Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

TIN BUỒN: VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC GIÁO SƯ HOÀNG THỊ CHÂU


.
.


TIN BUỒN 
Chúng tôi vô cùng kính tiếc báo tin:


Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo Nhân dân 
HOÀNG THỊ CHÂU
 

Sinh năm 1934 tại Thừa Thiên Huế, 

Chuyên gia hàng đầu về
Ngôn ngữ học và Phương ngữ học 

Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học, 
Khoa Ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội (1985 - 1986), 

đã từ trần hồi 2h32′, ngày 6/8/2020 
(tức ngày 17 tháng Sáu năm Canh Tý) tại nhà riêng
số 9, ngách 15, ngõ 82, phố Yên Lãng, P. Thịnh Quang, 
Q. Đống Đa, Hà Nội.

Hưởng thọ 87 tuổi.

Lễ viếng bắt đầu từ 11h30, ngày 8 - 8 - 2020 
tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 12h45, 
ngày 8 tháng 8 năm 2020.

Hóa thân về cõi vĩnh hằng tại Đài hóa thân hoàn vũ, 
Văn Điển - Hà Nội
 
******* 

Kính cẩn vĩnh biệt Giáo sư Hoàng Thị Châu - một tấm gương lao động không mệt mỏi, hết lòng vì sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Và xin dâng lời cầu nguyện hương hồn Bà thanh thản về cõi vĩnh hằng.
Nghiêng mình thành kính chia buồn cùng con cháu, Khoa Văn học, Khoa Ngôn ngữ học, ĐH KHXH và Nhân văn Hà Nội, các thế hệ đồng nghiệp và học trò của Bà trước tổn thất vô cùng lớn lao này!

Để tưởng nhớ GS.TS.NGND Hoàng Thị Châu, xin trân trọng đăng tải bài viết của PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt về Giáo sư Hoàng Thị Châu đăng trên Tạp chí Đại học Quốc gia Hà Nội, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày truyền thống của ĐHQG Hà Nội.

GS.TS HOÀNG THỊ CHÂU
NHÀ NGÔN NGỮ HỌC LAO ĐỘNG KHÔNG MỆT MỎI


Hoàng Thị Châu là một nữ giáo sư đầu tiên của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam. Đến nay, bà vẫn là nữ giáo sư duy nhất của ngành này, một ngành khoa học có tiếng là khô khan và "khó". Để đạt tới điều vinh quang ấy, người phụ nữ Huế một thời nổi tiếng là "hoa khôi" Khoa Ngữ văn đã phải lao động kiên trì trong một hoàn cảnh riêng không mấy thuận lợi. Nhiều thế hệ học trò và cả các đồng nghiệp luôn kính nể bà vì bà chẳng những là một cựu du kích từng chinh chiến bao phen lại là nhà khoa học thuộc "phái đẹp" đã có nhiều tâm huyết, đóng góp với ngành, với nghề. Có thể nói, bà là một nhà giáo, là một người mẹ mẫu mực mà bất cứ ai trưởng thành cũng có thể lấy vào đó làm gương.

Hoàng Thị Châu là con gái út của một gia đình công chức thời Pháp. Hai cụ thân sinh ra bà đều là y tá nên cứ vài năm lại thuyên chuyển công tác một lần. Bởi thế, cùng là con trong một gia đình, chị gái cả của bà sinh ra ở Đà Lạt, còn bà lại sinh ra ở Tuy Hoà, Phú Yên. Thuở nhỏ, bà học tiểu học tại Phú Yên. Đến khi nước Việt Nam DCCH ra đời 1945, bà theo cha và anh trai ra Huế. Tại đây bà đang học tiếp lên các lớp trên thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Với tinh thần yêu nước của tuổi trẻ, bà vừa đi học vừa tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu trong đội du kích thiếu niên tại nội thành. Không ngờ, bà trở thành nguyên mẫu cho một nhân vật nữ du kích bé nhỏ tên Châu trong cuốn "Đội thiếu niên du kích thành Huế" của Văn Tùng.

