: Những lời trăng trối” của tác giả Trần Tri Vũ, với sự thận trọng và dè dặt cần thiết nhất, bởi cuốn sách này, qua sự đánh giá của nhiều nhân chứng lịch sử, bị xem là có độ tin cậy vừa phải, vì có rất nhiều đoạn dường như đã được tác giả “sáng tác” ra và gán cho Giáo sư Trần Đức Thảo. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đoạn mô tả về đám tang Giáo sư Trần Đức Thảo này là đáng tin cậy. Tôi cũng hi vọng, qua FB này, sẽ kết nối được với các nhân chứng lịch sử được chứng kiến những năm tháng cuối đời đầy đau khổ của Giáo sư Trần Đức Thảo tại Paris. Trân trọng. (NTK)
Lời dẫn của Nguyễn Trung Kiên: Tôi xin phép trích một đoạn về đám tam của Giáo sư Trần Đức Thảo tại Paris, trích từ cuốn “Trần Đức Thảo: Những lời trăng trối” của tác giả Trần Tri Vũ, với sự thận trọng và dè dặt cần thiết nhất, bởi cuốn sách này, qua sự đánh giá của nhiều nhân chứng lịch sử, bị xem là có độ tin cậy vừa phải, vì có rất nhiều đoạn dường như đã được tác giả “sáng tác” ra và gán cho Giáo sư Trần Đức Thảo. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng đoạn mô tả về đám tang Giáo sư Trần Đức Thảo này là đáng tin cậy. Tôi cũng hi vọng, qua FB này, sẽ kết nối được với các nhân chứng lịch sử được chứng kiến những năm tháng cuối đời đầy đau khổ của Giáo sư Trần Đức Thảo tại Paris. Trân trọng. (NTK)
Trần Tri Vũ (trích)
Chiều hôm sau đó, tôi đang lái xe trên đường về nhà thì nghe đài “France Info”, mà tôi có thói quen mở nghe tin tức khi lái. Bỗng đài này loan tin giáo sư Trần Đức Thảo, nhà triết học Việt Nam vừa qua đời! (…)
Việc đầu tiên là tôi tìm gặp ngay bà Bích Hồng để được nghe bà kể thật chi tiết.
Đêm ấy [23/4/1993 (NTK)], bác chỉ uống một ly sữa nóng rồi nằm nghỉ. Sau thấy nhức đầu quá nên được cho uống một viên Aspirine. Cả đêm bác rên rỉ vì cơn sốt vẫn cao. Đến gần trưa hôm sau, thứ sáu, cơn sốt tăng đến mê sảng, chốc chốc lại giật mình la hét lên. Bà Bích Hồng chạy vào lay gọi cho tỉnh lại để bớt rên la. (…)
Một lát sau, đại sứ Trịnh Ngọc Thái tới, ông quyết định gọi xe cấp cứu của hệ thống cấp cứu công cộng SAMU. (…) Bác sĩ cấp cứu quyết định cấp tốc đưa bệnh nhân vào nhà thương. Nơi gần nhất và thích hợp cho trường hợp này là bệnh viện đa khoa Les Broussais, cách đó chỉ vài phút xe hơi. Tới nơi, bác sĩ cấp cứu trực của bệnh viện chích cho bác Thảo một mũi thuốc an thần, và giữ lại tại phòng hồi sinh để theo dõi. Đêm ấy bác Thảo vẫn sốt, nằm bất tỉnh, ngủ li bì. Đến khoảng năm giờ rưỡi sáng ngày 24 tháng tư, năm 1993, bác sĩ trực phòng hồi sinh ghi nhận bác Thảo đã trút hơi thở cuối cùng! Ngay sau đó, bệnh viện làm thủ tục đưa người quá cố xuống nhà xác.
Khi được tin, tôi tìm tới nhà xác của bệnh viện. Nhìn bác nằm đấy, vẻ mặt đăm chiêu như vẫn còn đang suy nghĩ, sắp xếp những chương mục cho cuốn sách, tôi không khỏi ngậm ngùi thương cảm cho số phận nghiệt ngã của bác.
Than ôi! Thế là một cuộc đời khổ ải đi tìm chân lý, đi tìm cách mạng…đã vụt tắt. Một cuồng vọng nói lên sự thật, bất chấp bao đe dọa, cuối cùng đã bị chặn lại bởi một cái chết đột biến, tức tưởi. Hành trình đầy triển vọng, với mộng ước thực hiện một cuộc cách mạng huy hoàng cho dân tộc và cho cả nhân loại, với phát minh một “lý thuyết hiện tại sống động”, với một “lô- gích vừa biện chứng, vừa hình thức” từ nay bị dang dở! Cả một sự nghiệp triết học trải nghiệm công cuộc cách mạng Việt Nam rồi đây sẽ chìm vào quên lãng…
Và cuốn sách mang hi vọng “giải mã, giải tà quá khứ để giải thoát, giải phóng hiện tại và tương lai…để chuộc tội” mà bác nóng lòng hoàn thành, nay đã vĩnh viễn chìm vào im lặng!
Một cuộc đời thanh bạch, chân thật, không hạnh phúc, không danh vọng đã kết thúc thật oan nghiệt!
Nghĩ lại những giây phút vui mừng, lạc quan, tràn đầy hi vọng, tưởng như cuối cùng, may mắn và hạnh phúc đã đến với bác Thảo. Nhưng chúng đã bị tan biến thật phi lý.
Nhìn bác khiêm tốn nằm đấy, ai cũng nghẹn ngào. Không cầm được nươc mắt, khóc thương cho một kiếp người tận tụy với lý tưởng, với chân lý, nhưng rồi giấc mộng đã không thành... Chỉ còn biết nguyện cầu cho vong linh bác được an nghỉ từ đây!
Sáng hôm chủ nhật 25 tháng tư, Canh rủ tôi vào thăm lại bác lần cuối. Tơi nơi thì thấy đã có mấy người thân với bác lúc cuối đời đang ngậm ngùi chung quanh bác. Tôi chỉ nhận ra bà Bích Hồng, bà Hồng Hạnh là hai người đang sụt sùi khóc, giáo sư Boudarel, và một nữ ký giả Pháp, và vài người nữa tôi không nhớ tên…Nhờ anh LT lúc đó có mang theo máy chụp hình nên đã ghi lại được giây phút cảm động này.
Trong nhà xác của bệnh viện, lúc ấy, bác Thảo tạm nằm đó, trên một giường sắt cũ kỹ giản dị như cuộc đời bác: một tấm vải drap cũ trắng ngà của bệnh viện che phủ cao lên tới tận cổ, chỉ để hở phần mặt. Trên bụng bác, ai đó đã đặt một bó hoa cúc trắng. Bác nhắm mắt đăm chiêu, nhưng nét mặt vẫn cau có, tập trung, như trong đầu, tư tưởng, tinh thần, nghị lực vẫn đang sôi sục vận hành, như vẫn đang suy nghĩ về những vấn đề trọng đại của triết học, của con người…Vậy mà bộ óc cất giữ cả một kho tàng về chiến tranh, về cách mạng ấy, nay đã tan vào…hư vô!
Nhìn bác cô đơn, khiêm tốn nằm đấy, tôi cảm thấy thật là hụt hẫng, như vừa mất một cái gì cần thiết cho cuộc sống tinh thần của chính tôi, như cuộc đời bỗng mất hết ý nghĩa! Cái chết của người đang nằm đây làm cho kẻ tầm thường như tôi phải băn khoăn tự hỏi: cuối cùng, sống lặng câm, vất vả, ngược xuôi, chịu đựng bao dằn vặt, cặm cụi làm việc suốt cả đời như thế để làm gì? Để cho ai? Để còn lại gì? Tôi chỉ ghi nhận một điều này: lúc cuối đời, bác Thảo đã hăng say, hào hứng, hăm hở hoàn thành một cuốn sách “để đời”, “để trả nợ đời”…nhưng chưa viết xong phần mở đầu thì đã bị cái chết chặn lại. Cái chết đã tàn nhẫn chấm dứt sự bắt đầu của một công trình lớn! Thật là tiếc, vì bao người đang bồn chồn, nóng lòng chờ đợi cuốn sách mang thông điệp “giải thoát, giải phóng” mà bác Thảo đã hứa: “Khi cuốn sách này được xuất bản thì các anh sẽ thấy mọi nút thắt, mọi trói buộc, mọi sức ép sẽ được tháo gỡ ra cho bằng hết…để minh bạch vấn đề công tội trong lịch sử…Công của ai, tội của ai? Đấy là cách chuộc tội của Trần Đức Thảo này!”