Gia đình bà là gia đình truyền thống cách mạng. Cha mẹ bà từng nuôi giấu cán bộ trong nhà suốt thời kỳ đánh Mỹ, trong đó có người sau khi miền Nam giải phóng đã làm tới Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế. Còn cả 3 chị em bà đều đã từng hoạt động trong lòng địch từ cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Chị cả của bà đã từng bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Người anh trai thứ hai của bà cũng từng nếm trải những đòn tra tấn ở chốn lao tù. Riêng bà, hai lần bị địch bắt vào khám. Một lần ở tuổi mười lăm. Một lần ở tuổi mười bảy. Tuy vậy, khi thoát khỏi nhà giam bà vẫn tiếp tục lao vào hoạt động. Lần cuối cùng, bà phải rời xứ Huế thân thương là lần bà đã tốt nghiệp tú tài đi dạy tại trường Trung học Bồ Đề. Lần đó, cơ sở bị lộ, bà đang đứng lớp thì bị cảnh sát ập đến vây bắt. Nhưng vì có người tới báo kịp, bà đã nhanh chóng thoát khỏi vòng vây, ra chiến khu. Bà được kết nạp Đảng, rồi vượt tuyến ra Bắc. Năm đó là năm 1955 đầy kỷ niệm. Anh trai bà sau khi ra tù cũng theo đường Bắc tiến. Hai anh em gặp lại người anh rể (chồng chị cả) đã tập kết ra Bắc. Nửa nhà vui trong đoàn tụ.

Sau đó một năm, năm 1956, với chính sách ưu tiên con em miền Nam trong chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học lâu dài, Hoàng Thị Châu được Nhà nước cử đi học đại học tại Liên Xô. Tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp năm đó, Ban đồng hương Việt Nam được tiếp nhận thêm một nữ sinh duyên dáng nhưng rất can trường của xứ Huế thơ mộng. Thuở ấy, nữ sinh học ở bậc đại học thật là hiếm hoi.

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lômônôxốp năm 1962, Hoàng Thị Châu về nước và công tác trong tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, Khoa Ngữ văn. Ngay sau khi về nước một thời gian bà đã bắt đầu có những bài nghiên cứu được giới chuyên môn chú ý. Đó là những bài viết như "Vấn đề xác minh các tộc người ở Việt Nam" (viết chung, Dân tộc, số 38.1963); "Mối liên hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua những tên sông" (Thông báo khoa học trường ĐHTHHN, Ngữ văn, tập 2, NXB GD, 1966); "Cương vực nước Văn Lang qua tài liệu ngôn ngữ" (trong "Hùng Vương dựng nước", tập 1. NXB KHXH, 1968)... Sau khi trình làng những bài viết này, Hoàng Thị Châu đã xác định được hướng đi lâu dài trong chuyên môn. Bà chuyên tâm đi sâu vào nghiên cứu các lĩnh vực thuộc địa danh học, phương ngữ học, phương pháp dạy tiếng Việt, ngôn ngữ và chữ viết các dân tộc thiểu số. Nói đến ngành Phương ngữ học ở Việt Nam, không ai có thể quên Hoàng Thị Châu. Bà là một chuyên gia cỡ đầu ngành của lĩnh vực này.

Sau khi công tác 13 năm tại tổ Bộ môn Ngôn ngữ học, bà được cử sang CHDC Đức làm chuyên gia dạy tiếng Việt. Trong 5 năm công tác ở một trường đại học tầm cỡ quốc tế - Đại học Humboldt, bà vừa giảng dạy vừa nghiên cứu và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1980. Với sự hiểu biết và những tri thức sâu sắc về tiếng Việt, bà đã cho xuất bản cuốn sách dạy tiếng Việt bằng tiếng Đức. Đây là một cuốn sách dạy tiếng được đánh giá là có chất lượng cao, đặc biệt ở phần ngữ âm. Vì vậy, sau khi nước Đức hợp nhất, nó vẫn được sử dụng làm giáo trình dạy tiếng Việt cho sinh viên ở trường đại học nổi tiếng này.