Nay thì điều mong ước ấy đã tiêu tan. Đây không phải lần đầu tiên tôi thấy kẻ nhận trách nhiệm và tỏ hối hận khi đã quá trễ. Nhưng trường hợp hối hận và muốn chuộc tội bằng một công trình triết học mà bác Thảo đang làm, như tôi thấy, thì đấy thật là một bi kịch lớn. Bởi đấy là một sự sám hối chân thành, căng thẳng, bồn chồn vội vã, sau gần cả một đời im lặng tư duy về mối tương quan giữa chân lý và cách mạng, chứ không phải chỉ là cách nói vớt vát đãi bôi lúc cuối đời của nhiều nhà chính trị…
Đến bản tin buổi trưa, đài phát thanh “France Info” (Pháp quốc tin tức) là đài đầu tiên loan báo: “Nhà triết học Việt Nam, Trần Đức Thảo, vừa qua đời tại bệnh viện Les Broussais, lúc 7 giờ sáng ngày 23 tháng tư vừa qua ở tuổi 76. Trước năm 1951, ông nổi tiếng ở Paris là một nhà hiện tượng học. Sau đó ông trở về Việt Nam và đã rơi vào im lặng trong suốt bốn mươi năm. Ông mới trở lại Paris năm 1991.”
Nhật báo Le Monde phát hành vào chiều thứ 2 nhưng đề là ngày 27 tháng tư, nơi trang trọng chuyên đăng tin cáo phó của tờ báo, người ta đọc được lời cáo phó nguyên văn như sau:
“Phòng hộ tịch lãnh sự quán Việt Nam tại Paris đau buồn loan báo: cựu giáo sư triết học Trần Đức Thảo của đại học Hà Nội, đã tạ thế ngày 24 tháng 4 năm 1993, thọ 77 tuổi.” (Le Monde ngày 27 tháng tư)
Tuy không được thông báo rộng rãi ngày giờ làm lễ hỏa tang, nhưng ngay từ lúc tin bác Thảo qua đời, từng nhóm thân hữu đã tới bệnh viện Les Broussais để nghiêng mình tiễn chào trước linh cữu của bác.
Rồi gần trưa ngày 29 tháng tư, cũng là vào ngày thứ năm, đã có mặt ở khu hỏa táng của nghĩa trang Père Lachaise của thành phố Paris, khoảng bốn chục người, đa số là những người có đôi chút thân tình với bác Thảo từ khi bác trở lại Paris. Họ đợi khá lâu, tới lúc gần trưa thì xe nhà đòn chở quan tài bác đến. Theo sau không có xe thân nhân gia đình, điều đó dễ hiểu. Nhân viên nhà đòn đưa ngay quan tài xuống phòng lễ tang, để chờ được đưa vào lò thiêu.
Tại tầng hầm rất rộng ấy, có ba phòng lễ tang như vậy.