Là một phụ nữ duy nhất của tổ Bộ môn thời đó (về sau có thêm Đinh Lệ Thư, khi đi nghiên cứu sinh trở về bà Đinh Lệ Thư đã về thành phố Hồ Chí Minh công tác) nhưng GS. Hoàng Thị Châu không bao giờ chịu nhận sự "ưu tiên" của các đấng "mày râu" trong tổ. Thời sơ tán, bà cũng đã từng cùng sinh viên trèo đèo lội suối lên vùng rừng núi Việt Bắc xa xôi, gắn cuộc đời mình với cuộc sống giảng dạy, học tập của cán bộ sinh viên trong khoa, trong trường. Khi Bộ môn triển khai công trình nghiên cứu ngôn ngữ Tày - Nùng, một công trình nghiên cứu trọng điểm của Bộ môn những năm đánh Mỹ, bà cũng khoác ba lô hướng dẫn sinh viên đi thực tế, đi xuống tận những hang cùng ngõ hẻm để điều tra tình hình ngôn ngữ của các dân tộc ít người. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu, gần như năm nào bà cũng đưa sinh viên, nghiên cứu sinh cùng các đồng nghiệp đi tới những vùng sâu, vùng xa như: Đồng Văn - điểm cực Bắc của Tổ quốc, Điện Biên, Võ Nhai... để ghi chép các ngôn ngữ chưa có chữ viết như Dao, Hà Nhì hoặc những ngôn ngữ có nguy cơ diệt vong như La Chí, Klao... Ở lĩnh vực này, bà có nhiều đóng góp trong nghiên cứu chữ viết và ngữ âm và cũng là một chuyên gia có không ít cống hiến trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở đại học.

Suốt 10 năm liền (1983 - 1993), bà đảm nhiệm thêm vai trò Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học thuộc Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với cương vị là một nhà quản lý chuyên môn, bà luôn mở rộng sự hợp tác với các đơn vị bạn trong nghiên cứu và đào tạo, đồng thời phối hợp hoạt động nghiên cứu với các đồng nghiệp. Trong khoảng thời gian đó, do yêu cầu về hợp tác quốc tế bà đã phối hợp cùng một số cán bộ như Hữu Đạt, Mai Ngọc Chừ rồi Diệp Quang Ban hoàn thành một bộ sách dạy tiếng Việt 3 tập dùng làm tài liệu giảng dạy cho học sinh Campuchia. Bà được phong học hàm Phó giáo sư năm 1984, Giáo sư năm 1991. Cho đến nay, bà vẫn là nữ giáo sư duy nhất trong toàn ngành Ngôn ngữ học Việt Nam.

Điều đáng nói về cuộc đời GS. Hoàng Thị Châu là bà phải sống trong một hoàn cảnh không thuận lợi, nhưng lúc nào bà cũng biết gạt chuyện riêng để nghĩ tới việc chung. Bà có thiệt thòi là gặp cảnh đời tư trắc trở, nhưng chưa bao giờ có ai nghe thấy một lời than thở nào ở bà. Cặm cụi làm khoa học, đồng lương ít ỏi, chắt chiu nuôi 2 con trai trưởng thành, bà không mấy khi có thời gian để chăm lo cho cuộc sống riêng của mình. Vậy mà, trong cuộc đời, lúc nào bà cũng đàng hoàng. Đàng hoàng trong lối sống. Đàng hoàng trong ứng xử với học trò và đồng nghiệp. Đàng hoàng trong nhân cách khoa học. Với người dưới, bà bao giờ cũng tận tình giúp đỡ. Với người trên bà không bao giờ xu nịnh, xuôi chiều. Nhẹ nhàng trong giao tiếp, lịch sự trong cử chỉ, nhưng bản lĩnh trong khoa học, tự bà đã tạo ra một cá tính, một bản sắc riêng trong cuộc đời hoạt động khoa học. Con người bà là sự kết hợp hài hoà cái phẩm chất can trường của cô nữ du kích và sự duyên dáng của cô nữ sinh giàu tâm hồn, mơ ước của thành phố Huế mộng mơ. Chính sự kết hợp này làm cho bà có đủ bản lĩnh vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống riêng tư mà vẫn giữ được trạng thái cân bằng, năng động trong tư duy. Bởi thế, nhìn vào hành trình khoa học của bà, nhiều đấng "anh hùng" của phái mày râu phải sửng sốt. Trong mấy chục năm, bà đã cho xuất bản 7 cuốn sách (thuộc các lĩnh vực khác nhau như: giáo trình, chuyên luận, từ điển) và công bố 56 bài báo (không tính những năm trở lại đây). Với một nhà khoa học nữ, con số trên quả là một kỷ lục không mấy ai đạt tới. Nó làm cho nhiều người phải kính nể, nhất là trong ngành ngôn ngữ học. Bà là tấm gương sáng cho tinh thần lao động cần cù, sự học hỏi không mệt mỏi. Với những công lao to lớn ấy, bà đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005.