Quan tài bác Thảo được đặt giữa một phòng lễ tang. Hai bên đầu quan tài là hai vòng hoa cỡ lớn: một của “Mặt Trận Tổ Quốc” do Sứ quán đặt theo lệnh từ Hà Nội, một của “Amicale Trần Đức Thảo” do tiền còn lại từ những đóng góp để bác chi tiêu lúc sống. Và vài bó hoa cầm tay lẻ tẻ của người không thuộc nhóm thân hữu Trần Đức Thảo. Nhưng nghi thức hỏa thiêu chưa bắt đầu, mọi người bỏ lên sân chờ đợi cho thoáng mát, vì đây là một buổi sáng sớm có nắng đầu xuân. Tất cả chờ. Họ tụm nhau ở góc sân bên trái, để thì thầm bàn tán về cái chết đột ngột có quá nhiều nghi vấn của bác Thảo. Thông lệ là kiều bào ở đây rất hiếm cơ hội gặp nhau, nên chỉ có thể nói chuyện, trao đổi thăm hỏi tin tức trong những dịp ma chay như thế này.
Bỗng một xe Mercedes đen lớn, bóng loáng mang biển số màu xanh của ngoại giao đoàn lao tới. Xe ngưng ngay cạnh góc phải của sân, một vệ sĩ cao lớn mà người Pháp thường gọi với tiếng bình dân là “đười ươi” từ phía cạnh tài xế, vội tung cửa nhào nhanh ra để trịnh trọng mở cửa cho đại sứ Trịnh Ngọc Thái bước ra khỏi xe. Ông đại sứ nhìn thấy đám đông ở góc trái, thay vì tiến lại bắt tay trò chuyện với kiều bào của ông, ông lại ngần ngại, tránh né, bước qua góc phải đứng một mình một góc xa họ. Vài nhân viên sứ quán bỏ phía chúng tôi từ từ, khúm núm tới đứng quanh ông đại sứ.
Sau đó đại sứ Trịnh Ngọc Thái đi xuống phòng tang lễ, mọi người xuống theo. Đợi mọi người vào hết, đại sứ Trịnh Ngọc Thái chậm rãi rút ra từ túi áo vét, một tờ giấy, để chuẩn bị đọc. Ai cũng nóng lòng chờ đợi xem “đảng” và nhà nước tỏ thái độ ra sao qua bài điếu tang sắp được đọc đễ tiễn biệt người quá cố một thời nổi tiếng ngay tại Paris này.
Rồi ông đại sứ đọc. Hóa ra đây không phải là một bài điếu văn, mà chỉ là một bức điện tín vô cảm, ngắn gọn chỉ có vài dòng. Bức điện cho biết giáo sư Trần Đức Thảo được truy tặng huân chương Độc Lập. Chỉ có vậy thôi. Không một câu chữ lịch sự tối thiểu ca ngợi hay thương tiếc dành cho người quá cô. Đọc xong mẫu điện tín ngắn ngủi ấy, quan tài được chuyển vào lò thiêu. Ông đại sứ ra về ngay sau đó. Mọi người xì xào bình luận về bài điếu tang vắn tắt, vô cảm như thế. Một cụ cao tuổi lắc đầu, buồn rầu nói:
- Chắc bác Thảo nằm trong quan tài, cũng phải giật nẩy mình khi nghe thấy mình được gắn huân chương Độc Lập. Thật là không thể ngờ có một lối ứng xử hai mặt trái ngược nhau lúc sống, lúc chết như thế!
Vậy là chấm dứt một cuộc đời gian nan đầy ngang trái. Cầu cho vong linh nhà bác được vĩnh viễn…an nghỉ từ đây./.
Nhà triết học duy nhất của VN thời nay. Đây mới là vàng thật
Trả lờiXóaTại sao lại không có điếu văn nhỉ? chẳng lẽ đại sứ quán VN tại Pháp lại thiển cận sao? Hay là được lệnh của CSVN không cho đọc???
Trả lờiXóaTrung ương đảng cộng sản Việt Nam cho phép và cấp tiền cho giáo sư qua Pháp là muốn lợi dụng giáo sư làm nhịp cầu nối với thế giới bên ngoài. Tình hình lúc đó khiến đảng cộng sản Việt Nam hoang mang, lo sợ.
Trả lờiXóa"Phận sao phận bạc như vôi" - Nguyễn Du -
Trả lờiXóaCâu thơ của Nguyễn Du có thể vận vào số phận và cuộc đời của nhà Triết Học Trần Đức Thảo . Kính chúc ông yên giấc ngàn thu .