Những năm gần đây, GS. Hoàng Thị Châu đã nghỉ hưu, nhưng bà vẫn luôn luôn quan tâm đến nhiều vấn đề của địa danh học, vấn đề chuẩn hoá địa danh. Tuổi cao mà sức không yếu, bà vừa gánh trên vai trách nhiệm người mẹ, người bà, lại vẫn không từ bỏ lòng say mê của một người làm công tác nghiên cứu khoa học. Bà vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng và cứ sau một thời gian bà lại có một bài nghiên cứu gửi đăng tạp chí hay đọc trong hội nghị khoa học. Ngoài ra, mỗi khi Bộ môn cần sự hỗ trợ nhân sự bà vẫn tham gia hướng dẫn hoặc phản biện các luận án tiến sĩ, luận văn cao học hoặc khoá luận tốt nghiệp của sinh viên. Mỗi khi có hội nghị khoa học ở Trường, ở Khoa, bà vẫn có mặt tham gia dù có hay không có bài viết. Với bà, mỗi lần vào Khoa là một lần bà được sống lại thời kỳ sôi nổi, trẻ trung của cuộc đời dạy học. Nơi đây không chỉ là một tổ ấm mà bà gắn bó gần như suốt cả cuộc đời với các bạn đồng nghiệp mà còn là nơi bà có nhiều kỷ niệm với các thế hệ học trò. Có biết bao lớp người đã lần lượt trưởng thành từ đây, có một phần đóng góp của bà. Trong đó, có nhiều người ngày nay trở thành các nhà văn, nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy đại học, nhà quản lý... Bất cứ ai, mỗi khi nhắc đến cái tên Hoàng Thị Châu đều có một cảm giác gần gũi, kính trọng. Có thể nói, bà vừa là một nhà giáo mẫu mực vừa là một nhà khoa học luôn làm việc không mệt mỏi. Sự nghiệp của bà xứng đáng là một sự nghiệp có tầm vóc trong ngành Ngữ học Việt Nam./.

Hữu Đạt
(Nguồn: 100 Years-VietNam National University, HaNoi)
 


Một số hình ảnh về GS.TS.NGND Hoàng Thị Châu 

  NGND Hoàng Thị Châu (bên trái) và NGND Lê Hồng Sâm tại buổi gặp mặt 
Mừng xuân Giáp Ngọ (2014) 

GS.TS Hoàng Thị Châu và các đồng nghiệp tại Lễ Kỷ niệm 55 Khoa Ngữ Văn, 2011 (ở giữa, hàng đầu) — tại Trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia Hà Nội.


 GS.TS Hoàng Thị Châu tại HTKH Quốc tế về Giảng dạy và Nghiên cứu NNH ở Việt Nam tại Trường ĐHKHXHNV, 11/2011 (hàng trước, ngoài cùng bên phải) — tại Trường Đại học KHXH & NV - Đại học Quốc gia Hà Nội.


GS. TS Hoàng Thị Châu đi du Xuân cùng các cán bộ, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, 2/2014 (ở giữa, hàng đầu) — tại Chùa Bà Đanh- Hà Nam.

2 nhận xét :

  1. Thành kính phân ưu cùng gia đình giáo sư Hoàng thị Châu. Một nhà giáo nhân dân đích thực. Cầu mong linh hồn bác sớm về cõi vĩnh hằng.

    Trả lờiXóa
  2. THÀNH KÍNH PHÂN ƯU CÙNG GIA ĐÌNH GIÁO SƯ!

    Trả lờiXóa